Lực lượng công an không chấp nhận để xảy ra oan sai
“Dù tỷ lệ oan sai là rất nhỏ trong số hàng vạn vụ án mà lực lượng công an đã khám phá, nhưng lực lượng không chấp nhận bất cứ vụ oan sai nào đối với công dân…”, ông Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, nói.
Lực lượng công an không chấp nhận để xảy ra oan sai
“Dù tỷ lệ oan sai là rất nhỏ trong số hàng vạn vụ án mà lực lượng công an đã khám phá, nhưng lực lượng không chấp nhận bất cứ vụ oan sai nào đối với công dân…”, ông Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, nói.
Chiều 21.12, Bộ Công an họp báo về tình hình, kết quả công tác năm 2016. Chủ trì cuộc họp báo, thượng tướng Tô Lâm đánh giá trong năm qua lực lượng công an đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, thực hiện thắng lợi nhiều chỉ tiêu do Quốc hội và Chính phủ đặt ra. Năm 2016, lực lượng công an toàn quốc đã điều tra khám phá gần 43.000 vụ phạm pháp hình sự; bắt giữ xử lý trên 80.000 đối tượng, cao hơn so với năm 2015. Cùng với đó, có gần 17.000 vụ tội phạm kinh tế đã bị phát hiện, xử lý; gần 19.000 vụ với hơn 28.000 đối tượng ma tuý bị bắt giữ…
Bên cạnh đó, người đứng đầu ngành công an cũng thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn, chưa làm được của ngành.
Đề cập đến vụ án Hàn Đức Long ở Bắc Giang mới đây, thượng tướng Tô Lâm cho rằng những điểm hạn chế trong công tác điều tra là nguyên nhân dẫn đến việc vẫn còn tỷ lệ oan sai. “Dù tỷ lệ oan sai là rất nhỏ trong số hàng vạn vụ án mà lực lượng công an đã khám phá, nhưng lực lượng không chấp nhận bất cứ vụ oan sai nào đối với công dân. Làm oan cho người dân là vi phạm luật pháp”, thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, khẳng định.
Ngoài những nguyên nhân như tinh thần làm việc, động cơ không trong sáng của cán bộ điều tra, non yếu về nghiệp vụ, nóng vội, vì động cơ thành tích…, Bộ trưởng thẳng thắn nhìn nhận hiện nay lực lượng điều tra trên toàn quốc rất mỏng, trung bình một năm mỗi cán bộ điều tra thụ lý 10 vụ án. Cá biệt, có địa phương một điều tra viên phải thụ lý 50 vụ án một năm. “Chúng tôi cũng đã có những giải pháp tăng cường đào tạo, giáo dục, bồi dưỡng cán bộ điều tra để khắc phục hạn chế, tránh làm oan người vô tội”, Bộ trưởng Tô Lâm nói.
Vi phạm giao thông nhiều làm hình ảnh VN xấu xí
Trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên: “Nhìn lại một năm vừa qua, những điều gì còn khiến Bộ trưởng băn khoăn, trăn trở?”, Bộ trưởng Tô Lâm chia sẻ: “Trăn trở lớn nhất của tôi là tình hình thực thi pháp luật, có những mặt, những lĩnh vực không cần qua cơ quan điều tra mà chúng tôi thấy rất sốt ruột, như tình trạng vi phạm giao thông, lấn chiếm vỉa hè lòng đường gây ảnh hưởng an toàn giao thông, ra đường ai cũng có thể vi phạm. Điều đó đang khiến VN của chúng ta trở nên xấu xí. Lẽ ra những điều này phải được người dân cô lập, lên án thì lại trông chờ vào mỗi lực lượng CSGT”.
Theo Bộ trưởng, năm 2016 lực lượng công an đã xử lý 2 triệu vụ vi phạm về giao thông, số tiền xử phạt hành chính khoảng 2.000 tỉ đồng, bằng thu ngân sách của một tỉnh. “Thực tình tôi không muốn tăng thêm những khoản phạt này và có xử lý cũng không hết được. Những vấn đề này tôi mong muốn có sự tham gia vào cuộc của toàn xã hội. Có kỷ cương, trật tự thì xã hội, đất nước mới phát triển được”, Bộ trưởng nói.
Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng, hiện ma tuý là vấn đề phức tạp, nhức nhối. “Giờ không phải là vài tép như trước kia mà là vài trăm bánh, cả ngàn bánh heroin, các đối tượng tàng trữ cả vũ khí sẵn sàng bắn trả khi gặp lực lượng chức năng. VN đã trở thành nơi trung chuyển về ma tuý mà ở biên giới để lọt thì phòng chống nội địa rất khó khăn”, Bộ trưởng nói và cho biết khoảng 70% đối tượng đang bị giam giữ hiện nay đều có liên quan đến ma tuý. Cũng do ma tuý mà nảy sinh nhiều vụ trộm cắp, giết người, như những vụ giết người dã man, hàng loạt trong gia đình vừa qua đều liên quan đến ma tuý. Trong năm qua, đã có 11 cán bộ chiến sĩ hy sinh, chủ yếu là đấu tranh với ma tuý.
Sẽ tính đến biện pháp phòng ngừa tiền khởi tố
PV Thanh Niên đặt câu hỏi trong thời gian gần đây đã xảy ra tình trạng một số người có liên quan đến các vụ việc tiêu cực lớn bỏ trốn trong khi các cơ quan chức năng đang xác minh làm rõ khiến dư luận bức xúc, Bộ Công an có những giải pháp gì để ngăn chặn. Trả lời câu hỏi này, thiếu tướng Phạm Văn Các, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Bộ Công an, nhìn nhận đã có một số vụ việc xảy ra, điển hình như vụ Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty xây lắp dầu khí VN (PVC). “Thời điểm tống đạt quyết định khởi tố bị can Trịnh Xuân Thanh thì người này đã bỏ trốn, lúc đó ông Thanh đang có chức vụ là Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang và đang xin phép nghỉ để chữa bệnh”, thiếu tướng Các nói và cho rằng việc ông Thanh bỏ trốn trước khi khởi tố thì trách nhiệm là của các cơ quan quản lý. Đến thời điểm này, cơ quan công an xác định Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn không phải qua đường chính ngạch.
Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định không có bất cứ bí mật nội bộ nào như việc để lộ lọt thông tin nội bộ trong ngành khiến Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho rằng qua vụ việc cho thấy còn có những sơ hở trong quản lý và sự phối hợp giữa cơ quan chức năng mà tới đây, Bộ Công an sẽ có báo cáo để đề xuất các biện pháp quản lý cán bộ cũng như tính đến những biện pháp phòng ngừa tiền khởi tố.
|
Thái Sơn