Đường Tản Đà bị chiếm dụng làm bãi giữ xe – Ảnh: Đ.H
|
Trách nhiệm quản lý của chính quyền cơ sở
|
|
Các phường không thể nói là không hay biết gì !
Theo đại biểu HĐND TP Lâm Thiếu Quân, tình trạng bức xúc này diễn ra công khai, thường xuyên trên đường phố nên trách nhiệm quản lý địa bàn của cấp cơ sở rất lớn. Lãnh đạo các phường không thể nói là không hay biết gì. Cơ quan chức năng các quận, huyện cũng cần làm rõ có hay không một số cá nhân có trách nhiệm có nguồn lợi riêng nên đã làm ngơ.
|
|
|
Ông Nguyễn Thành Tài, nguyên Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM, nói thẳng: “Thực trạng đó là không hay. Nó làm xấu đi nét đẹp trong sinh hoạt của người dân, ảnh hưởng đến trật tự an ninh và văn minh đô thị ở TP. Do đó không thể để tình trạng này tồn tại như Thanh Niên đã phản ánh. Nếu đúng như báo phản ánh là những tay đầu gấu, những tay anh chị có máu mặt ngang nhiên bắt chẹt người dân như vậy thì chẳng khác nào tình trạng vô chính phủ, muốn làm gì thì làm, bất chấp và xem thường trật tự kỷ cương trước mặt các cơ quan quản lý nhà nước”.
Theo ông Tài, từ những phản ánh của báo chí, chính quyền các quận, huyện cần phải chủ động chỉ đạo, phối hợp với các lực lượng chức năng như GTVT, CSGT, thanh tra giao thông, đặc biệt là chính quyền cấp phường… tiến hành kiểm tra trên từng tuyến phố để xử lý với thái độ hết sức kiên quyết để dẹp bỏ ngay tình trạng gây bức xúc này.
“Nếu như TP đã có quy định cho phép sử dụng một phần lề đường của một số tuyến phố để giữ xe mà không làm ảnh hưởng đến việc lưu thông xe cộ, thì tại sao không giao cho lực lượng công ích của Thanh niên xung phong đứng ra tổ chức giữ xe theo giá cả quy định, đồng thời phải thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm những bãi giữ xe theo kiểu ngang nhiên, tự phát như báo đã phản ánh”, ông Tài nói thêm.
Theo một cán bộ Sở GTVT, việc cấm hay cho phép đậu xe trên đường được TP quản lý rất chặt để đảm bảo nguyên tắc là không làm ảnh hưởng đến vấn đề lưu thông. Trên cơ sở đề xuất của quận, huyện với sự phối hợp rà soát, kiểm tra, tham mưu của Sở GTVT, Ban An toàn giao thông, công an… và khi được UBND TP cho phép, thì mới được hình thành điểm đậu xe trên đường. Những điểm được phép đậu xe hiện nay trên các tuyến đường, khu vực công cộng do trật tự đô thị hoặc lực lượng Thanh niên xung phong TP trực tiếp quản lý, tuỳ theo đặc thù từng quận, huyện. “Về nguyên tắc, đường nào đã đặt biển báo cấm đậu xe để đảm bảo an ninh trật tự, giao thông thì không được phép đậu, còn những nơi không đặt biển cấm thì người dân được phép và không phải trả tiền theo kiểu bị trấn lột như thế”, vị này nói.
Dẹp ngay để người dân không còn bị “trấn lột”
Bà Huỳnh Thị Thảo, Chủ tịch UBND Q.5, hoan nghênh Báo Thanh Niên đã phản ánh về tình trạng ngang nhiên “bán” chỗ đậu xe. Bà Thảo cho biết ngay sau khi báo phản ánh, UBND quận đã tổ chức họp khẩn để chấn chỉnh kịp thời. “Trước đây tình trạng này đã từng xảy ra trên địa bàn quận và chúng tôi đã xử lý nhưng nay lại tái diễn. Đây là một tồn tại phải sớm được giải quyết triệt để. Để bảo vệ quyền lợi cho người dân và đảm bảo trật tự kỷ cương đô thị, quận sẽ dẹp ngay để người dân không còn bị trấn lột gây bức xúc nữa. Quận cũng sẽ truy trách nhiệm cụ thể của người đứng đầu chính quyền cơ sở (các phường – PV) trong việc buông lỏng quản lý”, bà Thảo kiên quyết.
Ông Phạm Thành Kiên, Chủ tịch UBND Q.1, cũng khẳng định đây là vấn đề không thể chấp nhận. “Chúng tôi hoàn toàn không đồng tình với kiểu bán chỗ đậu xe trên đường phố như vậy. Đây là một vấn đề không ổn. Những cá nhân (bán chỗ đậu xe – PV) đó là ai mà dám coi thường pháp luật như vậy. Quận đã cử lực lượng chức năng chốt chặn, kiểm tra để dẹp bỏ. Nếu tiếp tục vi phạm thì quận xử lý ở mức độ cao hơn là truy cứu trách nhiệm hình sự”, ông Kiên cho biết.
Tôi có ý kiến
Nếu báo không lên tiếng thì không xử lý à ?
Đó là một trong những ý kiến của bạn đọc gửi về toà soạn sau khi đọc bài Chính quyền địa phương không biết (!?) đăng trên Thanh Niên ngày 10.3.
Đối phó, hình thức quá !
Chả lẽ sự việc xảy ra sờ sờ trên địa bàn của mình mà mình không biết? Chẳng qua là vì nhiều lý do, trong đó không loại trừ việc “bảo kê”. Ông nào cũng nói là “sắp tới chúng tôi sẽ phối hợp xử lý”. Vậy xin hỏi: Nếu báo không lên tiếng thì không xử lý à?
Xảy ra ở nhiều nơi
TP.HCM, Hà Nội và cả ở Đồng Nai, Bình Dương… cũng đều có “thành phần phức tạp” đứng ra thu tiền chỗ đậu xe kiểu như vậy, như bài báo nêu. Ai đã dung túng cho những thành phần này, họ lấy lý do gì để thu tiền bất hợp pháp? Theo tôi, cần có quy định, quy hoạch về chỗ đậu xe rõ ràng, cập nhật trên website cho người dân biết.
Không nộp tiền là bị đập xe !
Ai cũng nói là chẳng sao nhưng nếu không nộp tiền cho bọn này thì xe chắc chắn không nguyên vẹn với bọn chúng. Thế nào cũng bị móp đuôi, bể kính, trầy xước sơn… Thật bất an!
Chỉ cần quyết tâm
Nên xử lý triệt để tình trạng này, nếu không những bất ổn kiểu như vậy sẽ khiến cho hình ảnh TP.HCM mất vẻ đẹp. Tôi không tin là không dẹp được nạn lộng hành như vậy, chỉ cần chính quyền các địa phương quyết tâm thì việc này không khó.
Thật khó tin khi chính quyền các địa phương nói rằng không biết. Còn để xảy ra tình trạng “mua đường” như vậy, rõ ràng việc quản lý của chính quyền tại nơi đó quá yếu kém, cần phải xem xét lại năng lực.
BÙI PHƯỚC TÙNG DƯƠNG (Q.Tân Bình, TP.HCM)
Những sai phạm như vậy nếu không sớm chấn chỉnh sẽ gây bất bình cho nhiều người dân. Về lâu dài, chính những vụ việc đơn lẻ kiểu thế sẽ hình thành nên băng nhóm, tổ chức, gây bất an trong xã hội.
DƯƠNG VĂN ĐỒNG (Q.12, TP.HCM)
|
An Phong – Bùi Chiến (thực hiện)
|
BAN CTBĐ (tổng hợp)
|