23/12/2024

Không được tùy tiện với di tích

Khi chùa Tĩnh Lâu bị cháy, nhà quản lý mới nhận ra việc xây dựng trái phép trong di tích quốc gia này.

 

Không được tuỳ tiện với di tích

Khi chùa Tĩnh Lâu bị cháy, nhà quản lý mới nhận ra việc xây dựng trái phép trong di tích quốc gia này.




Tòa nhà Hương Nghiêm pháp đường xây không phép tại chùa Hương /// Ảnh: Hà Nguyễn

Toà nhà Hương Nghiêm pháp đường xây không phép tại chùa HươngẢNH: HÀ NGUYỄN

Nhưng đây không phải là chuyện cá biệt khi nhiều di tích quốc gia khác cũng trong tình trạng tương tự như chùa Hương, Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
Trái phép, sai quy hoạch
Chùa Tĩnh Lâu (Tây Hồ, Hà Nội) đã cháy rụi gian nhà tổ. Mặt bằng chụp từ trên cao xuống cho thấy kiến trúc của chùa được xây theo hình chữ Đinh. Tuy nhiên, theo hồ sơ thoả thuận về tu bổ tôn tạo với Cục Di sản, Bộ VH-TT-DL, chùa này phải được xây theo hình chữ Nhất. Có nghĩa là có một khối nhà được xây thêm trong lòng di tích quốc gia này mà không hề có trong thỏa thuận với Cục Di sản. Ông Trương Minh Tiến, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Hà Nội, cho biết việc tu bổ này diễn ra đã rất lâu và Q.Tây Hồ chính là đơn vị chịu trách nhiệm quản lý trực tiếp di tích. 

 
 
Không được tùy tiện với di tích - ảnh 1
Phải thanh tra thường xuyên, lập đường dây nóng để có những tình nguyện viên từ cộng đồng giúp nhà quản lý theo dõi hiện trạng di tích. Việc báo cáo và kiểm tra cũng phải rốt ráo và phát hiện sai phạm rồi thì không được kệ cho địa phương tiếp tục làm ngơ
Không được tùy tiện với di tích - ảnh 2
 
PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học VN
 


Ở Hà Nội, ngoài di tích chùa Tĩnh Lâu, khu vực hồ Văn, Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội) đang có một miếu thờ xây trái phép trên gò Kim Châu, hồ Văn. Căn cứ hồ sơ quy hoạch Văn Miếu – Quốc Tử Giám được phê duyệt hồi năm 1996, sai phạm ở hồ Văn có thể được coi là “sai phạm kép”. Một mặt, có một công trình trái phép được xây dựng tại đây. Mặt khác, công trình theo quy hoạch cần xây đã không được xây dựng, đó là phương đình. “Hồ Văn sau khi tu bổ, tôn tạo sẽ trở thành một khu vực đặc biệt của di tích với các nhân tố cây xanh, thảm cỏ, mặt nước, kiến trúc nhỏ có bố cục mang tính chất điển hình của kiến trúc vườn cây cảnh VN. Khu vực này sẽ là nơi thích hợp tổ chức các hoạt động tĩnh cho du khách, đặc biệt là đối với người cao tuổi”, theo hồ sơ quy hoạch.
Di tích chùa Hương từng bị “đánh trượt” trong đợt xét danh hiệu di tích quốc gia đặc biệt vì có sai phạm trong quản lý di sản. Lý do mà PGS-TS Phạm Mai Hùng, Phó chủ tịch Hội đồng Di sản quốc gia, đưa ra là chưa có sự thống nhất quản lý ở đây. Trong khi đó, theo Phó chủ tịch Hội Di sản văn hoá VN Đặng Văn Bài, chùa Hương nếu quản lý tốt, thậm chí còn có tiềm năng trở thành di sản hỗn hợp: cả tự nhiên và văn hóa. Hiện tại, tòa nhà Hương Nghiêm pháp đường xây không phù hợp tại di tích này vẫn chưa được chỉnh sửa theo quyết định của nhà quản lý. Toà nhà này không chỉ không phù hợp cảnh quan mà nội thất cũng có điều chưa ổn. Chẳng hạn, để ngăn gian, người ta dùng cửa lửng – hình ảnh thường thấy ở các… quán rượu trong phim Mỹ.
Còn nhớ, di sản thế giới Mỹ Sơn cũng từng bị xâm hại ở khu vực suối Khe Thẻ. Theo đó, bờ suối đã được đổ bê tông, trong khi theo quy hoạch di tích đã được Chính phủ phê duyệt, chỉ được áp dụng biện pháp sinh học để kè bờ suối.
Phải áp dụng nghiêm luật di sản
Chính vì xây dựng sai quy hoạch như vậy, nên hiện tại ở hồ Văn, câu chuyện đang rất rắc rối. Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Văn Miếu – Quốc Tử Giám, cho biết khi tiến hành dỡ bỏ phần xây thêm ở đây, chỉ cần “bẵng” đi một chút là lại có vài hàng gạch tái xuất hiện. Văn bản của Cục Di sản ghi nhận cán bộ trung tâm còn bị nhiều người quá khích đe dọa. Thậm chí, ông Trương Minh Tiến còn nghĩ đến biện pháp xây rào ở gò Kim Châu để ngăn xây dựng trái phép tại đây. Tuy nhiên, KTS Lê Thành Vinh, Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích, cho rằng tốt nhất là cứ đúng quy hoạch đã phê duyệt mà làm. Theo đó, tại gò Kim Châu sẽ là một phương đình. Phương đình này đã được phê duyệt phương án thiết kế từ giai đoạn 1996 – 2000.
Cũng phải nói thêm, ông Vinh cũng là người tham gia lập quy hoạch cách đây 20 năm. Thời điểm đó, việc lấn chiếm hồ Văn đang xảy ra rất rầm rộ. Để ngăn cản việc đó, Viện của ông đã đề nghị xây tường bao. Kể từ đó, khu vực hồ Văn không còn bị nhà dân xây lấn nữa. GS Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Văn hoá, Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN, cũng cho rằng Hà Nội cần phải xử lý nghiêm với sai phạm ở hồ Văn. Trong khi Cục Di sản cũng cương quyết đề nghị hoàn trả nguyên trạng cho di tích này.
Không được tùy tiện với di tích - ảnh 3

“Quái thú” được gắn thêm ở Hương Nghiêm pháp đường, chùa HươngẢNH: QUẾ NGUYỄN

Với Hương Nghiêm pháp đường ở chùa Hương, GS Đặng Văn Bài kiến nghị: “Khi đã đưa ra giải pháp để bỏ những gì không phù hợp của tòa nhà thì cần làm luôn”. Ông Bài cũng cho rằng việc loại bỏ các yếu tố không phù hợp với chùa Hương này cần được làm sớm và rốt ráo.
Bên cạnh việc sửa sai, nhiều ý kiến cho rằng cũng cần truy trách nhiệm cá nhân, tổ chức để xảy ra sai phạm. Bởi rõ ràng việc xây cất trái phép trong di tích được xếp hạng không phải là việc bí mật đến nỗi không ai biết. Thế nhưng, hiện tượng này đã xảy ra ở nhiều di tích, và chỉ đến khi công trình đã hoàn thành hoặc việc xây dựng đã kéo dài thì cơ quan chức năng mới vào cuộc xử lý.
Theo PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học VN, hiện nhiều di tích đang trong tình trạng quy hoạch một đường, xin phép một đường rồi xây dựng một nẻo. “Phải thanh tra thường xuyên, lập đường dây nóng để có những tình nguyện viên từ cộng đồng giúp nhà quản lý theo dõi hiện trạng di tích. Việc báo cáo và kiểm tra cũng phải rốt ráo và phát hiện sai phạm rồi thì không được kệ cho địa phương tiếp tục làm ngơ”, ông Tín nói, đồng thời kiến nghị Cục Di sản nên yêu cầu địa phương rà soát lại toàn bộ việc thực hiện quy hoạch di tích, sau những vụ rắc rối liên quan đến di tích vừa rồi.

 

Trinh Nguyễn