Khi người phụ nữ áo trắng bế con rời khỏi căn nhà mà vợ chồng chị đã vét xu cuối cùng trong hộp tiền tiết kiệm để thuê, Manila với cô chỉ còn là nước mắt. Đây là cảnh phim mà nhà sản xuất lừng danh người Anh – Huân tước David Puttnam giới thiệu trong buổi nói chuyện về sản xuất phim của mình tại Hà Nội sáng 26.1. “Chỉ được quay với một máy quay duy nhất, kinh phí thấp, Metro Manila là một bộ phim về tham nhũng. Và cảnh phim này đã chở quá nhiều cảm xúc đến cho khán giả. Một phim nhiều thông điệp mạnh, nhiều chi tiết gai góc”, ông nói.
Từng là giám khảo Liên hoan phim châu Á – Thái Bình Dương APSA, ông cũng cho biết nhận định của mình: “Phim châu Á ngày càng tốt hơn”. Điều này, theo ông sẽ khoả lấp dần khoảng trống ngày càng rộng hơn do phim Hollywood không thể thoả mãn khán giả. Thống kê mà ông đưa ra cũng cho thấy việc xem phim Mỹ giảm tăng trưởng, bù vào đó là sự lớn dần lên của điện ảnh độc lập. Nó sẽ mở cửa cho các nền điện ảnh nhỏ hơn, trong đó có điện ảnh VN.
“Tôi đã xem nhiều phim VN. Những bộ phim này kỹ thuật điện ảnh tốt nhưng hơi thu mình quá”, ông nói. “Chúng ta cần vượt qua chúng ta để đến với khán giả. Dường như chúng ta đã dành quá nhiều năng lượng trong phần mở đầu. Vì thế chúng đôi khi dài quá, và như thể đang giảng dạy cho khán giả vậy”.
Đừng “đổ lỗi” cho khán giả
|
|
|
Chúng ta đừng nên cứ để vỏ bọc thẩm mỹ học ngăn cản bộ phim. Nhiệm vụ của chúng ta là phải nắm tay dắt khán giả vào bộ phim
|
|
|
David Puttnam
|
|
|
Sự thu mình của các bộ phim Việt đã làm hỏng sức bùng cháy, ngăn cản phần nào những khoảnh khắc “có thần” như Metro Manila. Trong khi những tác phẩm điện ảnh sống được phải là như vậy. Vị huân tước nhắc tới những câu chuyện trong phim American Hustle, ở đó 8 câu chuyện của 8 nhân vật đã mô tả cả đất nước Mỹ. “Các nhà làm phim liệu có dám tự hỏi đã đủ sức mạnh, sự quả cảm, tài năng để đẩy kịch tính đi xa như vậy chưa”, ông nói.
“Tôi chưa bao giờ nghĩ mình có thể thay đổi điều gì, tham vọng thay đổi điều gì”, đạo diễn Síu Phạm chia sẻ.
Trên thực tế, đâu phải đạo diễn Síu Phạm bị “níu” lại bởi sự thiếu tham vọng đẩy kịch tính đi xa trong bộ phim, cũng như làm một bộ phim có thể thay đổi nhận thức khán giả. Nữ đạo diễn của Căn phòng của mẹ quan tâm nhiều đến độ vênh thẩm mỹ giữa nhà làm phim và khán giả. Theo bà, sự chênh lệch thẩm mỹ, khó tiếp cận những cách thể hiện nghệ thuật mới là một điểm chưa ổn của khán giả Việt.
Cũng như thế, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chia sẻ sự lo lắng về những khán giả “không thông minh”.
Bản thân ông David Puttnam cũng chiếu một hình ảnh cho thấy độ tuổi của khán giả yêu thích phim nghiêm túc cứ tăng dần lên. Họ đang già đi. Tuy nhiên, điều đặc biệt là ông lại không “đổ lỗi” cho khán giả. “Chúng ta đừng nên cứ để vỏ bọc thẩm mỹ học ngăn cản bộ phim. Nhiệm vụ của chúng ta là phải nắm tay dắt khán giả vào bộ phim”, ông nói.
Cũng theo nhà làm phim này, sản xuất một bộ phim sâu thẳm về giá trị để được Oscar cũng quan trọng như một tác phẩm nổ tung phòng vé. “Tôi chưa bao giờ muốn làm phim chỉ để dự Oscar hoặc chỉ để bán vé cả”, ông nói.
Điều này cũng là mục tiêu mà đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp theo đuổi. “Tôi muốn sản xuất phim độc lập mà vẫn ra rạp được”, nữ đạo diễn của Đập cánh giữa không trung nói.
Có lẽ đã đến lúc phim Việt cần nhìn lại sự ngần ngừ của mình. Các nhà làm phim, bộ máy quản lý chẳng nên tiếp tục để biện minh “phim nghệ thuật, phim phi thị trường” cản đường mình nữa. Khán giả Việt, hơn ai hết, mong chờ những phút giây quả cảm trong phim Việt. “Tôi nghĩ tính kiên cường là điều quan trọng nhất của một nhà làm phim”, Huân tước David Puttnam chia sẻ.