Bác sĩ gia đình “gỡ” quá tải
Bác sĩ gia đình (BSGĐ) được ngành y tế xem là giải pháp triệt để chữa trị “bệnh quá tải bệnh viện” ngày càng trầm trọng ở VN, tuy nhiên vẫn còn nhiều trăn trở, thách thức…
Bác sĩ gia đình “gỡ” quá tải
Bác sĩ gia đình (BSGĐ) được ngành y tế xem là giải pháp triệt để chữa trị “bệnh quá tải bệnh viện” ngày càng trầm trọng ở VN, tuy nhiên vẫn còn nhiều trăn trở, thách thức…
Nơi tiếp nhận và trả kết quả khám bệnh cho bệnh nhân tại phòng khám bác sĩ gia đình Bệnh viện quận 10, TP.HCM – Ảnh: Hữu Khoa |
Tại hội nghị khoa học quốc tế “Bác sĩ gia đình trong kinh tế y tế và giải quyết quá tải bệnh viện” do Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Sở Y tế TP.HCM và Hội Khoa học kinh tế y tế VN phối hợp tổ chức ngày 18-11, ý kiến của các chuyên gia y học gia đình quốc tế, các nhà quản lý y tế… cho thấy để nhân rộng mô hình này vẫn còn nhiều việc phải bàn, phải làm.
Hơn 3 năm và 332 phòng khám
Theo TS Trần Quý Tường – cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế, tháng 3-2013 Bộ Y tế đã xây dựng đề án “Xây dựng và phát triển mô hình phòng khám BSGĐ tại VN giai đoạn 2013-2020”. Đến tháng 6-2016, cả nước đã thành lập được 332 phòng khám BSGĐ tại 8 tỉnh, thành phố.
Các phòng khám này đã thực hiện khám chữa bệnh, phục hồi chức năng, khám sàng lọc và bước đầu quản lý sức khoẻ cho các cá nhân và gia đình, cộng đồng.
Theo ông Tường, mô hình BSGĐ tiếp tục được nhân rộng và phát triển để đảm bảo đến 2020 có khoảng 80% các tỉnh, thành phố có phòng khám BSGĐ.
Ở TP.HCM, theo ông Nguyễn Tấn Bỉnh – giám đốc Sở Y tế TP, hiện các phòng khám BSGĐ mới chú trọng khám, chữa bệnh các bệnh nội khoa mãn tính, còn các hoạt động chuyên môn khác như sơ cứu, cấp cứu, khám chữa bệnh cấp tính chưa phát huy rõ rệt.
Kỹ năng của BSGĐ chưa đồng đều nên chưa thu hút được người bệnh tin tưởng. Khối lượng công việc của bác sĩ tại trạm y tế rất nhiều nên chưa dành nhiều thời gian cho công tác khám chữa bệnh…
Sắp tới TP sẽ triển khai 11 nội dung, giải pháp để phát triển mạng lưới BSGĐ.
Nhiều thách thức
Bác sĩ Lâm Thị Ngọc Bích – trưởng trạm y tế P.10, Q.10, TP.HCM – chia sẻ dù người dân đến khám bệnh có hài lòng, chất lượng điều trị có tăng lên, số lượt người bệnh đến khám có tăng nhưng chưa nhiều.
Hiện vẫn còn nhiều người dân chưa biết trạm y tế có khám bệnh, còn tâm lý thích bệnh viện tuyến trên, tuyến chuyên sâu.
Đặc biệt, dù bệnh viện tuyến trên quá tải, người bệnh đã ổn định, cần điều trị duy trì nhưng vẫn phải tái khám ở bệnh viện tuyến trên do danh mục thuốc tuyến phường… không đủ.
Sự liên thông hai chiều giữa BSGĐ tuyến cơ sở với bệnh viện thành phố đến nay vẫn chưa hình thành dẫn đến hạn chế vai trò của BSGĐ.
Bệnh án điện tử cũng chưa triển khai, chưa kết nối đồng bộ cả hệ thống, chưa thực hiện được chăm sóc liên tục theo nguyên lý y học gia đình.
Trong khi đó, PGS.TS Phạm Lê An – trưởng Trung tâm đào tạo BSGĐ, Đại học Y dược TP.HCM – cho rằng để triển khai mô hình BSGĐ phải dựa vào y tế cơ sở nhưng y tế cơ sở tại VN còn nhiều tồn tại như năng lực bác sĩ đa khoa hạn chế, mất cân đối nguồn nhân lực có trình độ cao giữa thành thị và nông thôn, năng lực tuyến y tế cơ sở chưa đáp ứng hết nhu cầu chăm sóc sức khoẻ ban đầu… khiến cho tuyến cơ sở trống vắng còn tuyến trên quá tải…
Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn chia sẻ rằng hệ thống y tế VN còn gặp nhiều khó khăn. VN đang phải chịu gánh nặng mô hình bệnh tật kép với các bệnh lây nhiễm lưu hành và diễn biến phức tạp, các bệnh không lây nhiễm tăng nhanh, tình trạng già hóa dân số trong khi năng lực y tế các tuyến, nhất là tuyến y tế cơ sở còn hạn chế, quá tải bệnh viện do người dân không tin tưởng dịch vụ y tế cơ sở, làm tăng chi phí cho chăm sóc sức khoẻ…
Nên triển khai tốt mạng lưới này
“Mạng lưới BSGĐ là “phương thuốc đặc trị” bệnh quá tải bệnh viện. Triển khai tốt mạng lưới này không chỉ khắc phục triệt để quá tải bệnh viện mà còn góp phần cải tổ hệ thống y tế” – PGS.TS Nguyễn Thanh Hiệp, phó hiệu trưởng Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, khẳng định.
Theo PGS Hiệp, điều kiện để phát triển mô hình BSGĐ tại trạm y tế là nhân lực chuyên trách phòng khám BSGĐ phải được đào tạo, có lịch khám cố định, trạm y tế cần được tăng cường nhân sự để đảm bảo hoạt động khác của trạm y tế. Cơ quan bảo hiểm xã hội cần ký hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trực tiếp với trạm y tế; giá dịch vụ phù hợp…
Theo bác sĩ Nguyễn Thế Dũng – phó chủ tịch Hội Khoa học kinh tế y tế VN, nhiều nước trên thế giới đã tổ chức thành công mạng lưới bác sĩ gia đình trong hệ thống y tế, giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế tức thì, hiệu quả, với chi phí kinh tế nhất. Bệnh viện cần phải được trả về đúng vị trí, nhiệm vụ, không phải là nơi điều trị “sổ mũi nhức đầu”.
Phòng khám BSGĐ tại VN hiện nay được tổ chức theo ba mô hình: phòng khám BSGĐ đặt tại bệnh viện tuyến huyện (bệnh viện nhà nước), phòng khám BSGĐ ở trạm y tế và phòng khám BSGĐ tư nhân. |