Nói khó, nuốt khó phải làm sao?
Âm ngữ trị liệu (ANTL) đã đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc điều trị và phục hồi những khó khăn về giao tiếp và nuốt, nhất là với những người sau tai biến và trẻ bị nói ngọng, nói đớt…
Nói khó, nuốt khó phải làm sao?
Âm ngữ trị liệu (ANTL) đã đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc điều trị và phục hồi những khó khăn về giao tiếp và nuốt, nhất là với những người sau tai biến và trẻ bị nói ngọng, nói đớt…
ThS Lê Khánh Điền cùng tình nguyện viên tại lớp mỹ thuật điều trị cho bệnh nhân (giữa) – Ảnh: Quang Định |
Anh Nguyễn Hữu Việt (Đồng Nai) có một đứa con trai. Năm bé 4 tuổi, anh phát hiện con không phát âm rõ tiếng (một dạng nói ngọng) nhưng nhiều người bảo là sau một thời gian sẽ tự khỏi. Đến năm 5 tuổi, tình trạng của con anh vẫn không thuyên giảm mà còn nặng hơn.
Nghe ai chỉ bệnh viện nào, anh đưa con đến bệnh viện đó. Hành trình đưa con đi chữa trị ròng rã 10 năm trời nhưng gần như không kết quả. Mỗi lần nhìn con cực khổ gồng lên để nói, lưỡi không đánh được, hàm không cử động để phát âm thành tiếng, cả gia đình rất đau lòng.
Rơi nước mắt khi con nói được
Mãi đến năm con được 15 tuổi, nghe một người giới thiệu có thể trị bệnh cho con ở đơn vị ANTL Bệnh viện An Bình (TP.HCM), anh Nguyễn Hữu Việt đã đưa con đến. Sau hai năm điều trị ở đây, tình trạng con anh đã cải thiện rất nhiều.
“Từ một đứa trẻ tự ti, nhút nhát nay con đã mạnh dạn bắt chuyện với người khác, nói chuyện nhiều hơn, gia đình hiểu được nhu cầu của con nhiều hơn” – anh Việt cho biết.
Thứ hai hằng tuần, anh Việt đưa con đến bệnh viện để tập nói và phát âm, thứ sáu tham gia lớp học vẽ điều trị – lớp học này là một trong những phương pháp điều trị khá hiệu quả và được bệnh nhân tham gia rất tích cực.
Trong thời gian đưa con đi khám bệnh, để tiết kiệm chi phí hai cha con đi bằng xe buýt. Từ lúc lên xe đến khi tới bệnh viện con anh nói liên tục, nói không tròn vành rõ chữ lại còn nói to, nói nhiều nhưng anh không cảm thấy xấu hổ với những người xung quanh mà mừng rơi nước mắt.
Ông Lê Cao Nguyên (61 tuổi, ở Vũng Tàu) đến với đơn vị ANTL của Bệnh viện An Bình chỉ mới tám tháng nhưng đã được cải thiện rất nhiều so với khi bị tai biến đến mức không nói được vào năm 2008.
Dù còn nói khó khăn, nói chậm, nhưng với ông đó là niềm vui lớn bởi vẫn còn nói được suy nghĩ của mình chứ không phải ôm suy nghĩ trong lòng mà ứa nước mắt.
“Suốt hai năm sau khi bị tai biến, tôi cảm thấy cuộc sống này không còn ý nghĩa gì, muốn làm gì cũng không được, muốn tâm sự cũng không ai có thể nghe vì không nói được, những suy nghĩ trong đầu cứ chạy nhưng miệng cứ im và nước mắt cứ chảy” – ông Nguyên tâm sự.
Gia đình: then chốt trong việc phục hồi
ThS Lê Khánh Điền, trưởng đơn vị ANTL Bệnh viện An Bình, cho biết ANTL đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc điều trị và phục hồi những khó khăn về giao tiếp và nuốt.
Rối loạn giao tiếp ở người lớn thường gặp trong những trường hợp tổn thương não do đột quỵ, chấn thương sọ não do tai nạn giao thông hoặc viêm não.
Những người này có thể gặp khó khăn trong các vấn đề diễn tả thông tin bằng lời nói hoặc chữ viết, nghe hiểu hoặc đọc hiểu. Sự bế tắc trong giao tiếp hằng ngày gây ra lúng túng, căng thẳng cho người bệnh lẫn người nhà, lâu ngày có thể dẫn đến trầm cảm.
Việc xác định được bệnh nhân gặp vấn đề gì ở vùng ngôn ngữ để có phương pháp điều trị thích hợp phụ thuộc rất nhiều vào chuyên viên ANTL.
Chẳng hạn, một bệnh nhân bị rối loạn ngôn ngữ do đột quỵ có thể vẫn tiếp nhận thông tin tốt qua nghe và đọc nhưng không làm cách nào để truyền đạt lại suy nghĩ của mình do “hệ thống xử lý thông tin bị tắc nghẽn”.
Trong trường hợp này, nhiệm vụ của chuyên viên ANTL là giúp bệnh nhân phục hồi khả năng diễn đạt ngôn ngữ bằng phác đồ điều trị riêng cho từng trường hợp khác nhau.
Việc mất khả năng nuốt sau tai nạn gây chấn thương não hoặc đột quỵ buộc phải đặt ống ăn trong thời gian dài gây mặc cảm, vấn đề thẩm mỹ và không thay thế được dinh dưỡng như bình thường cho bệnh nhân.
Khi bệnh nhân bị rối loạn nuốt, bằng nhiều phương pháp, chuyên viên ANTL sẽ xác định nguyên nhân, phát hiện khó khăn và vấn đề của bệnh nhân mắc phải để đưa ra phác đồ thích hợp.
Theo ThS Khánh Điền, giao tiếp bắt nguồn từ gia đình ra xã hội. Vậy nên người thân, gia đình, người trực tiếp chăm sóc người bệnh đóng vai trò cực kỳ quan trọng về vật chất lẫn tinh thần trong quá trình phục hồi cho bệnh nhân.
“Có những lúc con chỉ ú ớ, diễn tả quay cuồng trong tiếng la hét và các động tác chân tay, người ngoài không ai hiểu, chỉ có bố mẹ mới diễn dịch được là con đang cần gì. Vì vậy, đang là công chức nhà nước tôi đã xin nghỉ, mở tiệm ngay tại nhà để tiện chăm sóc con, đưa con đi chữa bệnh và có nhiều thời gian bên cạnh con hơn”- anh Việt chia sẻ.
Rối loạn giọng nói cũng cần trị liệu Rối loạn giọng nói và rối loạn lời nói cũng nằm trong lĩnh vực can thiệp của ANTL. Mất giọng, khàn tiếng là biểu hiện rối loạn giọng nói thường gặp ở những ngành nghề phải nói nhiều như MC, ca sĩ, giáo viên, người bán hàng… Tuy nhiên, giữ gìn dây thanh quản khỏe mạnh không chỉ ở những người có ngành nghề đặc thù mà ở cả người bình thường. Khi cảm thấy có vấn đề về giọng nói phải nghĩ ngay đến việc gặp bác sĩ tai mũi họng, chuyên viên ANTL càng sớm càng tốt. Rối loạn giọng nói còn có thể gặp ở các trẻ nam trong giai đoạn vỡ giọng tuổi dậy thì. Trẻ có giọng nói hệt như bạn nữ, khiến các em tự ti, mặc cảm khi giao tiếp với bạn bè. Những trẻ bị nói ngọng, nói đớt, nói lắp… cũng cần được gia đình quan tâm, can thiệp sớm. |