Lao ruột dễ nhầm ung thư
Lao ruột là một loại lao đường tiêu hoá, có những triệu chứng dễ nhầm với bệnh khác. Nhiều người chưa biết rõ về lao ruột nên còn kỳ thị người bệnh.
Lao ruột dễ nhầm ung thư
Lao ruột là một loại lao đường tiêu hoá, có những triệu chứng dễ nhầm với bệnh khác. Nhiều người chưa biết rõ về lao ruột nên còn kỳ thị người bệnh.
Bác sĩ Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch khám cho bệnh nhân bị lao ruột và một số lao khác – Ảnh: L.TH.H. |
Điều đáng nói đa số bệnh nhân lao ruột không biết mình bị bệnh này và bệnh thường được chẩn đoán bởi bác sĩ chuyên khoa tiêu hoá.
Nhiều lao cùng lúc
Ngày 8-1, khoa lao ngoài phổi Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) tiếp nhận điều trị nội trú bệnh nhân T.T.D. (Q.11, TP.HCM) từ Bệnh viện Chợ Rẫy chuyển qua. Mệt mỏi nằm trên giường bệnh với dáng người gầy nhom, bà D. yếu ớt cho biết cách đây khoảng hai tháng bà thấy hay bị đau bụng ở mạn sườn bên phải và đau vùng rốn.
Ngoài triệu chứng đau bà còn thấy chán ăn, mệt mỏi và hay sốt nhẹ về chiều. Trước khi có các triệu chứng này cân nặng của bà 39kg nhưng hiện chỉ còn 35kg.
Theo bà D., ngày 22-12-2014 bà đến Bệnh viện Chợ Rẫy khám bệnh. Sau khi khám, bác sĩ cho bà đi chụp CT scan bụng và kết quả chẩn đoán bà có khối u trong gan. Sau đó bác sĩ cho bà chụp cộng hưởng từ (MRI) thì kết quả là gan có sỏi.
Tuy nhiên sau khi bác sĩ cho làm nhiều xét nghiệm, chẩn đoán lâm sàng khác đã xác định chính xác bà bị lao gan và một số lao khác nên cho chuyển qua Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch điều trị.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Tấn Phong – trưởng khoa lao ngoài phổi Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch – cho biết bà D. cùng lúc bị đến bốn loại lao là lao ruột, lao đại tràng, lao gan và lao da.
Bệnh viện sẽ điều trị cho bà theo phác đồ của Chương trình chống lao quốc gia và theo dõi các biến chứng có thể xảy ra cho bệnh nhân trong thời gian điều trị lao tại bệnh viện để có hướng xử trí kịp thời. Sau khi điều trị ổn, bà D. sẽ được xuất viện và tiếp tục uống thuốc lao điều trị.
Biểu hiện rối loạn tiêu hóa
Theo bác sĩ Phong, 85% trường hợp bệnh nhân lao bị lao ở phổi, 15% trường hợp còn lại bị lao ở các cơ quan khác ngoài phổi như lao màng não, lao xương khớp, lao tiết niệu, lao sinh dục, lao da, lao gan, lao màng bụng… Tỉ lệ bệnh nhân bị lao ruột chiếm khoảng 10% các trường hợp mắc lao ngoài phổi.
Khi vi khuẩn lao xâm nhập vào người sẽ tạo thành tổn thương lao tiềm ẩn trong cơ thể. Từ tổn thương này vi khuẩn lao theo đường bạch huyết rồi hạch bạch huyết xuống ruột. Tại khoa lao ngoài phổi vẫn thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân bị lao ruột đơn thuần, lao ruột kèm lao phổi hoặc lao ruột kèm bệnh lao khác như bệnh nhân D. nói trên.
Khi bị lao ruột, bệnh nhân thường có triệu chứng biếng ăn, mệt mỏi, sụt cân, rối loạn tiêu hoá (hay bị táo bón xen kẽ với những đợt tiêu chảy). Có bệnh nhân biểu hiện sốt nhẹ về chiều, nếu bị thêm lao phổi sẽ có ho, khạc đàm.
Khi bị lao ruột nhưng không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ diễn tiến đến bán tắc ruột với biểu hiện đau bụng rất nhiều. Có khi đau vài giờ hoặc đau mấy ngày nhưng nếu bệnh nhân “đánh hơi” được thì ruột sẽ thông lại và bệnh nhân bớt đau, không phải phẫu thuật.
Trường hợp bị tắc ruột hoàn toàn, bệnh nhân đau bụng rất dữ dội, ăn vào là đau, nôn ói, bụng trướng, bí trung đại tiện, không đi cầu được và khi đó phải phẫu thuật cấp cứu ngay.
Nguyên nhân gây tắc ruột, theo bác sĩ Phong, là do vi trùng lao làm tổn thương đường ruột và tổn thương lao này phát triển ngày càng nhiều gây viêm, dày dính ruột khiến lòng ruột bị hẹp hoặc bít lại không lưu thông được. Đáng lưu ý, rối loạn tiêu hoá do lao ruột dễ bị chẩn đoán nhầm là bệnh viêm đại tràng kích thích hoặc viêm đại tràng mãn tính. Còn tắc ruột do lao cũng có thể bị chẩn đoán nhầm sang ung thư đại tràng hoặc ung thư ruột.
Không quá lo lắng
“Nếu lao ruột được phát hiện sớm và điều trị sớm, bệnh nhân không nên quá lo lắng vì chỉ cần điều trị thuốc lao theo phác đồ của Chương trình chống lao quốc gia và tuân thủ điều trị bằng việc uống đúng thuốc, đủ thời gian và đều đặn mỗi ngày bệnh sẽ khỏi” – bác sĩ Phong khẳng định.
Tuy nhiên trong quá trình điều trị lao ruột, việc theo dõi biến chứng tắc ruột của bác sĩ với bệnh nhân và bệnh nhân tự theo dõi phải hết sức chú ý. Nếu bệnh nhân than đau bụng phải coi chừng tắc ruột. Nếu tắc ruột phải mổ ngay để không nguy hiểm đến tính mạng.
Ngoài ra bệnh nhân lao ruột cần chú ý chế độ ăn uống, không nên ăn thức ăn đặc, thực phẩm dễ gây táo bón, có tính chất nóng như hạt điều, cà rốt…, nên ăn thực phẩm mềm, lỏng, dễ tiêu và ăn nhiều rau cho nhuận trường.
Để phát hiện kịp thời lao ruột, bác sĩ Phong khuyên khi có triệu chứng giống như viêm đại tràng mãn là táo bón xen kẽ tiêu chảy kéo dài, bệnh nhân nên đến khám ở bác sĩ chuyên khoa tiêu hoá. Bác sĩ sẽ cho nội soi đại tràng kiểm tra và sinh thiết ruột làm giải phẫu bệnh để chẩn đoán chính xác bệnh.
Lao ruột đơn thuần không lây qua đường ăn uống, đường hô hấp – trừ khi bệnh nhân có mắc thêm lao phổi. Lao ruột cũng không lây khi đi chung nhà vệ sinh nên những người xung quanh không nên kỳ thị người bệnh.