24/12/2024

Tránh rủi ro tai biến gây mê

Hai người tử vong sau khi gây mê sáng 25-12 tại Bệnh viện đa khoa Trí Đức, Hà Nội là loạt tai biến sau gây mê thứ hai trong vòng hơn hai năm qua. Điều này tạo nên nỗi lo gây mê cũng là một khâu dễ xảy ra tai biến.

 

Tránh rủi ro tai biến gây mê

Hai người tử vong sau khi gây mê sáng 25-12 tại Bệnh viện đa khoa Trí Đức, Hà Nội là loạt tai biến sau gây mê thứ hai trong vòng hơn hai năm qua. Điều này tạo nên nỗi lo gây mê cũng là một khâu dễ xảy ra tai biến.

 

 

 

Tránh rủi ro tai biến gây mê
Người nhà đau buồn trước cái chết thương tâm của anh H.V.T.  - Ảnh: QUANG THẾ

Trong khi thông thường, người ta ít nghĩ gây mê là khâu quan trọng trong mỗi cuộc mổ hay can thiệp y khoa.

Sau tiêm 30 giây đã sốc, choáng

Trao đổi với báo chí trưa 26-12, một ngày sau tai biến nghiêm trọng làm chị Q.T.M.P. (37 tuổi) và anh H.V.T. (34 tuổi) tử vong, phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết hai bệnh nhân được tiêm thuốc Atropine 25mg, Midazolam 5mg, Solumedrole 40mg để tiền mê, 15 phút sau sử dụng tiếp 100mg Diprivan và 30mg Esmeron, sau 30 giây bệnh nhân có dấu hiệu sốc phản vệ, tụt huyết áp, tri giác lơ mơ, vã mồ hôi…

Hai bệnh nhân được cấp cứu ngay tại phòng mổ và sau đó chuyển tới khoa cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai tiếp tục cấp cứu trong khoảng 2 giờ thì bệnh nhân tử vong.

Ông Đỗ Hữu Quyền (50 tuổi ở quận Hoàng Mai, Hà Nội), người nhà anh T., cho hay sáng 25-12 ông cùng anh T. tới bệnh viện, trước lúc gây mê anh T. vẫn khỏe mạnh nói chuyện bình thường. Khoảng 15 phút sau khi vào phòng để gây mê thì bác sĩ thông báo phải đưa T. sang Bệnh viện Bạch Mai để cấp cứu. Người nhà chị M.P. cũng cho biết chị khỏe mạnh, ngoại trừ chứng đau thuỳ tuyến giáp chị đi cắt lần này.

Theo bà Nhị Hà, từ các dấu hiệu bệnh lý của bệnh nhân, nguyên nhân ban đầu dẫn đến tai biến có thể là sốc phản vệ. Tuy nhiên hai người tử vong cùng thời điểm, cùng sau khi tiêm các thuốc giống nhau ở hai phòng bệnh khác nhau thì liệu có nguyên nhân do thuốc, do liều thuốc?

Về vấn đề này, bà Hà cho biết: “Gần nhất là hôm 24-12 cũng có một bệnh nhân được sử dụng thuốc gây mê cùng lô này tại Bệnh viện Trí Đức nhưng bệnh nhân an toàn. Tuy nhiên chúng tôi sẽ đề xuất với Cục Quản lý dược, Bộ Y tế để mở rộng kiểm tra các thuốc cùng lô đang sử dụng ở các bệnh viện khác”.

Tuân thủ chỉ định để tránh rủi ro

Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra loạt tai biến chết người liên quan đến khâu gây mê. Trước đó, tháng 8-2014 từng có ba trẻ em ở Khánh Hoà tử vong ngay sau khi gây mê chuẩn bị phẫu thuật nụ cười.

Theo ông Nguyễn Hữu Tú, phó hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội và là một trong số những chuyên gia về gây mê, tất cả các loại gây mê đều có nguy cơ xảy ra rủi ro. Vì vậy bệnh nhân cần tuân thủ triệt để chỉ định của thầy thuốc, không nên rút ngắn thời gian vì có thể dẫn đến nguy cơ.

“Bệnh nhân cần thông báo đầy đủ cho thầy thuốc về tiền sử bệnh lý, xem có dị ứng hay bệnh lý nào khác, đồng thời không sốt ruột, vội vã, bỏ bớt chỉ định trước khi được gây mê, ngoại trừ trường hợp cấp cứu. Có người đến buổi sáng lại muốn trưa được gây mê luôn thì bác sĩ không có thời gian để sàng lọc”- ông Tú khuyến cáo.

Một chuyên gia khác cũng cho rằng hiện nay do các kỹ thuật chẩn đoán và điều trị bằng nội soi phát triển mạnh thì gây mê càng phổ biến hơn, không chỉ trước phẫu thuật, thủ thuật mới gây mê mà trước nội soi can thiệp, nội soi chẩn đoán bệnh nhân cũng có thể được gây mê. Để phòng tránh rủi ro, bệnh nhân cần tuân thủ những yêu cầu của thầy thuốc và chọn sử dụng dịch vụ tại cơ sở y tế uy tín.

Có bất thường không?

Trên mạng xã hội và các diễn đàn dành cho giới y khoa, ngày 26-12 đã có một cuộc tranh luận nhỏ giữa các bác sĩ về nguyên nhân (có thể) dẫn đến hai ca tử vong của chị Q.T.M.P. và anh H.V.T..

Theo một bác sĩ gốc Việt đang sinh sống và làm việc tại Úc, xác suất tử vong sau gây mê trên toàn thế giới là không nhiều, việc xảy ra 2 ca tử vong trong cùng một thời điểm, tại một bệnh viện là bất thường. Bác sĩ này cũng cho rằng nếu nguyên nhân dẫn đến hai ca tử vong là do sốc phản vệ trong quá trình gây mê để mổ mà không xử lý được thì cần đặt câu hỏi với hệ thống y tế.

Một ý kiến khác cũng đặt câu hỏi về thiết bị, thuốc men và nghiệp vụ chống sốc của Bệnh viện đa khoa Trí Đức, do cho rằng nếu xảy ra sốc phản vệ nghiêm trọng thì chỉ sau 30-45 giây đã rất khó cứu bệnh nhân.

Mặc dù Bệnh viện đa khoa Trí Đức rất gần (cùng trên một tuyến đường) với Bệnh viện Bạch Mai, nơi có trung tâm cấp cứu vào loại lớn nhất nước, nhưng hai bệnh nhân gặp tai biến tại Bệnh viện đa khoa Trí Đức đều không cứu kịp, một trong hai bệnh nhân đã ngừng tim ngay trên đường đi.

Mặc dù trường hợp thứ nhất đã xảy ra tai biến nhưng bệnh viện vẫn tiến hành gây mê bệnh nhân thứ hai và cả hai đều tử vong.

Theo báo cáo cho thấy hai bệnh nhân được gây mê cách nhau 25 phút, trong khi chỉ sau 30 giây được tiêm thì bệnh nhân đã bị sốc.

LAN ANH – QUANG THẾ