Coi chừng ‘ôm bệnh’ vì lo giảm cân
Để giảm cân, suy nghĩ đầu tiên của nhiều người là giảm khẩu phần ăn, thậm chí “đoạn tuyệt” trong nhiều ngày liền thay vì phải tập thể dục thể thao mỗi ngày. Điều này đúng không?
Coi chừng ‘ôm bệnh’ vì lo giảm cân
Để giảm cân, suy nghĩ đầu tiên của nhiều người là giảm khẩu phần ăn, thậm chí “đoạn tuyệt” trong nhiều ngày liền thay vì phải tập thể dục thể thao mỗi ngày. Điều này đúng không?
Theo BS Trần Ngọc Lưu Phương – chuyên khoa tiêu hoá gan mật BV Nguyễn Tri Phương TP.HCM, suy nghĩ này vừa đúng vừa sai.
“Đúng vì theo lý thuyết, khi nhịn đói thì cơ thể không được cung cấp năng lượng nên cân nặng sẽ giảm. Sai vì đây là cách giảm cân thiếu khoa học, vội vã… gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với sức khoẻ, đặc biệt là hệ thống tiêu hoá” – BS Lưu Phương giải thích.
Vậy khi nào chúng ta cần giảm cân và giảm bằng cách nào? Nếu giảm cân quá mức thì gây ra những hậu quả gì?
Nguyên tắc “vàng” khi giảm cân
Nhiều người, đặc biệt là phụ nữ, cảm giác bản thân mình đang mập hoặc nghe mọi người xung quanh nhận xét “có vẻ mập” thì đã vội vàng tìm phương pháp giảm cân mặc dù không biết chỉ số khối cơ thể đang ở mức bình thường hay thừa cân.
“Vì vậy, trước khi lên kế hoạch giảm cân, mọi người cần biết chỉ số khối cơ thể BMI (BMI = tổng trọng lượng cơ thể/chiều cao bình phương) của bản thân nằm trong ngưỡng nào để biết có thừa cân hay không” – BS Lưu Phương nhấn mạnh.
Theo các bác sĩ, đối với người châu Á, trong đó có người VN, chỉ số BMI dao động 19 – 23 là ngưỡng bình thường, cần duy trì chế độ ăn uống và sinh hoạt hiện tại. Trên thực tế, nhiều người tự cảm giác bản thân mập nên nhịn ăn để giảm cân mặc dù chỉ số BMI không vượt quá 23. Do đó, nếu có nhu cầu giảm cân, trước hết phải biết chỉ số BMI. Nếu nằm trong ngưỡng cho phép thì không cần phải khổ sở nhịn ăn để giảm cân.
Đối với những người cần giảm cân (thừa cân, béo phì…) thì phải ghi nhớ nguyên tắc: không giảm quá 5% trọng lượng cơ thể trong một tháng. Mỗi tháng cần phải đánh giá tình hình trọng lượng cơ thể để làm chủ được cân nặng nhằm không giảm quá số cân so với quy định.
Ví dụ, cân nặng hiện tại của bạn là 80kg, bạn có kế hoạch giảm cân từ ngày 30-4 thì trong vòng một tháng (từ ngày 30-4 đến 30-5) chỉ được giảm tối đa 4kg, lưu ý số cân không được quá hơn. Khi cân nặng 76kg thì đến ngày 30-6 chỉ được giảm 5% của 76kg, cứ như thế mà giảm dần đều.
Những người muốn giảm cân nên giảm lượng chất đường bột từ 60% xuống 40 – 50% bằng cách mỗi ngày nên ăn 1,5 chén cơm kết hợp rau, thịt, hoa quả. Quan trọng nhất là dành 30 phút tập thể dục thể thao.
Khuyến cáo của các bác sĩ
Giảm bằng cách nào?
BS Đào Thị Yến Thủy nhấn mạnh: “Muốn giảm cân, giảm béo, việc phải giảm lượng năng lượng đưa vào cơ thể là điều tiên quyết. Với bất kỳ sự thay đổi nào về năng lượng dung nạp vào cơ thể thì cũng phải khoa học. Người giảm cân phải nghiêm túc thực hiện nguyên tắc lượng calo vào phải ít hơn lượng calo ra”.
Các bác sĩ cho biết đối với người châu Á, trung bình một người lao động cơ bản cần tối thiểu 1.500 calo. Tuy nhiên, với văn hóa lựa chọn thức ăn của người Việt, trong 1.500 calo thì chất bột đường chiếm khoảng 60% lượng calo yêu cầu. Chất đường bột có nhiều trong những món ăn thân thuộc của chúng ta như cơm, bún, phở, hủ tiếu…
Nếu tiêu thụ nhiều chất bột đường thì làm sản sinh ra rất nhiều năng lượng. Nếu chúng ta không tiêu hao năng lượng này, chúng sẽ tích tụ lại, lâu ngày tạo thành mỡ, gây thừa cân. Từ đây, các bác sĩ khuyến cáo những người muốn giảm cân nên giảm lượng chất đường bột từ 60% xuống 40 – 50% bằng cách mỗi ngày nên ăn 1,5 chén cơm kết hợp rau, thịt, hoa quả.
Quan trọng nhất là dành 30 phút tập thể dục thể thao. Tuyệt đối không nên ăn khuya, nhất là những thức ăn chứa chất đường bột nêu trên vì rất dễ tăng cân.
Do đó, theo các bác sĩ, người muốn giảm cân nên phân bổ chất lượng bữa ăn như câu nói: “Hãy ăn sáng như một ông vua, ăn trưa như một hoàng tử và ăn tối như một người ăn mày”.
Để có sức khoẻ bạn vẫn cần có chất béo và tinh bột trong chế độ ăn. Tuy nhiên, việc kết hợp chúng trong một bữa ăn không phải là ý tưởng tốt.