28/11/2024

Đổ nợ vì… đâm trâu

Sau nhiều năm tổ chức lễ đâm trâu, nhiều hộ gia đình dân tộc Xê Đăng (H.Nam Trà My, Quảng Nam) vẫn chưa trả hết số nợ đã vay để mua lễ vật.

 

Đổ nợ vì… đâm trâu

 

Sau nhiều năm tổ chức lễ đâm trâu, nhiều hộ gia đình dân tộc Xê Đăng (H.Nam Trà My, Quảng Nam) vẫn chưa trả hết số nợ đã vay để mua lễ vật.

 

 

 

Lễ đâm trâu của người dân tộc Xê Đăng do một hộ gia đình đứng ra tổ chức nên rất tốn kém - Ảnh: C.T.V

Lễ đâm trâu của người dân tộc Xê Đăng do một hộ gia đình đứng ra tổ chức nên rất tốn kém – Ảnh: C.T.V

Người Xê Đăng quần tụ sinh sống dưới chân núi Ngọc Linh tại 3 xã: Trà Nam, Trà Linh, Trà Cang. Theo phong tục, những ngày đầu xuân, khắp các nóc đều tổ chức lễ hội đâm trâu để cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Khác với nhiều dân tộc khác, lễ đâm trâu của người Xê Đăng mặc dù là một lễ hội của cộng đồng nhưng lại chỉ do một hộ dân đứng ra lo liệu từ đầu đến cuối.
Nhà nghèo lễ hội
Có điều lạ là những gia đình đứng ra tổ chức lễ đâm trâu ngoài những nhà có tiền của còn có cả những nhà có người thân đang ốm đau. Theo người dân Xê Đăng, đâm trâu là một cách chia của để thần linh không quở phạt, bài trừ bệnh tật.
Trước ngày khai hội chính thức khoảng 1 tuần, gia đình chủ lễ phải nhờ cả chục thanh niên khỏe mạnh đến nhà dựng cây nêu. Trong khoảng thời gian chuẩn bị, người tham gia phục vụ không được về nhà để không làm mất đi tính linh thiêng của nghi lễ. Cho nên, gia chủ phải nuôi ăn những người này, có khi đến cả 10 ngày ròng rã. Trong khi đó, chủ nhà phải lặn lội đi khắp các nóc lân cận hoặc có khi sang tận Kon Tum để tìm mua trâu. Con trâu sẽ được hiến tế cho thần linh thường là trâu đực khỏe mạnh. Ngoài ra, người đứng ra tổ chức lễ phải mua thêm lợn, hàng chục ché rượu cần, hàng chục bao lúa rẫy… để thết đãi dân làng trong hai ngày lễ chính thức.
Đầu năm 2015, bà Nguyễn Thị Kim Hương (56 tuổi, tại nóc Măng Noa, thôn 5, xã Trà Nam) – một giáo viên về hưu, đứng ra tổ chức lễ đâm trâu với sự tham gia của khoảng 200 người. Xong xuôi lễ tiệc, bà Hương tốn khoảng 50 triệu đồng. “Đây đã là lần thứ 3 mẹ tôi tổ chức lễ đâm trâu, cầu bình an cho nóc. Cũng nhờ bà ấy có lương hưu nên xoay tiền được. Chứ như vợ chồng nhà tôi, làm lễ đâm trâu đã lâu rồi mà tiền nợ ngân hàng vẫn chưa trả được…”, Nguyễn Thị Kim Nga (33 tuổi, con ruột bà Hương, sống cùng nóc) than thở.
Ba năm trước, người nhà chị Nga thường xuyên đau ốm. Chị cùng chồng là Hồ Văn Định (34 tuổi) bàn nhau tổ chức lễ đâm trâu để xua đuổi tà ma, cầu an cho gia đình thoát cảnh bệnh tật. Tuy nhiên, suốt 3 năm qua gia đình chị Nga phải gồng mình trả mà vẫn chưa dứt cảnh nợ nần. “Tính đi tính lại, lễ đâm trâu tốn 60 – 70 triệu đồng. Giờ nợ ngân hàng 15 triệu mà 3 năm rồi chỉ trả được lãi thôi”, chị Nga cho biết.
 

Trong lễ hội đâm trâu còn có nhiều rượu cần càng trở thành gánh nặng cho các hộ nghèo Xê Đăng - Ảnh: Hoàng SơnTrong lễ hội đâm trâu còn có nhiều rượu cần càng trở thành gánh nặng cho các hộ nghèo Xê Đăng – Ảnh: Hoàng Sơn
“Tuyên truyền miết nhưng không giảm được”
Theo tập tục của người Xê Đăng, nhà nào tổ chức đâm trâu trên 3 lần là những gia đình thuộc hàng giàu có, quyền uy và thuộc hàng có “máu mặt” trong cộng đồng. Có gia đình dù không khá giả gì nhưng để nâng cao uy tín của mình trong làng nên vẫn “chạy” tiền để tổ chức lễ. Nếu hộ dân nào trong nhà có đến 5 bộ sừng trâu thì sẽ được “phong” thành già làng. Không ít người cố gắng tổ chức lễ đâm trâu mong nhận được sự trọng vọng của những nóc khác.
Ông Hồ Văn Víu, Phó chủ tịch UBND xã Trà Nam, thừa nhận việc nợ nần của người dân để có tiền cho lễ đâm trâu là có thật. Ông Víu cho biết năm 2014, trong xã có 5 thôn thì có đến 16 hộ dân đứng ra tổ chức lễ hội này. “Qua vận động, tưởng năm nay giảm, ai ngờ cùng thời điểm Tết Nguyên đán, bà con các thôn tổ chức đâm đến 19 con trâu”, ông Víu nói.
Tết vừa rồi, trong những thôn tại xã Trà Nam thì thôn 2 là địa phương tổ chức nhiều lễ đâm trâu nhất, hoành tráng nhất với 5 con trâu đực. Theo tính toán của ông Víu, mỗi con trâu hiện có giá trung bình khoảng 20 triệu đồng. Nhiều gia đình phải “chạy” tiền hoặc đem cồng, chiêng, ché đổi trâu về. “Nhiều gia đình vay nhà nước để tổ chức lễ hội, nợ gốc không trả nổi rồi lâm nợ nần”, ông Víu nói và cho biết thêm: “Xã có 700 hộ thì có hơn 65% là hộ nghèo. Biết lễ đâm trâu tốn kém, dân mình khó khăn, xã tuyên truyền miết nhưng không giảm được. Đã thành phong tục rồi, không bỏ được”.
Tương tự, khi được hỏi vì sao không vận động người dân cộng đồng chung tay tổ chức lễ hội nhằm giảm gánh nặng tài chính cho từng hộ gia đình, ông Dương Trinh, Trưởng phòng VH-TT H.Nam Trà My, cũng “kêu khó”. “Huyện ghi nhận thực tế này và thường xuyên phân tích mặt hại, mặt được để tuyên truyền, vận động. Nhưng tập tục đâm trâu của người Xê Đăng là một lễ hội, mang tính tâm linh cổ truyền có từ lâu đời, đã ăn sâu vào tiềm thức của họ… Người dân tộc Ca Dong và Xê Đăng rất nặng nề vấn đề này. Không riêng gì ở Nam Trà My mà ở Tây nguyên cũng vậy nên rất khó bỏ tập tục này”, ông Trinh nói.
Tốn hàng tỉ đồng cho việc đâm trâu
Tại các xã Trà Cang, Trà Linh, người Xê Đăng cũng tổ chức lễ đâm trâu vào dịp đầu xuân với trên dưới 10 con trâu/xã. Tính trung bình lễ hội tiêu tốn khoảng 50 triệu đồng thì người dân các xã này đã tốn hàng tỉ đồng cho việc đâm trâu.

Hoàng Sơn