23/12/2024

Lý giải những vấn đề ‘nóng’ ở TP.HCM

Đấu giá “đất vàng”, quản lý công sản, mất bản đồ quy hoạch gốc Thủ Thiêm, nhà đất liên quan Vũ “nhôm”, sai phạm tại Tổng công ty nông nghiệp Sài Gòn… là những vấn đề được đặt ra tại buổi họp báo của UBND TP.HCM hôm qua.

 

Lý giải những vấn đề ‘nóng’ ở TP.HCM

Đấu giá “đất vàng”, quản lý công sản, mất bản đồ quy hoạch gốc Thủ Thiêm, nhà đất liên quan Vũ “nhôm”, sai phạm tại Tổng công ty nông nghiệp Sài Gòn… là những vấn đề được đặt ra tại buổi họp báo của UBND TP.HCM hôm qua.
 
 
 
 
 
Mặt bằng 9 lô đất khu chức năng số 1 - vùng lõi trung tâm khu đô thị mới Thủ Thiêm đang được mang ra đấu giá công khai /// Ngọc Dương

Mặt bằng 9 lô đất khu chức năng số 1 – vùng lõi trung tâm khu đô thị mới Thủ Thiêm đang được mang ra đấu giá công khai   NGỌC DƯƠNG

 
 
Cuộc họp báo do ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn UBND TP, chủ trì.

Vướng 1 – 2 địa chỉ với Vũ “nhôm”

Trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên về việc dư luận cho rằng Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”) cũng thao túng đất công ở địa bàn TP.HCM, ông Võ Văn Hoan nói: “Vụ án liên quan đến Vũ “nhôm” là vụ án lớn, do Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng trực tiếp chỉ đạo. Ở TP có vướng 1 – 2 địa chỉ, phần lớn là địa chỉ nhà đất do bộ ngành T.Ư quản lý. Về mặt thẩm quyền, chuyển các địa chỉ từ công sản được giao cho đơn vị sản xuất, kinh doanh, rồi chuyển sang mục đích khác như thế nào đó là chuyện của các bộ ngành T.Ư, và phải có ý kiến ở cấp cao hơn để thẩm định việc đó”. 

 

 
 
Lý giải những vấn đề 'nóng' ở TP.HCM - ảnh 1
Lý giải những vấn đề 'nóng' ở TP.HCM - ảnh 2
ẢNH: ĐÌNH PHÚ

TP có 2 việc và chúng tôi cũng tâm niệm rồi, đó là trách nhiệm của TP. Một là quản lý quy hoạch. Hai nữa là tham mưu thẩm định giá. Vụ việc liên quan đến Vũ “nhôm” mà nói TP không có trách nhiệm là không đúng đâu. Thực tế là cũng có nhưng trong phạm vi thẩm quyền của TP là như vậy

 
 
Ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn UBND TP.HCM
 

 

Về trách nhiệm của TP ông Hoan thẳng thắn nhìn nhận: “TP có 2 việc và chúng tôi cũng tâm niệm rồi, đó là trách nhiệm của TP. Một là quản lý quy hoạch. Hai nữa là tham mưu thẩm định giá. Vụ việc liên quan đến Vũ “nhôm” mà nói TP không có trách nhiệm là không đúng đâu. Thực tế là cũng có nhưng trong phạm vi thẩm quyền của TP là như vậy. Còn các dự án khác như thế nào, quá trình điều tra phát sinh thêm thì phải chờ chứ chưa biết được”.
 
Về thông tin mạng xã hội liên quan đến việc truy cứu trách nhiệm hình sự ông Lê Tấn Hùng, thành viên không chuyên trách Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Tổng công ty nông nghiệp Sài Gòn TNHH MTV (Sagri), ông Võ Văn Hoan nói việc loan thông tin đó trên mạng “là chưa chính xác”. Ông Hoan cho biết kết luận của Thanh tra TP về thanh tra toàn diện Sagri phát hiện có những nội dung ở niên độ trước thời điểm ông Hùng về điều hành Sagri. “Nên nếu gom lại hết rồi nói tất cả trách nhiệm thuộc về ông Lê Tấn Hùng là rất kẹt”, ông Hoan nói và cho biết cá nhân ông đã đề nghị ông Lê Tấn Hùng cần gặp gỡ báo chí giải thích rõ vấn đề này.
 
Đấu giá “đất vàng”, truy tìm bản đồ gốc quy hoạch Thủ Thiêm
Tại buổi họp báo, nhiều vấn đề liên quan đến quy hoạch, triển khai dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm, Q.2 (sau đây gọi tắt là Thủ Thiêm) cũng được báo chí đặt ra.
 
Về việc lần đầu tiên đấu giá toàn bộ 9 lô đất khu chức năng số 1 – vùng lõi trung tâm Thủ Thiêm rộng 78.000 m2 với giá trị đầu tư tạm tính 27.000 tỉ đồng, ông Võ Công Lực, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất TP.HCM (thuộc Sở TN-MT), cho biết việc đấu giá sẽ tổ chức công khai, minh bạch tại trung tâm đấu giá thuộc Sở Tư pháp TP.HCM, dự kiến trong giai đoạn 2018 – 2019.

Còn theo ông Võ Văn Hoan, việc đấu giá các lô “đất vàng” này nhằm lựa chọn nhà đầu tư có năng lực thực hiện dự án và góp phần trang trải chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật ban đầu của toàn khu Thủ Thiêm. “Để đạt mục tiêu không để trống đất vàng, UBND TP đề ra hàng loạt tiêu chí đánh giá năng lực của các tổ chức tham gia đấu giá. Cụ thể, nhà đầu tư phải có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, không vi phạm quy định pháp luật về đất đai đối với trường hợp đang sử dụng đất do nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư khác. 

 

 
 
Rà soát, xử lý các đối tượng tung tin sai lệch về thị trường nhà đất
Tại buổi họp báo, ông Phạm Đăng Hồ, Phó phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản (Sở Xây dựng TP.HCM), thừa nhận vừa qua có tình trạng sốt đất ở một số quận,huyện trên địa bàn, trong đó có Q.2, Q.9… Về nguyên nhân, ông Hồ cho hay cơn sốt xuất phát từ yếu tố dự báo về phát triển kinh tế VN và TP.HCM trong năm 2018 tăng trưởng tốt khiến người dân bỏ tiền đầu tư; quá trình đầu tư hạ tầng kỹ thuật được tăng cường; tâm lý người dân muốn mua nhà, đất nền sau sự cố cháy chung cư Carina Plaza (Q.8)… “Sở đã kiến nghị TP giao cho chính quyền địa phương, cơ quan công an rà soát, xử lý các đối tượng tung tin sai lệch về thị trường nhà đất để đẩy giá trục lợi bất chính”, ông Hồ nói.

 

 

Tổ chức tham gia đấu giá có vốn thuộc sở hữu của mình để thực hiện dự án không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư tạm tính (khoảng 27.000 tỉ đồng), tương đương vốn phải có sẵn hơn 5.400 tỉ đồng; có khả năng huy động 80% phần vốn còn lại (tương đương khoảng 21.600 tỉ đồng). Đặc biệt, không lỗ lũy kế tính đến năm 2017; đã, đang làm chủ đầu tư hoặc đã, đang thực hiện đầu tư ít nhất 1 dự án có cùng quy mô tương đương trở lên; có cam kết và nộp tiền ký quỹ theo đúng quy định; cam kết hoàn thành dự án trong thời hạn không quá 60 tháng (5 năm) kể từ ngày trúng đấu giá. Tổ chức tham gia đấu giá phải nộp khoản tiền đặt trước 20% giá khởi điểm”, ông Hoan cho biết.
 
Liên quan đến thông tin “thất lạc” bản đồ gốc quy hoạch Thủ Thiêm, Giám đốc Sở QH-KT Nguyễn Thanh Nhã cho biết cơ quan, ban ngành TP đã cố gắng tìm nhưng đến giờ chưa tìm ra. Ông Võ Văn Hoan nói thêm: “Không phải không có tấm bản đồ này, bởi đó là thủ tục cần thiết đi kèm với hồ sơ, mà vấn đề là đang tìm. Nói như vậy để hiểu cho đúng hơn chứ không ai phê duyệt lại không có nội dung đó đâu. Rất tiếc là từ đó đến nay (từ lúc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch Thủ Thiêm – PV) đã 23 năm rồi, công tác lưu trữ lúc đó thế nào mà giờ tìm chưa thấy bản gốc”. Ông Hoan cũng cho biết TP đã có chỉ đạo bằng mọi cách truy bằng được tấm bản đồ này.
 
Chuyện đất công “rất phức tạp”
Liên quan đến vụ việc Công ty TNHH MTV đầu tư và xây dựng Tân Thuận (100% vốn thuộc Văn phòng Thành ủy TP.HCM) bán khu đất rộng hơn 30 ha tại xã Phước Kiển, H.Nhà Bè với giá ban đầu 1,29 triệu đồng/m2 cho Công ty CP Quốc Cường Gia Lai, ông Võ Văn Hoan cho biết Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đã giao Uỷ ban Kiểm tra Thành ủy khẩn trương tổ chức kiểm tra các dấu hiệu vi phạm pháp luật và quy định của Thành ủy về quản lý các doanh nghiệp thuộc sở hữu của Thành ủy trong chuyển nhượng đất; làm rõ nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả các vi phạm trách nhiệm của các cá nhân và tập thể có liên quan; báo cáo Ban Thường vụ Thành uỷ trước ngày 8.5.2018. “Do chưa có kết luận chính thức nên hiện chưa thể thông tin chi tiết về vụ việc này”, ông Hoan nói.
 
Lý giải những vấn đề 'nóng' ở TP.HCM - ảnh 4

Khu đất hơn 30 ha Công ty TNHH MTV đầu tư và xây dựng Tân Thuận bán cho tư nhân với giá rẻ đang chờ kết luận của Thành uỷ   ẢNH: CTV

 
Về báo cáo của Thanh tra TP phát hiện hàng loạt đơn vị đang quản lý, sử dụng đất công vi phạm quy định về sử dụng đất, ông Võ Văn Hoan nói: “Chuyện này rất phức tạp. Có cái T.Ư quản, có cái TP quản, trải qua nhiều giai đoạn phát triển, có rất nhiều biến động. Về cơ bản thì quản được rồi, nhưng có những cái biến động, khi đụng vô thì gặp những khó khăn, sở hữu bên trong bên ngoài, giải quyết rất mất công. TP đang đánh giá lại một cách toàn diện về quản lý đất công trên địa bàn. HĐND TP cũng đang giám sát việc quản lý và sử dụng tài nguyên đất, trọng tâm là đất do nhà nước trực tiếp quản lý (đất công) để chấn chỉnh”. Trong khi đó, ông Trần Văn Thạch, Phó giám đốc Sở TN-MT, thừa nhận có tình trạng các cơ quan T.Ư đứng chân trên địa bàn TP, các quận, huyện và đơn vị trực thuộc TP.HCM khi được giao đất công đã sử dụng không đúng mục đích, cho thuê sai quy định…

 

Không dời trụ sở hành chính qua Thủ Thiêm
Liên quan đến những tranh luận về việc nâng cấp, xây dựng mở rộng trụ sở HĐND, UBND TP.HCM mà Thanh Niên phản ánh, ông Võ Văn Hoan nói: “Ý kiến trong nội bộ TP về việc dời công trình qua Thủ Thiêm là dứt khoát không có. Quy hoạch đã được Thủ tướng duyệt rồi, giờ TP sao dám tự quyết chủ trương lại được. Cũng từng có ý kiến chuyển các công sở lên Củ Chi nữa, rất phức tạp”.
 
Ông Hoan giải thích thêm: “Cũng cần phải nói rõ đây là việc nâng cấp và mở rộng trụ sở, chứ không phải xây trung tâm hành chính. Khối lượng công việc ở TP liên quan đến thủ tục hành chính của dân gấp cả chục cả trăm lần ở các tỉnh nên TP không làm trung tâm hành chính, bởi làm thì gom hết các sở ngành về một chỗ sẽ rất phức tạp…”.
 
Liên quan đến vấn đề bảo tồn, ông Hoan cho biết: “Nguyên tắc TP đặt ra ngay từ đầu, là khối công trình nào có giá trị kiến trúc như khối công trình mặt tiền đường Lê Thánh Tôn (đầu phố đi bộ Nguyễn Huệ) thì bắt buộc bảo tồn, còn những khối công trình xuống cấp, không có giá trị kiến trúc thì sẽ được xây mới. Toà nhà Dinh Thượng Thư mà nay là trụ sở Sở TT-TT ở 59 – 61 Lý Tự Trọng, cũng có một số ý kiến đề nghị giữ lại, và TP đã cân nhắc thận trọng những ý kiến đó, nhưng xét về lý thì cho đến nay vẫn không có văn bản nào quy định đó là di tích để bắt buộc phải bảo tồn nguyên trạng. Trên thực tế, tòa nhà này đã xuống cấp lắm rồi nên cũng cần phải được nâng cấp mới”.
 
Lý giải thêm vì sao không dời trung tâm hành chính của TP sang khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2), ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó giám đốc Sở QH-KT TP.HCM, cho biết khi quy hoạch Thủ Thiêm từ hơn 20 năm trước đến nay không có chức năng trung tâm hành chính.
“Quy hoạch này được Thủ tướng phê duyệt, nơi Thủ Thiêm chỉ phát triển trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ cao cấp và chức năng ở của đô thị mới. Do vậy, TP không thể tùy tiện đặt trung tâm hành chính ở đó được”, ông Toàn nói. (Đình Phú)

Tập trung hoàn thành các công trình chống ngập 

Trước khi diễn ra cuộc họp báo, UBND TP.HCM tổ chức họp bàn về tình hình kinh tế – xã hội tháng 4.2018 và phương hướng, nhiệm vụ những tháng tiếp theo trên địa bàn.
Theo đánh giá của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, kinh tế TP tiếp tục tăng trưởng ổn định. Tổng thu ngân sách nhà nước ước thực hiện 4 tháng đầu năm hơn 126.600 tỉ đồng, đạt 33,6% dự toán, tăng 3,79% so cùng kỳ năm trước…
 
Về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, ông Nguyễn Thành Phong lưu ý các sở ngành tiếp tục khắc phục những bất cập trong công tác điều hành, quản lý; cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh; tập trung hoàn thiện và thực hiện các đề án thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết 54 của Quốc hội để TP phát triển bền vững. Đặc biệt, Chủ tịch UBND TP yêu cầu các sở, ngành liên quan tập trung hoàn thành các công trình chống ngập vì mùa mưa đang đến gần. Bên cạnh đó, các quận, huyện lập ngay các tổ liên ngành rà soát tất cả các dự án, đề xuất hướng xử lý những dự án nào kéo dài hoặc không triển khai nhằm chấm dứt tình trạng “nhà đầu tư đăng ký đất rồi để đó”. Theo ông Phong, thực trạng ở H.Nhà Bè, H.Bình Chánh… hiện có hàng chục dự án chậm tiến độ kéo dài, có dự án sang tay hết người này qua người khác khiến người dân rất khổ sở vì bị ảnh hưởng quyền lợi chính đáng về nhà đất.

ĐÌNH PHÚ – TRUNG HIẾU – NGỌC LÊ