Những cuốn sách làm “ô nhiễm” người đọc
Nhiều loại sách có nội dung nhảm nhí, phản cảm… xuất hiện gần đây đã khiến những người có trách nhiệm lên tiếng về thực trạng sách làm “ô nhiễm” môi trường đọc.
Những cuốn sách làm “ô nhiễm” người đọc
Nhiều loại sách có nội dung nhảm nhí, phản cảm… xuất hiện gần đây đã khiến những người có trách nhiệm lên tiếng về thực trạng sách làm “ô nhiễm” môi trường đọc.
Ông Lê Hoàng – Ảnh: L.Điền |
Một cuộc toạ đàm do Hội Xuất bản VN và Sở Thông tin – truyền thông TP.HCM phối hợp tổ chức sẽ khai mạc sáng 21-1 với nội dung bàn bạc các giải pháp nhằm hạn chế sách xấu – các ấn phẩm được xem đã “làm ô nhiễm” môi trường đọc trong thời gian qua.
Ông Lê Hoàng – phó chủ tịch Hội Xuất bản VN phụ trách phía Nam – vừa có cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ trước buổi tọa đàm.
* Với vai trò là người nêu ý tưởng cho cuộc tọa đàm “Những quyển sách làm “ô nhiễm” môi trường giáo dục thanh thiếu niên – thực trạng và giải pháp”, ông có thể cho biết tình hình xuất bản của ta vừa qua đã có những “ô nhiễm” gì khiến Hội Xuất bản và Sở Thông tin – truyền thông phải tổ chức cuộc toạ đàm này?
– Tôi muốn khẳng định sự tiến bộ rõ rệt của hoạt động xuất bản sách với ngày càng nhiều các đầu sách phong phú về nội dung, đa dạng về chủng loại đề tài. Tuy nhiên trong thời gian gần đây, một thực trạng đang “nóng lên” bởi những ấn phẩm làm ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục thanh thiếu niên.
Ðó là các loại sách về giáo dục lịch sử, đạo đức, cung cấp kiến thức khoa học, từ điển… có chất lượng kém, biên soạn cẩu thả, nội dung nhảm nhí, phản cảm, kiến thức và ngôn từ đã lạc hậu, thậm chí sai – kiểu như hình vẽ cổng trường em treo cờ Trung Quốc, bài toán rợn người lấy ví dụ phép trừ bằng hình ảnh cắt cụt hai ngón tay, rồi từ điển Vũ Chất với các mục từ định nghĩa sai lệch, sách luật in hình diễn viên Công Lý trên bìa…
Các sách này mặc dù chiếm một số nhỏ trong tổng lượng xuất bản phẩm, nhưng đã gây bức xúc trong xã hội…
Một loạt cuốn sách đã bị thu hồi sau khi dư luận phát hiện những nội dung sai lệch, nhảm nhí, hình ảnh phản cảm… – Ảnh: L.Điền, M.Hoa, V.V.Tuân |
* Và sự “nóng lên” theo nghĩa tiêu cực đó đã dẫn đến cuộc tọa đàm này?
– Khác với các hiện tượng nóng sốt tích cực trong làng sách, sự “nóng lên” vừa nói gây ra những nhìn nhận không đúng về ngành xuất bản, thậm chí một số bạn đọc còn bày tỏ sự mất lòng tin về chất lượng sách của chúng ta. Một số phụ huynh cho rằng sách của chúng ta sao mà xuống cấp quá.
Cách nhìn tiêu cực đó là ngộ nhận nhưng có thật. Mặc dù các sách xấu chiếm tỉ lệ nhỏ trong thị trường, nhưng nó đã tồn tại lâu dài và có hệ thống. Cho nên nếu chúng ta không khắc phục một cách đồng bộ và có hệ thống thì câu chuyện này không có hồi kết.
Tọa đàm có tên “Những quyển sách làm “ô nhiễm” môi trường giáo dục thanh thiếu niên – thực trạng và giải pháp”, trong đó chúng tôi sẽ tìm những nguyên nhân và giải pháp đồng bộ cho vấn đề này.
* Nói về sách cũng chính là nói về những cách làm sách của đội ngũ xuất bản ở cả hai phía nhà nước và tư nhân liên kết. Tọa đàm này là tiếng nói của những người trong cuộc tự phê bình và tìm cách sửa đổi, hay là tiếng nói của cơ quan quản lý nêu yêu cầu phải chấn chỉnh và thay đổi?
– Quá trình ra đời của một ấn phẩm có liên quan đến các chủ thể: cơ quan quản lý nhà nước (cục, vụ, sở), nhà xuất bản (đội ngũ quản lý: giám đốc, tổng biên tập, biên tập viên), đối tác tư nhân liên kết xuất bản, người đọc…
Tại cuộc tọa đàm này, các chủ thể trên đều tự mình cùng có tiếng nói nhìn nhận thực trạng, xác định trách nhiệm và tìm cách sửa đổi. Nói một cách thẳng thắn, đúng bản chất vấn đề và hết sức công bằng giữa các chủ thể với nhau.
Ðặc biệt tôi đã mời những người làm sách tư nhân – các đối tác liên kết, và được đáp lại một cách nhiệt tình, họ không chỉ nói về giới của họ mà họ còn có những ý kiến đóng góp cho sự phát triển chung nữa. Nếu cần phải đưa ra các chấn chỉnh hay thay đổi là sẽ từ các chủ thể trên nói ra chứ không phải chỉ từ cơ quan quản lý như ta thường nghe trước đây.
Tôi hi vọng tiếng nói từ cuộc tọa đàm này sẽ tác động mạnh mẽ dẫn đến những biện pháp khắc phục trước mắt cũng như góp phần điều chỉnh, bổ sung những cơ chế, chính sách thích hợp cho sự phát triển bền vững, lâu dài của ngành xuất bản VN.
Ai là chủ nhân tại một số nhà xuất bản? Từ việc nhận diện những trường hợp sai phạm cụ thể của xuất bản phẩm, có thể nhận rõ việc để lọt ra xã hội những ấn phẩm xấu là do năng lực và trách nhiệm yếu kém của người biên tập, của cán bộ quản lý tại nhà xuất bản và do các quy trình, thủ tục pháp lý không được đảm bảo thực thi nghiêm túc, chặt chẽ. Như vậy: – Cần làm rõ có hay là không, mà dư luận trong giới cho là có một số nhà xuất bản chỉ biết bán giấy phép thu tiền, để mặc cho đối tác liên kết thao túng, nhà xuất bản không quan tâm đến công tác biên tập, quản lý quy trình cấp phép (như vậy ai thật sự là chủ nhân tại các nhà xuất bản này?). – Nên chăng cũng phải chỉ ra loại đối tác liên kết làm sách chuyên gây nên tình trạng làm ô nhiễm môi trường xuất bản, chuyên làm việc xào nấu tác phẩm, có cách làm ăn cẩu thả, chỉ quan tâm đồng tiền lợi nhuận mà bất chấp tác hại của ấn phẩm do họ làm ra đối với xã hội. – Từ đó có thể khẳng định chăng, mô thức liên kết không phải là nguyên nhân gây nên sách xấu (dù có nhà xuất bản có tỉ lệ sách liên kết chiếm đa số đầu sách xuất bản mỗi năm) mà chính là ở tự thân của một số nhà xuất bản yếu kém, khi mà ở đó vì những khó khăn về vốn, đời sống khó khăn của cán bộ, thậm chí chỉ biết chạy theo chỉ tiêu kinh doanh, số lượng đầu sách, không quan tâm đến chất lượng nội dung, quy trình quản lý lỏng lẻo, và có những người thừa hành có cung cách làm việc cẩu thả, tắc trách… Chúng tôi hi vọng cuộc tọa đàm sẽ có được câu trả lời để từ đó tìm ra được những giải pháp cụ thể. |
Không nên đón đằng đuôi Theo tôi thì tọa đàm này nên thống nhất cách vận hành quy trình xuất bản theo nguyên tắc phòng bệnh hơn chữa bệnh. Tức là xem sách như một sản phẩm công nghiệp, chúng ta cần kiểm định kỹ chất lượng. Ðầu tiên là ở khâu đánh giá bản thảo, nếu nhà xuất bản kiểm định tốt khâu này thì 70-80% sách liên kết trên thị trường hiện nay không phải hễ quyển nào đem đến nhà xuất bản cũng đều được cấp phép, mà chỉ những bản thảo đạt chất lượng mới được phép xuất bản. Thứ hai là khâu biên tập, đọc duyệt nội dung, không chỉ sửa lỗi chính tả mà biên tập thật sự, nếu làm kỹ khâu này thì làm gì có chuyện in hình diễn viên Công Lý lên bìa sách luật như vừa rồi. Thứ ba là khâu đọc lưu chiểu của Cục Xuất bản, phải đọc kỹ và ngăn chặn phát hành nếu phát hiện lỗi, luật đã quy định như vậy. Nếu làm nghiêm cả ba khâu theo luật thì sách xấu không thể hình thành và lọt ra thị trường. |