Đi phát tờ rơi, bị gom vào trung tâm xã hội
Hai nhân viên một công ty kinh doanh bất động sản trong lúc đi giới thiệu thông tin dự án ở khu vực P.Hiệp Phú (Q.9, TP.HCM) đã bị lực lượng chức năng “thu gom” vào trung tâm xã hội.
Đi phát tờ rơi, bị gom vào trung tâm xã hội
Hai nhân viên một công ty kinh doanh bất động sản trong lúc đi giới thiệu thông tin dự án ở khu vực P.Hiệp Phú (Q.9, TP.HCM) đã bị lực lượng chức năng “thu gom” vào trung tâm xã hội.
Thực hư sự việc này ra sao?
Sau 3 ngày bị đưa vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội (Sở LĐTB&XH TP.HCM), anh Nguyễn Linh Phi (25 tuổi, quê Cà Mau), nhân viên Công ty cổ phần dịch vụ địa ốc Sông Bé (Bình Dương) nói: “Tôi không hiểu tại sao cơ quan chức năng lại đối xử với tôi và đồng nghiệp như người sống lang thang khi chúng tôi có nơi cư trú rõ ràng, có đầy đủ giấy tờ tùy thân và hợp đồng lao động”.
Bỗng dưng “sống lang thang”
Anh Phi kể sáng 9-11, anh cùng anh Nguyễn Văn Hoàng (31 tuổi, quê Thanh Hoá) đi tư vấn thông tin dự án cho khách tại khu vực đường Lê Văn Việt (P.Hiệp Phú, Q.9). Ngoài tư vấn trực tiếp, các anh còn nhét phiếu thông tin vào cửa.
“Khi chúng tôi đang nhét phiếu thông tin vào cửa một hộ gia đình, bất ngờ có nhiều cán bộ uỷ ban và công an phường gọi lại nói làm như vậy là vi phạm pháp luật, đồng thời yêu cầu về phường làm việc” – anh Phi kể.
Về phường, anh Phi và anh Hoàng được các cán bộ yêu cầu xuất trình giấy tờ tùy thân. Tuy nhiên do cả hai đều quên, không mang theo CMND nên xin gọi điện về gia đình nhờ mang tới.
Trong lúc chờ đợi, các cán bộ này nói nếu xuất trình được giấy tờ tùy thân thì hai anh bị xử phạt hành chính 1 triệu đồng về hành vi “quảng cáo trái phép”.
Tuy nhiên do nhà ở xa nên khoảng 15g cùng ngày, người thân vẫn chưa mang giấy tờ tới kịp. Lúc này, các cán bộ nói “không đợi nữa” vì lý do “ở đây không giữ qua đêm”.
“Họ yêu cầu chúng tôi ký vào một biên bản để chuyển vào trung tâm hỗ trợ xã hội và nói qua đó nếu xuất trình được giấy tờ sẽ cho về” – anh Phi nói.
Tại trung tâm, khi được sắp xếp vào sống chung với khoảng 15 người trong buồng chật chội, anh Phi và anh Hoàng mới vỡ lẽ mình thuộc diện “sống lang thang”.
“Chiều hôm đó, chị gái tôi và đại diện công ty đến trung tâm xuất trình các giấy tờ tuỳ thân, hợp đồng lao động… Tuy nhiên, cán bộ ở đây không giải quyết” – anh Phi nói.
Theo ông Phạm Ngọc Tùng – giám đốc công ty địa ốc ở Bình Dương (người thuê hai anh Phi và Hoàng), khi biết thông tin, phía công ty và gia đình mang đủ giấy tờ đến trình bày thì ban quản lý trung tâm không xử lý, yêu cầu lên Sở LĐ-TB&XH TP liên hệ làm việc.
Họ phải năn nỉ, thuyết phục, đến ngày thứ 3 phía trung tâm mới giải quyết cho hai nhân viên về nhà.
Đúng quy định?
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 18-11, lãnh đạo UBND P.Hiệp Phú khẳng định phường thực hiện theo quyết định 49 của UBND TP về việc quản lý người ăn xin, người sinh sống nơi công cộng không nơi cư trú.
Việc tổ chức các lực lượng đi thu gom những trường hợp này là việc làm thường xuyên, đúng quy định.
Đối với trường hợp anh Nguyễn Linh Phi và Nguyễn Văn Hoàng, vị này nói “không phải là ngoại lệ” và cho biết có ghi nhận việc hai anh này đi lang thang ở khu vực công cộng của địa phương nhiều lần.
“Khi kiểm tra thì họ không hợp tác và không cung cấp được thông tin nơi ở, nơi làm việc cũng như các loại giấy tờ tuỳ thân. Hai anh này cũng đồng ý ký vào biên bản xác nhận mình sống lang thang, cái này là lỗi của họ vì không hợp tác ngay từ đầu” – vị này khẳng định.
Trong khi đó, ông Lê Tấn Hạnh – đội trưởng đội công tác xã hội tình nguyện (UBND P.Hiệp Phú) – cho biết trong quá trình đi kiểm tra thì phát hiện anh Phi và anh Hoàng đứng ngó trước cửa nhà một người dân nên mời về phường làm việc. Tuy nhiên, họ không xuất trình được bất cứ giấy tờ tùy thân nào.
“Chúng tôi cho họ thời gian để người nhà mang giấy tờ đến làm việc nhưng đợi mãi không thấy, trong khi phường không có chức năng giữ người qua đêm. Sau đó chúng tôi thống nhất đưa họ vào trung tâm hỗ trợ xã hội” – ông Hạnh nói.
Về thông tin anh Phi và anh Hoàng cho rằng họ không được hướng dẫn cụ thể khi ký vào biên bản, ông Hạnh nói:
“Các anh này hoàn toàn không nói mình đang làm việc ở đâu và làm gì, tôi hỏi có số điện thoại bà con gì không để tôi gọi lên bảo lãnh về thì hai anh này cũng không làm được bước đó. Đến chiều, hai anh này đọc biên bản và thống nhất ký vào biên bản người sống lang thang, chúng tôi mới có cơ sở đưa vào trung tâm”.
Trong khi đó anh Nguyễn Linh Phi khẳng định: “Tôi thừa nhận không nói đang làm việc ở đâu vì cũng không ai hỏi cụ thể. Khi cán bộ yêu cầu khai báo nơi đăng ký hộ khẩu, nơi tạm trú, chúng tôi đều hợp tác khai báo rõ ràng”.
Căn cứ quy định tại điều 25 nghị định 136/2013 và khoản 1 điều 1 quyết định 49/2014 của UBND TP.HCM, trường hợp anh Phi và anh Hoàng không thuộc đối tượng được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở hỗ trợ xã hội. Trong vụ việc này, UBND phường cần có sự kiểm tra, đối chiếu rộng hơn, không nên chỉ căn cứ vào CMND để xác định họ là người thuộc đối tượng hỗ trợ xã hội rồi đưa vào trung tâm. Do đó, cán bộ giải quyết vụ việc thực hiện các giai đoạn tiếp theo để lập hồ sơ chuyển sang cơ sở hỗ trợ xã hội là không đúng. Đáng lẽ cán bộ xử lý cần giải thích rõ về quyền của người dân trong quá trình giải quyết vụ việc, không nên đưa người dân vào tình thế đã rồi, gây bất lợi cho họ. |