Gắn nghiên cứu với nhu cầu xã hội
Sáng nay (27-1), Đại học Quốc gia (ĐHQG) TP.HCM tổ chức kỷ niệm 20 năm xây dựng và phát triển.
Gắn nghiên cứu với nhu cầu xã hội
Sáng nay (27-1), Đại học Quốc gia (ĐHQG) TP.HCM tổ chức kỷ niệm 20 năm xây dựng và phát triển.
Khu ĐH Quốc gia TP.HCM ở quận Thủ Đức – Ảnh: NHƯ HÙNG |
Theo PGS.TS Phan Thanh Bình, xây dựng nền tảng ĐH nghiên cứu, bước đầu hình thành ĐH nghiên cứu là một trong những nhiệm vụ chiến lược của ĐHQG TP.HCM.
“20 năm qua các nhà khoa học trong toàn hệ thống ĐHQG TP.HCM luôn tìm cách tháo gỡ các rào cản, cơ chế để đưa nghiên cứu từ phòng thí nghiệm tiếp cận với thị trường, gắn nghiên cứu với các nhu cầu của xã hội và doanh nghiệp. Công tác quản lý các nhiệm vụ khoa học và công nghệ được đổi mới theo hướng dựa trên năng lực của tập thể hoặc chủ nhiệm đề tài, hiệu quả hoạt động và đặc biệt là sản phẩm đầu ra” – ông Bình nói.
Sau 20 năm, ĐHQG TP.HCM dần định hình là một ĐH nghiên cứu và đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. ĐHQG TP.HCM xây dựng thành công mẫu hình mới về hệ thống ký túc xá lớn nhất nước (59ha) có khả năng đáp ứng hơn 50.000 chỗ ở cho sinh viên trong và ngoài ĐHQG TP.HCM. Ký túc xá với hai khu A, B cùng 26 tòa nhà và hơn 2.100 phòng đã và đang phục vụ hơn 15.000 sinh viên từ khắp tỉnh thành trong cả nước. Sinh viên nội trú được thụ hưởng những dịch vụ đa dạng: nhà tự học, nhà ăn, căngtin, dịch vụ Internet, WiFi phủ khắp đơn vị, các dịch vụ giải trí (cà phê, phòng chiếu phim 3D, CLB karaoke, sân thể thao…), các tuyến xe buýt nội bộ và xe buýt về trung tâm thành phố. |
Đến nay ĐHQG TP.HCM đã phát triển được đội ngũ cán bộ khoa học, quản lý trình độ cao với nhiều nhà khoa học đầu ngành, đầu đàn có uy tín trong và ngoài nước trên các lĩnh vực: khoa học tự nhiên, kỹ thuật công nghệ, khoa học xã hội – nhân văn, khoa học kinh tế và khoa học sức khỏe phục vụ đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.
Hiện nay, ĐHQG TP.HCM có 35 tổ chức khoa học và công nghệ đang hoạt động theo các mô hình với 10 tổ chức nghiên cứu cơ bản, 17 tổ chức tự trang trải kinh phí hoạt động thường xuyên và tám tổ chức đang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
Năm qua, ĐHQG TP.HCM tập trung đầu tư vào các lĩnh vực cơ khí – tự động hoá, công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ sinh học, mô phỏng tài chính và tính toán định lượng, nghiên cứu biển đảo…
Có 11 dự án phòng thí nghiệm, trong đó đầu tư mới bốn dự án phòng thí nghiệm bao gồm nghiên cứu ung thư, đầu tư phát triển ứng dụng công nghệ in phun để chế tạo linh kiện micro – nano điện tử, phòng thí nghiệm tăng cường năng lực nghiên cứu chiều sâu trong ngành kỹ thuật y sinh, phòng thí nghiệm tính toán hiệu năng cao.
Đứng đầu cả nước về chỉ số xuất sắc Chỉ tính riêng từ năm 2006 – 2013, số lượng bài đăng tạp chí quốc tế của toàn ĐHQG TP.HCM đã tăng gấp gần bốn lần, từ 110 bài năm 2006 lên 412 bài năm 2013. Trong báo cáo mới nhất của Tổ chức SCImago Institution Rankings xếp hạng năng lực khoa học của hơn 5.100 trường ĐH, viện và tổ chức nghiên cứu trên toàn thế giới đến năm 2012, VN có bốn đơn vị có tên trong bảng xếp hạng này (gồm Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ, ĐHQG TP.HCM, ĐHQG Hà Nội và Trường ĐH Bách khoa Hà Nội). Trong đó, ĐHQG TP.HCM xếp thứ hai cả nước về số lượng báo cáo khoa học nhưng lại đứng đầu cả nước về chỉ số ảnh hưởng và chỉ số xuất sắc. |