26/11/2024

Cái chết của sự hiền lành

“Cần phải thổi hồi còi báo động về thói hung hãn đã và đang bùng phát ở một bộ phận giới trẻ, đặc biệt là thanh niên nông thôn”.

 

Cái chết của sự hiền lành

 

 “Cần phải thổi hồi còi báo động về thói hung hãn đã và đang bùng phát ở một bộ phận giới trẻ, đặc biệt là thanh niên nông thôn”.

 

 


 

 

Một vụ đánh nhau ở Cà Mau do mâu thuẫn cá nhân – Ảnh: T.T.D.

Tâm tư nói trên là của anh Trần Kiến Xương – chánh văn phòng Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM, sau khi anh kể cho người viết nghe những vụ án “ngang xương” mà cơ quan anh thụ lý.

Không phải chỉ những ngày tết vừa qua, mà thói hung hãn đó như một đốm lửa âm ỉ trong lòng mỗi người bởi nhiều lý do, rồi men rượu, sự xúc phạm của người khác như một mồi xăng và kết cục là… chất hiền lành trong những thanh niên ấy chết ngay lập tức!

Trai làng hiền lành đã tuyệt chủng?

Con số hơn 6.200 người vì đánh nhau mà phải nhập viện trong mấy ngày tết thật sự đáng báo động. Nhưng cái đáng báo động hơn lại chính là phần chìm của tảng băng nổi có tên “6.200 người đánh nhau” kia.

Anh Trần Kiến Xương cho biết: “Chúng tôi thụ lý nhiều vụ đâm chém nhau mà xót xa trong lòng. Các cháu chỉ bằng tuổi con, cháu mình, thậm chí có khi hai bên lại là anh em chú bác, anh em ruột. Có vụ chỉ vì đứa này chửi đứa khác qua điện thoại mà một đứa thứ ba đang ngồi cùng quán cà phê nghe thấy bực bội quá, ngứa lỗ tai quá liền nhào vô đánh cái đứa đang chửi đó… Nhiều vụ đâm chém, giết nhau chỉ vì những lý do… nhỏ hơn con kiến, hoặc có khi cái lý do đó không thể được coi là lý do nữa”.

Khoảng chục năm trở lại đây, khi các tỉnh miền Tây bắt đầu xây dựng nông thôn mới, những quy hoạch đường sá nội xã, nội thị được thực thi, những mảnh đất vốn là ruộng đồng nay thành chợ/siêu thị trong xã/huyện, đặc biệt là những vùng ven đô, gần thị tứ đột ngột trở thành nửa chợ nửa đồng thì thanh niên những khu vực đó cũng “đột ngột dữ dằn”.

Chú Ba Sĩ, một người dân ở huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng, trầm ngâm: “Giải toả, đền bù, ruộng thành đường, tụi nó lấy tiền đi ăn nhậu, mua xe, say xỉn đua xe… Đi làm công nhân thì lương ít quá, hổng chịu làm… Đi tới chỗ nào thấy đường mới thì chỗ đó có mấy thằng choai choai phá làng phá xóm à”.

Bạn Út Nhỏ, ở huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu, nói: “Em sợ mấy bạn lắm, hồi nhỏ học chung cấp I, đứa nào cũng hiền ơi là hiền, bây giờ dữ như quỷ… Uống rượu vô là đánh lộn, hồi đầu đánh lộn vui thôi, giờ đánh là đem dao phay”. Út Nhỏ nói về đám bạn học của mình, cô đang theo học trung cấp kế toán ở thị xã Bạc Liêu, nay lên thành phố Bạc Liêu nhưng cô vẫn hay gọi là thị xã.

Hiện tượng đã quá rõ ràng, “triệu chứng bệnh hung hãn” đã quá rõ ràng, như vậy nguyên nhân là gì?

Bác Tám Bình, một lão nông tri điền ở Lấp Vò, Đồng Tháp – một trong những địa phương “đóng góp đáng kể” vào con số hơn 6.200 người nhập viện vì đánh nhau – nói: “Đổ cho hiện đại hoá nông thôn kể cũng không đúng. Quan trọng là nếp nhà, ba má tụi nó lơ là dạy dỗ, rồi nhiều đứa không có việc làm, đứa có việc làm thì không như ý, rồi nông thôn đâu có cái gì giải trí, hổng lẽ suốt ngày ôm cái tivi, đá gà, nhậu nhẹt thành thứ giải trí. Hễ có chút hơi rượu vô thì mấy cái thứ ấm ức nó thành lời, tửu nhập ngôn xuất mà, đứa nào uống rượu vô cũng thấy mình thành anh hùng, mình anh hùng sao chịu được thằng kia đòi hơn mình, vậy là… đánh!”. Lời của lão nông tri điền nghe tưng tửng mà ngẫm kỹ thấy xót… 

Hát hò, mời nhậu cũng đổ máu!

Theo Cơ quan cảnh sát điều tra (PC45), Công an TP Cần Thơ, đó là hai vụ giết người xảy ra tại Q.Cái Răng có nguyên nhân do nhậu, hát karaoke ầm ĩ và một vụ xảy ra tại Q.Thốt Nốt do điện thoại rủ nhậu mà không nghe máy. Hai đối tượng Ngô Quang Út và Lê Minh Thế đã bị công an bắt khẩn cấp sau khi gây án.

Theo PC45, vào tối 16-2 (28 tết), anh Phạm Văn Trung (ngụ phường Phú Thứ, Q.Cái Răng) qua nhà hàng xóm ăn tiệc thôi nôi, tại đây có tổ chức hát nhạc sống nên Trung ở lại hát hò đến 11 giờ khuya. Lúc này đối diện bên kia sông có tiếng nói vọng qua “Biết bây giờ là mấy giờ không mà ca hát hoài?”, thế là hai bên xảy ra cự cãi.

Nhóm của Trung điên tiết vì bị “mất hứng văn nghệ” nên bơi xuồng, lội sông qua tìm người cự cãi với mình để đánh. Do không tìm được người cự cãi với mình nên Trung lớn tiếng chửi bới, dùng cây đập vào hàng rào nhà của anh Ngô Quang Út nên xảy ra mâu thuẫn với anh này.

Nhóm của Trung trên đường bơi xuồng về thì anh Út nói vọng qua sông rằng sẽ méc cha của Trung nên anh này quay xuồng ngược lại để “xử” Út. Nghi phạm Út vào nhà lấy cây chĩa dùng để đâm dừa khô chạy ra, khi xuồng của anh Trung vừa tấp vào bờ thì hai bên xảy ra xung đột, Út dùng chĩa đâm vào ngực khiến anh Trung tử vong tại chỗ.

Còn tại Q.Thốt Nốt, vào trưa 20-2 (mùng 2 tết), Lê Minh Thế ngồi lai rai với bạn trong một quán nhậu nên điện thoại bốn lần cho anh Nguyễn Văn Trinh đến cùng nhậu, nhưng anh Trinh không bắt máy. Sau đó Thế thuê một người chạy xe ôm đến nhà anh Trinh xem có ở nhà hay không.

Khi anh xe ôm báo là anh Trinh đang ở nhà nhưng không chịu ra nhậu thì Thế rất tức giận. Trên đường nhậu về Thế quyết định ghé chợ mua hai con dao và chạy thẳng đến nhà anh Trinh đâm chết anh này khi đang nằm đưa võng. 

Rượu bia làm mờ lý trí!

Cứ nhìn vào “thành tích” người VN đã chi 3 tỉ USD cho hơn 3 tỉ lít bia/năm là đủ thấy… ớn lạnh. Tai nạn giao thông và đâm đánh nhau cũng theo đó tăng lên tỉ lệ thuận. Tiêu thụ thức uống có cồn mạnh cỡ đó mà không gây tai họa mới là chuyện lạ!

Xin đừng vội đổ lỗi cho giáo dục. Môn đạo đức trước đây và giáo dục công dân hiện nay luôn dạy học sinh phải trở thành người biết yêu thương, giúp đỡ mọi người. Kinh Thánh mong muốn giáo dân sống tốt đời đẹp đạo.

Triết lý nhà Phật luôn nhắc nhở người ta đề cao chữ “nhẫn”. Ngày tết số lượng người đến lễ chùa có lẽ còn đông hơn đi du lịch. Vậy tại sao cách hành xử mang đầy tính bạo lực vẫn tăng?

Tôi còn nhớ những năm 1970, 1980 ở miền Bắc kinh tế còn khó khăn, người dân mướt mồ hôi lo miếng ăn chưa đủ, lấy đâu tiền uống rượu. Vậy nên hồi ấy cả năm trời trong huyện nơi gia đình tôi sinh sống không hề xảy ra vụ đánh nhau nào. Bộ máy chính quyền địa phương lúc ấy còn rất “mỏng”.

Có mâu thuẫn gì phát sinh cũng đều được nội bộ gia đình, hàng xóm chủ động dàn xếp ổn thỏa. Không có “rượu vào” nên chẳng có “lời ra”. Lúc ấy tôi từng lạc quan rằng việc nước ta theo kịp các nước tiên tiến chắc không còn bao lâu.

“1.001 lý do để… đánh đấm” (Tuổi Trẻ 25-2) không còn là chuyện mới vì nó xảy ra hầu như quanh năm. Trong dịp Tết Nguyên đán lại càng gia tăng do người ta được nghỉ, lại có điều kiện “chính đáng” nạp rượu bia nhiều hơn ngày thường.

Cơ quan chức năng cũng nên thống kê xem có bao nhiêu lít rượu bia được “rót” trong chín ngày nghỉ vừa qua, để thấy tác hại khủng khiếp của nạn say xỉn.

Mới đây, khi chỉ còn cách tết vài ngày, tôi vẫn phải vào bệnh viện thăm một người quen bị xơ gan, bác sĩ nói do anh nhậu nhiều. Anh này đã phải “ăn tết” trong bệnh viện. Không những thế, tôi lại phải đưa đám tang một người quen khác qua đời do uống rượu xong tham gia cuộc “hỗn chiến”. Chưa nói đến việc quá khích dẫn đến mất mạng như người thứ hai, thì người đầu tiên cũng đang lo ngay ngáy vì căn bệnh của mình.

Cũng đừng cho rằng các cơ quan bảo vệ pháp luật làm chưa nghiêm. Phải căn cứ vào tính chất, hành vi của sự việc, ở mức độ nào thì khởi tố hình sự, trường hợp nào sẽ xử lý hành chính đều dựa trên luật định. Không thể giải quyết theo cảm tính – cứ hễ đánh nhau là đi tù.

Đành rằng rượu bia không có lỗi, vấn đề do người sử dụng quá mức cho phép. Song một khi công tác tuyên truyền, vận động chưa làm thay đổi nhận thức của người dân thì cần phải có những quy định cứng rắn hơn.

Ở Singapore, chính phủ nước này đã thể hiện rõ quyết tâm đẩy lùi nạn say xỉn khi đưa ra quy định cấm bán thức uống có cồn từ 23g đến 7g, bất chấp ngành du lịch có thiệt hại hay không. Ý nghĩa nhân đạo của nó đã được “80% dân Singapore ủng hộ dự luật cấm bán rượu bia” (Tuổi Trẻ 29-1).

Ở đảo quốc sư tử này người dưới 18 tuổi đừng có mơ uống rượu. Tôi tin rằng nếu VN cũng làm như vậy, đông đảo người dân sẽ rất đồng tình.

Giải pháp để hạn chế “thói hung hãn” không thiếu, chỉ trông chờ các cơ quan chức năng ra quyết sách. Ở TP.HCM ăn một tô phở hết 20.000 đồng trở lên, nhưng với ngần ấy tiền sẽ uống được hơn hai chai bia. Vì vậy, tăng thuế rượu bia cũng là một cách.

HỮU CHƠN

_________

Bạn đọc quan tâm đến diễn đàn, vui lòng gửi ý kiến về diễn đàn “Thói hung hãn lên ngôi?”[email protected] hoặc TS báo Tuổi Trẻ 60A Hoàng Văn Thụ, P9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM.

TRẦN THỊ HỒNG HẠNH – PHƯƠNG NGUYÊN