Xin đừng làm biến dạng tiếng Việt
Tiếng Việt không chỉ bị sử dụng dễ dãi, sai trái ở khắp các lĩnh vực, vùng miền của đất nước (Tuổi Trẻ ngày 6, 7-11), đáng lo hơn là đang có xu hướng ngày càng nhân rộng những cái dễ dãi, sai trái ấy.
Xin đừng làm biến dạng tiếng Việt
Tiếng Việt không chỉ bị sử dụng dễ dãi, sai trái ở khắp các lĩnh vực, vùng miền của đất nước (Tuổi Trẻ ngày 6, 7-11), đáng lo hơn là đang có xu hướng ngày càng nhân rộng những cái dễ dãi, sai trái ấy.
Từng có thời gian tham gia thỉnh giảng ở một trường đại học tại TP.HCM, tôi thực sự rất khó chịu mỗi khi ngồi chấm bài kiểm tra, tiểu luận của sinh viên.
Lý do đầu tiên không phải vì các em “không thuộc bài” mà vì các em viết sai chính tả, sử dụng sai từ ngữ, chấm phẩy lung tung nhiều quá! Không biết bao nhiêu lần chúng tôi phải thốt lên: viết lách không ra câu cú gì thế này thì ra trường làm sao soạn thảo văn bản, làm việc?
Do tính chất công việc, lâu nay tôi thường theo dõi khá sát cách sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt trên các phương tiện truyền thông và trong các văn bản do các cơ quan, tổ chức biên soạn, phát hành.
Thật đáng tiếc khi phải nói rằng hiện nay ngôn ngữ tiếng Việt bị sử dụng rất tùy tiện, không chỉ làm mất đi sự trong sáng, cái hay cái đẹp của tiếng mẹ đẻ chúng ta mà còn đưa người nghe, người đọc tới bế tắc, nhận thức sai vấn đề hoặc chẳng nhận thức được gì.
Có thể do đặc điểm nghề nghiệp, phải đáp ứng nhu cầu cung cấp thông tin nhanh, lại thể hiện qua văn đọc, văn nói vốn chỉ thoáng qua chứ không phải bằng chữ viết (in) vốn dễ bị “soi” kỹ, ở lĩnh vực phát thanh, truyền hình tiếng Việt bị “biến dạng” nhiều nhất.
Một ví dụ, vào dịp lễ hội đền Trần Nam Định năm trước, phóng viên một đài truyền hình “hùng hồn” tường thuật tại hiện trường rằng thành phố Nam Định đã bố trí những “2.000 lực lượng” bảo đảm an ninh trong khi phát ngôn đúng phải là “lực lượng gồm 2.000 người”!
Còn về lỗi sử dụng từ ngữ thì những người xem VTV thường xuyên nghe các biên tập viên chương trình dự báo thời tiết thông tin “Từ nay đến 15g chiều…”.
Thực ra, người Việt Nam mình từ cổ chí kim chỉ dùng từ “từ nay” khi nói về khoảng thời gian tính bằng đơn vị ngày, tháng, năm như “từ nay đến tết”, “từ nay đến năm 2020”… và nói “từ giờ này (lúc này, bây giờ) đến 15g” chứ không thể dùng “từ nay” để chỉ quãng thời gian tính bằng đơn vị giờ trong cùng ngày như thế.
Cũng là việc tùy tiện sử dụng từ ngữ, dù biết từ “tuy nhiên” tương tự “nhưng”, song hiện nay nhiều phóng viên, biên tập viên báo đài cứ “tuy nhiên” liên tục hết câu này đến câu khác nghe rất “nghịch tai”!
Riêng tình trạng viết, đọc thiếu chủ ngữ dẫn đến làm sai nghĩa cơ bản của câu văn, kiểu như “sau khi gây án giết người, công an huyện đã chuyển hồ sơ lên công an tỉnh” (lẽ ra phải viết (nói) “sau khi tên X gây án giết người, công an huyện đã…”) thì khá phổ biến ở các tin tức an ninh trật tự.
Thực trạng sử dụng tiếng Việt có nhiều sai sót, tuỳ tiện trong lĩnh vực truyền thông và giới những người viết báo quả thực rất đáng lo ngại. Không thể chấp nhận tình trạng nhà báo viết sai chính tả tràn lan, sử dụng dấu chấm, dấu phẩy lung tung mà nhiều người nói hài hước rằng “mỏi đâu thì nghỉ đấy, chả có luật lệ nào cả!”.
Nhưng đâu chỉ có thế, hiện nay còn một thực trạng đáng lo hơn là nhà báo không được (hoặc không tự) trang bị những kiến thức cơ bản, dẫn đến hậu quả là viết sai, nói sai. Như có lần biên tập viên truyền hình đưa tin Trung Quốc phóng thành công trạm không quân (thực tế là trạm không gian).
Mới đây nhất, trong một chương trình thời sự 24h trưa 5-11 của một đài truyền hình, người xem đã “tròn mắt” khi nghe biên tập viên nói “mưa lớn đã làm sạt lở mô cầu” (thuật ngữ MỐ CẦU trong lĩnh vực giao thông đã bị sai thành thuật ngữ MÔ CẦU trong lĩnh vực y học).
Cùng ngày, dòng chữ chạy trên màn hình tivi đài này thông tin TP.HCM cấm các phương tiện qua sông Sài Gòn để diễn tập chữa cháy trong khi thực tế là chỉ cấm giới hạn ở đường hầm sông Sài Gòn, rồi một biên tập viên khác lại “đổi” huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi thành “huyện Trà Bông”…
Nhiều lỗi ngay trên tựa bài báo (*) Thống kê 5.244 đầu đề bài báo của các tờ báo, kết quả cho thấy không có tờ báo nào không có lỗi (trung bình 0,84%) nhưng tỉ lệ từng kiểu lỗi giữa các tờ báo không giống nhau. Sau đây là một số kiểu lỗi thường gặp ở đầu đề bài báo: * Đầu đề sai cấu trúc, trật tự từ nên mơ hồ về nghĩa: Đây là loại lỗi phổ biến nhất của các báo. Một số ví dụ: - 9 xe lăn tặng Bệnh viện Ung bướu TP.HCM. Đáng ra phải viết theo trật tự: Tặng Bệnh viện Ung bướu TP.HCM 9 xe lăn, hoặc Tặng 9 xe lăn cho Bệnh viện Ung bướu TP.HCM. - Gà vịt lén lút bán tràn lan. Đáng ra phải viết: Lén lút bán gà vịt khắp nơi.Ngoài việc dùng sai trật tự từ, từ “tràn lan” cũng dùng không đúng nghĩa (“mở rộng ra một cách không có giới hạn”). - Hàng Việt chiếm lĩnh thị trường đồ dùng học tập. Do dùng trật tự từ sai và diễn đạt không tốt nên đầu đề tối nghĩa. Có thể chữa lại: Đồ dùng học tập thương hiệu Việt (hoặc Đồ dùng học tập do Việt Nam sản xuất) chiếm lĩnh thị trường. Tương tự: - Yên Bái: giao lưu sư phạm các trường cụm Trung Bắc. Trật tự đầu đề này nên đổi lại: Yên Bái: các trường cụm Trung Bắc giao lưu sư phạm. * Đầu đề mắc lỗi diễn đạt nên tối nghĩa: Đây là kiểu lỗi chiếm tỉ lệ nhiều thứ hai, sau loại lỗi về cấu trúc, trật tự từ. Một số ví dụ: – Chống lại sự cám dỗ của đồng tiền dễ dàng – Triển khai quy định mới về xuất khẩu gỗ quá chậm Các đầu đề trên đều diễn đạt rối, sắp xếp trật tự từ không đúng vì thế nghĩa của đầu đề rất mơ hồ. Dựa theo nội dung của bài viết, hai đầu đề trên có thể viết: Dễ dàng chống lại sự cám dỗ của đồng tiền và Triển khai quá chậm quy định mới về xuất khẩu gỗ. Trích tham luận “Một số đặc điểm của đầu đề báo in và báo điện tử hiện nay” của PGS.TS Hoàng Trọng Canh (khoa SP ngữ văn Trường ĐH Vinh) vàThS Nguyễn Mai Phương (NCS khoa SP ngữ văn ĐH Vinh) tại hội thảo “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng”. (*) Tựa do Tuổi Trẻ đặt |