27/11/2024

Lễ hội sẽ đi về đâu?

Chú trọng phần lễ, đề cao sự thiêng liêng, trả lễ hội về cho cộng đồng… là những đề xuất của các chuyên gia.

 

Lễ hội sẽ đi về đâu?

 

 Chú trọng phần lễ, đề cao sự thiêng liêng, trả lễ hội về cho cộng đồng… là những đề xuất của các chuyên gia.

 

 


 

 

Lễ hội khai ấn đền Trần diễn ra vào 14, 15 tháng giêng hằng năm. Theo các nhà văn hóa, lễ hội này rất mơ hồ trong lịch sử nhưng đã trở thành “nóng bỏng” hiện nay. Trong ảnh là cảnh chen nhau tranh ấn tại lễ hội năm ngoái – Ảnh: Nguyễn Khánh
Ảnh: Đăng Nam
Ảnh: Đăng Nam

* TS TRẦN ĐỨC ANH SƠN (phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội Đà Nẵng):

Xin đừng làm “rùm beng”

Lễ hội là một di sản văn hóa phi vật thể được sáng tạo, bảo tồn và phát sinh trong cộng đồng. Có một thời gian khá dài, người ta

không quan tâm đến vấn đề lễ hội. Sau đó lại cho mở ra một cách rất ồ ạt. Theo thống kê hiện ở VN có trên 8.000 lễ hội.

Và khi tổ chức một cách ồ ạt như vậy, phần lớn người tham gia hụt hẫng không biết đâu là gốc, đâu là cái mới sáng tạo, lắp ghép thêm. Từ đó sinh ra các biến tướng, các biểu hiện lệch lạc trong khi tham gia lễ hội.

Người quản lý và tổ chức lễ hội cũng không có đủ kiến thức nền tảng về văn hóa, thậm chí hiểu nhầm. Khi đã hiểu nhầm, không nghiên cứu bài bản thì người ta sẽ tạo ra những cái mới và cho rằng nó có từ trong lễ hội trước đây.

Rồi tìm cách bao biện, tuyên truyền, trình diễn và trục lợi. Lấy ví dụ lễ hội cướp ấn đền Trần, từ một câu rất mơ hồ trong Đại Việt sử ký toàn thư, nhưng người ta đã tiến hành một hoạt động cụ thể. Bởi vì nó có lợi cho nhiều nhóm lợi ích khác nhau…

Hiện nay, phần nhiều người ta đi dự lễ không phải bằng cái tâm thành kính, hướng về cội nguồn, mà mang tính chất vụ lợi, để cầu điều gì đó rất cụ thể cho bản thân, gia đình, cho phe nhóm của mình…

Vì vậy người ta sẵn sàng làm theo lời ai đó nói rằng như thế là có lợi lộc như nhét tiền vào tay Phật, tượng thánh. Cứ nghĩ rằng dương sao thì âm cũng vậy. Tính chất vụ lợi bị xã hội hiện nay đặt quá cao.

Truyền thông cũng góp một phần trong chuyện này. Ví dụ lễ hội cúng đình là một sinh hoạt văn hoá bình thường của cộng đồng làng, không cần truyền thông phải tung hô lên.

Khi những sinh hoạt văn hóa vốn bình thường được “thổi” bằng truyền thông thì người tổ chức cảm thấy làm thế nào đó xứng đáng hơn để lên sóng truyền hình.

Vậy là làm thêm cái này, bỏ cái kia, sáng tạo ra thêm cờ, thêm băngrôn biểu ngữ… Theo tôi nghĩ cần phải trả lễ hội về để cộng đồng tổ chức. Truyền thông nên xem rằng đó là một sự kiện bình thường, như là đời sống tâm linh của người dân, không có gì phải “rùm beng” lên.

Khác với phía Bắc, những lễ hội từ miền Trung trở vào, nhất là ở Huế chưa bao giờ mất đi, nó liền mạch vì không bị cấm đoán. Người dân xem đó là một sinh hoạt bình thường trong đời sống tâm linh của họ, không có gì phải vồ vập.

Có những lễ hội, trước đây những vị bô lão đứng ra làm chánh tế, đọc chúc văn. Đến năm vừa rồi trở lại, tôi thấy lớp trung niên thay thế làm chánh tế, họ kế thừa một cách tự nhiên và có hiểu biết nên không bị đứt đoạn, biến tướng.

Đặc biệt ở Huế, nằm trong vùng văn hoá rất đặc biệt, từ đó sinh ra tâm tính của người Huế bình lặng, không phô phang, tham dự lễ hội bằng cái tâm cầu nguyện an lành chứ không vụ lợi.

Đây cũng là vùng đất kinh kỳ với tính chất tao nhã rất cao, cho nên họ cố gắng giữ nghi lễ một cách bài bản. Ở đây phần lễ nhiều hơn hội.

Tính chất trang nghiêm được duy trì từ đời này qua đời khác, ít khi bị phá vỡ.

Ảnh: Thái Lộc

* Nhà nghiên cứu NGUYỄN XUÂN HOA (giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Huế, nguyên giám đốc Sở Văn hoá- thông tin Thừa Thiên – Huế):

Trả cho cộng đồng và đừng chính trị hoá

Từ trong truyền thống, lễ hội là hiện tượng văn hoá cộng đồng được lưu truyền rất nhiều đời, luôn thể hiện sự tôn kính đối với những bậc tiền nhân quan trọng, những anh hùng hay thần thánh.

Ngày xưa phần lớn các lễ hội gắn với cộng đồng nhỏ như làng xã, trừ những danh sơn thắng tích hay linh thiêng đặc biệt người ta mới có những lễ hội lớn vượt ra khỏi quy mô làng xã trở thành lễ hội lớn của toàn khu vực và quốc gia.

Bất cứ lễ hội nào theo truyền thống phải được tiến hành bằng nghi thức rất trang trọng, có tính điển lệ rất chặt chẽ, từ cúng tế, trang phục và người tham dự, nhất là với lòng thành.

Điều đáng buồn là đã có thời các lễ hội truyền thống bị phê phán, coi rẻ rúng, cấm đoán. Nhiều nơi các nghi thức đã bị mai một. Các ý nghĩa văn hoá đạo đức gắn liền với lễ hội cũng bị phai nhạt trong người dân.

Thậm chí một số nơi ở miền Bắc khi phục dựng lễ hội họ không còn biết trang phục ngày xưa như thế nào, nghi thức ra sao… Và họ đi xem những nơi khác để bắt chước hoặc tự sáng tạo.

Sau đổi mới, hiện tượng lễ hội được phục dựng một cách tràn lan. Có lẽ ai cũng bất ngờ trước con số thống kê của ngành văn hoá hằng năm có khoảng 8.000 lễ hội.

Cách đánh giá đó rất sai lầm, vì nhiều lễ hội gắn liền với những cộng đồng rất nhỏ, dành cho thành viên trong một làng xã là chính. Cần phải phân biệt lễ hội gắn liền với cộng đồng dân cư làng xã, lễ hội có quy mô vùng, có quy mô quốc gia…

Một hiện tượng khác là hầu hết địa phương đều muốn tạo ra lễ hội cho đặc sắc của vùng miền mình. Và người ta “nống” lên, biến lễ hội của làng xã thành lễ hội của vùng, của khu vực.

Thay vì lễ hội được tổ chức với điển lệ, nghi thức rất thành tâm của người trong cuộc thì các cấp chính quyền lại can thiệp vào.

Thậm chí người ta gán thêm những giá trị chưa từng có vào lễ hội đó. Điển hình nhất là lễ hội khai ấn đền Trần ở Nam Định, hoàn toàn phi lịch sử, không có yếu tố lịch sử nào khẳng định ngày xưa đó là khai ấn của nhà Trần, mà chỉ là khai ấn của khu đền này cho các đền nhỏ.

Vậy mà người ta biến nó ra thành của quốc gia.

Người tham dự thì hoàn toàn không hiểu gì về ý nghĩa văn hoá, đạo đức của lễ hội. Ví dụ như ý nghĩa của bà Chúa Kho ngày xưa người ta thờ cúng người đã tận tuỵ công việc canh giữ cái kho của triều đình. Bây giờ thành nơi để cầu lợi lộc.

Những nghi thức tế lễ, điển lệ truyền thống bị phai nhạt bây giờ được phục dựng một cách hết sức tuỳ tiện. Ví như lễ Tịch điền vừa chiếu trên truyền hình: con trâu thì được vẽ loè loẹt, người đóng vai Lê Đại Hành thì thậm chí đi hia vàng để cày ruộng, rất buồn cười…

Những hình thức tùy tiện như vậy, từ người tổ chức, chỉ đạo nó lan truyền ra, kích thích xu hướng giành giật cầu khẩn một cách mê lầm, mê tín. Lễ hội đang bị thương mại hoá, nơi nào cũng muốn tổ chức để tạo nguồn thu…

Để hạn chế tình trạng nói trên, theo tôi, phải dừng ngay hiện tượng các cấp chính quyền tác động vào những lễ hội truyền thống của các cộng đồng cư dân làng xã hay cộng đồng tín ngưỡng. Đặc biệt không nên gắn yếu tố nghi lễ truyền thống với yếu tố chính trị hiện đại.

Đừng biến cái đó thành một giá trị để tuyên truyền, và càng không nên có xu hướng xem lễ hội như là một giá trị độc đáo mà địa phương mình cần phải có. Nên có những nghiên cứu để phục dựng lại những điển lệ, nghi thức có giá trị về văn hoá, đạo đức của lễ hội.

Tất nhiên lễ hội ngày nay chắc chắn mang hơi thở của thời đại rồi, nó không thể cứng nhắc như ngày xưa. Nhưng nếu phát triển thì chỉ có thể theo hướng nâng cao những giá trị truyền thống chứ không phải sáng tạo ra những giá trị mới. 

Ảnh tư liệu

* NSND, đạo diễn ĐÀO TRỌNG KHÁNH:

Vẽ trò cho sinh lợi

Tôi tâm đắc với một ý mà Bác Hồ có nói sau ngày 2-9-1945, là trong công việc giáo dục phải giáo dục lại ý thức của  nhân dân.

Tôi nghĩ bây giờ với tình hình lễ hội bát nháo hiện tại, có lẽ câu nói này vẫn đúng. Hình như chưa bao giờ người ta tranh giành thành xung đột như bây giờ.

Ngày xưa về mặt tâm linh, con người sống trong sạch lành mạnh hơn bây giờ chăng, nên trước cái lộc người ta cũng chân thành hơn chăng?

Bây giờ, lễ chém lợn làng Ném Thượng người ta đua nhau nhúng tiền vào máu lợn có phải vì người ta tham lam hơn xưa? Chứ tôi nghĩ bản chất ban đầu của lễ hội ấy chỉ là sự biểu dương hành vi dũng mãnh.

Còn bây giờ, lòng tham phát triển mạnh, không ai giáo dục cho người ta bớt tham đi.

Người ta cứ sa vào vật chất, tranh cướp vì mong mình có nhiều lộc hơn, lợi hơn, ngay cả may mắn cũng hi vọng cướp được nhiều hơn người khác.

Con người đang biến ý nghĩa thiêng liêng của lễ hội trở thành những suy nghĩ thiển cận về vật chất mà vật chất thì đơn giản là hơn – thua, tôi hơn được anh là tôi được lợi. Ít ai còn nghĩ sâu xa như ngày xưa, nghĩ cái tinh thần như ngày xưa.

Như lễ hội Tịch điền, ngày xưa vua xuống ruộng vì người ta đặt tất cả niềm tin vào đó bởi nước mình là nước nông nghiệp, vua cày đầu năm mong mùa màng no ấm cho dân. Còn bây giờ người ta không tin, nhưng người ta lại muốn diễn.

Tôi cho rằng việc gãy cày ở lễ hội Tịch điền vừa rồi nó chứng minh cho việc khi mình không có niềm tin thì không có năng lượng để điều khiển cái cày nên cái cày gãy cũng dễ hiểu. Khi thiếu niềm tin thì làm sao thiêng liêng được?

Mà lễ hội không thể không thiêng liêng và khi nó biến thái, mất đi sự thiêng liêng nữa thì nó không còn sự hiền hoà như ngày xưa.

Sự phục dựng ồ ạt lễ hội bây giờ tôi thấy không có lễ mà nặng phần hội, các cụ gọi là vẽ trò cho vui, vẽ trò cho sinh lợi.

Chữ nghĩa ngày xưa chỉ có chữ lễ chứ không có chữ hội, các cụ nói tiên học lễ, cái hội chỉ để truyền bá cái lễ. Một khi hội không còn lễ nữa thì lễ hội như ta gọi chỉ còn mang ý nghĩa tạp kỹ, giải trí mà thôi.

Sư tử đá bị xem là ngoại lai vẫn xuất hiện tại thiền viện Trúc Lâm Yên Tử – Ảnh: Tiến Thắng

Khai hội Yên Tử, sư tử đá ngoại lai vẫn chưa dời

Ngày 28-2 (mùng 10 tháng giêng), lễ hội Yên Tử đã khai mạc song tại chùa Lân và trước cửa ga cáp treo Yên Tử vẫn còn sự xuất hiện những cặp sư tử đá ngoại lai, dù trước đó Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái có chỉ đạo di dời các linh vật này trước mùa lễ hội 2015.

Tại khu vực thiền viện Trúc Lâm Yên Tử (chùa Lân), hai đôi sư tử đá khối lượng lớn với hình dáng dữ dằn, nhe nanh vẫn hiện diện ngay lối vào.

Bên trong, những cặp sư tử bằng đá trắng với kích thước lớn vẫn chưa được di dời theo tinh thần buổi làm việc của đoàn kiểm tra Bộ VH-TT&DL với ban tổ chức lễ hội và Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ninh ngày 30-1.

Ông Hà Quang Long, giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ninh, cho biết:

“Cách đây bốn ngày, UBND tỉnh cùng với Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ninh có buổi làm việc với trưởng ban quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử về vấn đề di dời sư tử đá. Ông trưởng ban đã hứa sẽ khắc phục tình trạng này trong 1-2 ngày tới”.

Ông Vũ Đức Yêm, trưởng ban quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử, xác nhận đã có buổi làm việc với đại diện chùa Lân, nhà chùa cũng có đề nghị di chuyển sư tử đá sau thời điểm lễ hội để trước mắt tập trung cho công tác chuẩn bị lễ hội và kinh phí do nhà chùa tự bỏ ra.

Ghi nhận của phóng viên Tuổi Trẻ trong ngày khai hội, nhiều xe biển số xanh các tỉnh, thành như Hòa Bình, Tuyên Quang, Hải Phòng… vẫn xuất hiện dù không có bảng đại biểu khách mời do ban tổ chức cấp, không đỗ trong khu vực xe đại biểu theo quy định mà nằm rải rác bên ngoài các bãi xe.

ĐỨC HIẾU – TIẾN THẮNG

Nhà nghiên cứu HUỲNH NGỌC TRẢNG:

Chủ nghĩa thực dụng hai mặt đang lên ngôi

Trong mặt bằng xã hội đương đại, chủ nghĩa thực dụng hai mặt đang thống trị. Theo đó, người ta không theo đuổi giá trị nào cả, mà đồng nhất lợi ích, đặc biệt là lợi ích vị kỷ với cái đúng. Cuộc sống thế tục như vậy thì đời sống tâm linh cũng vậy.

Người đi lễ hội bây giờ cũng theo đuổi nhu cầu thực dụng chứ không theo đuổi giá trị nào hết. Do đó, những giá trị tâm linh chánh tín không còn được quan tâm: đi cầu cúng tại các lễ hội thành ra “hối lộ thần thánh” là chính, tức là coi thế giới tâm linh cũng như thế giới thế tục.

Vấn đề nổi bật ở đây là cường độ theo đuổi tham niệm đến mức người ta tranh đoạt bằng bạo lực, tức là chiếm đoạt bằng mọi giá. Cái đó vốn rất xa lạ trong bối cảnh văn hóa tâm linh. Vì đâu có tình trạng này? Theo tôi, đó là hệ quả của thái độ sống hư vô về luật pháp.

Như chúng ta thấy, nguyên lý là mọi người sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, song trong thực tiễn cuộc sống hằng ngày có quá nhiều thông tin và vô số những điều trước mắt cho thấy việc thi hành luật pháp không nghiêm minh, cá nhân, tổ chức thi hành luật pháp tự “làm luật” rất nhiều và áp đặt điều đó lên công dân. Đó là tiền đề để nảy sinh thái độ hư vô về luật pháp.

Mặt khác, những giềng mối ở thế gian không còn làm cho người ta phát sinh niềm tin và mỗi cá nhân là một nhân cách nhị trùng.

Trước kia thì tiến thân lập thân bằng kiến thức, bằng tài đức, bây giờ thì không còn được như vậy, người tốt, liêm khiết không được hưởng cái lẽ công bằng cơ bản. Cho nên một số người chấp nhận chủ nghĩa thực dụng hai mặt để cầu danh mưu lợi bằng mọi giá, kể cả việc cầu viện từ những điều mê tín vu vơ cực kỳ lạc hậu.

Khi những nỗ lực chân chính của bản thân mỗi người không đạt được kết quả về thăng tiến, không phải một hai trường hợp mà đã thành phổ biến, thành lệ, làm người ta mất niềm tin. Như vậy người ta nghĩ rằng tương lai của mình hẳn do số phận hoặc ở đâu quyết định chớ không phải ở những luật lệ công bằng chính đáng của xã hội này.

Từ đó, người ta tìm tới những thứ khác, kiểu như tin rằng khi có được cái tờ giấy đóng dấu ấn đền Trần và nhiều thứ tương tự là sẽ được thăng tiến vậy.

T.LỘC – L.ĐIỀN – C.KHUÊ ghi