25/12/2024

Năng lượng sạch: Lợi nhiều nhưng xài chẳng bao nhiêu

Điều này thể hiện rõ qua nhiều con số thống kê, sau mỗi giai đoạn nỗ lực của TP.HCM trong việc gia tăng sử dụng năng lượng tái tạo, thân thiện môi trường như năng lượng mặt trời, điện từ rác thải…

 

Năng lượng sạch: Lợi nhiều nhưng xài chẳng bao nhiêu

Điều này thể hiện rõ qua nhiều con số thống kê, sau mỗi giai đoạn nỗ lực của TP.HCM trong việc gia tăng sử dụng năng lượng tái tạo, thân thiện môi trường như năng lượng mặt trời, điện từ rác thải…

 

 

 

Năng lượng sạch: Lợi nhiều nhưng xài chẳng bao nhiêu
Những bình nước nóng hoạt động bằng năng lượng mặt trời tại Q.Phú Nhuận, TP.HCM – Ảnh: HỮU THUẬN

Một trong những sản phẩm dạng năng lượng thân thiện với môi trường đang dần trở nên quen thuộc đối với rất nhiều gia đình tại TP.HCM là bình nước nóng năng lượng mặt trời.

Tuy nhiên, việc sử dụng năng lượng tái tạo chẳng thấm tháp gì so với sản lượng điện tiêu thụ của toàn TP.HCM.

Đơn cử như cả năm 2015, sản lượng điện năng từ nguồn năng lượng tái tạo (điện từ nhà máy sản xuất điện tận thu khí gas từ rác ở Gò Cát, và điện mặt trời) là 1,5 triệu kWh.

Con số này còn quá nhỏ bé, chỉ chiếm 0,007% so với tổng sản lượng điện tiêu thụ toàn TP, khoảng hơn 20 tỉ kWh.

Theo Tổng công ty Điện lực TP.HCM, nếu tính luôn sản lượng điện tiết kiệm nhờ sử dụng bình nước nóng năng lượng mặt trời tại TP thì sản lượng điện năng có được từ nguồn năng lượng tái tạo của năm 2015 vào khoảng hơn 30 triệu kWh, cũng chỉ chiếm 0,15% so với tổng sản lượng điện tiêu thụ toàn TP.

Những con số vừa nêu được nhìn nhận còn rất ít và rất thấp so với mức kỳ vọng của TP.HCM (mục tiêu đặt ra là nâng công suất năng lượng tái tạo đạt 1,74% tổng công suất tiêu thụ của TP vào năm 2020 – PV).

Ai cũng thấy cái lợi, đặc biệt về khía cạnh môi trường của những dạng năng lượng tái tạo, nhưng sự thúc đẩy để dạng năng lượng hữu ích này phát triển vẫn là câu chuyện đang còn bỏ ngỏ.

Đô thị TP.HCM phải gánh một lượng rác khổng lồ mỗi ngày, với hàng nghìn tấn rác đem chôn lấp, nhưng trong nhiều năm nay TP cũng chỉ có một trạm phát điện từ rác thải Gò Cát, vận hành với quy mô khiêm tốn.

Còn ứng dụng công nghệ mới để phát triển các dự án sản xuất điện từ xử lý rác vẫn đang trong quá trình cân nhắc, lựa chọn suốt nhiều năm qua.

Trên thực tế, các nỗ lực để gia tăng sử dụng năng lượng tái tạo đều được thể hiện bằng các chương trình, chiến lược với nhiều mục tiêu, con số đặt ra rõ ràng.

Tuy nhiên, nó sẽ chỉ là những con số trên giấy tờ nếu không có những giải pháp mạnh mẽ để thực thi.

TP.HCM có chương trình thí điểm xây dựng cơ chế hỗ trợ đầu tư điện mặt trời ở TP, đã nhận được tín hiệu hưởng ứng rất tốt từ xã hội, thúc đẩy việc sử dụng điện mặt trời tại các doanh nghiệp và hộ gia đình.

Nhưng theo Tổng công ty Điện lực TP, chương trình này chỉ kéo dài trong các năm 2015 – 2016, trong khi đó Nhà nước lại chưa có chính sách hỗ trợ điện mặt trời đến với người dân.

Tổng công ty Điện lực TP.HCM kiến nghị cùng phối hợp với các cơ quan chuyên môn của TP, đánh giá cụ thể kết quả triển khai thử nghiệm chương trình, từ đó đề xuất cơ chế ưu đãi riêng tại TP.HCM như hỗ trợ vốn, lãi suất ưu đãi, thời hạn trả nợ dài hạn…

Ngoài ra, nên có cơ chế giá bán điện chung cho toàn quốc dành cho điện mặt trời, khi loại điện này đấu nối vào lưới điện quốc gia để bán điện. Điều này là rất cần thiết nhằm khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại TP.

Lợi cho môi trường nhưng E5 vẫn gặp khó

TP.HCM sử dụng nhiều hình thức khác nhau nhằm giúp người dân hiểu được lợi ích, hiệu quả của việc sử dụng xăng sinh học E5, đặc biệt là việc góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường do phát thải của xe cộ.

TP đã tổ chức treo hơn 1.000 băngrôn tại nhiều khu vực đông người để nói về lợi ích này. Song, trên thực tế việc tiêu dùng xăng E5 tại TP.HCM vẫn còn quá khiêm tốn.

Theo các đánh giá gần đây của cơ quan chức năng TP, xăng sinh học E5 vẫn ở trong tình trạng tiêu thụ chậm.

Người tiêu dùng chưa thay đổi được thói quen sử dụng xăng truyền thống có nguồn gốc từ dầu mỏ.

Thực tế này một phần còn phụ thuộc vào niềm tin của người tiêu dùng.

Vì vậy các cơ quan chức năng TP đề nghị cần tiếp tục công bố rộng rãi những thông tin, kết quả nghiên cứu tin cậy để khẳng định lợi ích, hiệu quả của xăng sinh học E5.

GIÁNG HƯƠNG