Quả ngọt từ hạt mầm tử tế
Bài viết “Chuyện bình thường thôi mà chú” đã thu hút nhiều lời khen ngợi của bạn đọc dành cho cách cư xử hay của một học sinh khi lỡ tông làm vỡ gương ôtô của người khác.
Quả ngọt từ hạt mầm tử tế
Bài viết “Chuyện bình thường thôi mà chú” đã thu hút nhiều lời khen ngợi của bạn đọc dành cho cách cư xử hay của một học sinh khi lỡ tông làm vỡ gương ôtô của người khác.
Ngày nghỉ cuối tuần vừa rồi đã trở nên đẹp đẽ hơn nhờ tấm ảnh chụp tờ giấy dán vào ôtô thể hiện cách cư xử đầy trách nhiệm của một học sinh lớp 11 ở TP Hải Phòng: “Do vô tình nên cháu đâm vào gương ôtô. Cháu xin lỗi ạ! Liên lạc với cháu theo số điện thoại để cháu đền ạ (do cháu không biết chủ ôtô là ai)”.
Có lẽ không nhiều người lớn chọn cách sửa sai giống em học sinh kia. Tôi từng chứng kiến nhiều trường hợp người ta chạy xe va quẹt vào xe khác gây tai nạn rồi bỏ chạy mong thoát thân (và cả thoát tội) với suy nghĩ miễn sao mình không sao là được, còn thì… mặc kệ.
Đáng buồn hơn khi quan niệm sống hẹp hòi, ích kỷ ấy đã có đôi lúc tỏ ra lấn lướt, chiếm ưu thế. Cách đây không lâu, tôi gặp một đôi vợ chồng tuổi trung niên bị ngã sóng soài trên đại lộ Mai Chí Thọ (Q.2, TP.HCM) vào giờ cao điểm buổi sáng.
Giữa dòng người xe nườm nượp, hối hả chạy qua nhưng chỉ có tôi và một anh công an đang trên đường đến cơ quan dừng lại giúp. Anh chị cho biết đang chạy thì bất ngờ có người vượt lên tạt đầu, người chồng phải thắng gấp và bị té nhào.
Người gây tai nạn thấy vậy liền tăng tốc bỏ chạy. Người đi đường dù chứng kiến nhưng cũng không ai phản ứng gì, có chăng là giảm tốc độ, nhìn lại (bởi tò mò) rồi chạy tiếp.
Cho nên câu chuyện bình thường của bạn trẻ đang ngồi ghế trường THPT ở thành phố cảng như ngọn gió trong lành, góp phần đáng kể cải thiện bầu không khí và môi trường văn hóa ứng xử.
Em hoàn toàn có thể bỏ đi, xem như không có chuyện gì xảy ra vì chưa chắc đã có ai biết và nếu biết cũng chọn cách làm ngơ. Chủ nhân chiếc ôtô cũng không phải tốn tiền thay gương (kính) do phần lớn xe đều đã mua bảo hiểm, cùng lắm cằn nhằn vu vơ mấy câu rồi thôi.
Thế nhưng nhận thức và lòng tự trọng của em đã lên tiếng đúng lúc, hiển hiện rõ qua tờ giấy mộc mạc mà đáng quý biết bao. Không chỉ người chủ chiếc xe, nhiều người khác khi đọc được dòng chữ này cũng đều thấy mát lòng mát dạ.
Hẳn rằng em học sinh ấy là con của một gia đình tử tế, được học trong một ngôi trường gồm những thầy cô luôn chú trọng đề cao cách đối nhân xử thế theo tôn chỉ “tiên học lễ, hậu học văn”.
Tôi không biết cha mẹ của em học sinh này là ai, song tôi biết chắc rằng họ đang là người hạnh phúc nhất khi có đứa con biết cách xử sự như vậy. Những “hạt giống tâm hồn” họ gieo vào con từ nhỏ nay bắt đầu cho quả ngọt.
Sinh con ra không đòi hỏi con sau này phải làm “ông này bà kia”, chỉ cần con trở thành người tốt là ai cũng mãn nguyện.
Bộ môn giáo dục công dân ở các bậc học đâu cần phải tìm xa xôi, dùng tấm gương người thật việc thật này dạy học sinh sẽ là giáo án hay nhất.
Mong lan toả hành động đẹp * Đây là một tấm gương tốt và cũng là một hành động đẹp biết sai thì nhận sai. Mong rằng nhiều người làm theo hành động này. (KIM NGÂN) * Cách cư xử của cả hai bên (em học sinh và người chủ xe) đều ấm áp tình người, thật đẹp. Mong sao xã hội có thật nhiều người biết cách sống tốt và hòa nhã như thế. (RONGVIET) * Một hành động đáng khen ngợi. Nếu ai cũng biết suy nghĩ như cậu bé đó thì xã hội sẽ văn minh biết bao. Xin cảm ơn cha mẹ, các thầy cô đã giáo dục được một học sinh có cách hành động đẹp như vậy. (CÔ NGHĨA) * Bộ Giáo dục và đào tạo nên lấy nội dung này viết sách giáo khoa về đạo đức, về kỹ năng sống. Tôi nghĩ em học sinh này phải được lớn lên trong một môi trường giáo dục tuyệt vời của gia đình và với bản tính thật thà, đôn hậu thì mới có được cách ứng xử như thế. (NGUYỄN DUY HY) |