01/11/2024

Nguy hiểm từ việc chia sẻ thuốc chữa bệnh

Việc dùng thuốc chữa bệnh kiểu dùng lại toa thuốc cũ hoặc dùng thuốc do người khác mách khiến nhiều trường hợp bị ngộ độc thuốc rất nguy hiểm.

 

Nguy hiểm từ việc chia sẻ thuốc chữa bệnh

 

Việc dùng thuốc chữa bệnh kiểu dùng lại toa thuốc cũ hoặc dùng thuốc do người khác mách khiến nhiều trường hợp bị ngộ độc thuốc rất nguy hiểm.

 

 


 

 

Việc dùng toa thuốc cũ để mua thuốc uống hoặc chia sẻ toa thuốc cho người khác gây ra những hậu quả không lường – Ảnh: Hữu Khoa

Nhiều người khi bị chóng mặt, nhức đầu, sốt, ho… không đi khám bác sĩ mà dùng lại toa thuốc cũ hoặc dùng thuốc theo kiểu người này mách cho người kia. 

Khoảng giữa tháng 2 vừa qua, bà T.N. (53 tuổi, ngụ TP.HCM) đi cấp cứu trong tình trạng khó thở, mắt sưng to, khắp người nổi mẩn đỏ sau khi uống viên Advil Liqui-Gels do đồng nghiệp đưa để chữa nhức đầu.

“Bác sĩ Google” cũng gây nguy hiểm không kém khi nhiều người lạm dụng mạng Internet để tìm cách chữa bệnh cho trẻ thay vì đưa trẻ đến bác sĩ.

Bà con nên nhớ Internet chỉ là nơi để tham khảo thông tin vì có nhiều cách chữa bệnh trên Internet chưa được kiểm chứng

Bác sĩ CK II NGUYỄN MINH TIẾN

Ngộ độc hoặc khiến bệnh nặng hơn

Khi uống viên thuốc nói trên, bà N. không biết loại thuốc giảm đau này có chứa ibuprofen, một hoạt chất có trong Alaxan mà bà đã sử dụng trước đây và bị dị ứng nhẹ khiến mắt đỏ, khó chịu.

Khi cấp cứu cho bà N., bác sĩ phải truyền nước, cho uống thuốc giải và yêu cầu nằm lại bệnh viện để theo dõi.

Theo các bác sĩ, khi cơ thể đã dị ứng với một thành phần nào của thuốc mà sau đó tiếp tục sử dụng loại thuốc này thì có thể xảy ra những biến chứng vô cùng nguy hiểm, thậm chí gây chết người.

Bác sĩ Trương Thế Hiệp, phó khoa cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết nhiều trường hợp bị ngộ độc thuốc, sốc phản vệ phải đi cấp cứu là do người bệnh sử dụng toa thuốc của người khác hoặc nghe truyền miệng dân gian để tự chữa bệnh thay vì đi khám tại các cơ sở y tế.

Ông kể trường hợp chị N.N.A. (26 tuổi, ngụ H.Nhà Bè, TP.HCM) thường bị đau bao tử và được một người quen cho uống loại thuốc kèm theo lời giới thiệu “hàng Hong Kong, uống vào lập tức hết đau”.

Thuốc này dạng bột, được đóng trong hũ inox màu xanh với mùi khá hăng. Ngay sau khi uống thuốc này, chị A. có cảm giác khó chịu và liên tục nôn ói nên phải đi cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Bác sĩ Hiệp cho biết thêm có trường hợp bệnh nhân đau xương khớp sau lần khám ở một bệnh viện lớn và thấy bệnh thuyên giảm nhiều liền chia sẻ toa thuốc cho người hàng xóm cũng bị đau xương khớp.

Người hàng xóm này có tiền sử bệnh tim, uống vô chẳng những không hết đau xương khớp mà còn khiến bệnh tim nặng hơn do tác dụng ngoài ý muốn của thuốc!

Bác sĩ CK II Nguyễn Minh Tiến – trưởng khoa hồi sức tích cực và chống độc Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) – cho biết nhiều bệnh nhi bị ngộ độc thuốc, sốc thuốc do người nhà tự ý mua thuốc cho uống hoặc cho các cháu uống nhầm thuốc.

“Có bé bị nhức răng, sau khi uống thuốc do phụ huynh tự mua từ hiệu thuốc bé phải nhập viện cấp cứu do ngộ độc thuốc” – bác sĩ Tiến kể.

Theo bác sĩ Hiệp, các loại đông dược đều có tác dụng tốt và không tốt dù sử dụng ngoài da hay đưa vào cơ thể. Nếu sử dụng đông dược không đúng cách như đắp các loại lá cây khi bị rắn, côn trùng cắn cũng dẫn đến dị ứng…

Biểu hiện ngộ độc và cách xử lý

Theo các bác sĩ, tuỳ theo dược tính của thuốc mà người bệnh có những biểu hiện ngộ độc khác nhau như ói mửa, hoa mắt, buồn nôn, chóng mặt, rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp. Bên cạnh đó cũng cần để ý dấu hiệu dị ứng toàn thân như nổi mề đay, ngứa, phù mặt, phù mi mắt.

Các biểu hiện ngộ độc thuốc ở thể nhẹ người bệnh có cảm giác khác thường (bồn chồn, hốt hoảng, sợ hãi…), tiếp đó có các biểu hiện bên ngoài như mẩn ngứa, ban đỏ…, mạch nhanh nhỏ khó bắt, huyết áp tụt có khi không đo được.

Nặng hơn nữa là biểu hiện của trụy mạch: khó thở, nghẹt thở, đau quặn bụng, đau đầu, đôi khi hôn mê hoặc vật vã, giãy giụa, co giật…

Trường hợp nặng, bệnh nhân có thể bị hội chứng Steven Johnson gây thương tổn toàn bộ hệ thống da và niêm mạc như loét môi, tróc da, chảy máu đường tiêu hoá.

Bệnh nhân bị hội chứng này sau khi dùng thuốc phải điều trị tại bệnh viện rất lâu vì chứng này khó chữa, chi phí điều trị và nguy cơ tử vong cao.

Các bác sĩ lưu ý khi bệnh nhân có biểu hiện ngộ độc cần loại bỏ chất độc bằng mọi cách như bỏ ngay các loại lá đang đắp, nôn ói để thải các loại thuốc đã uống. Các thao tác này cần được thực hiện càng sớm càng tốt và trong vòng bốn tiếng đối với các loại thuốc uống.

Sau bốn tiếng, thuốc đã hấp thu vào ruột non, không sử dụng các cách thông thường như nôn ói được nữa. Lúc này cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất trong thời gian sớm nhất.

Đặc biệt, các bác sĩ lưu ý tuyệt đối không xử trí bằng cách cho bệnh nhân uống các loại nước chanh, nước đậu xanh hay tự ý ra nhà thuốc mua thuốc về giải độc.

DIỆU NGUYỄN – BÌNH MINH