24/12/2024

Giúp người trẻ cân bằng công việc và gia đình

Vừa phải lo công việc ở công ty, vừa phải quán xuyến công việc gia đình, con cái đã khiến không ít người trẻ mỏi mệt. Không phải ai cũng biết cách tháo gỡ nút thắt tâm lý này.

 

Giúp người trẻ cân bằng công việc và gia đình

Vừa phải lo công việc ở công ty, vừa phải quán xuyến công việc gia đình, con cái đã khiến không ít người trẻ mỏi mệt. Không phải ai cũng biết cách tháo gỡ nút thắt tâm lý này.




Vừa chăm con, vừa giải quyết công việc là tình cảnh mà nhiều dân công sở gặp phải
 /// Ảnh: Shutterstock

 

Vừa chăm con, vừa giải quyết công việc là tình cảnh mà nhiều dân công sở gặp phảiẢNH: SHUTTERSTOCK

Mệt mỏi quá !
Chị Nguyễn Hồng Nhụy (29 tuổi) đang là quản lý tại một công ty chuyên lĩnh vực vật liệu ở khu công nghiệp Mỹ Phước 2 (Bến Cát, Bình Dương) than thở: “Có những khi chẳng thể tập trung công việc. Ngồi làm mà cứ chăm chú vào điện thoại để theo dõi tình hình ở nhà qua camera. Đôi lúc thấy con khóc mà ông ngoại chẳng dỗ được hay nhìn cảnh ông loay hoay nấu ăn, thấy buồn vô cùng”.
Chị Nhụy thú thật: “Vì cứ lo như thế nên đôi khi không còn tâm trạng để làm việc, ảnh hưởng chất lượng công việc”.
Nỗi khổ của chị Nhuỵ dường như là chuyện không của riêng ai, nhất là với nữ nhân viên công sở. Họ đến công ty làm việc nhưng tâm trí lại căng thẳng khi nghĩ đến việc nhà. Cũng có lúc, khi đã về nhà với chồng, con nhưng lại lo lắng với những công việc chưa giải quyết xong ở công ty.
“Vì làm kế toán nên liên quan đến giấy tờ, chứng từ, hóa đơn, sổ sách rất nhiều. Mà đôi khi 8 tiếng làm việc không thể hoàn thành thế nên phải đem về nhà làm tiếp. Có những đêm, vừa cho con ăn, dỗ dành con, vừa bấm máy tính xử lý công việc. Nhiều lúc có cảm giác muốn điên luôn”, chị Đào Thị Tuyết Mai (32 tuổi), làm việc ở một công ty kiểm toán, đường Nguyễn Ảnh Thủ (Q.12, TP.HCM), kể.
Chị Trần Thu Nhi (27 tuổi), nhân viên ngân hàng ở đường Lê Hồng Phong (Q.5, TP.HCM), cho biết từ khi đi làm trở lại sau quãng thời gian nghỉ sinh con, chị gặp rất nhiều khó khăn. Lý do chị Nhi đưa ra là vì không thể cáng đáng được cả công việc và gia đình lúc nào cũng rơi vào trạng thái stress, âu lo. Ngồi chơi với con mà đầu óc lại nghĩ về những hợp đồng của khách nên ngồi thừ người ra. Có khi về nhà chị cũng chẳng nói chuyện với chồng, hoặc đang tư vấn cho khách thì lại nghĩ đến công việc gia đình.
“Có lẽ vì vậy mà mình thường có những cảm xúc tiêu cực, cáu gắt, khó chịu với chồng, làm ảnh hưởng đến gia đình”, chị Nhi tâm sự.
Đừng ôm đồm mọi thứ
Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Trung tâm chăm sóc tinh thần Ý tưởng Việt (TP.HCM), thực tế hiện nay có không ít người “lao tâm khổ tứ” khi rơi vào trạng thái không cân bằng được công việc và gia đình. Tình trạng này kéo dài sẽ làm giảm chất lượng cuộc sống.
Bà Hạnh lý giải: “Nếu không cân bằng được công việc và gia đình, cứ lo cùng lúc cả chuyện này lẫn chuyện kia thì không thể làm việc với năng suất cao nhất, không thể nào làm tròn vai. Chưa kể sẽ khiến bản thân mệt mỏi, chán nản, lo âu. Tâm lý đó sẽ lây lan đến môi trường làm việc và những người xung quanh. Đồng nghiệp, sếp cũng cảm thấy không yên tâm khi giao một dự án, kế hoạch mới”.
Theo bà Hạnh, để không bị cuốn trong guồng quay việc nhà, công việc tại cơ quan thì cần tách mình ra khỏi mớ bòng bong đó để điều chỉnh. Hãy nhìn nhận lại bản thân. Thử nghĩ xem mình có phải là người ham công tiếc việc quá hay không? Nếu không phải, thì hãy chia sẻ với người bạn đời về những vấn đề đang gặp phải trong công việc.
Ngoài ra, cũng cần tách bạch việc nhà và việc cơ quan thành hai mảng màu khác nhau, không vì những áp lực công ty mà về nhà “giận cá chém thớt”, vì sẽ khiến cho những người trong gia đình cảm thấy căng thẳng mỗi khi bạn từ cơ quan về nhà. Hãy biết cách chăm sóc bản thân, lên những kế hoạch hợp lý. Có thể cố gắng làm việc nhà xong rồi đi làm, hoặc tranh thủ giải quyết công việc công ty xong rồi hẵng về, cũng sẽ giúp bản thân dễ chịu hơn.
Tuy khá bận bịu với công việc khi thường xuyên tham gia các chương trình truyền hình, lịch diễn…, thế nhưng diễn viên Thu Trang vẫn có cách để cân bằng giữa gia đình và công việc.
“Công việc, tiền bạc cũng quan trọng, nhưng quan trọng hơn cả chính là gia đình. Vì thế tôi luôn cố gắng sắp xếp thời gian hợp lý, dù có bận bịu cỡ nào thì cũng dành những khoảng thời gian để chăm sóc gia đình nhỏ. Để nấu ăn, bên cạnh chồng (diễn viên Tiến Luật – PV), cùng chồng nuôi dạy con”, Thu Trang chia sẻ.
Đỗ Thị Hoa (29 tuổi), Giám đốc điều hành Yppuna, người vừa lọt vào top 20 trong cuộc thi khởi nghiệp K-Startup Grand Challenge 2016 (Hàn Quốc), chia sẻ bí quyết để có thể vừa kinh doanh, vừa quán xuyến việc nhà, đó là: “Mình tập trung vào cái quan trọng hơn. Với mình đó là gia đình. Mình dành nhiều thời gian chăm sóc con, dẫn con đi chơi cũng như lo việc nhà cửa. Sau đó bắt tay vào công việc. Để công việc trôi chảy thì nên vạch ra kế hoạch cụ thể, nói không với những việc không quan trọng, chứ đừng ôm đồm, đừng có suy nghĩ việc gì cũng muốn làm. Ngoài ra, cần dành thời gian nghỉ ngơi hợp lý để đầu óc thoải mái, tái tạo năng lượng, sự hứng khởi”.
Huyền Trinh (27 tuổi), nhân viên ngân hàng ở Đồng Nai thì chia sẻ kinh nghiệm, để có thể quán xuyến cả công việc cơ quan lẫn gia đình, hãy liệt kê ra những công việc cần làm, rồi từng bước giải quyết. Có như vậy mới đỡ lo lắng, mệt mỏi. Và khi làm việc gì cũng tập trung, đừng để lo lắng chen ngang làm ảnh hưởng.

 

Xuân Phương