27/11/2024

Khắp nơi ‘cháy’ vắc xin

Tình trạng khan hiếm vắc xin dịch vụ “5 trong 1” và “6 trong 1”… tiếp tục diễn ra trên cả nước.

 

Khắp nơi ‘cháy’ vắc xin

 

 

Tình trạng khan hiếm vắc xin dịch vụ “5 trong 1” và “6 trong 1”… tiếp tục diễn ra trên cả nước.

 

 

Rất đông phụ huynh đưa con đến tiêm ngừa tại Viện Pasteur TP.HCM chiều 6.3 Rất đông phụ huynh đưa con đến tiêm ngừa tại Viện Pasteur TP.HCM chiều 6.3 – Ảnh: Lương Ngọc

Chiều 6.3, nhiều điểm tiêm chủng tại TP.HCM dán thông báo hết các loại vắc xin “5 trong 1”, “6 trong 1”, thuỷ đậu… Nhiều phụ huynh đưa con đến nhưng ra về vì không có vắc xin để tiêm.

“Vắc xin hết lâu rồi”

Viện Pasteur TP.HCM dán hẳn một bảng thông báo ở quầy tiếp nhận “Hết vắc xin “5 trong 1”, vắc xin ngừa viêm phổi phế cầu, viêm gan B trẻ em”. Tương tự, Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng dán thông báo “Hết vắc xin “6 trong 1”, “5 trong 1”, “4 trong 1”, phế cầu, viêm não Nhật Bản”. Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM thì dán thông báo hết các loại vắc xin ngừa thuỷ đậu, vắc xin viêm phổi, viêm màng não mô cầu AC. Đa số phụ huynh hỏi các nhân viên y tế khi nào có vắc xin lại thì tất cả đều nhận được câu trả lời là “không biết, cứ lưu lại số điện thoại trước khi đi cứ gọi đến hỏi trước”.

Thông báo hết vắc xin tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM chiều 6.3 Thông báo hết vắc xin tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM chiều 6.3 –  Ảnh: Lương Ngọc

Cùng thời điểm, tại Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội (70 Nguyễn Chí Thanh), ghi nhận của PV Thanh Niên cho thấy nhiều người đến hỏi về vắc xin “5 trong 1”, “6 trong 1”, thì nhận được câu trả lời “lạnh tanh” của nhân viên trực: “Vắc xin hết lâu rồi, không biết khi nào có, không có vắc xin thay thế”. Chúng tôi tiếp tục đến điểm tiêm 135 Lò Đúc (của Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư quản lý) và 131 Lò Đúc (thuộc Công ty sản xuất vắc xin Polyvax, Bộ Y tế) nhưng cũng chỉ nhận được câu trả lời “hết vắc xin”!

 
 

Người dân Đà Nẵng đổ xô đưa con đi tiêm ngừa

 

Theo Trung tâm y tế dự phòng TP.Đà Nẵng, từ ngày 28.2 đến 6.3, bình quân mỗi ngày có từ 200 – 300 người đưa con đến đây tiêm ngừa, gây nên tình trạng chờ đợi rất mệt mỏi cho các bậc phụ huynh và những cháu nhỏ. Sở dĩ người dân đến tiêm ngừa dịch vụ đông là do lo ngại trước thông tin dịch thủy đậu đang bước vào mùa, có nguy cơ bùng phát. Trung tâm không thiếu vắc xin, nhưng các loại “6 trong 1”, “5 trong 1” thì còn rất ít và có nguy cơ hết trong vài ngày tới.

 

 Diệu Hiền

 

Theo phản ánh của anh Quang (ở Q.Hà Đông), con trai nhỏ của anh đã tiêm mũi vắc xin “6 trong 1” từ trước Tết Ất Mùi, đến nay đã 3 tháng nhưng chưa tiêm lại được do điểm tiêm dịch vụ tại Q.Hà Đông không có vắc xin. Anh Quang cho biết anh liên tục điện thoại đến một số điểm tiêm dịch vụ trên địa bàn Hà Nội nhưng không có gì ngoài câu trả lời lạnh nhạt “Hết vắc xin!”. “Theo tôi, chất lượng tiêm dịch vụ cần được chấn chỉnh bởi vì nhân viên tư vấn không hề hướng dẫn có thể tiêm thay thế bằng vắc xin nào. Tôi tìm hiểu có vắc xin đơn liều (viêm gan B) hay “3 trong 1” (phòng bạch hầu – uốn ván – ho gà). Tất nhiên có thể tăng số lần tiêm nhưng ít ra cũng cho các cháu được tiêm đúng hẹn, tránh bị mắc bệnh. Các điểm tiêm dịch vụ chưa làm hết trách nhiệm trong việc đảm bảo an toàn của trẻ, mặc dù người dân phải chi trả 500.000 – 600.000 đồng/mũi tiêm và đi lại, chầu chực rất vất vả”, anh Quang bức xúc.

“Bộ Y tế không có quyền…”

Trả lời Thanh Niên, ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội, thừa nhận vắc xin “5 trong 1” đang hết hàng.

“Vừa mới về vài trăm liều vắc xin “6 trong 1”, nhưng việc phân bổ số vắc xin này rất đau đầu bởi số lượng khiêm tốn trong khi nhu cầu lớn hơn nhiều, không đủ tiêm cho các trẻ. Khan hiếm vắc xin “5 trong 1” và “6 trong 1” dự báo sẽ còn xảy ra trong năm nay bởi ngay từ đầu năm 2015 các nhà cung cấp đã thông báo, do chuyển địa điểm nhà máy sản xuất, do nhu cầu vắc xin của các quốc gia tăng cao”, ông Cảm nói.

Riêng tại Hà Nội, hằng năm ước có khoảng 10 – 20% trong tổng số 150.000 trẻ dưới 1 tuổi tiêm dịch vụ. “Các gia đình có thể tiêm thay thế vắc xin “5 trong 1” Quinvaxem tại các trạm y tế xã, phường do Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia cung cấp miễn phí, loại này cũng phòng 5 bệnh giống như vắc xin “5 trong 1” dạng dịch vụ”, ông Cảm hướng dẫn.

Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu, các nhà cung cấp vắc xin hiện mới cam kết cung cấp 380.000 liều vắc xin “6 trong 1” và 250.000 liều vắc xin “5 trong 1” tiêm dịch vụ trong năm 2015 – con số này quá nhỏ so với nhu cầu. Ông Phu lo ngại: “Thực tế đã ghi nhận các trường hợp trẻ mắc bệnh do gia đình chờ đợi vắc xin dịch vụ, không được tiêm đúng lịch cho trẻ”.

Phó cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) Nguyễn Tất Đạt thông tin: “Về vắc xin dịch vụ, Bộ Y tế chỉ là cơ quan cấp phép chứ không có quyền bắt buộc các công ty phải nhập khẩu vắc xin dịch vụ. Vì vậy chỉ khi các cơ sở y tế đặt hàng các doanh nghiệp dược thì họ mới bắt tay vào sản xuất. Do đó, độ lùi thời gian giữa lúc nhu cầu rộ lên cho đến khi được cung cấp đến các cơ sở tiêm dịch vụ thông thường phải 3 tháng nên sẽ xảy ra khan hiếm cục bộ vắc xin”.

Tuy nhiên, theo ông Đạt, Bộ Y tế vẫn đảm bảo số lượng, chất lượng các vắc xin phòng bệnh trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Ngoài ra, Bộ Y tế là đầu mối đề xuất Chính phủ đưa thêm vắc xin vào Chương trình tiêm chủng mở rộng.

Liên Châu – Lương Ngọc