27/11/2024

Khi thông tin chưa được cung cấp kịp thời

Muốn giành trận địa thông tin, báo chí chính thống cần làm chủ thông tin. Nhưng báo chí hiện nay có lúc, có nơi khó tiếp cận được nguồn tin từ phía cơ quan nhà nước.

 

Khi thông tin chưa được cung cấp kịp thời

 

Muốn giành trận địa thông tin, báo chí chính thống cần làm chủ thông tin. Nhưng báo chí hiện nay có lúc, có nơi  khó tiếp cận được nguồn tin từ phía cơ quan nhà nước. 

 

 

 

 

Quang cảnh một buổi họp báo tại Hà Nội – Ảnh: Việt Dũng

Chính phủ đã có quy định về quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Báo chí mong rằng Chính phủ và các cơ quan bộ ngành thực hiện cung cấp thông tin cho báo chí đúng quy định. Cần có biện pháp xử phạt cơ quan nhà nước không cung cấp, né hoặc chậm cung cấp thông tin cho báo chí. Như vậy mới có thể giúp báo chí đưa thông tin đúng sự thật, hạn chế các thông tin sai 

Ông Hà Minh Huệ (phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo VN)

Trong một số trường hợp do thiếu thông tin, báo chí chính thống phải “nhường bước” trước sự tung hoành của các trang mạng xã hội.

“Nhường trận địa cho các trang mạng xã hội”

Cuối tháng 12-2014, trên các trang mạng xã hội tràn ngập thông tin về việc ông Nguyễn Bá Thanh, trưởng Ban Nội chính trung ương, bị đầu độc, tình hình sức khoẻ nguy kịch. Tuy nhiên báo chí chính thống lại không có một dòng thông tin nào về vấn đề này.

Đến đầu tháng 1-2015, Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe trung ương mới tổ chức gặp gỡ báo chí để thông tin về tình hình sức khoẻ của ông Nguyễn Bá Thanh. Khi đó sự việc mới trở nên rõ ràng.

Việc chậm thông tin về ông Nguyễn Bá Thanh khiến xã hội hoang mang trong một thời gian. Trong dịp này, các trang mạng “lề trái” tha hồ đưa những thông tin hư hư thực thực, thậm chí bịa đặt hoàn toàn.

Việc báo chí chính thống không được cung cấp thông tin kịp thời không còn là chuyện cá biệt. Tại một hội thảo về công tác thông tin trong hoạt động tư pháp do Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương và Ban Tuyên giáo trung ương tổ chức ở Hà Nội, rất nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn về việc báo chí chính thống không được cung cấp thông tin, trong khi các mạng “lề trái” tha hồ phát đi những tin bài không có căn cứ xác thực.

Ông Nguyễn Như Hùng, phó tổng biên tập tạp chí Kiểm Sát, cho rằng khó khăn lớn nhất đối với các cơ quan báo chí hiện nay là phóng viên khó tiếp cận được các cơ quan để lấy thông tin. Khi liên hệ, đa số đại diện các cơ quan bảo phóng viên phải đợi, nhưng nhà báo lại đứng trước áp lực phải có tin bài, từ đó rất dễ dẫn đến nguy cơ xuất hiện các tin bài không có độ tin cậy.

Ông Đoàn Quang, phó tổng giám đốc kênh truyền hình Quốc hội VN, cũng cảnh báo hiện nay có nhiều thông tin xuất hiện trên mạng xã hội nhưng báo chính thống không có một dòng nào, nếu tình trạng này diễn ra thường xuyên thì báo chí chính thống sẽ mất dần thế chủ động.

Ông Nguyễn Đình Chúc – phó tổng biên tập báo Lao Động – cho biết việc không có thông tin chính thống thì người thiệt thòi đầu tiên là người dân.

“Thiệt thòi tiếp theo là vô hình trung báo chí chính thống lại nhường trận địa cho các trang mạng xã hội, những cá nhân lợi dụng Internet phục vụ cho ý đồ xấu, đả kích cá nhân, gây chia rẽ nội bộ, nói xấu chế độ.

Theo tôi, những người được giao trọng trách cung cấp thông tin cho báo chí ở các cơ quan, địa phương (hay người phát ngôn) phải ý thức được vai trò đặc biệt quan trọng của mình trong việc minh bạch hóa thông tin, cung cấp thông tin phải chính xác và kịp thời cho báo chí.

Đặc biệt, không được lợi dụng các quy định về thông tin nhạy cảm, thông tin mật (mà thực chất không nằm trong nhóm này) để cố tình lảng tránh trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí.

Về chế tài, ngoài việc tăng mức phạt tiền, cần quy định những trường hợp từ chối cung cấp thông tin cho báo chí không chính đáng sẽ bị kỷ luật nghiêm khắc, thậm chí cách chức, buộc thôi việc, thay thế với người có trách nhiệm cao và nhận thức rõ tầm quan trọng của việc cung cấp thông tin chính thống cho báo chí” – ông Chúc nói.

Chế tài chưa đủ sức răn đe

Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí được ban hành kèm theo quyết định 25/2013 ngày 4-5-2013 của Thủ tướng Chính phủ, nghị định 159/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí xuất bản cũng có chế tài xử phạt nếu không cung cấp thông tin cho báo chí.

Đề cập vấn đề này, ông Nguyễn Đình Chúc bình luận: “Quy định đã rõ, chế tài xử phạt đã có nhưng theo tôi biết, hình như chưa có cá nhân hay cơ quan nào chậm hoặc từ chối cung cấp thông tin cho báo chí bị xử phạt hay bị phê bình, nhắc nhở nghiêm khắc.

Vì sao những người được phân công phát ngôn cho báo chí thường lảng tránh hoặc rất khó tiếp cận? Thứ nhất, bản thân họ rất ngại tiếp xúc với báo chí, nếu nói đúng không sao, nói sai ý lãnh đạo có thể bị phê bình hoặc bị xử lý. Thứ hai, có thể họ không tự tin, thiếu bản lĩnh hoặc không hiểu rõ vấn đề khi cung cấp thông tin cho báo chí”.

Luật sư Nguyễn Minh Tâm, phó tổng thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam, cho biết điều 4 quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí ban hành kèm theo quyết định 25/2013 quy định trách nhiệm cung cấp thông tin trong trường hợp đột xuất hay bất thường đều phải kịp thời, chính xác.

“Người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước, người được giao nhiệm vụ hoặc được uỷ quyền phát ngôn và cung cấp thông tin không thể lấy lý do này nọ để nói chưa cung cấp hoặc chậm cung cấp. Như thế là trái với yêu cầu thông tin phải “kịp thời” theo tinh thần của điều 4, là vi phạm” – luật sư Tâm nêu rõ.

Theo ông Tâm, điều 8 của quy chế cũng chỉ quy định chung chung là tuỳ theo mức độ vi phạm trong việc thực hiện cung cấp thông tin, chưa cụ thể hóa các căn cứ xử phạt làm cơ sở cho việc áp dụng, cần phải có hướng dẫn cụ thể hơn về các trường hợp xử phạt và nhất là phải nghiêm túc trong việc ra quyết định xử phạt mới có tác dụng ngăn ngừa.

Một luật sư thuộc Đoàn luật sư TP.HCM (đề nghị không nêu tên) cho rằng quy chế phát ngôn cho báo chí đừng nên ban hành cho có. Theo luật sư này, lâu nay một số cơ quan, tổ chức đều có quy định và phân công người phát ngôn, nhưng thực tế triển khai việc này còn mang tính hình thức. Cơ quan báo chí hay những người có liên quan hoàn toàn không dễ dàng khi muốn gặp trực tiếp người có chức năng cung cấp thông tin, thường bị từ chối vì bận họp, đang đi công tác…

“Tôi cho rằng việc đề xuất xử phạt hành chính đối với người phát ngôn không chịu cung cấp thông tin cho báo chí là một quy định… trên trời. Đã quy định là phải thực tế, người phát ngôn thiếu gì cách từ chối, trả lời mà vẫn an toàn, hợp pháp, làm sao xử phạt được?

Nếu có xử phạt thì xử phạt người phát ngôn hay phạt cơ quan của người phát ngôn? Cả hai đều không ổn. Phạt người phát ngôn thì ai dám làm việc này, còn nếu phạt cơ quan, tổ chức thì cũng là tiền thuế của dân đem nộp chứ tiền của ai đây” – vị luật sư này nhấn mạnh.

Không nên xử phạt cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin

Xử phạt cơ quan báo chí đối với việc đăng, phát thông tin sai sự thật từ trước đến nay đã có quy định trong Bộ luật dân sự, Luật báo chí, nghị định 159/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản.

Nay cơ quan quản lý nhà nước muốn sửa đổi nghị định này theo hướng bổ sung: phạt cá nhân, tổ chức thực hiện việc cung cấp, đưa tin, công bố thông tin sai sự thật là không đúng và thiếu thực tế.

Theo tôi, đa số thông tin báo chí đăng tải là nguồn do cá nhân, tổ chức cung cấp cho cơ quan báo chí truyền thông qua nhiều hình thức như: phản ảnh qua đường dây nóng, email, thư từ qua đường bưu điện hay trực tiếp đến toà soạn… nếu quy định xử phạt đối tượng này thì coi như cắt đứt mối quan hệ giữa báo chí và bạn đọc; báo chí lấy đâu ra thông tin mà đăng tải, đưa tin để phản ánh kịp thời về đời sống xã hội?

Quy định xử phạt đối tượng này là không đúng vì theo quy định của Bộ luật dân sự, Luật báo chí, cơ quan báo chí phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước, cá nhân, tổ chức về thông tin mình đăng tải, bảo vệ người cung cấp thông tin.

Và thông thường ít có trường hợp cá nhân, tổ chức nào cung cấp, công bố thông tin sai sự thật cho cơ quan báo chí, ngược lại họ thường hay phản ảnh những sự việc xảy ra hằng ngày cho phóng viên và tòa soạn biết.

Cơ quan báo chí phải thẩm tra, xác minh trước khi đăng tải. Ngoại lệ cũng không tránh khỏi sai sót (nếu có) thì người chịu trách nhiệm và bị chế tài là cơ quan báo chí và nhà báo chứ không phải cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin.

Luật sư PHẠM VĂN THẠNH (Đoàn luật sư TP.HCM)

TÂM LỤA