Thật bất ngờ sau hơn 20 năm tìm kiếm mà không thấy, mới đây tôi đã được một phụ nữ Pháp gốc Việt tặng lại tập kịch thơ Tiếng gọi Lam Sơn của thi sĩ Trần Quang Long ấn hành cách đây gần nửa thế kỷ.
Ấn bản quý tập kịch thơ Tiếng gọi Lam Sơn
Thật bất ngờ sau hơn 20 năm tìm kiếm mà không thấy, mới đây tôi đã được một phụ nữ Pháp gốc Việt tặng lại tập kịch thơ Tiếng gọi Lam Sơn của thi sĩ Trần Quang Long ấn hành cách đây gần nửa thế kỷ.
Hơn 20 năm trước, tôi chọn đề tài cho luận văn ra trường là viết về thơ văn của phong trào đấu tranh sinh viên học sinh tại vùng tạm chiếm miền Nam. Cuối cùng, tôi phải bỏ dở vì không tìm được tập kịch thơ Tiếng gọi Lam Sơn của nhà thơ Trần Quang Long.
Hơn nữa, nói như nhà nghiên cứu Trần Hữu Tá: “Có những câu thơ của Trần Quang Long được coi là tuyên ngôn nghệ thuật của những cây bút trẻ yêu nước ở Huế – Sài Gòn trước năm 1975: Con sẽ vót nhọn thơ thành chông/Xuyên vào gan lũ giặc/Con sẽ mài thơ như kiếm sắt/Chặt đầu văn nghệ tay sai”…;“Nếu thơ con bất lực/Con xin nguyện trọn đời/Dùng chính trái tim mình làm trái phá/Sống chết một lần thôi”.
Từ đó, bằng nhiều hình thức khác nhau, tôi muốn tìm lại kịch thơ này. Nhưng rồi vẫn biền biệt “bóng chim tăm cá”.
Nhận tập kịch thơ từ một sự tình cờ
Thật bất ngờ, tôi vừa nhận được cú điện thoại của chị Ngọc – một phụ nữ Pháp gốc Việt hẹn gặp. Chị cho biết, thời đó, lúc Tiếng gọi Lam Sơn được phát hành, các bạn sinh viên ĐH Văn khoa của chị đã phân vai tập và có ý định diễn vở kịch này tại trường vào dịp xuân 1967. Rất tiếc sau đó, mọi việc không thành. Khi định cư ở nước ngoài, chị vẫn giữ được tập kịch thơ Tiếng gọi Lam Sơn. Những ngày sống xa xứ, bên cạnh nhiều kỷ vật, kỷ niệm thời son trẻ ở quê nhà, với chị, tập kịch thơ của anh Long vẫn là điều ấm áp, chân tình nhất vì nó luôn gợi nhớ lại thời đi học.
Cầm trên tay, tôi ngạc nhiên khi thấy ngoài bìa ghi rõ “Bản đặc biệt”. Sách khổ 19 x 27 cm, dày 70 trang, dù trong ruột vẫn quay ronéo do Hội Sinh viên sáng tác thuộc Tổng hội Sinh viên Sài Gòn ấn hành năm 1967. Chị Ngọc ân cần bảo: “Anh giữ lấy và phổ biến giúp – một kỷ niệm của thế hệ chúng tôi”. Chỉ có thế, và chị không nói gì thêm.
Ngay trang đầu có in dòng chữ: “Riêng tặng em Ngọc và các bạn Hải Hà, Lữ Phương, H.P.N.P”. Theo nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Phan: Hải Hà là bút danh của bác sĩ, nhà thơ Trương Thìn, bốn chữ viết tắt trên thì đúng tên anh. Còn Ngọc là ai, anh không rõ. Như ta biết, Trần Quang Long là con rể của GS Tôn Thất Dương Kỵ, vợ là Quỳnh Như. Tuy nhiên khi đọc lại tài liệu, tôi xác định Ngọc chính là vợ anh Trần Quang Long. “Có lẽ đó là bí danh của chị Quỳnh Như chăng?”, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Phan nói thêm.
Thi sĩ Trần Quang LongẢNH: TƯ LIỆU
Vở kịch đấu tranh cho chính nghĩa
Nhà thơ Trần Quang Long sinh ngày 6.2.1941 tại Huế. Ông hy sinh ngày 11.10.1968 tại chiến trường Tây Ninh, lúc mới 27 tuổi. Với tập kịch thơ Tiếng gọi Lam Sơn vừa có được, chúng ta – thế hệ tiếp nối phải có trách nhiệm giới thiệu lại, như một nén nhang tưởng niệm một tâm hồn trong sáng, thánh thiện.
Tập kịch thơ Tiếng gọi Lam Sơn gồm 3 hồi, có nhân vật nho sĩ Duy Lý, Việt gian Lê Kim, nho sĩ kháng chiến Trần Quang Dũng, Lệ Chi – vợ Lê Kim, Kim Thoa – em Lê Kim, quan quân nhà Minh và đồng bào Việt. Kịch xảy ra vào những năm cuối cùng của cuộc kháng chiến do anh hùng Lê Lợi lãnh đạo.
Trong Lời tựa ngày 10.9.1967, anh Hồ Hữu Nhựt – Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, viết: “Giữa tiếng gọi giải phóng từ thời Bắc thuộc và tiếng gọi giải phóng thời kháng Pháp là một dòng liên tục của những nỗ lực không ngừng nghỉ của dân ta, để càng ngày, tiếng gọi càng thiết tha hơn, vang dội hơn, thấm đậm hơn trong lòng những người con yêu của dân tộc. Tiếng gọi Lam Sơn là một tiếp nối của những tiếng gọi triền miên trong suốt những chặng đường nổi chìm của lịch sử, lấy hứng khởi từ quá khứ để nói với hiện tại và gửi gắm mơ ước về tương lai”.
Có lẽ phần hay nhất, khốc liệt nhất vẫn là cuộc đấu trí lúc Lê Kim chiêu dụ Duy Lý, Trần Quang Dũng hợp tác với giặc Minh. Trần Quang Dũng đã phân tích: “Cho hay lũ hủ nho/Đã lãng quên quần chúng/Chính quần chúng nhân dân là biển lớn/Mà đế vương là thuyền bé mà thôi/Những tay hiền sĩ, những bậc nhân tài/Ấy cũng bởi nhân dân gây dựng/Đứng với nhân dân là đứng trong lẽ thắng/Ấy là con đường của lịch sử xưa nay”. Lê Kim cãi: “Nhưng, nhân dân là ai – xin hỏi – là ai/Có phải là những tên dân cày ngu dốt/Không đọc sách thánh hiền, không có tài thao lược/Trọn một đời biển mặn với đồng sâu/Trọn một đời mài miệt áo màu nâu/Nói chi tới tài chuyển di lịch sử”. Trần Quang Dũng liền phân tích: “Anh chưa có một cái nhìn toàn thể/Anh chưa từng có một lối dấn thân/Anh chưa từng thoát khỏi cá nhân anh/Bởi quyền lợi của anh chưa từng bị đoạt/Âm mưu giặc là vỗ về trí thức/Ru ngủ người trong mộng tưởng vu vơ/Đội lốt văn chương triết lý cao xa/Để ngày một ngày hai rời xa quần chúng/Quên dân ta đang khát khao giải phóng/Quên dân ta đang khao khát hoà bình”.
Kết thúc vở kịch, sau khi đã có nhận thức mới, ba người bạn Trần Quang Dũng, Duy Lý, Lê Kim theo quân du kích. Một vở kịch về cuộc đấu tranh giữa chính nghĩa – gian tà trong tầng lớp trí thức, không chỉ dành cho một thời.