23/12/2024

Đức Thánh Cha chủ sự Ngày Năm Thánh dành cho người nghèo

VATICAN – Trong Thánh lễ nhân Ngày Năm Thánh cho những người bị xã hội gạt bỏ, ĐTC mời gọi các tín hữu kiên vững tín thác nơi Lòng Thương Xót của Thiên Chúa và coi người nghèo như kho tàng của Giáo Hội. Thánh lễ ĐTC cử hành lúc gần 10 giờ sáng Chúa Nhật 13-11-2016 là sinh hoạt cuối cùng trong lịch trình cử hành Năm Thánh Lòng Thương Xót ở Roma.

 Đức Thánh Cha chủ sự Ngày Năm Thánh dành cho người nghèo

 

 

 

VATICAN – Trong Thánh lễ nhân Ngày Năm Thánh cho những người bị xã hội gạt bỏ, ĐTC mời gọi các tín hữu kiên vững tín thác nơi Lòng Thương Xót của Thiên Chúa và coi người nghèo như kho tàng của Giáo Hội.

Thánh lễ ĐTC cử hành lúc gần 10 giờ sáng Chúa Nhật 13-11-2016 là sinh hoạt cuối cùng trong lịch trình cử hành Năm Thánh Lòng Thương Xót ở Roma. Chúa Nhật 13-11 cũng là ngày đóng Cửa Năm Thánh tại 3 đại Vương cung Thánh đường ở Roma, và tại các nhà thờ chính toà, các đền thánh ở các nơi trên thế giới. Riêng tại Đền thờ Thánh Phêrô, nghi thức này sẽ được ĐTC cử hành sáng Chúa Nhật 20-11 tới đây, Lễ Chúa Kitô Vua.

Trong số 9.000 người ngồi chật Đền thờ, có 3.500 người nghèo đăng ký chính thức đến từ 23 quốc gia. Họ được Hiệp hội Fratello (Người Anh Em), cũng như các Caritas hoặc cơ quan từ thiện khác của Công giáo giúp đỡ để có thể đến tham dự những Ngày Năm Thánh này.

Đồng tế với ĐTC có 5 hồng y, 10 giám mục và hơn 120 linh mục. Đảm nhận phần thánh ca trong Thánh lễ, ngoài Ca đoàn Sistina của Toà Thánh, còn có ca đoàn cộng đồng gồm 60 ca viên, và Ca đoàn Dublin ở thủ đô Ireland, với 63 ca viên.


Bài giảng của ĐTC

Trong bài giảng, ĐTC đã diễn giải ý nghĩa các bài đọc của Chúa Nhật 33 Thường Niên, đặc biệt là Bài Tin Mừng theo Thánh Luca đoạn 21 (21,5-19) thuật lại sự tích khi Chúa Giêsu ở Jerusalem, dân chúng trầm trồ ca ngợi vẻ đẹp của Đền thờ, nhưng Chúa báo trước cho họ: sẽ có ngày không còn viên đá nào của đền thờ này. Ngài cũng tiên báo những tai ương, xung đột, đói kém, những xáo trộn trên trời dưới đất, những sự đó không phải để làm cho chúng ta khiếp sợ, nhưng để nói với chúng ta rằng tất cả những điều đó sẽ qua đi. Từ những sự kiện trên đây, ĐTC rút ra những bài học về lòng tín thác nơi Thiên Chúa, và ngài đặc biệt nhắn nhủ các tín hữu đừng quên kho tàng quý giá của Giáo Hội là những người nghèo. 

ĐTC nói:

“Chúa Giêsu quyết liệt mời gọi đừng sợ trước những xáo trộn của mọi thời đại, dù đứng trước những thử thách nặng nề và bất công nhất xảy ra cho các môn đệ. Ngài kêu gọi hãy kiên trì trong sự thiện và hoàn toàn tín thác nơi Thiên Chúa, Đấng không làm thất vọng. Chúa Giêsu nói: “Dù một sợi tóc trên đầu các con cũng không bị mất đi.” (c. 18). Thiên Chúa không quên các tín hữu của Người, gia sản quý giá của Người chính là chúng ta.”

Nhưng Chúa gọi hỏi chúng ta ngày hôm nay về ý nghĩa cuộc sống của chúng ta. Với một hình ảnh, ta có thể nói rằng các bài đọc hôm nay giống như một “cái sàng” cuộc sống của chúng ta chảy qua đó, như nước chảy qua; những có những thực tại quý giá ở lại, như ngọc quý lưu lại trên cái sàng.

ĐTC đặt câu hỏi: “Điều gì ở lại, điều gì có giá trị trong cuộc sống, đâu là những điều phong phú không bị tan biến? Chắc chắn có hai điều, đó là Chúa và tha nhân. Đây là những điều cao cả nhất cần phải yêu mến. Tất cả những cái khác – trời, đất, những điều đẹp đẽ nhất, cả vương cung thánh đường này, sẽ qua đi; nhưng chúng ta không được loại Thiên Chúa và tha nhân ra khỏi cuộc sống. Chính ngày hôm nay, khi ta nói về sự loại trừ, gạt bỏ, chúng ta nghĩ ngay đến những con người cụ thể; không phải là những sự vật vô ích, nhưng là những con người quí giá. Con người được Thiên Chúa đặt ở chóp đỉnh công trình sáng tạo, nhưng thường bị gạt bỏ, vì người ta ưa thích hơn những sự vật chóng qua. Và đó là điều không thể chấp nhận được, vì con người là thiện ích quý giá nhất trước mắt Thiên Chúa. Và thật là điều trầm trọng khi người ta quen thuộc với sự loại bỏ như vậy; cần phải lo âu, khi lương tâm bị tê liệt và không còn để ý đến ngừơi anh em đang ở cạnh mình hoặc đứng trước những vấn đề nghiêm trọng của thế giới, khi những vấn đề ấy chỉ được coi như những điệp khúc đã nghe thấy qua các tin tức truyền hình.”

ĐTC nói với những người nghèo:

Anh chị em thân mến, hôm nay là Ngày Năm Thánh của anh chị em, và qua sự hiện diện, anh chị em giúp chúng tôi bắt được tần số của Thiên Chúa, nhìn điều mà Chúa nhìn: Chúa không dừng lại ở vẻ bề ngoài (x. 1 Sm 16,7), nhưng Ngài “nhìn đến kẻ khiêm hạ và người có tinh thần thống hối” (Is 66,2), Chúa nhìn đến bao nhiêu ông Lazzaro nghèo khổ ngày nay. Thật là điều làm cho chúng ta đau khổ dường nào khi ta không nhận thấy Lazzaro bị loại trừ và gạt bỏ (x. Lc 16,19-21)! Đó là sự quay mặt đi đối với Thiên Chúa. Đó là triệu chứng bệnh xơ cứng về tinh thần khi người ta chỉ quan tâm tới những sự vật cần sản xuất, thay vì để ý đến những con người cần mến yêu. Và thế là nảy sinh một sự mâu thuẫn bi thảm thời nay: hễ tiến bộ và cơ may càng gia tăng – đó là một điều tốt – thì càng có thêm những người không được hưởng những tiến bộ và cơ may ấy. Đó là một điều bất công to lớn mà chúng ta phải bận tâm hơn cả được biết tận thế sẽ xảy ra khi nào và thế nào. Vì chúng ta không thể an tâm ở trong nhà khi mà Lazzaro nằm trước cửa; không có an bình trong nhà của người sống thoải mái, khi thiếu công lý trong nhà của mọi người.

Đề cập đến việc đóng cửa Năm Thánh, ĐTC nói:

“Ngày hôm nay, tại các nhà thờ chính toà và đền thánh trên toàn thế giới, có nghi thức đóng Cửa Năm Thánh Lòng Thương Xót. Chúng ta hãy cầu xin ơn không nhắm mắt trước Thiên Chúa, Đấng đang nhìn chúng ta, và trước tha nhân đang gọi hỏi chúng ta. Chúng ta hãy mở mắt nhìn Thiên Chúa, thanh tẩy cái nhìn của tâm hồn khỏi những hình ảnh lừa đảo và sợ hãi, khỏi thần quyền lực và trừng phạt, những thói kiêu căng và sợ hãi của con người. Với lòng tín thác, chúng ta hãy nhìn lên Thiên Chúa Thương Xót, với xác tín rằng “đức mến sẽ không bao giờ chấm dứt” (1 Cr 13,8). Chúng ta hãy canh tân niềm hy vọng cuộc sống chân thực mà chúng ta được kêu gọi tiến đến, cuộc sống nãy sẽ không qua đi và chúng ta đang chờ cuộc sống ấy trong sự hiệp thông với Chúa và với tha nhân, trong niềm vui mãi mãi, vô tận. Và chúng ta hãy mở mắt nhìn tha nhân, nhất là người anh em bị lãng quên và loại bỏ. Chính tại đó kính phóng đại của Giáo Hội nhắm tới. Xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi sự quay lăng kính ấy về chúng ta. Xin Chúa cất những cạm bẫy làm cho chúng ta chia trí, khỏi những lợi lộc và đặc ân, khỏi những quyến luyến quyền hành và vinh dự, khỏi sự quyến rũ của tinh thần thế gian. Giáo Hội là Mẹ chúng ta đang đặc biệt nhìn đến thành phần của nhân loại đang đau khổ và khóc lóc, vì biết rằng những người ấy thuộc về Giáo Hội theo luật của Tin Mừng.” (Phaolô VI, huấn dụ đầu khoá II của Công đồng chung Vatican II, 29-9-1963). Theo luật cũng như theo nghĩa vụ Tin Mừng, vì nghĩa vụ của chúng ta là chăm sóc tài sản đích thực là những người nghèo. Tôi muốn hôm nay là “Ngày của người nghèo!” (vỗ tay)

Lưu truyền cổ kính nhắc nhở chúng ta điều đó, lưu truyền về Thánh Lorenzo tử đạo ở Roma. Trước khi chịu cuộc tử đạo dữ tợn vì lòng yêu mến Chúa, thánh nhân phân phát tài sản của cộng đoàn cho người nghèo, những người mà thánh nhân gọi là những kho tàng đích thực của Giáo Hội. Xin Chúa ban cho chúng ta được nhìn những gì đáng kể mà không chút sợ hãi, hướng con tim chúng ta về Chúa và về những kho tàng đích thực của chúng ta.

Trong phần lời nguyện giáo dân, cộng đoàn đã lần lượt cầu xin Chúa cho các dự án hoà bình, cho công lý được triển nở nơi các dân tộc trong sự tôn trọng phẩm giá con người; xin Chúa nâng đỡ những người hoạt động bác ái, xin cho sự tận tuỵ phục vụ nhưng không của họ luôn phản ánh lòng thương xót của Chúa; xin Chúa cho sự dịu hiền của Ngài khắc phục những con tim cứng cỏi, cho nhân loại được thoát khỏi sự dửng dưng, ích kỷ và oán thù; sau cùng xin Chúa cho mỗi Kitô hữu nhìn nhận thiên đàng là nơi ở đích thực mà không ai có thể tước đoạt khỏi họ.

Thánh lễ kết thúc lúc 11 giờ 30, và đúng 12 giờ, ĐTC đã xuất hiện tại cửa sổ căn hộ Giáo hoàng ở Dinh Tông Toà để chủ sự buổi đọc Kinh Truyền Tin với hơn 60.000 tín hữu tụ tập Quảng trường Thánh Phêrô, tràn ra đường Hoà Giải.
 

 

G. Trần Đức Anh OP