26/12/2024

TP.HCM cần có cách tiếp cận “mềm”

“Cách tiếp cận “mềm” mang tính nhân văn cho các vấn đề của đô thị là đặc điểm không thể thiếu của thành phố thông minh” – TS Nguyễn Hồng Ngọc, giảng viên khoa kiến trúc Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng, chia sẻ.

 

TP.HCM cần có cách tiếp cận “mềm”

“Cách tiếp cận “mềm” mang tính nhân văn cho các vấn đề của đô thị là đặc điểm không thể thiếu của thành phố thông minh” – TS Nguyễn Hồng Ngọc, giảng viên khoa kiến trúc Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng, chia sẻ.

 

 

 

TP.HCM cần có cách tiếp cận “mềm”
Thành phố thông minh cần hướng đến việc khơi dậy tinh thần khởi nghiệp. Trong ảnh: bạn trẻ tham khảo sách “Gear Up – Bánh răng khởi nghiệp” tại đường sách Nguyễn Văn Bình, TP.HCM – Ảnh: Quang Định

Triết lý chung của cách tiếp cận “mềm” là chúng ta không thể trông chờ công nghệ giải quyết các vấn đề xã hội. Không thể có một kiểu sửa chữa nhanh (quick fix) cho vấn đề vốn rất phức tạp của đô thị.

Hãy bắt đầu với các dự án nhỏ, nơi có cơ sở hạ tầng tương đối tốt, tìm ra các vị trí then chốt có thể kích hoạt được sự phát triển bền vững của toàn bộ TP.

Hai cách tiếp cận 
đến TP thông minh

Hiện nay có hai cách tiếp cận đối với TP thông minh. Một là cách tiếp cận “cứng”, trong đó công nghệ thông tin là nền tảng chủ chốt.

Đây còn gọi là mô hình phát triển dựa theo cơ sở hạ tầng nhằm giải quyết những lĩnh vực mang tính vật thể của TP như tăng cường hiệu quả của hệ thống cơ sở hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông đô thị, hiệu năng của việc sử dụng năng lượng hay xử lý nước thải…

Cách tiếp cận “cứng” cho phép chính quyền TP có thể phản ứng một cách nhanh chóng nhờ vào một loạt hệ thống cảm biến, mạng Internet không dây và các giải pháp phần mềm để xử lý các gói dữ liệu lớn (big data).

Rất đáng tiếc là cách tiếp cận “cứng” dựa trên niềm tin rằng bằng cách đầu tư vào công nghệ thông tin và cơ sở hạ tầng thì có thể nâng cao chất lượng sống cho người dân đô thị.

Tuy nhiên nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ rõ: chỉ công nghệ là chưa đủ và ý niệm rằng công nghệ và quản trị đô thị sẽ tự động đem đến đô thị tốt hơn là không có cơ sở.

Cách tiếp cận thứ hai là tiếp cận “mềm”, nhắm tới việc nâng cao giá trị của các thành phần phi vật thể như vốn xã hội, vốn con người (human capital), vốn tri thức của các công ty, vốn tổ chức trong các cơ quan quản lý, bao gồm xã hội, sự tham dự, sáng tạo xã hội, công bằng xã hội…

Cách tiếp cận “mềm” thường đề cập tới tài sản như văn hoá, giáo dục, tinh thần khởi nghiệp, sự sáng tạo, quá trình truyền thông giữa chính quyền và người dân hay thành lập và hỗ trợ các vườn ươm tạo công nghệ cao.

So với cách tiếp cận “cứng”, cách tiếp cận “mềm” có những ưu thế như tận dụng được các lợi thế của vốn con người và vốn xã hội, trao quyền lực cho công dân, góp phần xây dựng vốn tri thức và sáng tạo tri thức…

Vì thế, có thể nói cách tiếp cận “mềm” mang tính nhân văn. Tôi nghĩ TP.HCM nên có cách tiếp cận “mềm” trong việc xây dựng TP thông minh.

TP.HCM cần có cách tiếp cận “mềm”
TS Nguyễn Hồng Ngọc – Ảnh: NVCC

Tận dụng những gì đã có thay vì làm mới hoàn toàn

Trước tiên, cần phải xác định xây dựng TP thông minh cho TP.HCM là công việc phức tạp và phải chuẩn bị công phu. Tôi nghĩ TP.HCM hãy bắt đầu bằng những khu vực tương đối nhỏ. Khi lựa chọn địa điểm cho dự án cần nhận rõ cái gì đã có và cái gì có thể cải thiện thêm.

Chẳng hạn hệ thống cơ sở hạ tầng và hạ tầng công nghệ thông tin tương đối đầy đủ của khu vực là một tiền đề tốt, vấn đề tiếp theo là cải thiện thêm hệ thống này.

Thực tế, chính quyền các TP dễ bị hấp dẫn bởi các kế hoạch hoành tráng về TP thông minh, họ thường chú trọng về việc cần làm mới thay vì tận dụng những gì đã có.

Theo tôi, TP.HCM nên lựa chọn một khu vực đã có trong TP hơn là một khu vực mới hoàn toàn để phát triển TP thông minh, vì có thể tận dụng được vốn xã hội và vốn con người của khu vực. Trong khu vực được chọn hãy tìm ra những lĩnh vực đang có nhu cầu cấp bách cần phải cải thiện trước tiên.

Với xu thế hiện tại, TP.HCM có thể kết hợp vận dụng việc xây dựng TP thông minh với việc thí điểm đổi mới cơ chế, dần dần thực hiện thể chế hoá việc xây dựng chính quyền đô thị.

Khu vực xây dựng TP thông minh không những cần có cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin tương đối tốt, mà còn phải sẵn sàng cho việc ứng dụng các chính sách cởi mở và mới của TP như chính sách hấp dẫn nhân tài, phát triển tinh thần sáng tạo của doanh nghiệp (thông qua các vườn ươm công nghệ), tạo điều kiện cho sự tham dự của quần chúng (hỗ trợ người dân trong việc ra quyết định và truy cập vào các hệ thống dữ liệu), phát triển và bảo tồn di sản văn hóa (bao gồm cả di sản kiến trúc)…

Cuối cùng, TP.HCM nên thiết lập các chính sách riêng cho kế hoạch xây dựng TP thông minh. Chẳng hạn hình thành một kiểu khu vực có nhiều ưu đãi. Các chính sách này nên lồng ghép vào một nền chung cho việc đổi mới cơ chế cho TP và là bước chuẩn bị cho việc xây dựng chính quyền đô thị.

Những bước đi trên đòi hỏi cách tiếp cận từ bên dưới lên, trong đó người dân được quyền tiếp cận với nguồn thông tin và được phép tự quyết định những vấn đề thích hợp về phúc lợi xã hội, bao gồm xã hội, văn hoá và giáo dục.

Giải quyết những vấn đề cấp thiết trước

Dù là cách tiếp cận nào đi nữa cũng cần phải thấy khía cạnh thông minh cho một TP có nghĩa là hoàn thiện hơn chứ không phải là sửa chữa những lỗ hổng có khi là rất to lớn trong cơ sở hạ tầng của TP đó. Chẳng hạn hệ thống cơ sở hạ tầng phải tương đối tốt thì mới nghĩ đến chuyện làm cho nó thông minh thêm.

Nếu không có những cơ sở hạ tầng thiết yếu nhất của đô thị thì chưa thể nói đến chuyện thông minh được. Những vấn đề cấp thiết nhất của TP.HCM như chống kẹt xe, chống ngập nước, chống ô nhiễm không khí phải được giải quyết trước.

Tất nhiên hệ thống công nghệ thông tin có thể hỗ trợ phần nào đó trong những vấn đề trên của TP.

TS NGUYỄN HỒNG NGỌC – D.NGỌC HÀ – TIẾN LONG