“Hải đăng” trên sông Hàn: Đà Nẵng sẽ nghe phản biện
Việc TP Ðà Nẵng đồng ý chủ trương cho xây “ngọn hải đăng” trên sông Hàn vẫn tiếp tục gây tranh luận. Lãnh đạo TP Ðà Nẵng cho biết sẽ lắng nghe các ý kiến phản biện, dự kiến được tổ chức ngày 8-1, trước khi quyết định vị trí dự án.
“Hải đăng” trên sông Hàn: Đà Nẵng sẽ nghe phản biện
Việc TP Ðà Nẵng đồng ý chủ trương cho xây “ngọn hải đăng” trên sông Hàn vẫn tiếp tục gây tranh luận. Lãnh đạo TP Ðà Nẵng cho biết sẽ lắng nghe các ý kiến phản biện, dự kiến được tổ chức ngày 8-1, trước khi quyết định vị trí dự án.
Khu vực dự tính xây “tháp hải đăng” nằm ở mép sông Hàn, cách bờ kè đường Trần Hưng Đạo (Q.Sơn Trà) khoảng 40m – Ảnh: Phan Thành |
* Kiến trúc sư HUỲNH TOÀ (nguyên phó chủ tịch thường trực Hội Kiến trúc sư TP Ðà Nẵng):
Không được cản trở dòng chảy sông Hàn
Thông tin về dự án xây dựng “ngọn hải đăng” trên sông Hàn đang gây xôn xao dư luận trong và ngoài TP Ðà Nẵng. Thực chất vị trí xây dựng của ngọn hải đăng nằm cạnh cụm dịch vụ du thuyền nên có thể thấy rõ rằng mô hình này kinh doanh, phục vụ qua lại cho nhau.
Tôi nghĩ cốt lõi của vấn đề ở đây là nhà đầu tư đang xâm phạm mặt nước sông Hàn để xây dựng một kiến trúc hay cấu trúc nào đó có lợi cho phát triển và lợi nhuận của chính nhà đầu tư, chứ không phải hoàn toàn xuất phát từ lợi ích chung của toàn thể nhân dân, chính quyền TP Ðà Nẵng.
Diễn biến vụ xây “ngọn hải đăng” Ngày 27-12-2014, Tuổi Trẻ đưa tin về việc lãnh đạo TP Đà Nẵng đồng ý chủ trương xây công trình “ngọn hải đăng” trên sông Hàn. Ngày 31-12-2014, Tuổi Trẻ có bài “Xây “ngọn hải đăng” trên sông Hàn?” giới thiệu ý kiến phản biện của giới kiến trúc sư về địa điểm xây dựng công trình này Ngày 1-1-2015 và 5-1-2015, Tuổi Trẻ tiếp tục giới thiệu các ý kiến từ giới kiến trúc sư, chuyên gia trong cả nước phản biện về việc xây dựng công trình này trên sông Hàn. Sau khi có nhiều ý kiến về dự án, lãnh đạo TP Đà Nẵng đã giao cho Sở Xây dựng tổ chức cuộc họp vào ngày 8-1 để lắng nghe các ý kiến phản biện, nhiều chiều, trước khi quyết định địa điểm xây “ngọn hải đăng”. |
Chưa cần bàn luận đến kiến trúc, cảnh quan môi trường, từ xa xưa sông Hàn đã là bảo vật, tài sản quý giá gắn bó với người dân Ðà Nẵng.
Tôi đọc báo Tuổi Trẻ, thấy một số cơ quan chức năng có thẩm quyền nói công trình này không ảnh hưởng gì hết, tôi cho rằng đó là “nói để mà nói” và chưa có một cái nhìn khách quan, chu đáo.
Không có vật cản nào bỏ xuống dòng sông mà không gây ảnh hưởng, cản trở dòng chảy, huống gì ở đây là một tòa tháp 25 tầng, có diện tích bề mặt 400m2 thì lực cản dòng chảy cực kỳ mạnh.
Bài học cơn lũ lịch sử ở Thái Lan là một lời cảnh báo cho những ai quan tâm đến phát triển bền vững trong thời buổi biến đổi khí hậu toàn cầu như hiện nay. Hơn ai hết, những nhà hoạch định và cư dân VN luôn phải nhớ và nghĩ đến điều này.
Tuyệt đối không được cản trở dòng chảy của dòng sông và phải dành cho nước một không gian riêng. Ðặc biệt, sông Hàn nằm trong hệ thống sông ngòi miền Trung nên có dòng chảy với độ dốc từ thượng nguồn về rất mạnh, không thể nói trước được điều gì trong những mùa mưa bão thất thường.
* Ông LÊ MINH ĐỨC (chủ tịch HÐQT Công ty cổ phần đầu tư DHC – chủ đầu tư dự án tòa tháp “ngọn hải đăng”):
Ðã đề xuất xây tháp ở ven bờ
Vị trí đặt tháp hải đăng nằm ở lõm bờ kè nên sẽ không ảnh hưởng đến dòng chảy. Thứ nhất, khu vực này đất thường xuyên bồi đắp, phải nạo vét;
thứ hai, toàn bộ khối tháp đứng trên đài cọc, ở dưới sẽ không ảnh hưởng kể cả dòng chảy;
thứ ba, chủ đầu tư đề xuất với thành phố để vị trí tháp nằm ven bờ, tuy nhiên nhiều cuộc họp của các sở ban ngành, một số ý kiến của các kiến trúc sư cho rằng đưa tháp lùi ra ngoài để buổi tối ánh đèn từ toà nhà phát ra sẽ đẹp lung linh nhưng không ảnh hưởng đến dòng chảy và đảm bảo độ độc đáo.
Quan điểm của Công ty DHC là luôn hoà thuận với thành phố và nhân dân Ðà Nẵng, chia sẻ đôi bên cùng có lợi. Việc chủ đầu tư chấp nhận làm ra ngoài và làm tòa kính thông suốt là đáp ứng mong muốn của thành phố. Chứ riêng chúng tôi, đưa ra mô phỏng tháp Alexandria (Ai Cập) thì việc xây dựng đỡ tốn kém hơn, mang tính chất bền vững hơn. Chúng tôi nghĩ công trình này sẽ đem lại hiệu quả cho chủ đầu tư và phát triển thành phố.
Nếu làm một công trình sau này người ta không khen mà chửi đó là điều không mong muốn. Nói thật, lợi nhuận cái tháp này đem lại như phản ảnh là làm khách sạn trá hình thì không đúng.
Hiện nay đất ở đường Trần Hưng Ðạo chỉ có 100 triệu đồng/m2, với 400m2 chỉ khoảng 40 tỉ đồng. Số tiền này không đủ để làm móng tháp bởi làm dưới sông đắt gấp mấy lần làm trên cạn.
Công trình này là điểm nhấn độc đáo, thương hiệu để phát triển hệ thống du thuyền. Ý kiến Công ty DHC vẫn là để tháp nằm trên bờ và có một phần tiếp giáp với mặt nước để du thuyền cập được nhưng TP chưa đồng ý. Ðiểm này cần góp ý của kiến trúc sư và sẽ đưa ra trả lời thẳng thắn ở cuộc họp sắp tới. Xét về mặt kinh doanh, nếu nằm trong bờ sẽ tiện lợi hơn. Hiện chúng tôi cũng chưa thể chốt được tổng dự toán của công trình này.
Ngày 8-1: tổ chức nghe ý kiến chuyên gia Chiều 5-1, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Ngọc Tuấn – phó chủ tịch UBND TP Ðà Nẵng phụ trách về lĩnh vực xây dựng quy hoạch – cho biết: “Sau khi có nhiều ý kiến của giới kiến trúc sư về vị trí xây dựng dự án ngọn hải đăng, UBND TP Ðà Nẵng đã giao Sở Xây dựng tổ chức lấy ý kiến rộng rãi mới có quyết định cuối cùng. Sắp tới Sở Xây dựng sẽ có cuộc họp lấy ý kiến của Hội Quy hoạch, Hội Kiến trúc sư, Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật để lắng nghe ý kiến đóng góp của các kiến trúc sư, chuyên gia…”. Theo ông Tuấn, với dự án này, quan điểm của lãnh đạo TP Ðà Nẵng là sẵn sàng lắng nghe kiến ý đóng góp từ nhiều phía và các cơ quan tham mưu trước khi đưa ra quyết định. Trong khi đó, ông Vũ Quang Hùng – phó giám đốc Sở Xây dựng kiêm chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP Ðà Nẵng – nói thời điểm này ông không nêu quan điểm về vụ việc trên, tất cả mọi ý kiến sẽ được đưa ra bàn thảo công khai vào ngày 8-1. Sau đó, sở sẽ tập hợp tất cả ý kiến của các kiến trúc sư, giới chuyên môn để báo cáo TP quyết định. |