Niềm vui mới ở ‘trường không chạm đất’
Sau 10 năm chờ đợi và mong mỏi, trường tiểu học Lý Thái Tổ đã chính thức chuyển về ngôi trường mới khang trang và tiện nghi.
Niềm vui mới ở ‘trường không chạm đất’
Sau 10 năm chờ đợi và mong mỏi, trường tiểu học Lý Thái Tổ đã chính thức chuyển về ngôi trường mới khang trang và tiện nghi.
Niềm vui của học sinh trường tiểu học Lý Thái Tổ (Q.8, TP.HCM) tại ngôi trường mới khang trang – Ảnh: NHƯ HÙNG
Chuông reo báo hiệu giờ ra chơi, học sinh Trường tiểu học Lý Thái Tổ (Q.8, TP.HCM) ùa ra sân như đàn chim non vỡ tổ với nụ cười rạng rỡ trên môi.
Sân chơi rộng rãi, gió từ kênh Ruột Ngựa thổi vào mát rượi, các em nhanh chóng hòa mình vào những trò chơi thú vị của tuổi học trò: nhảy lò cò, chơi trốn tìm, chơi ô ăn quan, nhảy dây…
Cơ sở vật chất tốt, điều kiện giảng dạy đầy đủ, tiện nghi là yếu tố cần thiết thúc đẩy nhà trường nâng cao chất lượng giáo dục. Trường tiểu học Lý Thái Tổ đang tràn đầy hi vọng.
Cô hiệu trưởng LÊ THỊ THU VÂN
Cứ ngỡ như mơ
Cách đây gần 10 năm (năm 2009), Tuổi Trẻ đã đăng bài “Trường không chạm đất” về trường tiểu học Lý Thái Tổ, lúc đó, trường nằm trên đường Xóm Củi, ngay dưới chân cầu Chà Và nên lúc nào cũng nghe tiếng còi xe vừa ồn ào vừa nhiều khói bụi.
“Trường không chạm đất” vì nhà trường không có một khoảng không gian nào… tiếp đất, một ngôi trường không sân chơi, không cổng trường, không bảo vệ và không có phòng bộ môn.
Hồi đó, trường tiểu học Lý Thái Tổ nhìn bên ngoài như một cái hộp. Tất cả phòng ốc đều nằm trên lầu của một tòa nhà cũ kỹ và thiếu ánh sáng. Các phòng học ở đây chỉ khoảng 35m2 trong khi quy chuẩn phải là 48m2.
Gần như toàn bộ diện tích tầng trệt dành cho hoạt động của siêu thị, nhà sách, chỉ còn lại một phần nhỏ dành cho cầu thang làm lối vào trường duy nhất cho học sinh và giáo viên.
Bây giờ, cơ sở mới của trường Lý Thái Tổ nằm trên đường Cần Giuộc với 1 trệt 3 lầu. Trường có diện tích hơn 4.600m2, nằm quay mặt ra kênh Ruột Ngựa nên rất mát mẻ và thoáng đãng.
Cô Nguyễn Thị Huê – giáo viên của trường – không giấu niềm tự hào: “28 năm gắn bó với trường, tôi đã quá quen với hình ảnh học trò tập thể dục ở hành lang, chào cờ trên sân thượng… Mặc dù đã chuyển qua trường mới hơn một năm, nhưng nhiều lúc tôi cứ ngỡ như mơ. Bởi tôi có một khát khao cháy bỏng: được giảng dạy ở ngôi trường có sân chơi trước khi về hưu”.
Học sinh thích thú
Hào hứng dẫn chúng tôi đi tham quan phòng học của lớp mình, cô Huê kể: “Trường mới, bàn ghế mới nên cả cô và trò đều cặm cụi trang trí cho lớp mình đẹp hơn, bắt mắt hơn. Ý thức giữ gìn của công trong học sinh cũng tăng lên thấy rõ. Các em biết trân trọng lắm, không viết và vẽ bậy trên bàn, sách vở cũng để ngăn nắp hơn, tinh thần học tập cũng hăng say hơn vì các em rất vui”.
Em Nguyễn Tấn Phát – học sinh lớp 4/1 – nói: “Trường mới có sân rất rộng nè, phòng học của chúng em đẹp hơn nè, sáng hơn nè, hành lang không cần mở điện như trường cũ nhưng vẫn sáng hơn…”
Còn Trần Mỹ Quân – học sinh lớp 5 – giải thích: “Em thích trường mới vì có rất nhiều chỗ để chơi. Ngày xưa ở trường cũ, giờ ra chơi chúng em thường ngồi trong lớp chơi với nhau thôi”.
Cô Lê Thị Thu Vân – hiệu trưởng trường tiểu học Lý Thái Tổ – cho biết: “Trường có quyết định xây mới từ năm 2007 nhưng gặp phải một số trục trặc nên đến năm 2014 mới khởi công. Từ khi chuyển qua trường mới (học kỳ 2 năm học 2016-2017), cả giáo viên và học sinh phấn khởi lắm.
Có đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất nên chúng tôi tăng cường các hoạt động ngoại khóa, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Các hoạt động phong trào, những chuyên đề nâng cao chất lượng giáo dục học sinh cũng dễ dàng thực hiện vì có sân chơi, có phòng chức năng…”
Không những thế, nhà trường còn tổ chức giảng dạy tiếng Anh, tin học, mở được lớp bán trú, vừa đáp ứng được nhu cầu tha thiết của phụ huynh, vừa có khoản để tăng thu nhập cho giáo viên.
Cô Nguyễn Thị Huê – giáo viên thâm niên 30 năm công tác tại trường tiểu học Lý Thái Tổ – cùng học trò – Ảnh: NHƯ HÙNG
Không còn thấp thỏm tuyển sinh
“Trước kia, số học sinh của trường chúng tôi chỉ dao động 160-180 học sinh. Mùa tuyển sinh lớp 1 cả trường buồn lắm, phụ huynh mang “Giấy gọi trẻ ra lớp 1” đến rồi lại đi. Họ không nộp hồ sơ cho con em vào học vì thấy cơ sở vật chất của trường tệ quá.
Nhưng mùa tuyển sinh lớp 1 năm học 2017-2018 tình hình khác hẳn: đa số phụ huynh trong tuyến đều đến nộp hồ sơ. Thậm chí còn có cả phụ huynh ngoài tuyến đến xin cho con vào học. Đến nay, số học sinh của trường tăng gấp đôi. Hiện chúng tôi cũng rất tự tin trong mùa tuyển sinh sắp tới, không phải lo âu, thấp thỏm như trước nữa” – cô hiệu trưởng Thu Vân chia sẻ.