Giáo viên đang rất thừa nhưng nghịch lý là trong nhiều trường hợp, nhà trường không thể tuyển dụng giáo viên mới thay người vừa nghỉ hưu do những quy định về biên chế.
Không tuyển được người do quy định lạc hậu
Giáo viên đang rất thừa nhưng nghịch lý là trong nhiều trường hợp, nhà trường không thể tuyển dụng giáo viên mới thay người vừa nghỉ hưu do những quy định về biên chế.
Do quy định ngặt nghèo, cứng nhắc về định biên, nhiều trường có thiếu giáo viên cũng không tuyển được người mới – Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Thừa môn này nhưng thiếu môn kia
Sẽ phải tuyển dụng theo vị trí việc làm Ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết: Bộ đang trong quá trình nghiên cứu sửa Thông tư 35 nhưng chưa sửa được mặc dù đã thấy các quy định lạc hậu. Cái khó không chỉ riêng ngành GD-ĐT khi mà luật công chức, viên chức mới quy định xác định biên chế phải dựa trên vị trí việc làm, vị trí công việc đó cần bao nhiêu người thì bố trí bấy nhiêu biên chế. Tuy nhiên, xác định vị trí việc làm như thế nào trong điều kiện quy mô lớp học của các trường khác nhau, trường thì 20 lớp, trường 10 lớp, trường 5 lớp, vậy cần bao nhiêu GV môn nào vẫn đang là việc rất khó. Có thể bố trí một GV dạy môn này thì thiếu nhưng nếu 2 người lại thừa. Ông Hiển nhìn nhận: “Sẽ phải thay đổi nhưng bản thân ngành nội vụ cũng chưa có hướng dẫn thực hiện thế nào theo đúng luật Viên chức”.
Hiện nay, theo đúng tỷ lệ giáo viên/lớp quy định ở Thông tư liên tịch số 35/2006 của Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ thì các trường trung học thừa giáo viên (GV) về mặt số lượng. Do thông tư chỉ quy định về tỷ lệ GV/lớp mà không xác định rõ số lượng GV theo bộ môn nên thậm chí có trường chỉ một người dạy môn học nào đó nhưng khi nghỉ hưu cũng không có biên chế để tuyển GV khác thay thế, vì nếu tính số lượng GV hiện có theo định biên thì trường đó đang trong tình trạng thừa.
Điều này thể hiện rõ nhất ở bậc THCS. Có những GV chưa dạy đủ số tiết theo quy định nhưng cũng có trường hợp phải dạy 21 tiết/tuần. Vẫn tồn tại tình trạng thiếu GV những bộ môn: hóa, sinh, âm nhạc, mỹ thuật, thể dục, địa. Nhiều nơi muốn thực hiện Đề án ngoại ngữ 2020 nhưng lại không được giao biên chế để tuyển GV dạy môn này.
Thông tư quy định bậc THCS biên chế không quá 1,9 GV/lớp, các môn như hóa học, nhạc, họa, giáo dục công dân có định mức 0,07 GV/lớp. Theo quy định này, chỉ những trường từ 12 lớp trở lên mới có điều kiện bố trí một GV cho mỗi môn trên (bao gồm cả công tác chủ nhiệm lớp), trường có ít lớp thường phải bố trí thừa GV hoặc để GV dạy trái môn, dạy ở 2 – 3 trường để đảm bảo đủ số tiết và định biên.
Đại diện Sở GD-ĐT Ninh Bình cũng cho biết hiện đang thừa về số lượng GV bậc THCS (định biên quy định 1,9 GV/lớp nhưng thực tế lên tới 2,24). Tuy thừa về số lượng nhưng GV lại không đồng bộ về cơ cấu bộ môn. Các môn như văn, toán thừa nhiều GV nhưng công nghệ, địa, sinh, sử, nhạc họa, giáo dục công dân lại thiếu. Điều này dẫn đến việc một số trường phải bố trí GV dạy không đúng chuyên môn, ảnh hưởng tới chất lượng dạy và học.
Đây cũng là thực trạng chung xảy ra ở nhiều nơi. Không ít lãnh đạo các sở GD-ĐT chia sẻ: “Nhận thêm GV các môn đang thiếu, quá tốt, nhưng như thế tổng số GV lại bị thừa. Những nơi thừa GV cục bộ sẽ phải giải quyết như thế nào?”.
Thực tế… khác xa quy định
Với bậc tiểu học, Thông tư 35 quy định nếu học 1 buổi/ngày, mỗi lớp phải có bình quân 1, 2 GV; nếu học 2 buổi/ngày phải có 1,5 GV. Tình trạng thừa GV cũng do không phải tỉnh nào cũng đã thực hiện được đúng định biên của thông tư này.
Theo thống kê, tỉnh Nghệ An thừa hơn 1.800 GV. Tuy nhiên, đại diện Sở GD-ĐT tỉnh này phân tích nếu phấn đấu có 100% số lớp tiểu học được học 2 buổi/ngày, lúc đó sẽ cần gần 14.600 GV. Ông Trần Thế Sơn, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT Nghệ An, nhìn nhận: “Thực tế nhu cầu về GV tiểu học của Nghệ An còn rất lớn. Nếu dạy học 2 buổi/ngày, số GV hiện đang giảng dạy ở các trường chưa đủ so với nhu cầu và so với quy định của Bộ. Thực tế, nếu tuyển hết số GV hiện đang hợp đồng không xác định thời hạn, hợp đồng ngắn hạn và cả GV do các trường hợp đồng ngoài quy định vào biên chế thì đến năm 2015, cả tỉnh vẫn còn thiếu GV tiểu học, đó là chưa trừ đi số GV nghỉ hưu hằng năm”.
Việc thừa GV cũng còn nguyên nhân nữa là do GV tính theo lớp trong khi sĩ số học sinh (HS)/lớp lại quá đông, thậm chí có nơi cao gấp đôi so với quy định. Theo quy định, bậc tiểu học không quá 35 HS/lớp, THCS và THPT không quá 40. Tuy nhiên, thực tế lớp trên 50 HS hết sức phổ biến.
Ông Phạm Văn Hùng, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên – Huế, cho biết có nhiều nguyên nhân của việc thừa GV, trong đó do triển khai chưa đúng quy định của UBND tỉnh về mức HS tối thiểu mỗi lớp. Đến năm học 2018 – 2019, cơ bản số HS/lớp sẽ đạt mức quy định ở các cấp học. “Với cách làm này thì biến động đối với đội ngũ GV là không lớn”, ông Hùng nói.
Trước thực tế này, phát biểu tại một hội nghị chuẩn bị cho đổi mới giáo dục phổ thông, bà Nguyễn Thị Minh, Trưởng phòng GD-ĐT TP.Ninh Bình, cho rằng Thông tư 35 đã rất bất cập. Quy định không quá 1,5 GV/lớp với trường tiểu học dạy 2 buổi/ngày nếu trường có 10 lớp trở lên theo đúng định biên của thông tư thì có 15 GV nhưng trong số đó đã có 5 GV các môn chuyên biệt, còn lại 10 GV/10 lớp, đó là chưa trừ tổ trưởng, tổ phó, chủ tịch công đoàn… “Đề nghị Bộ kiến nghị với Bộ Nội vụ để có thông tư khác thay thế cho Thông tư 35”, bà Minh nói.
Sàng lọc GV không đáp ứng yêu cầu
Trước thực trạng không ít GV trong biên chế nhưng chất lượng dạy học thấp còn cử nhân sư phạm loại khá giỏi, được đào tạo bài bản theo yêu cầu mới lại không có việc làm, một số địa phương đã có biện pháp khá quyết liệt giải quyết mâu thuẫn này.
Từ năm 2007, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành quyết định quy định về xử lý kết quả đánh giá, xếp loại GV và chính sách đối với người không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Đối với GV trước tuổi hưu có các cách: Giải quyết nghỉ việc hưởng lương cơ bản và phụ cấp, đào tạo lại để chuyển sang làm việc khác và hưởng lương theo công việc mới (nếu phẩm chất, đạo đức lối sống không xếp loại kém và có khả năng đảm nhiệm được công việc mới). Giải quyết nghỉ chờ hưởng chế độ hưu trí (không hưởng lương và chế độ phụ cấp) đối với những người có nhu cầu và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội… Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh này từng chia sẻ: “Thời gian đầu cũng là một “cú sốc” cho đội ngũ GV và quản lý. Sau đó từ năm thứ 2 trở đi, họ nhận thức được vấn đề sàng lọc là đúng, đồng tình và nhất trí cao”.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Đức Hiền, Giám đốc Sở GD-ĐT Bắc Giang, cho biết tỉnh đang xây dựng đề án đánh giá đúng năng lực thực tế của GV chứ không chỉ dựa trên bằng cấp. Từ đó có phương án nếu những GV được đào tạo, bồi dưỡng lại nhiều lần mà vẫn không đáp ứng được yêu cầu thì một là chuyển công tác khác, hai là cam kết trong thời gian nhất định nếu không đáp ứng được buộc phải chấp nhận chuyển hoặc nghỉ chế độ.