Hướng tới mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững
Đã có ngân hàng ngoại liên kết cùng các doanh nghiệp trong nước để tìm kiếm cơ hội tham gia tái cơ cấu tổ chức tín dụng trong nước yếu kém.
Hướng tới mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững
Đã có ngân hàng ngoại liên kết cùng các doanh nghiệp trong nước để tìm kiếm cơ hội tham gia tái cơ cấu tổ chức tín dụng trong nước yếu kém.
Thông tin trên được người đứng đầu Chính phủ cho biết tại diễn đàn phát triển VN năm 2016 (VDF 2016) với chủ đề “Chính phủ kiến tạo và hành động – Động lực mới cho phát triển”, do Bộ KH-ĐT và Ngân hàng Thế giới (WB) đồng tổ chức hôm qua (9.12) tại Hà Nội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng, các vấn đề như hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, chủ động hội nhập kinh tế cũng là những câu chuyện mà Chính phủ rất muốn tham vấn các chuyên gia quốc tế.
Góp ý cho vấn đề quản lý tài khoá và nợ công, ông John Panzer, Giám đốc phụ trách kinh tế vĩ mô và quản lý tài chính khu vực châu Á – châu Âu của WB, cho rằng VN cần cải thiện khả năng tiên đoán và độ tin cậy của định hướng chính sách, đồng thời cần thực hiện thống nhất, có chủ đích việc điều chỉnh tài khóa cũng như đưa ra các biện pháp điều chỉnh cơ cấu tài khoá và quản lý nợ tốt hơn.
Trong khi đó, ông Jonathan Dunn, đại diện thường trú của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) lại đưa ra một số gợi ý chính sách để tạo động lực mới cho phát triển bền vững. Đó là cải cách vĩ mô, giải quyết nhanh nợ xấu, có thêm các chính sách hạn chế rủi ro tài chính và cải thiện trung gian tài chính để các nguồn lực tới được những doanh nghiệp tư nhân có tính cạnh tranh cao.
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu một số kết quả tích cực về phát triển kinh tế xã hội của VN nhưng ông cũng nhìn nhận những tồn tại, hạn chế mà cơ quan điều hành cần quyết tâm, tập trung khắc phục để hướng tới mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững và nhất là “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh VN đang tập trung tái cơ cấu kinh tế một cách thực chất, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Cùng với đó, nhà nước cũng đang đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn theo cơ chế thị trường trong thực hiện kế hoạch 2016 – 2020. “Đối với các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ kéo dài, mất vốn chủ sở hữu mà không thể tháo gỡ được thì xem xét cho bán, phá sản theo quy định của pháp luật”, Thủ tướng khẳng định.
Để kiểm soát nợ công – vấn đề đang là thách thức chính sách vĩ mô của VN – cũng là một nội dung quan trọng trong diễn đàn, Thủ tướng cho hay cùng với việc huy động nguồn lực cho phát triển, Chính phủ chỉ đạo kiểm soát các dự án sử dụng vốn vay theo đúng mục đích, hiệu quả và trả nợ đầy đủ, đúng hạn; hạn chế tối đa việc cấp bảo lãnh chính phủ, chú trọng kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay về cho vay lại, bảo đảm khả năng tự trả nợ.
Đáng chú ý, đối với câu chuyện xử lý nợ xấu mà nhiều ý kiến tại diễn đàn đã khuyến nghị, người đứng đầu Chính phủ khẳng định đang tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, nhất là xử lý tài sản bảo đảm, phát triển thị trường mua bán nợ. “Chính phủ yêu cầu các tổ chức tín dụng tự xử lý nợ xấu, gắn với cơ cấu lại nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, bảo đảm công khai minh bạch, tiếp cận chuẩn mực quốc tế”, Thủ tướng nói và cho biết Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cùng với một đối tác tư nhân trong nước đang có kế hoạch mua lại một ngân hàng thương mại yếu kém. “Nhân dịp này, tôi muốn nêu vấn đề với WB, cụ thể là Tổ chức Tài chính quốc tế IFC giúp đỡ chúng tôi giải quyết vấn đề nợ xấu một cách thực chất”, Thủ tướng đề nghị.
Chí Hiếu