Không chỉ thống nhất 3 tổng đài tiếp nhận và xử lý thông tin khẩn cấp 113 – 114 – 115 thành tổng đài duy nhất 114, mà TP.HCM còn nâng cấp hệ thống cho phép tiếp nhận thông tin bằng hình ảnh, video thông qua Facebook, Zalo, Viber…
114 sẽ là số khẩn cấp ở TP.HCM
Không chỉ thống nhất 3 tổng đài tiếp nhận và xử lý thông tin khẩn cấp 113 – 114 – 115 thành tổng đài duy nhất 114, mà TP.HCM còn nâng cấp hệ thống cho phép tiếp nhận thông tin bằng hình ảnh, video thông qua Facebook, Zalo, Viber…
Ngày 22.11, ông Lê Quốc Cường, Phó giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông TP.HCM, trả lời Thanh Niên về kế hoạch trên do Sở đang chủ trì.
Ông Lê Quốc Cường - Ảnh: Tân Phú
Theo ông Cường, hiện nay khi người dân cần gọi khẩn cấp thì có đến 3 đầu số (113 – 114 – 115) nên chưa hiệu quả cho công tác ứng cứu khẩn cấp, cứu hộ cứu nạn, và sự phối hợp giữa các đơn vị vẫn còn hạn chế. Sắp tới, sau khi được nâng cấp, Trung tâm thông tin chỉ huy (TTTTCH) 114 thuộc Cảnh sát PCCC TP.HCM chịu trách nhiệm tiếp nhận tất cả các cuộc gọi yêu cầu trợ giúp khẩn cấp. Trung tâm điều động tất cả các lực lượng để thực hiện ứng cứu sự cố ban đầu, kể cả lực lượng công an phường, xã, thị trấn, cảnh sát 113 quận, huyện hoặc lực lượng cấp cứu 115.
Khi đó, các trung tâm chỉ huy 113 (an ninh trật tự) và 115 (cấp cứu) hiện hữu chịu trách nhiệm phối hợp xử lý thông tin với TTTTCH 114 và điều động các lực lượng khi cần. Nếu cần phối hợp nhiều lực lượng, TTTTCH 114 được toàn quyền điều phối và chỉ huy các lực lượng tại hiện trường.
Trung tâm còn có khả năng tiếp nhận thông tin yêu cầu hỗ trợ khẩn cấp của người dân hoặc hình ảnh, video được người dân gửi đến qua nhiều hình thức khác nhau như tin nhắn, khả năng tương thích với các hệ điều hành thông dụng, qua các trang mạng xã hội Facebook, Twitter, các ứng dụng Zalo, Viber hoặc qua cổng thông tin điện tử… chứ không chỉ qua dịch vụ thoại như hiện nay
Vì sao TP chọn đầu số khẩn cấp 114 để hợp nhất các tổng đài 113, 114, 115?
Chúng tôi đề xuất 3 phương án. Phương án 1 là thành lập một trung tâm cấp TP, hoạt động độc lập với các trung tâm chỉ huy hiện hữu của các lực lượng ứng cứu khẩn cấp. Trung tâm được thành lập mới sẽ tiếp nhận, phân loại và chuyển tiếp thông tin đến các trung tâm chỉ huy để điều phối các lực lượng đến hiện trường (vận hành theo mô hình hệ thống tổng đài 1022 hiện nay của TP về tiếp nhận thông tin sự cố hạ tầng kỹ thuật). Phương án 2 thành lập một trung tâm cấp TP chịu trách nhiệm tiếp nhận, xử lý thông tin và toàn quyền điều phối lực lượng. Đây là một trong những mô hình tối ưu nhất ở một số nước cho trung tâm tiếp nhận và xử lý thông tin khẩn cấp, cứu hộ cứu nạn tập trung hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, việc áp dụng mô hình này đòi hỏi phải thay đổi về cơ cấu tổ chức của các lực lượng.
Phương án 3 là nâng cấp TTTTCH 114. Với phương án này, các sở ngành khi góp ý, trong đó có Công an TP, Cảnh sát PPCC, Sở Y tế, Bộ đội biên phòng, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn… đã thống nhất và chọn để triển khai. Tính khả thi của phương án chọn đầu số 114 là hiện nay TTTTCH 114 của Cảnh sát PCCC TP có cơ sở hạ tầng, trang thiết bị tốt nhất trong các trung tâm chỉ huy lực lượng ứng cứu khẩn cấp của TP. Bên cạnh tổng đài liên thông 113 – 114 – 115 của TP hiện nay, trung tâm 114 còn được trang bị hệ thống bản đồ số, cơ sở dữ liệu về giao thông, nguồn nước, dữ liệu chuyên ngành PCCC, hệ thống báo cháy tự động, cơ sở dữ liệu về điện thoại cố định VNPT trên địa bàn TP cho phép định vị tự động cuộc gọi báo tin từ các số điện thoại này. Hơn nữa, trên thực tế, người dân cũng tin cậy hơn khi gọi 114 vì phản ứng nhanh, 24/24 và tin báo không bao giờ bị bỏ qua. Do đó, nâng cấp trung tâm 114 hiện hữu là thích hợp và tối ưu nhất trong thời điểm hiện nay.
Cơ chế hoạt động của TTTTCH 114 này sẽ như thế nào, thưa ông?
TTTTCH 114 hoạt động liên tục, 24/7, bao gồm 3 ca trực. Mỗi ca trực sẽ có các cán bộ chỉ huy của từng lực lượng (công an, PCCC, cấp cứu y tế). Việc điều hành chỉ huy đảm bảo nhanh, hiệu quả, thông suốt, đồng thời sẽ được phân ra thành nhiều cấp độ. Đối với các sự việc có quy mô lớn, cán bộ chỉ huy của các lực lượng trong ca trực sẽ phối hợp thống nhất, toàn quyền điều hành, chỉ huy, điều động lực lượng của mình đến hiện trường để cùng phối hợp xử lý.
Khi nâng cấp, TTTTCH 114 được trang bị thêm những tính năng gì và khi nào hoạt động?
Trung tâm sẽ có các tính năng cần thiết như định vị tự động đối tượng cần được hỗ trợ, tích hợp hệ thống bản đồ số hỗ trợ công tác điều hành tác chiến, tích hợp hình ảnh từ hệ thống camera giám sát an ninh… nhằm nâng cao năng lực xử lý thông tin khẩn cấp, cứu nạn cứu hộ. Trung tâm còn có khả năng tiếp nhận thông tin yêu cầu hỗ trợ khẩn cấp của người dân hoặc hình ảnh, video được người dân gửi đến qua nhiều hình thức khác nhau như tin nhắn, khả năng tương thích với các hệ điều hành thông dụng, qua các trang mạng xã hội Facebook, Twitter, các ứng dụng Zalo, Viber hoặc qua cổng thông tin điện tử… chứ không chỉ qua dịch vụ thoại như hiện nay. Chúng tôi cũng tính toán đến chức năng truy xuất nguồn gốc cuộc gọi để xử lý những cuộc gọi quấy nhiễu; quy trình giám sát trách nhiệm xử lý thông tin tiếp nhận của các bộ phận liên quan…
Trên cơ sở phân tích thực trạng và mô hình đề xuất, chúng tôi xác định các nhóm giải pháp, kiến nghị nhằm triển khai trong giai đoạn 2016 – 2020. Theo kế hoạch dự kiến, năm 2018 sẽ tiến hành hợp nhất một đầu số viễn thông duy nhất 114.
Đầu năm 2016, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 226/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tổ chức thông tin liên lạc khẩn cấp dùng chung cho các tình huống tìm kiếm, cứu nạn với đầu số 112, vậy TP chọn đầu số 114 liệu có bị “lệch pha” không?
Đầu số 112 của Chính phủ là thêm đầu số chuyên về cứu hộ cứu nạn tàu thuyền, chứ không phải thay thế cho từng đầu số 113, 114, 115. TP.HCM hợp nhất 3 đầu số 113, 114, 115 thành 114. Nếu sau này có đầu số 112 thì sẽ hợp nhất vào 114 luôn. Lúc đó cần lấy tên đầu số 114 hay chuyển sang 112 đều được.