“Không lẽ mình cũng là rác rưởi”
30 người từng là phạm nhân trại giam Thủ Đức đã kể lại câu chuyện quá khứ và những ngày đầu gian nan vượt qua mặc cảm làm lại cuộc đời.
“Không lẽ mình cũng là rác rưởi”
30 người từng là phạm nhân trại giam Thủ Đức đã kể lại câu chuyện quá khứ và những ngày đầu gian nan vượt qua mặc cảm làm lại cuộc đời.
Các gương mặt tiêu biểu trong tái hoà nhập cộng đồng được lãnh đạo Trại giam Thủ Đức tặng hoa và quà – Ảnh: My Lăng |
Ngày 3-1, tại xã Tân Đức (Hàm Tân, Bình Thuận), trại giam Thủ Đức (Z30D) đã tổ chức một hội nghị đặc biệt. Đặc biệt vì khách mời từng là phạm nhân của trại giam, đã chấp hành xong án phạt tù và nổi bật trong quá trình tái hoà nhập cộng đồng.
Đặc biệt vì họ dám đứng trước những ống kính để tự tin nói về quá khứ lầm lỗi của mình. 30 người từng là phạm nhân ở trại giam Thủ Đức, trước gần 500 phạm nhân đang chấp hành án phạt, đã kể lại câu chuyện quá khứ và những ngày đầu gian nan khi làm lại cuộc đời mới, nỗ lực vượt qua sự mặc cảm, tự ti và bước qua sự nghi ngại, ngờ vực của xã hội.
Vấp ngã ở đâu, đứng lên ở đó
Anh Ngô Liên Hoàn, 46 tuổi, giám đốc công ty xây dựng Liên Hoàn (P.Xuân An, TP.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) thẳng thắn nhìn về quá khứ lỗi lầm của mình: Năm 1999, vợ chồng là công nhân, nheo nhóc hai đứa con nhỏ. Trong lúc túng quẫn, nghe lời một người bạn rủ tổ chức đưa người vượt biên, anh Hoàn tham gia và bị bắt.
Bản án 10 năm tù khiến anh ngỡ đất trời như sụp đổ.
Ngày 30-4-2005, anh được ân xá, ra tù trước thời hạn. Anh theo làm phụ hồ, nhờ tay nghề tốt, anh lên thợ xây rồi thợ chính. Sau đó, anh nhận thầu dù chỉ là những ngôi nhà nhỏ. Không lâu sau đó, anh đã là chủ của công ty xây dựng Liên Hoàn với hơn 200 công nhân, trong đó có 50 người cùng hoàn cảnh như anh trước đây. Hai đứa con nhỏ ngày nào giờ đã học ngành xây dựng và kế toán tại TP.HCM.
“Lúc mới ra tù, tôi rất băn khoăn, không biết đứng dậy từ đâu. Được sự động viên của cơ quan chính quyền, nhất là anh Thắng (hiện là thiếu tá Ngô Chiến Thắng, công an P.Xuân An, TP.Phan Thiết), tôi đã dần lấy lại sự tự tin và bước qua những khó khăn. Tôi đã từng trả giá rồi, phải mở ra con đường mới cho mình. Vấp ngã ở đâu, cố gắng đứng dậy tại đó.
TP.Phan Thiết, mảnh đất cát trắng nắng vàng này tôi đã từng vấp ngã. Tôi muốn làm lại cuộc đời mình từ chính nơi này. Tôi đã nhận ra, gia đình thật sự là mấu chốt, là tế bào của xã hội. Nếu gia đình tan nát thì xã hội tan nát. Chúng ta hãy cùng cố gắng. Muốn xóa bỏ mặc cảm phải tự mình chiến thắng chính mình. Không chiến thắng được chính mình thì bất cứ ở đâu cũng bị vấp ngã. Mình đã lỡ rồi thì thôi, giờ cố vươn lên cho xã hội tốt đẹp hơn”, anh Hoàn tâm sự.
Quay trở lại nơi xưa cảnh cũ, chị Thu Thuỷ (47 tuổi, chủ cơ sở may Thu Thuỷ ở TP.Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh) bảo chị muốn gặp lại tất cả cán bộ ngày xưa từng thủ thỉ tâm sự, khuyên lơn, động viên chị, là chỗ dựa tinh thần cho chị những lúc yếu đuối nhất.
“Ngày đó vào tù với mức án cao, 18 năm, tôi hay được cán bộ động viên, an ủi. Chính sự gần gũi và những lời khuyên của cán bộ mà tôi mới có thêm nghị lực tiếp tục học nghề và giờ mới được như hôm nay”, chị Thủy nói.
Và cuộc hội ngộ đã cho chị cơ hội gặp lại một trong những quản giáo thân thiết nhất ngày đó: thượng uý Vũ Thị Thắm (quản giáo phân trại số 2).
Thượng úy Thắm kể: “Tôi nhớ có những lúc chị Thuỷ nản quá, bảo là sẽ không học nghề may nữa vì nghề này đòi hỏi sự tỉ mỉ. Tôi lại thủ thỉ: Chị có hộ khẩu thành phố, bây giờ ráng học cho thành nghề, sau này ra cơ hội kiếm việc sẽ dễ hơn là không biết làm gì, dù có 2 - 3 triệu một tháng thì vẫn quý vì đó là những đồng tiền lương thiện. Sau đó, chị Thuỷ học rất tích cực. Chị có kỹ thuật tốt, may rất khéo nên được đưa vào khâu cắt. Có lúc phải may gấp quần áo cho các phạm nhân, chị Thuỷ cắt nhiều quá, phồng tay, chảy máu. Tôi xin phân trại cấp cho một cái máy cắt cho đỡ vất vả hơn, năng suất lại cao hơn. Ngày được giảm án 18 tháng, chị Thuỷ chạy tới ôm lấy tôi, xúc động lắm”.
Năm 2013, được về trước thời hạn, chị Thu Thuỷ vét hết tiền mua được 10 chiếc máy may chung với bà con cô bác thân thuộc trong nhà rồi mở rộng dần. Bây giờ, chị là chủ của một doanh nghiệp tư nhân với 70 công nhân, trong đó có 12 người từng là phạm nhân. “Tôi cùng hoàn cảnh nên biết được niềm tin hướng thiện của họ rất mạnh. Nếu cuộc đời không đón nhận họ mới sảy chân, quay lại con đường cũ. Chị em cùng làm kiếm sống, không phân biệt chủ tớ”, chị Thủy nói.
Nhìn về phía gần 500 phạm nhân đang chấp hành án phạt ngồi bên dưới, chị Thuỷ khẳng định: “Các bạn phải có niềm tin hướng thiện. Chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận những người cùng hoàn cảnh như mình. Hãy nhìn chúng tôi đó. Tôi làm được, chị em cũng làm được”. Cả hội trường ồ lên, vỗ tay trước chia sẻ chân tình và ý nghĩa của chị Thuỷ.
Vượt 2.000km từ Sơn La vào Bình Thuận, ông Nguyễn Xuân Bàn kể: “Tôi vào tù năm 36 tuổi, về năm 52 tuổi, đầu hai thứ tóc. Ở trại giam này ai cũng biết tôi và ai tôi cũng biết, vì tôi đã ở quá lâu. Ngày đó tôi bị bắt vì mua bán, vận chuyển ma tuý. Chỉ vì lúc mình hụt hẫng quá, hoang mang quá khi công ty vật tư giải thể, chới với vì không có việc làm, nghe lời người bạn rủ chung tiền mua heroin vào Sài Gòn bán. Tôi đã nhìn thấy nhiều người rất giàu có, phất lên nhanh chóng. Tôi choáng ngợp trước sự giàu có của họ, mong một đêm là giàu lên như họ. Nhưng tôi đã bị bắt ngay lần đầu, bị kết án tử hình.
Tôi đã khuỵu xuống khi nghe tòa tuyên án. Mồ hôi chảy vào mắt, ướt hết bộ quần áo, chỉ nghe tiếng chị gái khóc, rồi không còn biết gì nữa. Những ngày sau đó thật khủng khiếp khi biết cái chết đang chờ mình phía trước, từng ngày, từng giờ nhưng không biết nó đến lúc nào. Và đến ngày được chủ tịch nước ra lệnh ân xá, nghe cán bộ đọc quyết định, tôi thành người ngu, cũng không biết gì, không nghe thấy gì. Cán bộ phải đọc lại lần nữa. Tim tôi như vỡ oà, như được sống lại lần thứ hai. Và tôi dặn lòng mình phải sống cho thật tử tế”.
Những chia sẻ rất thật của ông Bàn như một lời nhắn nhủ với chính những người đang ở trong song sắt: hiểu được giá trị của cuộc sống, của tự do và đừng để tay mình nhúng chàm nữa, dù chỉ một lần.
Phải chiến thắng bản thân
Cuộc gặp gỡ, chia sẻ còn có cả những giọt nước mắt. Anh Hoàng Tú Mai, 48 tuổi, chủ một nhà máy sản xuất mùn cưa, trấu ở Tây Ninh khiến người nghe ngậm ngùi khi anh nghẹn lời, rớm nước mắt kể lại câu chuyện của mình lúc mới ra tù.
“Khi tôi về, trại cho 250.000đ tiền về xe. Cán bộ và Ban quyên góp cho 3.500.000đ. Tôi đến bến xe miền Đông lúc 13g. Cùng đi có 3 người. Hai người kia có người nhà ra đón. Tôi thì không. Đêm đó tôi vào Bệnh viện Chợ Rẫy ngủ rồi sau đó bắt xe về Đà Nẵng.
Thứ ba từ trái qua, anh Hoàng Tú Mai đang chia sẻ câu chuyện đời mình trước gần 500 phạm nhân – Ảnh: My Lăng |
Khi bị bắt, tôi có nhà cửa, đất đai, vợ con. Bước chân ra trại, vợ bỏ đi, nhà cửa đất cát bị bán hết, con gái gửi ở nhà em ruột tận Hà Nội. Ba tôi là cán bộ cách mạng lão thành, được cấp một ngôi nhà ở Đà Nẵng. Nghĩ rằng con mình phạm tội, không xứng đáng được nhận ngôi nhà đó, ông trả lại, thuê nhà ở.
Tôi rất đau lòng khi thấy gia đình tan nát, ba mình đã già yếu nhưng lại khổ tâm vì thằng con tù tội. Tôi nghĩ rằng mình phải làm lại. Nơi nào mình thất bại thì mình phải thành công ở đó. Tôi gửi con cho người em trai rồi vào Sài Gòn, được một người bạn giới thiệu làm giám sát công trình một ngôi nhà nhỏ. Làm được hai tháng thì có người bán báo nhìn mặt tôi, bảo: “ô thằng này xưa tao thấy đăng trên báo công an mà”. Mọi người nhìn tôi với ánh mắt e dè, nghi kỵ, xa lánh. Tôi chủ động xin nghỉ.
Tôi về Vũng Tàu, xin làm gạch. Một thời gian ngắn sau thì quản lý cũng biết. Chị ấy gọi tôi lại và nói không nhận người có tiền án tiền sự, trả cho tôi 2 triệu đồng. Lúc đó là 18g30 phút. Tôi đi lang thang trên bãi biển rồi ngã vào đống rác dạt vào bờ. Tôi nghĩ không lẽ cuộc đời mình như đống rác chảy trôi làm dơ bẩn biển như vậy sao. Không lẽ mình cũng là rác rưởi, làm dơ bẩn cuộc đời này, xã hội này sao. Một lát sau tôi thấy một cụ già đi lượm bọc. Tôi hỏi cụ lượm rác về làm gì, cụ bảo để bán, 1 ký 6.000đ. Tôi nhìn quanh thấy cũng gom được vài chục ký, bán cũng vài trăm ngàn. Rác còn có ích, không lẽ mình không có ích.
Anh Hoàng Tú Mai rạng rỡ và tự tin trong ngày trở lại thăm nơi từng chấp hành án phạt tù – Ảnh: My Lăng |
Tôi lại quyết tâm đứng dậy. Tôi chọn làm than đá để không ai biết mặt mình vì bụi, phải quấn khăn, đeo khẩu trang suốt ngày. Tôi cật lực làm, dành dụm được ít tiền, xin ra làm riêng, kinh doanh than đá. Sau này khi người ta không dùng than nữa, tôi mua máy ép củi trấu, mùn cưa và giờ đã có nhà máy ở Tây Ninh”.
Cũng như anh Mai, nhiều gương mặt khác trong buổi giao lưu đều khẳng định: phải chiến thắng chính bản thân mình và vấp ngã ở đâu, đứng dậy ở đó. Có người không chỉ ổn định được cuộc sống cá nhân mà còn tạo công ăn việc làm cho hàng trăm người lao động…
Phía sau thành công của họ là sự ủng hộ, hỗ trợ về tinh thần của những người quản giáo của trại giam, công an khu vực, hàng xóm và cả người đã chấp hành xong án phạt tù trước đó.
Thượng tá Phạm Quang Tư (phó giám thị trại giam Thủ Đức) cho biết: “Chúng tôi rất trân trọng và cảm kích trước những nỗ lực vượt trội và thành quả mà những anh chị từng là phạm nhân đã gạt bỏ gian nan, tự tin vượt khó bước vào cuộc đời mới. 30 gương mặt tiêu biểu này chính là những trái ngọt, là thành quả, là niềm tự hào của những người chiến sĩ trại giam Thủ Đức. Chúng tôi luôn nỗ lực dạy cho phạm nhân hiểu biết về pháp luật, xây dựng hình ảnh con người mới có văn hoá, biết trân trọng, quý mến những người xung quanh, biết quý những thành quả do mình làm ra. Có hàng ngàn phạm nhân đã và đang được truyền nghề, đáp ứng được cuộc sống sau khi tái hoà nhập cộng đồng”.
Trại giam Thủ Đức mỗi năm có hơn 2.000 phạm nhân chấp hành xong án phạt, trở về cuộc sống đời thường. Thiếu tướng Đỗ Tá Hảo (Cục trưởng Cục cải tạo và hoà nhập cộng đồng – Tổng Cục 8) cho biết có hàng ngàn người sau khi chấp hành xong án phạt tù xin được ở lại trại giam vì không biết đi đâu, về đâu, không nơi nương tựa và nhiều người đã tái phạm, quay lại con đường cũ. |