Đặt chân lên tàu điện ngầm TP.HCM
Ghi nhận của phóng viên Tuổi Trẻ về mô hình tàu điện ngầm đầu tiên của TP.HCM đặt tại Q.9.
Đặt chân lên tàu điện ngầm TP.HCM
Ghi nhận của phóng viên Tuổi Trẻ về mô hình tàu điện ngầm đầu tiên của TP.HCM đặt tại Q.9.
Mô hình đầu tàu metro tuyến số 1 Bến Thành – Suối Tiên nhìn từ bên ngoài – Ảnh: Thuận Thắng |
Dự kiến đầu tháng 3-2015 người dân sẽ được tham quan mô hình, qua đó góp ý về kiểu dáng và màu sắc để hoàn chỉnh đoàn tàu.
Hitachi là đơn vị thực hiện gói thầu số 3 “mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray và bảo dưỡng” của tuyến metro số 1 Bến Thành (Q.1) – Suối Tiên (Q.9).
Theo ông Bùi Xuân Cường – trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, đầu tháng 3-2015 đơn vị này sẽ mở cửa để người dân vào tham quan và góp ý kiến về kiểu dáng, màu sắc…
Thời gian mở cửa tham quan kéo dài trong ba tháng, sau đó Ban quản lý đường sắt đô thị TP sẽ tổng hợp ý kiến, tiếp thu và đề xuất nhà chế tạo theo yêu cầu.
Tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên có 17 đoàn tàu, mỗi đoàn tàu gồm ba toa chở 930 hành khách – Đồ họa: Như Khanh |
Metro có màu sắc xanh tươi
* TS PHẠM SANH Nên có nhiều phương án để lựa chọn Nhìn qua thì thấy đoàn tàu metro tuyến số 1 đơn giản giống như các tuyến metro hiện nay của Nhật. Đường cong thêm vào phần đèn chỉ tạo ra một đường nét cách điệu cục bộ vui nhộn trước tàu, không “ăn” với cả khung tàu, có lẽ tác giả sáng tác muốn khác với mặt trước các đoàn tàu metro hiện nay của Nhật. Về màu sắc, chọn màu xanh da trời cần phải chú ý các màu sau này của các tuyến metro còn lại (thường là khác màu, mỗi tuyến một gam màu). Do TP.HCM vùng nhiệt đới, không nên quá đơn giản như các vùng ôn đới hoặc hàn đới, theo tôi nên thêm vào các đường sọc hoặc các đường cong cách điệu. Về logo, thường các nước còn số hiệu con tàu và mã hiệu tuyến metro ở mặt trước, nên để logo ở phần thân và logo nên có thêm đơn vị quản lý khai thác sau này. Cũng cần chú ý thêm là sau này có cho quảng cáo hay không. Tóm lại, nên có nhiều phương án để so sánh lựa chọn, không nên chỉ đưa ra một phương án để so sánh. |
Nhận xét về mô hình đầu máy toa xe metro đầu tiên tại TP.HCM, Ban quản lý đường sắt đô thị cho rằng thiết kế ngoại thất đã thể hiện thành công hình ảnh tiên tiến của đoàn tàu metro đầu tiên tại TP.HCM.
Phần đầu máy được bo tròn về phía dưới làm nổi bật hình dáng 3D. Đường cong lớn hơn được thêm vào phần đèn. Thiết kế này tạo ra một cái nhìn sắc nét về tính hài hoà và năng động của đoàn tàu.
Màu xanh da trời được lựa chọn để thể hiện vẻ ngoài tươi trẻ, mạnh mẽ và dễ chịu trong điều kiện môi trường của VN.
Logo “Tuyến đường sắt đô thị số 1 TP.HCM” đặt phía trước và bên hông tàu. Logo mang ký hiệu “01” có ý nghĩa thông báo “tuyến số 01” rõ ràng cho hành khách. Thiết kế tạo ấn tượng, năng động.
Đoàn tàu metro chạy bằng động cơ điện xoay chiều, ba pha 380V, sử dụng cần lấy điện trên nóc toa tàu để lấy điện từ nguồn điện áp 1.500V DC.
Trong giai đoạn 1, đoàn tàu có ba toa xe với tổng chiều dài 61,5m gồm 1 toa Mc (toa có động cơ và cabin), 1 toa T (toa kéo không có động cơ và cabin) và 1 toa Mc.
Trong đó toa Mc dài 20,25m, toa T dài 19,5 m, rộng 2,95m, cao 4,08m (tính từ đỉnh ray đến mui thiết bị điều hòa không khí).
Đoàn tàu có khả năng chuyên chở 930 hành khách, với mật độ hành khách đứng: 8 hành khách/m².
Toa Mc: 304 hành khách (48 hành khách ngồi và 256 hành khách đứng), toa T: 322 hành khách (51 hành khách ngồi và 271 hành khách đứng).
Tàu metro có vận tốc 110 km/giờ ở đoạn trên cao, 80 km/giờ ở đoạn ngầm. Số lượng đoàn tàu là 17 đoàn.
Cửa lên xuống của hành khách được thiết kế với mỗi bên thành toa xe có bốn bộ cửa và có cửa lên cabin.
Cửa thông qua đầu toa xe được thiết kế giữa hai toa xe nhằm đảm bảo an toàn cho hành khách lưu thông, chiều rộng lối đi là 0,9m. Cabin (buồng lái) được bố trí ở hai đầu của đoàn tàu có chiều rộng bằng chiều rộng toa xe và kín hoàn toàn.
Trang thiết bị trong xe gồm ghế ngồi có khoang trống bên dưới được lắp dọc theo thành xe, được chế tạo bằng nhựa gia cường sợi thuỷ tinh.
Tay vịn và móc nắm được lắp đặt trong toa xe để đảm bảo an toàn cho hành khách. Trên toa tàu có bố trí vị trí và thiết bị hỗ trợ cho người khuyết tật (đi xe lăn).
Thi công hàng loạt gói thầu
Theo Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, dự án tuyến metro số 1 đã triển khai thi công 4/5 gói thầu. Gói thầu 1b “xây dựng đoạn metro đi ngầm từ Nhà hát TP đến ga Ba Son” dài 1,8km, trị giá 23,4 tỉ yen Nhật.
Liên danh nhà thầu Shimizu – Maeda (Nhật) đã triển khai thi công từ tháng 8-2014 và đến nay bắt đầu thi công nhà ga Nhà hát TP với bốn tầng ngầm dưới lòng đất.
Gói thầu số 2 “xây dựng đoạn metro trên cao và depot dài 17,1km” trị giá 45,5 tỉ yen Nhật do liên danh nhà thầu Sumitomo – Cienco 6 thi công đại trà từ cuối tháng 4-2013 đến nay đạt khoảng 26% khối lượng.
Trong đó có tổng cộng 11 nhà ga, 5 cầu đặc biệt gồm các cầu Sài Gòn (qua sông Sài Gòn), cầu Văn Thánh qua rạch Văn Thánh – đường Nguyễn Hữu Cảnh, cầu Điện Biên Phủ qua đường Điện Biên Phủ, cầu Rạch Chiếc (qua Rạch Chiếc) và cầu Suối Cái qua rạch Suối Cái.
Công nhân và kỹ sư của gói thầu số 3 bọc các tay cầm để bảo quản – Ảnh: Thuận Thắng |
Gói thầu số 3 “mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe lửa, đường ray và bảo dưỡng” trị giá 39,4 tỉ yen Nhật do nhà thầu Hitachi (Nhật) thực hiện.
Đến nay đã hoàn tất công tác thiết kế sơ khởi các hệ thống phụ, cùng các tiêu chuẩn mới áp dụng và kế hoạch thực hiện. Gói thầu số 4 “hệ thống công nghệ thông tin cho văn phòng công ty vận hành và bảo dưỡng”.
Hiện nay đang triển khai các thủ tục với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) để thu xếp vốn cho gói thầu này.
Gói thầu số 1a “xây dựng đoạn ngầm từ nhà ga Bến Thành (trước chợ Bến Thành) đến ga Nhà hát TP” dài 800m. Đến nay đã hoàn thành thiết kế kỹ thuật và đang trình Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành thẩm tra.
Dự kiến sẽ tổ chức mời thầu vào cuối quý 1-2015 và ký hợp đồng thi công vào cuối năm 2015. Gói thầu của tuyến metro số 1 này sẽ thiết kế sẵn cho các tuyến metro số 2, số 3a và số 4 kết nối vào nhà ga này nhằm tạo thuận lợi cho hành khách đi các tuyến metro khác.
Đồng thời nhà ga ngầm này sẽ bố trí một trung tâm thương mại ngầm tạo thuận lợi cho hành khách mua sắm.
Dự án xây dựng tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên có tổng chiều dài 19,7km, trong đó có 2,9km đi ngầm và 17,1km đi trên cao.
Tổng mức đầu tư dự án là 236,6 tỉ yen Nhật (khoảng 2,4 tỉ USD). Theo kế hoạch, công trình sẽ hoàn thành xây dựng vào năm 2019 và đưa vào vận hành năm 2020.
Đường sắt đô thị Hà Nội chậm và đội vốn Hiện nay, Hà Nội đang triển khai thi công hai dự án đường sắt đô thị là tuyến Cát Linh – Hà Đông (tuyến đi trên cao, công nghệ Trung Quốc) do Bộ GTVT làm chủ đầu tư và tuyến Nhổn – ga Hà Nội (từ Nhổn về đầu đường Kim Mã, điểm đền Voi Phục đi trên cao, từ Kim Mã về ga Hà Nội đi ngầm) do TP Hà Nội làm chủ đầu tư. Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông được khởi công vào tháng 10-2011, có tổng mức đầu tư hơn 552 triệu USD, trong đó vay vốn ODA Trung Quốc 419 triệu USD. Dự kiến tuyến đường khai thác vào tháng 6-2015. Tuy nhiên, vướng mắc về giải phóng mặt bằng và sự phối hợp thực hiện, kinh nghiệm của ban quản lý dự án và năng lực nhà thầu đã khiến dự án chậm trễ và xin tăng tổng mức đầu tư lên 868,04 triệu USD. Sau vụ tai nạn rơi thép làm chết người đi đường và sập giàn giáo khi đang đổ bêtông thi công ga bến xe Hà Đông, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng yêu cầu các bên xây dựng lại tiến độ chi tiết với mốc tháng 10-2015 phải chạy thử đoàn tàu và đến 31-12-2015 phải vận hành thương mại dự án. Còn tuyến đường sắt thí điểm Nhổn – ga Hà Nội dài khoảng 12,5km, phần đi trên cao dài 8,5km và phần ngầm dài 4km. Năm 2010 có tổng mức đầu tư được phê duyệt là 783 triệu euro, trong đó vốn vay ODA (chủ yếu vay của Pháp) là 653 triệu euro. Đến tháng 6-2013, UBND TP có quyết định tăng tổng mức đầu tư lên 1,176 tỉ euro. Trong đó vốn ODA tăng từ 653 triệu euro lên 957,99 triệu euro. Mặc dù được khởi công vào tháng 9-2010 và dự kiến đưa vào sử dụng cuối năm 2015, nhưng thời hạn hoàn thành dự án được UBND TP Hà Nội chốt vào quý 4-2018. |