Lợi ích ‘kép’ khi tiêm chủng cho bà mẹ mang thai
Uốn ván sơ sinh, dị tật bẩm sinh do vi rút rubella hoàn toàn có thể bị loại bỏ nếu bà mẹ được chích ngừa đầy đủ.
Lợi ích ‘kép’ khi tiêm chủng cho bà mẹ mang thai
Uốn ván sơ sinh, dị tật bẩm sinh do vi rút rubella hoàn toàn có thể bị loại bỏ nếu bà mẹ được chích ngừa đầy đủ.
Tiêm chủng cho mẹ đồng thời cũng phòng bệnh cho bé ẢNH: NGỌC THẮNG
Miễn dịch phòng bệnh sởi ở mức thấp
Theo PGS-TS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, phụ trách tiêm chủng mở rộng quốc gia, một số nghiên cứu gần đây cho thấy miễn dịch phòng bệnh sởi ở các bà mẹ mang thai thấp và nhiều trẻ nhỏ (dưới 9 tháng tuổi) sinh ra từ các bà mẹ này không có miễn dịch, hoặc miễn dịch từ mẹ truyền sang con không đủ bảo vệ trẻ phòng bệnh sởi. Do vậy trẻ nhỏ dễ mắc sởi từ những người xung quanh như bố mẹ, anh chị em…
Kết quả nghiên cứu đánh giá tồn lưu miễn dịch với vi rút sởi ở trẻ 2 – 9 tháng tuổi thực hiện tại H.Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương (năm 2015) được Viện Vệ sinh dịch tễ công bố đầu tháng 4.2018 cho thấy: Chỉ 13,1% trẻ có kháng thể đủ bảo vệ không mắc bệnh sởi. 86,9% số trẻ còn lại không được bảo vệ phòng bệnh sởi là một con số đáng quan tâm.
Cũng theo nghiên cứu này, khi trẻ lớn lên, kháng thể do mẹ truyền cho trẻ trong quá trình mang thai cũng giảm dần. Tỷ lệ trẻ có kháng thể bảo vệ cao nhất ở nhóm trẻ 2 tháng tuổi (35,1%); tiếp theo là nhóm 3 – 5 tháng tuổi (21,3%) và giảm dần ở nhóm trẻ lớn hơn. Chỉ có 0,5% trẻ trong nhóm 6 – 9 tháng tuổi có kháng thể kháng sởi (kháng thể IgG). Đáng lưu ý, 100% trẻ từ 7 – 9 tháng tuổi không còn kháng thể phòng sởi.
Các chuyên gia dịch tễ cũng cho biết: Trong nhóm trẻ là con của các bà mẹ từng mắc sởi, tỷ lệ trẻ có IgG chiếm 22,8% (tỷ lệ này cao gấp 2,5 lần so với nhóm trẻ là con của các bà mẹ chưa từng mắc sởi và chưa từng tiêm vắc xin sởi). Còn với nhóm trẻ có mẹ chưa từng mắc sởi nhưng đã từng tiêm vắc xin sởi, tỷ lệ trẻ có kháng thể phòng sởi cao gấp 1,1 lần so với nhóm có mẹ chưa từng mắc sởi và chưa từng tiêm vắc xin.
Theo kết quả điều tra huyết thanh trước đó ở các cặp mẹ con khám thai và sinh tại H.Đông Anh, Hà Nội, năm 2016: Có 71,7% bà mẹ mang thai có kháng thể IgG kháng sởi dương tính; 28,3% âm tính với xét nghiệm IgG kháng sởi. Kết quả nghiên cứu cho thấy những trẻ có mẹ ở độ tuổi 18 – 19 thì tỷ lệ được bảo vệ phòng bệnh ở mức thấp và thấp hơn 8,1 lần so với nhóm bà mẹ ngoài 30 tuổi.
Theo PGS Dương Thị Hồng, các nghiên cứu gần đây cho thấy nhiều bà mẹ trẻ hiện nay không có kháng thể phòng sởi nên không thể truyền kháng thể cho con, trẻ em sinh ra từ các bà mẹ này không có khả năng phòng sởi, dễ có nguy cơ mắc bệnh khi tiếp xúc với nguồn bệnh. Thực tế thời gian gần đây đã ghi nhận các trường hợp mắc sởi trước tuổi tiêm chủng vắc xin sởi (trước 9 tháng tuổi).
Khuyến cáo mới nhất về tiêm chủng cho bà mẹ
Kết quả của một số nghiên cứu, đánh giá cho thấy miễn dịch bảo vệ phòng sởi ở phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ đang ở mức thấp, trong tình hình dịch bệnh sởi có nhiều diễn biến phức tạp. Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nên đến các cơ sở y tế tiêm vắc xin phòng bệnh sởi và rubella để chủ động phòng bệnh cho chính mình và phòng ngừa cho con không mắc bệnh sởi, hội chứng rubella bẩm sinh gây đa dị tật khi chưa đến độ tuổi tiêm vắc xin.
Ngoài ra, các chuyên gia về tiêm chủng cũng lưu ý, các bà mẹ mang thai cần duy trì tiêm vắc xin phòng uốn ván đầy đủ để phòng uốn ván cho mẹ và bé. Bà mẹ mang thai cần có miễn dịch cơ bản với lịch tiêm hai liều vắc xin uốn ván cách nhau tối thiểu một tháng (rong đó, liều thứ hai phải tiêm trước khi sinh một tháng). Những lần có thai sau cần tiêm nhắc lại một liều vắc xin uốn ván.
PGS Dương Thị Hồng cho hay tiêm vắc xin phòng uốn ván để chủ động phòng bệnh cho mẹ; miễn dịch của mẹ truyền cho con trong quá trình mang thai giúp bảo vệ trẻ không mắc uốn ván sơ sinh. Sau 30 năm thực hiện tiêm uốn ván cho bà mẹ mang thai, tỷ lệ uốn ván sơ sinh đã giảm mạnh và VN đã loại trừ được bệnh uốn ván sơ sinh từ năm 2006. Các bà mẹ cần duy trì tiêm chủng đầy đủ cho mẹ và bé để bảo vệ sức khỏe cá nhân và cộng đồng.
LIÊN CHÂU