Xây dựng thành phố thông minh: Cần huy động nguồn lực tư nhân
TS Phạm Thái Sơn, giảng viên chính kiêm điều phối viên Chương trình thạc sĩ phát triển đô thị bền vững (Đại học Việt Đức), chia sẻ về việc huy động nguồn lực tài chính để xây dựng TP thông minh.
Xây dựng thành phố thông minh: Cần huy động nguồn lực tư nhân
TS Phạm Thái Sơn, giảng viên chính kiêm điều phối viên Chương trình thạc sĩ phát triển đô thị bền vững (Đại học Việt Đức), chia sẻ về việc huy động nguồn lực tài chính để xây dựng TP thông minh.
Metro – hệ thống giao thông thông minh đang được xây dựng ở TP.HCM – Ảnh: QUANG ĐỊNH |
Với quy mô dân số của một đại đô thị, phân bố địa lý rộng cùng hiện trạng phát triển còn nhiều thách thức, mục tiêu tới năm 2025 TP.HCM trở thành TP thông minh dường như lại thể hiện sự nóng vội, nhất là khi các chỉ tiêu cần đạt được của mục tiêu này chưa được định rõ.
Theo tôi, trong giai đoạn tới TP.HCM nên bắt đầu với mục tiêu trở thành “TP thông minh hơn”, với những bước đầu tiên áp dụng tiến bộ về khoa học, kỹ thuật và công nghệ nhằm nâng cao khả năng phục vụ của TP, góp phần giúp TP trở nên đáng sống hơn để phục vụ người dân, cạnh tranh hơn để phục vụ doanh nghiệp và có khả năng thích ứng và hồi phục tốt hơn khi gặp sự cố để đảm bảo sự phát triển bền vững chung |
TS PHẠM THÁI SƠN |
Thiết lập nền tảng quản trị thông minh
Mục tiêu xây dựng TP thông minh chỉ có thể đạt được nếu địa phương có một nền tảng quản trị thông minh, trong đó các cơ quan quản lý nhà nước cần phải có được sự thống nhất hợp tác, giảm thiểu phân mảnh trong quản lý điều hành, đồng thời có được cơ chế thu thập, xử lý và chia sẻ thông tin, dữ liệu một cách hiệu quả.
TP.HCM cần bắt tay thiết lập nền tảng cho quản trị thông minh. Ví dụ, về dữ liệu thì có thể bắt đầu bằng việc chuẩn hóa hệ thống thông tin liên quan đến phát triển đô thị, làm rõ cơ chế cùng những chế tài đi kèm cho công tác báo cáo và đơn vị đầu mối nhận báo cáo và xử lý, công bố thông tin trong một lĩnh vực…
Tiếp theo, TP.HCM cần xác định những lĩnh vực ưu tiên phát triển thông minh, và việc xác định lĩnh vực ưu tiên này cần được đồng nhất với những chiến lược đã có của TP để tránh sự lãng phí và mất tập trung nguồn lực.
Ví dụ, các hợp phần quan trọng nhất của 7 chương trình đột phá đều là những lĩnh vực tiềm năng cho phát triển TP thông minh: công cuộc cải cách hành chính, công tác chống ngập nước, giảm ùn tắc giao thông hay ứng phó với các thảm họa môi trường…
Từ các lĩnh vực được xác định ưu tiên, TP phải đề ra được các chỉ tiêu phát triển tương ứng theo từng giai đoạn, từ đó có chiến lược tích hợp phát triển thông minh tương ứng nhằm thực hiện theo lộ trình này.
Việc nhận diện các lĩnh vực ưu tiên cùng với lộ trình cho từng lĩnh vực cần phải được thực hiện với sự tích cực tham gia của nhiều bên (bao gồm: các doanh nghiệp, người dân và cả các đơn vị nghiên cứu) chứ không chỉ của các cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức chính trị.
Huy động được nguồn lực tư nhân
Một vấn đề khá nan giải chưa được đề cập đến nhiều là vấn đề về tài chính cho phát triển đô thị thông minh. Kinh nghiệm thực tế cho thấy một hệ thống theo dõi đô thị, hạ tầng Internet hay hệ thống giao thông thông minh như metro… đều đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn.
Trong khi đó, TP.HCM lại đang bị siết chặt hơn về phân bổ và sử dụng ngân sách. Điều này đòi hỏi TP phải có chính sách và chiến lược phù hợp nhằm huy động được nguồn lực tài chính từ lĩnh vực tư nhân với sự tham gia chủ động và tự nguyện của các doanh nghiệp.
Các hình thức hợp tác công tư (PPP) nhằm chia sẻ lợi ích (và cả rủi ro) với doanh nghiệp nên được xét đến trong đầu tư hạ tầng cơ sở phục vụ mục tiêu TP thông minh.
Khi người dân thấy họ được quan tâm hơn, thông qua việc triển khai xây dựng TP đáng sống và khi doanh nghiệp được tạo điều kiện thuận lợi để phát triển hơn, thông qua việc triển khai phát triển một TP cạnh tranh, thì theo lẽ tự nhiên, họ sẽ sẵn sàng tham gia hơn vào việc xây dựng TP thông minh.
TP.HCM cần phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính liên quan đến thủ tục đầu tư, thuế… để phục vụ tốt hơn cho hoạt động của các doanh nghiệp, tạo môi trường hỗ trợ khởi nghiệp và kinh doanh thuận lợi.
TP.HCM cũng cần có chính sách huy động người dân tham gia xây dựng TP thông minh bằng việc tham gia đóng góp ý kiến, kiến thức nhằm nhận diện các vấn đề.
Để làm được điều này, TP cần có hướng tiếp cận mở, tạo các diễn đàn để người dân, chuyên gia và doanh nghiệp có thể tự do nói lên được suy nghĩ của họ, đóng góp cho chiến lược phát triển chung.
Bên cạnh đó, TP cũng nên khuyến khích người dân tham gia đóng góp dữ liệu trong quá trình ứng dụng TP thông minh bằng việc có các ứng dụng tiện dụng, giao diện thân thiện để người dân có thể dễ dàng sử dụng và qua đó đóng góp thông tin, dữ liệu cho TP.