Rút ngắn thời gian đào tạo ĐH: Mục tiêu tốt, nhưng…
Sau bài báo “Rút ngắn thời gian đại học, lợi gì?” nhiều chuyên gia, nhà quản lý giáo dục đã có những phản hồi xung quanh vấn đề này.
Rút ngắn thời gian đào tạo ĐH: Mục tiêu tốt, nhưng…
Sau bài báo “Rút ngắn thời gian đại học, lợi gì?” nhiều chuyên gia, nhà quản lý giáo dục đã có những phản hồi xung quanh vấn đề này.
Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM trong giờ thực hành thí nghiệm – Ảnh: NHƯ HÙNG |
Tuổi Trẻ trích dưới đây một số ý kiến:
* TS Nguyễn Kim Quang (phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM):
Việc rút ngắn thời gian đào tạo phụ thuộc 2 yếu tố
Rút ngắn thời gian đào tạo sẽ giúp người học sớm tốt nghiệp để học lên trình độ nâng cao hoặc sớm gia nhập thị trường lao động, vì vậy đây là mục tiêu tốt.
Tuy nhiên, để rút ngắn thời gian đào tạo ở bậc ĐH phải phụ thuộc vào hai yếu tố:
Thứ nhất, ngành nghề đào tạo. Có những ngành nghề có thể rút ngắn như lĩnh vực khoa học – xã hội, kinh tế… Nhưng cũng có những ngành nghề không nên rút ngắn thời gian đào tạo, như các ngành nghề mang tính nghề nghiệp chuyên nghiệp, khoa học sức khỏe…
Thứ hai, muốn rút ngắn thời gian đào tạo đòi hỏi cơ sở vật chất của nhà trường phải đảm bảo, đội ngũ giảng viên phải có chất lượng, phương pháp giảng dạy tiên tiến và các điều kiện khác như thư viện, học cụ… phải đáp ứng được yêu cầu.
* TS Lê Chí Thông (trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM):
Khó đào tạo kỹ sư trong 3 năm
Theo ý kiến cá nhân tôi, chương trình đào tạo ĐH kỹ thuật tối thiểu phải bốn năm. Việt Nam cần xây dựng khung cơ cấu giáo dục theo mô hình đào tạo của một nước nào đó, xuyên suốt từ mầm non lên đến tiến sĩ; không nên áp dụng mô hình phổ thông của nước này rồi lại theo mô hình bậc ĐH của một nước khác.
Hiện nay, một số nước như Anh, Úc… có chương trình đào tạo bậc ĐH trong ba năm. Với chương trình này, trước khi vào ĐH người học phải hoàn tất các môn đại cương (toán, lý, hóa), còn chương trình ĐH ba năm chủ yếu tập trung cho các môn chuyên ngành.
Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) kiểm định hai ngành khoa học máy tính và kỹ thuật máy tính của khoa khoa học và kỹ thuật máy tính, đạt chuẩn ABET – Hội đồng Kiểm định khối ngành kỹ thuật và công nghệ, là một tổ chức kiểm định chương trình đào tạo (được thành lập bởi các hiệp hội ngành nghề của Mỹ).
Theo chuẩn này, trong chương trình đào tạo kỹ thuật bất kỳ ngành nghề gì bắt buộc phải có 32 tín chỉ môn toán và các môn khoa học tự nhiên.
Như vậy, nếu theo tiêu chuẩn này thì không thể đào tạo kỹ sư trong ba năm được. Trong khi các trường ĐH khác không theo chuẩn này có thể cắt giảm các môn khoa học tự nhiên. Nhưng với chương trình đào tạo như vậy, người học sẽ không có kiến thức tổng quát về kỹ thuật.
Theo tôi, các trường ĐH kỹ thuật định hướng chất lượng chắc chắn không cắt giảm chương trình đào tạo, vì rất khó đào tạo kỹ sư trong ba năm.
* Phó hiệu trưởng một trường ĐH ở TP.HCM:
Phải cải tổ toàn bộ chương trình đào tạo
Hiện nay, nhiều trường ĐH ở các nước áp dụng chương trình đào tạo bậc ĐH ba năm, trong khi chương trình của nước ta đang là bốn năm. Điều này làm giảm cơ hội được sớm tham gia thị trường lao động của sinh viên Việt Nam.
Với chương trình đào tạo bậc ĐH của nước ta, sinh viên bắt buộc phải học các môn khối kiến thức cơ sở, lý luận, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng… Còn ở các trường ĐH nước ngoài, những môn học này nằm trong chương trình ngoại khóa.
Nếu cắt giảm chương trình đào tạo từ bốn năm xuống ba năm bắt buộc phải tính toán, sắp xếp lại chương trình các môn lý luận.
Bên cạnh đó, phải cải tổ toàn bộ chương trình, theo đó cần mạnh dạn cắt bỏ những học phần không cần thiết với ngành học. Cần xác định rõ: các trường đào tạo định hướng nghiên cứu thì chương trình đào tạo phải khác hoàn toàn với trường đào tạo định hướng ứng dụng.
Nếu vẫn giữ tư duy xây dựng chương trình cũ như hiện nay, áp theo khung chương trình cứng mà buộc phải rút ngắn thời gian đào tạo còn ba năm thì các trường sẽ phản đối. Bởi kiến thức các môn chuyên ngành sẽ teo lại, dẫn đến giảng không đủ kiến thức và chắc chắn không thực hiện được.
* PGS.TS Trần Văn Tớp (phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội): Vẫn đào tạo ĐH hệ cử nhân 4 năm và hệ kỹ sư 5 năm Chương trình đào tạo hiện tại của trường được thiết kế theo hai hệ: hệ cử nhân đào tạo với tổng số 130-133 tín chỉ (tính theo giờ trên lớp), tương đương 4 năm học (mỗi năm học, trung bình sinh viên chỉ theo được 30-33 tín chỉ) và hệ kỹ sư 5 năm với 160-163 tín chỉ. Trong khối lượng tín chỉ này, trường không tính một số hoạt động đào tạo khác như ngoại ngữ (yêu cầu chứng chỉ nội bộ riêng), giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng… Thiết kế chương trình như vậy được trường áp dụng từ năm 2009, đã trải qua gần hai chu trình đào tạo. Trường đang tiến hành tổng kết để đưa ra những sửa đổi cần thiết áp dụng từ năm 2017. Tuy nhiên, dựa trên ý kiến đa số cán bộ giảng viên, các chuyên gia, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ vẫn duy trì đào tạo ĐH theo hai hệ: hệ cử nhân 4 năm và hệ kỹ sư 5 năm chứ không rút ngắn thời gian đào tạo. |
Sau thạc sĩ, tối thiểu 3 năm mới đạt trình độ tiến sĩ Trái ngược với xu hướng rút ngắn thời gian đào tạo trình độ ĐH, Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân do Thủ tướng Chính phủ ban hành lại quy định thời gian đào tạo tiến sĩ tăng thêm so với quy định hiện hành, từ mức 2-4 năm (tuỳ theo trình độ đầu vào của nghiên cứu sinh, là tốt nghiệp ĐH hay đã có bằng thạc sĩ – theo Luật giáo dục) lên mức thời gian chuẩn bắt buộc 3-4 năm. Lý giải về điều chỉnh này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng tiến sĩ là trình độ đào tạo cao nhất của hệ thống (bậc 8 trong khung trình độ quốc gia), trong đó hoạt động nghiên cứu độc lập của nghiên cứu sinh là chính, nên cần có đủ thời gian để nghiên cứu sinh hoàn thành công trình khoa học. Khung trình độ Việt Nam tương thích với khung trình độ ASEAN, vì vậy để đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng bậc 8 thì thời gian tích luỹ phải 3 năm trở lên. Trao đổi với Tuổi Trẻ, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức – trưởng ban đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội – cho rằng việc nâng thời gian tối thiểu đào tạo tiến sĩ từ 2 năm lên 3 năm là điều chỉnh hợp lý. Thứ nhất, ngoài các chuyên đề, nghiên cứu sinh phải hoàn thành một số học phần với khối lượng tín chỉ nhất định. Thời gian học tập các nội dung này ít nhất cũng mất 1 – 1,5 năm, nên cần có thời gian tương đối còn lại đủ để nghiên cứu khoa học, đầu tư thực hiện luận án. Thứ hai, để nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ, nâng chuẩn đầu ra phù hợp với quốc tế, nghiên cứu sinh cũng cần có thời gian để nghiên cứu, đọc tài liệu, tìm hiểu các lý thuyết mới… Thứ ba, với yêu cầu thời gian ngắn hơn như trước đây, hiện ở nhiều cơ sở đào tạo số lượng nghiên cứu sinh phải xin gia hạn thời gian hoàn thành luận án tương đối nhiều. |