Không thụ động ngồi chờ các giám tuyển nước ngoài sang VN chọn tranh mang đi, nhiều hoạ sĩ trẻ VN hiện nay đã bắt đầu chủ động tìm cách đưa tranh của mình ra thế giới.
‘Khiêng’ tranh Việt ra thế giới
Không thụ động ngồi chờ các giám tuyển nước ngoài sang VN chọn tranh mang đi, nhiều hoạ sĩ trẻ VN hiện nay đã bắt đầu chủ động tìm cách đưa tranh của mình ra thế giới.
Có khách mua tranh từ hồi đang là sinh viên mỹ thuật, hoạ sĩ Bùi Thanh Tâm (sinh năm 1979, hiện đang sống tại Hà Nội) cho biết từng bán tranh cho khoảng gần 20 nhà sưu tập người Việt. Tuy nhiên, số tiền thu được cũng chưa nhiều và chưa mở được con đường bán tranh Việt đương đại ra nước ngoài.
Năm 2013, Bùi Thanh Tâm quyết định cùng một gallery đóng gói tranh tham gia Triển lãm nghệ thuật đương đại châu Á (Asian Contemporary Art Show) tại Hồng Kông. Kết quả anh đã bán được một bức tranh với giá 11.000 USD. Sau thành công đó, anh tiếp tục mang tranh đi triển lãm tại Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Indonesia, Nhật Bản, Hà Lan, Thuỵ Sĩ…
Những kiệt tác của các danh họa VN trưng bày tại triển lãm Những bức tranh từ châu Âu trở về tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM bị cho là giả đã xới lên nhiều vụ tranh giả khác.
Có chuyến anh tự đi, có chuyến anh kết hợp với gallery, và đến nay anh đã bán thành công 50 bức cho nhà sưu tập và người mua nước ngoài. Bùi Thanh Tâm thừa nhận, sau thành công bán được tranh ngay tại hội chợ ở Hồng Kông, anh đã bán tranh ra nước ngoài dễ dàng hơn. Tới nay, anh đã có tranh bán đều cho hai nhà sưu tập lớn tại Đức và Hồng Kông với giá trung bình từ 20.000 – 26.000 USD/bức với số lượng không dưới 10 bức/nhà sưu tập. Bức cao nhất anh từng bán sang Mỹ với giá 30.000 USD cũng chỉ thành công sau khi đi chu du khắp 8 hội chợ quốc tế ở các nước.
Cũng chủ động xuất ngoại triển lãm tranh tại Hồng Kông, Malaysia, Trung Quốc, Singapore từ năm 2013, đến nay họa sĩ Lưu Tuyền cũng bán được một số tranh tại thị trường Hồng Kông và Singapore với giá trung bình 6.500 USD/bức. Các họa sĩ đương đại Việt có tranh bán được tại thị trường Hồng Kông gần đây có Đặng Xuân Hoà, Phạm An Hải, Liêu Nguyễn Hướng Dương… Gần đây các nhà sưu tập Hà Lan, Đức cũng bắt đầu chú ý tới tranh VN đương đại. Sau các chuyến đi, một số họa sĩ đã có thể kết nối với các gallery nước ngoài và gửi tranh bán tại đây.
Các họa sĩ từng mang tranh ra nước ngoài cho biết một số nhà sưu tập quốc tế đã tỏ ra rất bất ngờ khi thấy có hẳn một gian hàng tranh VN hiện diện ở các triển lãm lớn của thế giới. Các gian hàng này đã đem lại cho họ cái nhìn mới về mỹ thuật VN, bởi trước đây họ hầu như chỉ biết đến mỹ thuật VN qua một vài bức tranh của các hoạ sĩ Trường mỹ thuật Đông Dương.
“Muốn bán được, tranh phải có tính quốc tế”
Không phải cứ đem tranh ra nước ngoài là bán được, ngay cả đối với các hoạ sĩ thuộc diện “ăn khách” trong nước thời điểm đó.
Sau 2 lần tham gia hội chợ tại Malaysia, một đoàn họa sĩ VN đành ngậm ngùi về tay trắng, mất đứt 14.000 USD tiền thuê gian hàng. Cần nói thêm, đối với những hội chợ tranh cao cấp hơn như Art Based (Hồng Kông), Art Stage (Singapore), đơn vị tham gia triển lãm phải chi trả từ 25.000 – 40.000 USD cho 5 ngày thuê gian hàng và phòng tranh nghệ thuật có uy tín mới được duyệt cho thuê.
Nhận xét về việc còn quá ít họa sĩ đương đại Việt bán được tranh ra nước ngoài, từ kinh nghiệm của mình, họa sĩ Tâm cho rằng nguyên nhân chính là tranh Việt mang nặng yếu tố bản sắc và hoạ sĩ Việt chưa theo kịp xu thế hội họa mới của thế giới. “Đề cao bản sắc văn hóa là điều tốt và cần thiết, song tranh muốn bán được trên thị trường nước ngoài cần phải có tính quốc tế nữa. Một số nhà sưu tập mà tôi biết cho rằng tranh Việt bị cũ, cách thể hiện còn hời hợt và ít hoạ sĩ có phong cách riêng biệt, hiện đại”, anh nói.
Nhằm thúc đẩy và tạo cơ hội cho các họa sĩ Việt ra nước ngoài, hoạ sĩ Nguyễn Ngọc Đan và DAN Studio của chị đã chủ động đề cử 3 hoạ sĩ Việt tham gia Triển lãm tranh quốc tế ở Ấn Độ mang tên Art Mart Khajuraho 2017 (từ 22 – 28.2.2017). Hoạ sĩ Đan – người từng bán thành công 5 tác phẩm tranh khổ lớn ở Indonesia và Malaysia – cho rằng việc tham gia các triển lãm quốc tế sẽ tạo nhiều cơ hội cho hoạ sĩ bán tranh ra nước ngoài.
Mang tranh như mang… hành lý
Để tiết kiệm chi phí bảo hiểm tranh, nhiều đơn vị đi triển lãm nước ngoài vẫn dùng phương pháp cuộn tranh lại mang theo hành lý, sang tới nước bạn thì thuê căng lại. Chính vì thế các gallery và họa sĩ chỉ chọn mang những tác phẩm gọn nhẹ dễ mang như tranh sơn dầu, tranh lụa, tranh giấy dó, tránh mang những vật nặng như tranh sơn mài, hoặc các tác phẩm nghệ thuật làm bằng các chất liệu khác.