Cầu đường Bình Triệu 2: Thiếu vốn, phải “bóp đường”
Dự án cầu đường Bình Triệu 2 (TP.HCM) giai đoạn 2 đến nay đã đình trệ 10 năm vì thiếu vốn. Phương án thu hẹp mặt đường được đưa ra…
Cầu đường Bình Triệu 2: Thiếu vốn, phải “bóp đường”
Dự án cầu đường Bình Triệu 2 (TP.HCM) giai đoạn 2 đến nay đã đình trệ 10 năm vì thiếu vốn. Phương án thu hẹp mặt đường được đưa ra…
Xe cộ kẹt cứng trên quốc lộ 13 đoạn qua P.26, Q.Bình Thạnh (TP.HCM) – Ảnh: Hữu Khoa |
Dự án cầu đường Bình Triệu 2 (Q.Bình Thạnh – Q.Thủ Đức, TP.HCM) giai đoạn 2 đến nay đã đình trệ 10 năm vì thiếu vốn. Giờ đây các cơ quan chức năng đang tính đến phương án thu hẹp mặt đường các tuyến đường trong dự án này.
Hiện nay với mặt đường hiện hữu rộng 18-22m cho bốn làn xe lưu thông, quốc lộ 13 (đoạn từ chân cầu Bình Triệu đến cầu Bình Phước – quốc lộ 1, Q.Thủ Đức) đang chịu áp lực giao thông rất lớn và thường xảy ra kẹt xe vì đây là trục đường huyết mạch từ TP.HCM đi các tỉnh miền Đông.
Quốc lộ 13: 10 năm vẫn như cũ
Theo kế hoạch, sau khi hoàn thành dự án cầu đường Bình Triệu 2 (giai đoạn 1) vào năm 2004 sẽ triển khai tiếp dự án giai đoạn 2. Nhưng sau hơn hai năm, chủ đầu tư dự án cũ là Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 rời khỏi dự án cầu đường Bình Triệu 2 (giai đoạn 1).
Đến năm 2007, Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) bắt đầu nghiên cứu đầu tư dự án cầu đường Bình Triệu giai đoạn 2.
Trong đó, đã xác lập tiểu dự án mở rộng quốc lộ 13 dài 5.474m, rộng 53m cho 10 làn xe lưu thông, với tổng vốn đầu tư 1.941 tỉ đồng (xây lắp hơn 351 tỉ đồng và vốn ngân sách lo đền bù giải tỏa hơn 1.580 tỉ đồng).
Tuy nhiên, do thiếu ngân sách đền bù giải tỏa nên dự án tiếp tục “án binh bất động” và chỉ sau bốn năm dự án tăng hơn gấp đôi vốn đầu tư.
Năm 2011, CII xác định tổng mức đầu tư dự án trên là 4.723 tỉ đồng, trong đó vốn xây lắp 950 tỉ đồng và vốn đền bù giải tỏa lên đến 3.773 tỉ đồng.
Trước tình hình nguồn vốn khó khăn, năm 2013 CII tiếp tục đề xuất bóp hẹp lộ giới mở rộng quốc lộ 13 từ 53m xuống còn 42m với vốn đầu tư 3.182 tỉ đồng, trong đó xây lắp hơn 712 tỉ đồng, còn lại là tiền đền bù giải tỏa.
Báo cáo UBND TP vào tháng 11-2014, ông Trần Quang Lâm – phó giám đốc Sở GTVT TP – cho biết do ngân sách TP còn hạn hẹp, khó có thể bố trí tiền đền bù giải toả mặt bằng mở rộng quốc lộ 13.
Cũng theo Sở GTVT TP, với việc thông xe tuyến đường Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – vành đai ngoài (nay là đường Phạm Văn Đồng), nhiều xe đi từ quốc lộ 13 sẽ chuyển sang đi tuyến đường mới này.
Vì vậy, bề rộng quốc lộ 13 hiện hữu (rộng 20m) vẫn có khả năng đáp ứng nhu cầu giao thông đến năm 2020. Điều này có nghĩa là tạm dừng đầu tư dự án mở rộng quốc lộ 13 ít nhất năm năm nữa.
Thu hẹp quy mô đầu tư Báo cáo với UBND TP về dự án đầu tư cầu đường Bình Triệu 2 (giai đoạn 2), ông Trần Quang Lâm – phó giám đốc Sở GTVT TP – cho biết trước mắt chưa đầu tư tiểu dự án nâng cấp mở rộng quốc lộ 13. Dự kiến trong quý 1-2015, trên quốc lộ 13 chỉ đầu tư xây dựng, mở rộng cầu Ông Dầu dài 30m, rộng 23m (hiện cầu cũ rộng 15m, xây dựng thêm hai cầu mới ở hai bên, mỗi cầu rộng 4m). Chưa đầu tư mở rộng đường Nguyễn Xí. Chỉ thực hiện tiểu dự án nâng cấp mở rộng đường Ung Văn Khiêm 27m (mặt đường sáu làn xe, vỉa hè mỗi bên 3m), kinh phí đầu tư khoảng 874 tỉ đồng (chi phí bồi thường khoảng 674 tỉ đồng). Xây dựng nút giao thông Ngã năm Đài liệt sĩ giai đoạn 1 với kinh phí 527 tỉ đồng (chi phí bồi thường gần 330 tỉ đồng). Trong đó CII dự kiến sẽ ứng vốn cho TP thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng và khởi công vào cuối quý 1-2015. Ngoài ra, nâng cấp mở rộng đường Chu Văn An, kinh phí đầu tư 132 tỉ đồng (chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 102 tỉ đồng). Từ đề xuất trên, UBND TP.HCM đã đồng ý và giao giám đốc Sở GTVT TP phối hợp với nhóm công tác tổ chức đàm phán cụ thể với CII. Riêng lộ giới quy hoạch và thiết kế mặt cắt ngang đường Ung Văn Khiêm, UBND TP giao Sở Quy hoạch – kiến trúc TP rà soát, thẩm định để đưa vào phương án đầu tư. |
Bóp hẹp nhiều tuyến đường
Tương tự, các tiểu dự án nâng cấp mở rộng hai đường thuộc dự án cầu đường Bình Triệu 2 (giai đoạn 2) cũng đình trệ vì vốn đầu tư tăng theo thời gian và hiện cũng chưa có tiền đền bù giải toả.
Cụ thể năm 2007, tiểu dự án mở rộng đường Nguyễn Xí (Q.Bình Thạnh) dài 476,5m, lộ giới 30m với kinh phí xây lắp là 19,4 tỉ đồng; tiểu dự án mở rộng đường Ung Văn Khiêm (Q.Bình Thạnh) dài 1,75km, lộ giới 30m với kinh phí xây lắp là 55 tỉ đồng và tổng kinh phí đền bù giải tỏa cho hai dự án trên là 1.580 tỉ đồng.
Đến năm 2011, CII xác định dự án mở rộng đường Nguyễn Xí và xây dựng nút giao thông ngã năm Đài liệt sĩ có vốn xây lắp là 406 tỉ đồng, dự án mở rộng đường Ung Văn Khiêm vốn xây lắp là 130 tỉ và tổng vốn đền bù giải toả cho hai dự án trên là 2.014 tỉ đồng.
Trước tình hình vốn ngân sách khó khăn, giữa tháng 6-2014, CII tiếp tục đề xuất phương án đầu tư thu hẹp lộ giới các tuyến đường trên từ 30m xuống còn 25m.
Theo đó, tổng mức đầu tư đường Nguyễn Xí là 194 tỉ đồng, trong đó xây lắp hơn 34 tỉ, đền bù giải tỏa trên 152 tỉ đồng, còn lại là chi phí khác.
Tổng mức đầu tư đường Ung Văn Khiêm là 785 tỉ đồng, trong đó vốn xây lắp 154,8 tỉ đồng, đền bù giải tỏa 597 tỉ đồng, còn lại là các chi phí khác.
Riêng nút giao thông ngã năm Đài liệt sĩ có tổng mức đầu tư 517 tỉ đồng, kinh phí đền bù giải tỏa 352 tỉ đồng, còn lại là chi phí khác.
Xung quanh việc thu hẹp lộ giới để giảm kinh phí đầu tư, UBND Q.Bình Thạnh thống nhất thu hẹp lộ giới đường Ung Văn Khiêm và Nguyễn Xí từ 30m xuống còn 25m và đề nghị đưa thêm vào dự án này hạng mục mở rộng đường Chu Văn An.
Đồng tình với phương án thu hẹp lộ giới hai tuyến đường trên, Sở Kế hoạch – đầu tư TP cho rằng trong bối cảnh ngân sách TP đang rất khó khăn nên ưu tiên lựa chọn phương án đầu tư có yêu cầu phần hỗ trợ của Nhà nước thấp nhất, vì vậy việc CII đưa ra phương án thu hẹp lộ giới có thể xem xét được.
Tuy nhiên nhiều sở, ngành không đồng tình việc thu hẹp lộ giới. Sở Tài chính TP chọn phương án đầu tư theo đúng quy hoạch lộ giới đã được duyệt và đề nghị Sở GTVT TP xem xét, cân nhắc lựa chọn phương án.
Sở Quy hoạch – kiến trúc TP đề xuất chọn phương án lộ giới quy hoạch của hai tuyến đường trên là 30m nhằm đảm bảo bố trí hành lang lưu thông cho các phương tiện vận tải hành khách công cộng trong tương lai, cũng như đảm bảo kết nối giao thông đường bộ giữa bán đảo Thanh Đa với các khu vực trung tâm khác của TP.
Sở Xây dựng TP cho rằng cần thực hiện đúng quy hoạch lộ giới 30m đã được duyệt cho hai tuyến đường Nguyễn Xí và Ung Văn Khiêm nhằm đáp ứng lưu lượng xe lưu thông, tránh trường hợp giải toả hai lần.
Khu quản lý giao thông đô thị số 2 cũng cho rằng các tuyến đường trên cần thực hiện đúng quy hoạch lộ giới, bởi vì các cơ quan chức năng đã công bố và cấp phép xây dựng cho nhiều hộ dân xây dựng theo lộ giới.
Hơn nữa, đường Ung Văn Khiêm sau khi nâng cấp sẽ cho ôtô lưu thông hai chiều, làm tăng áp lực giao thông tại nút giao thông ngã năm Đài liệt sĩ.
* Ông CHU CÔNG MINH (giảng viên khoa xây dựng, Trường đại học Bách khoa TP.HCM): Cần nghiên cứu, đánh giá kỹ Nguyên tắc quy hoạch, mở rộng một tuyến đường thì yếu tố đầu tiên là đảm bảo sự phát triển giao thông, hạ tầng khu vực lân cận trong tương lai… Dựa vào đó, các nhà quy hoạch xác định tuyến đường này là mở 53m hay 40m. Tuy nhiên, quy hoạch này có thể thay đổi theo hướng mở rộng ra hoặc thu hẹp lại dựa vào việc phát triển các tuyến đường song song và các tuyến đường kết nối cùng yếu tố kinh tế. Ví dụ dự kiến quốc lộ 13 mở rộng đến 53m vào năm 2020, nhưng thực tế có một số tuyến đường kết nối, song song với quốc lộ 13 đã được mở rộng, san sẻ bớt áp lực giao thông với quốc lộ 13 trong tương lai. Vì vậy, thay vì mở rộng 53m, có thể chỉ mở rộng 40m để giảm bớt đền bù mà vẫn đáp ứng lưu thông. Do vậy cần có nghiên cứu, đánh giá hết sức kỹ lưỡng nhằm tránh sự lãng phí trong đầu tư sau này. * KTS VÕ KIM CƯƠNG: Nên giữ quy hoạch cũ Việc quy hoạch mở rộng đường phải dựa vào nhu cầu giao thông chứ không thể dựa theo tình hình kinh phí hạn hẹp rồi bóp đường nhỏ lại. Hơn nữa quốc lộ 13 là trục đường kết nối giữa TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) và TP.HCM mà chưa thấy có tuyến đường nào khác thay thế. Đầu tư mở rộng đường, nhất là đường trong đô thị một lần đã khó, nếu quá trình đầu tư tính toán sai thì sau này muốn đầu tư mở rộng thêm lần nữa càng khó khăn hơn. Lúc đó nếu chọn phương án làm đường trên cao song song với tuyến đường hiện hữu thì chi phí tổng thể vẫn lớn hơn nhiều so với việc đầu tư mở rộng một lần, chưa kể việc đầu tư đường trên cao sẽ chiếm không gian trên cao. Theo tôi, giải pháp đầu tư phân kỳ cho phù hợp tình hình kinh tế cũng không hợp lý. Việc phân kỳ chỉ nên thực hiện ở công trình cụ thể, còn vấn đề giải toả đền bù phải thực hiện một lần. Bởi việc giải tỏa hai lần không chỉ làm phát sinh chi phí cao hơn mà còn đụng tới yếu tố dân sinh. |