Giáo dục TP.HCM gặp khó vì nhiều… quy định
Sáng 2-12, tại buổi làm việc với Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội (trong khuôn khổ Quốc hội giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật lĩnh vực GD-ĐT), lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM đã kiến nghị nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành.
Giáo dục TP.HCM gặp khó vì nhiều… quy định
Sáng 2-12, tại buổi làm việc với Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội (trong khuôn khổ Quốc hội giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật lĩnh vực GD-ĐT), lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM đã kiến nghị nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, phát biểu tại buổi làm việc sáng 2-12 với Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội – Ảnh: H.HG. |
Trong đó, Sở GD-ĐT TP đề nghị: “Giao quyền cho Sở GD-ĐT TP.HCM được tự xây dựng chương trình, trên cơ sở khung chương trình của Bộ GD-ĐT; tự tổ chức xét và công nhận tốt nghiệp THPT, nhằm đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập theo hướng phát huy năng lực, chủ động chiếm lĩnh tri thức của học sinh”.
Không thích làm lãnh đạo?
Sau báo cáo ngắn gọn, súc tích của đại diện Sở GD-ĐT, các đại biểu Quốc hội đã chất vấn khá nhiều vấn đề liên quan đến bộ sách giáo khoa (SGK) mới mà TP đang tổ chức biên soạn, về việc giảm sĩ số học sinh/lớp, về công tác phân luồng học sinh sau trung học…
Trả lời chất vấn, ông Nguyễn Văn Hiếu, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP, cho biết: “Bộ SGK mà TP.HCM đang biên soạn phải bảo đảm đạt được các mục tiêu, tuân thủ các nguyên tắc chung, bảo đảm các quy chuẩn kiến thức, kỹ năng bám sát khung chương trình chung của Bộ GD-ĐT.
Thật ra, việc quá tải trong dạy và học phụ thuộc phần lớn vào cấu tạo chương trình, SGK; chủ yếu là hình thức thể hiện và chuyển tải chuẩn kiến thức – kỹ năng cần đạt. Bộ SGK của TP sẽ có những bài phù hợp với đặc thù của vùng miền, cải tiến cả về hình thức và nội dung, tạo hứng thú cho học sinh. Qua đó, giúp các em giảm tải và không cảm thấy bị gây sức ép; đồng thời thuận lợi cho việc dạy học theo hướng tích hợp, vận dụng kiến thức liên môn”.
Về những khó khăn, ông Hiếu nêu một thực trạng: “Tôi chắc rằng không chỉ TP.HCM mà các tỉnh thành khác cũng đã và đang gặp khó khăn như chúng tôi. Đó là tình trạng nhiều giáo viên giỏi, có khả năng quản lý nhưng không muốn chuyển công tác về sở GD-ĐT và phòng GD-ĐT. Nguyên nhân vì cán bộ, chuyên viên sở và phòng GD-ĐT bị cắt phụ cấp dành cho nhà giáo, nên thu nhập thấp hơn giáo viên giảng dạy tại trường”.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một số trưởng phòng GD-ĐT quận huyện trên địa bàn TP thừa nhận họ đang rất bị động do không tìm được người thay thế các chuyên viên và cả phó phòng GD-ĐT, khi người tại nhiệm về hưu hoặc chuyển công tác. Thế nên tại các phòng GD-ĐT, hiện có một số vị trí công việc vẫn trống người và luôn trong tình trạng chờ người.
Một trưởng phòng GD-ĐT ở vùng ven TP.HCM chia sẻ: “Quy định của cấp trung ương thật vô lý. Chẳng lẽ chỉ có giáo viên trực tiếp đứng lớp mới là nhà giáo, nên mới được hưởng phụ cấp nhà giáo. Còn những người làm ở sở, phòng GD-ĐT cũng làm nhiệm vụ giáo dục nhưng không được hưởng phụ cấp nhà giáo, chúng tôi không phải là nhà giáo sao?
Nghịch lý này đã tồn tại nhiều năm nay, chúng tôi “kêu” nhiều lần trong các cuộc họp nhưng vẫn chưa thấy sửa. Nó khiến chúng tôi rất khó khăn trong công tác điều động cán bộ. Phải là những giáo viên giỏi, tâm huyết mới được bổ nhiệm về sở, phòng. Trách nhiệm nhiều hơn, áp lực công việc cao hơn nhưng thu nhập lại thấp hơn thì ai chịu làm?”.
Trường cần nhưng bộ không cần!
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Tiến Đạt, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP, phản ảnh: “Quy định tạm ngưng tuyển nhân viên kế toán và nhân viên y tế cho trường mầm non, phổ thông khiến nhiều trường lao đao (theo công văn 2387 của Văn phòng Chính phủ ngày 8-4-2015 – PV). Một nhà trường với nhiều khoản thu và chi, nếu không có kế toán, hiệu trưởng rất dễ có nguy cơ bị ở tù. Trường học với cả ngàn học sinh, nếu không có nhân viên y tế sẽ rất nguy hiểm cho học sinh”.
Chưa hết, ông Đạt còn cho biết: “Thông tư liên tịch số 11/2015/TTLT-BGDĐT-BNV năm 2015 đã quên mất đặc thù của TP.HCM và Hà Nội. Sở GD-ĐT TP.HCM hiện có 1 giám đốc và 5 phó giám đốc mà còn không đủ người đi họp và làm việc. Vậy mà thông tư quy định mỗi sở GD-ĐT chỉ có 1 giám đốc và 3 phó giám đốc mà thôi”.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Hiếu cũng nêu: “TP.HCM thí điểm giảng dạy tiếng Anh tăng cường từ năm 1998. Đến thời điểm này, TP có 81% học sinh tiểu học được học tiếng Anh theo các loại hình khác nhau. Nếu tính ở thời điểm học kỳ 2 của năm học là 100% học sinh tiểu học được học tiếng Anh, vì học kỳ 1 thì học sinh khối lớp 1 chưa học tiếng Anh.
Thế nhưng theo quy định của Bộ GD-ĐT, không có biên chế giáo viên tiếng Anh cho bậc tiểu học. Các trường tiểu học phải tuyển giáo viên theo dạng hợp đồng, rất khó cho các trường, mà thu nhập của giáo viên dạy tiếng Anh cũng rất thấp. Vì theo quy định, giáo viên tiếng Anh chỉ được hưởng chế độ như giáo viên tiểu học. Mà đặc thù giáo viên tiểu học là dạy nhiều môn, họ phải dạy 23 tiết nghĩa vụ, từ tiết 24 trở đi mới được hưởng phụ trội.
Trong khi đó, giáo viên tiếng Anh bậc THCS chỉ dạy nghĩa vụ 19 tiết, giáo viên THPT dạy 17 tiết/tuần. Điều này khiến các trường tiểu học khó giữ chân những giáo viên tiếng Anh giỏi ở lại với nghề”.
Ngoài ra, đại diện Sở GD-ĐT TP cũng phản ảnh thực tế hoạt động của nhà trường phổ thông hiện nay rất cần có biên chế giáo viên tư vấn tâm lý, giám thị. Và trường mầm non thì không thể thiếu bảo mẫu, bởi quy định mỗi lớp chỉ có 30 học sinh mầm non, nhưng ở nhiều trường mầm non trên địa bàn TP, nhiều lớp 40-45 học sinh, thậm chí có lớp 50 học sinh.
Thế nhưng Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ lại không quy định các chức danh trên trong nhà trường, khiến các trường phải tự bỏ tiền túi để hợp đồng và trả lương cho giáo viên tư vấn tâm lý, giám thị và bảo mẫu.
Ông Nguyễn Văn Hiếu thông tin thêm: “Theo thông tư 11, cơ quan sở GD-ĐT được tổ chức không quá 10 đơn vị, trong khi đặc thù TP.HCM có hơn 1,5 triệu học sinh từ mầm non đến THPT. Trong đó có rất nhiều trường ngoài công lập, nhiều trường có yếu tố nước ngoài.
Đây là một mảng cần được quan tâm, quản lý chặt chẽ, nhưng Phòng quản lý giáo dục ngoài công lập (trực thuộc Sở GD-ĐT TP) mới ra đời được hơn 2 năm, nay phải giải thể. Hiện chúng tôi đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc quản lý mảng chuyên môn này”.
Đau đầu với tình trạng dân số tăng quá nhanh Lộ trình giảm sĩ số học sinh ở TP.HCM là rất khó. Mỗi năm TP xây dựng từ 1.500 – 2.000 phòng học mới, nhưng chỉ đủ đáp ứng cho số học sinh tăng cơ học mà thôi. Có năm cao điểm TP tăng 85.000 học sinh, còn trung bình mỗi năm tăng hơn 60.000 học sinh. Hiện nay, sĩ số học sinh/lớp ở TP rất cao, như tiểu học, nhiều trường sĩ số lên đến 50 em/lớp, trong khi điều lệ trường tiểu học quy định sĩ số không quá 35 em/lớp. |