24/12/2024

Đưa văn chương Nam bộ xưa ra ánh sáng

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng văn chương quốc ngữ Nam bộ xưa, với vai trò và những giá trị độc đáo của nó, xứng đáng được xuất hiện nhiều hơn trong sách giáo khoa giảng dạy ở trường phổ thông.

 

Đưa văn chương Nam bộ xưa ra ánh sáng

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng văn chương quốc ngữ Nam bộ xưa, với vai trò và những giá trị độc đáo của nó, xứng đáng được xuất hiện nhiều hơn trong sách giáo khoa giảng dạy ở trường phổ thông.




Nhà văn Trần Chánh Chiếu (ảnh trái); nhà văn Nguyễn Trọng Quản và tiểu thuyết quốc ngữ đầu tiên của VN ‘Truyện thầy Lazaro Phiền’ẢNH: TƯ LIỆU

Theo nhà nghiên cứu, PGS-TS Đoàn Lê Giang (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM), tiểu thuyết bằng chữ quốc ngữ và được viết theo lối tiểu thuyết phương Tây ra đời rất sớm ở Nam bộ. Cuốn đầu tiên Truyện thầy Lazaro Phiền của Nguyễn Trọng Quản được xuất bản tại Sài Gòn năm 1887, cùng lúc với tiểu thuyết Phù vân của Nhật Bản. Trong khi đó, Trung Quốc và Hàn Quốc phải sau 30 năm mới có dạng tiểu thuyết viết theo lối phương Tây là Nhật ký người điên (Lỗ Tấn, 1918) và Vô tình, Nỗi bi ai của cậu bé (Lee Kwang-su, 1917).
Đưa văn chương Nam bộ xưa ra ánh sáng - ảnh 1

TIN LIÊN QUAN

Ra mắt bộ sách quý về Nam bộ xưa

Kỷ niệm 35 năm thành lập, NXB Trẻ ra mắt bộ sách quý Địa lý hình thể, kinh tế và lịch sử Nam kỳ do nhóm dịch giả Nguyễn Nghị chuyển ngữ từ bản tiếng Pháp.

Ông Giang khẳng định, không chỉ có tác phẩm xuất hiện sớm, đội ngũ sáng tác văn chương Nam bộ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 cũng rất đông đảo: “Cuối thế kỷ 19, ở Sài Gòn đã xuất hiện một thế hệ trí thức mới, được học hành bài bản: Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Nguyễn Trọng Quản, Diệp Văn Chương… Đó là những người đi tiên phong trong việc xây dựng nền văn học chữ quốc ngữ. Sau này dòng văn học chữ quốc ngữ Nam bộ có sự đóng góp của Nguyễn Thần Hiến, Trần Chánh Chiếu, Trương Duy Toản, Đặng Thúc Liêng, các nhà nho chuyển sang dùng chữ quốc ngữ: Thượng Tân Thị, Lê Sum, Nguyễn An Khương, Trần Phong Sắc, Huyền Mặc Đạo Nhân, Sương Nguyệt Anh, Phan Thị Bạch Vân, Nguyễn Thị Manh Manh, Mộng Tuyết… và nhiều trí thức Tây học: Hồ Biểu Chánh, Lê Hoằng Mưu, Tân Dân Tử, Biến Ngũ Nhi, Phú Đức, Đông Hồ, Trúc Hà, Lư Khê, nhiều nhà văn từ miền Trung, miền Bắc vào: Nam Kiều Trần Huy Liệu, Bửu Đình, Phan Khôi, rồi thêm nhóm trí thức cách mạng: Cao Hải Để, Trần Hữu Độ, Cao Văn Thỉnh, Nguyễn Văn Nguyễn, Kiều Thanh Quế…”.

Cuộc thi sáng tác tiểu thuyết chữ quốc ngữ đầu tiên Quốc văn thí cuộc ở VN được tổ chức tại Sài Gòn do Trần Chánh Chiếu khởi xướng trên báo Nông cổ mín đàm năm 1906. Lương Hoa truyện của Pierre Eugène Nguyễn Khánh Nhương đoạt giải nhất, mở màn cho một loạt tiểu thuyết khác xuất hiện: Hoàng Tố Anh hàm oan của Trần Thiên Trung, Lâm Kim Liên của Trần Chánh Chiếu, Phan Yên ngoại sử - Tiết phụ gian truân (Trương Duy Toản), Chơn cáo tự sự(Machel Tinh), Hà Hương phong nguyệt (Lê Hoằng Mưu) và đặc biệt là nhà văn xuất sắc Hồ Biểu Chánh với: Ai làm được, Cay đắng mùi đời, Chúa tàu Kim Quy, Ngọn cỏ gió đùa...
Thể loại ký cũng xuất hiện rất sớm. Quyển đầu tiên là Chuyến đi Bắc kỳ năm Ất Hợi (1876) của Trương Vĩnh Ký. PGS-TS Nguyễn Văn Kha (Trường ĐH Thủ Dầu Một) thông tin: “Bên cạnh thể tài xã hội – đạo lý, văn chương chữ quốc ngữ Nam bộ còn xuất hiện thể tài lịch sử – dã sử, trinh thám – võ hiệp với Ba Lâu ròng nghề đạo tặc, Ăn trộm của Chà của Biến Ngũ Nhy, rồi nhanh chóng thể loại này được Phú Đức, Bửu Đình, Nguyễn Thế Phương… hưởng ứng”.
Không chỉ viết tiểu thuyết, dịch truyện Tàu, truyện Tây, các tác giả còn viết bài ca, viết tuồng, làm thơ, phú… bằng chữ quốc ngữ in dày đặc trên báo chí, hình thành nền văn học chữ quốc ngữ ở Nam bộ phong phú về thể loại, số lượng tác phẩm và tác giả.
“Tiếc vì ít cơ hội giới thiệu với học sinh”
Thành tựu của văn chương chữ quốc ngữ Nam bộ xưa là cực kỳ lớn nhưng hiện nay việc đưa các tác phẩm vào giảng dạy trong nhà trường vẫn còn khá khiêm tốn, do đó số lượng người đọc hiện nay biết tới giai đoạn văn học này chưa nhiều.
Nhà nghiên cứu Trần Nhật Vy cho rằng: “Do cuối thế kỷ 19 giao thông vẫn còn hạn chế nên tới năm 1920 – 1930, báo chí ở Sài Gòn mới phát hành ở Hà Nội nên ngay cả người chuyên nghiên cứu văn học đầu thế kỷ 20 ở miền Bắc cũng biết ít và đọc được rất ít những tác phẩm của Nam bộ xưa. Trong khi đó, chuẩn mực của tiểu thuyết khi ấy là văn chải chuốt, nội dung sang trọng, bay bổng, còn văn chương Nam bộ xưa viết như nói, thô ráp, gần gũi với đời thường, có lẽ vì thế nên ít được chú ý. Một nguyên nhân vô cùng quan trọng nữa là đối với người đọc ngày nay có lẽ chữ nghĩa văn chương Nam bộ xưa khá khó hiểu, ngay như tôi là người lục tỉnh trăm phần trăm nhưng khi đọc tiểu thuyết của tiền nhân nhiều đoạn tôi phải tra từ điển. Vì thế, những trở ngại trên mà nền văn chương Nam bộ xưa như viên ngọc quý báu bị bỏ lăn lóc trong góc tối”.
Cô Hồ Thị Phượng (Trường THPT Đốc Binh Kiều, Cai Lậy, Tiền Giang), đã có gần 30 năm dạy môn văn, nói: “Tôi thấy tiếc vì ít có cơ hội giới thiệu cho học sinh về những tác phẩm độc đáo của văn học Nam bộ xưa trong những bài giảng ở lớp. Lúc trước, tác phẩm Con nhà nghèo của Hồ Biểu Chánh được đưa vào giảng dạy chính thức ở lớp 11 nhưng sách hiện nay chỉ còn ở phần đọc thêm. Khối 12 có Nguyễn Đình Chiểu với Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc và một bài đọc thêm Chạy giặc. Phần văn chương chữ quốc ngữ Nam bộ xưa như vậy là quá thiếu và ít, các nhà biên soạn nên sớm chọn lọc, bổ sung kịp thời, không nên để một khoảng trống văn học quá lâu như thế trong sách giáo khoa”.
PGS-TS Đoàn Lê Giang cho rằng: “Mặc dù sách giáo khoa hiện đã xuất hiện tác phẩm của một vài tác giả ở Nam bộ nhưng so với số lượng đồ sộ và vai trò quan trọng của nền văn học Nam bộ xưa thì vẫn còn quá ít ỏi. Tôi sẽ cố gắng hết sức để nền văn chương chữ quốc ngữ Nam bộ xuất hiện nhiều hơn nữa ở sách giáo khoa giảng dạy trong nhà trường”.

 

Lê Công Sơn