Nhà báo cũng cần được dạy chữ
Bài viết “Tiếng Việt đang bị sử dụng dễ dãi” nhận được hàng trăm phản hồi và sự quan tâm của bạn đọc bởi “nói trúng” vấn đề người đọc hôm nay đang gặp phải.
Nhà báo cũng cần được dạy chữ
Bài viết “Tiếng Việt đang bị sử dụng dễ dãi” nhận được hàng trăm phản hồi và sự quan tâm của bạn đọc bởi “nói trúng” vấn đề người đọc hôm nay đang gặp phải.
Minh hoạ DAD |
Trong một lần về khoa báo chí Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM góp ý chương trình đào tạo, nhà báo Ngọc Trân có đề nghị khiến mọi người ồ lên ngỡ ngàng: khi chấm tuyển sinh ngành báo chí, hễ thấy bài viết sai chính tả thì đánh rớt ngay.
“Bởi sau khi chấm đậu những thí sinh viết sai chính tả, trong bốn năm đại học, các thầy đâu có dạy người ta viết đúng chính tả được. Đến chừng tốt nghiệp đại học, những sinh viên ấy về làm báo chỗ tôi, viết toàn sai chính tả, sửa không nổi luôn”, ông Ngọc Trân than thở.
Giữ gìn tiếng Việt từ truyền thông
Nhưng câu chuyện về chữ nghĩa của giới truyền thông báo chí không chỉ bấy nhiêu. Cùng với sự nở rộ của truyền thông hiện nay, câu chuyện giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt đang được đặt lại với nhiều lo ngại hơn.
“Tiếng Việt được sử dụng trên phương tiện truyền thông hiện nay có sự xuất hiện hai chiều hướng cực đoan: hoặc sử dụng ngôn ngữ sao cho an toàn, hoặc sử dụng ngôn ngữ theo kiểu “thời trang”, “phá cách”. |
GS.TS NGUYỄN VĂN KHANG (Viện Ngôn ngữ học) |
Nhà báo Ngọc Trân, tác giả của nhiều tập sách về kỹ năng viết báo, cho rằng chuyện yếu kém về chữ nghĩa trên các báo là có thật. Theo ông, để cải thiện chuyện này, các tòa báo nên chủ động thực hiện khâu “đào tạo lại”, tức là mời các vị thầy giỏi chữ về dạy cho các nhà báo.
“Cách đây mấy chục năm cánh nhà báo Mỹ viết lách cũng bát nháo lắm. Khi nhận ra báo chí đang sử dụng Anh ngữ không đúng, không giữ gìn sự trong sáng của ngôn ngữ, họ mời giáo sư Rudolf Flesch vào các tòa báo dạy các nhà báo viết đúng trở lại. Báo Mỹ viết tiếng Anh tốt lên là nhờ ông giáo sư này chứ không đơn giản đâu”, ông Ngọc Trân chia sẻ.
Nhà nghiên cứu ngôn ngữ Nguyễn Trung Thuần cũng cho rằng ngôn ngữ dùng trong truyền thông cần có quy chuẩn. Truyền thông quốc gia là nơi phát ngôn chính thức của đất nước, nên ngôn ngữ được sử dụng ở đây không thể tùy tiện.
Tuy nhiên, bà Trung Thuần nhận định muốn chuẩn hóa ngôn ngữ truyền thông cần có các bộ công cụ hỗ trợ. Đó là công cụ về chính tả, là các bảng quy định về các chuẩn: phiên âm (nhân danh, địa danh cả trong và ngoài nước), thuật ngữ khoa học, cách viết hoa…
“Hiện mới có bộ từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học là quy định chuẩn về chính tả, còn các bộ công cụ khác vẫn chưa có, người làm truyền thông biết dựa vào đâu để tham khảo, các nhà quản lý biết dựa vào đâu mà phán đúng sai”, bà Trung Thuần băn khoăn.
Nhưng bà Trung Thuần cũng nhấn mạnh ngôn ngữ có đời sống riêng của nó. “Có những cái hôm nay mình bảo nó không chuẩn song biết đâu sau này lại trở thành chuẩn? Ngôn ngữ chat được đưa vào từ điển Oxford rồi đó”, bà Trung Thuần lưu ý.
Không gian mạng, nơi ngôn ngữ biến dạng
Độc giả Đào Mạnh Long (sinh viên ĐH KHXH&NV Hà Nội) chia sẻ: “Tôi thấy trên một số báo còn mắc nhiều lỗi sai khi sử dụng tiếng Việt như hiện tượng thừa chữ, xen lẫn tiếng Anh và tiếng Việt, như “trang điểm” được viết là “make up”, “phối” thì gọi là “mix đồ”… Điều này rất phổ biến trong nhiều ca khúc nhạc trẻ hiện nay, đến nỗi nhiều người nghe nhầm đó là bài hát nước ngoài”.
Giờ đây, chỉ cần vào Google là dễ dàng tìm thấy hàng loạt tít tựa của báo mạng lạm dụng cách nói “đắng lòng” hay “choáng với”, “sốc khi”. Một nhà báo rất quan tâm đến chuyện chữ nghĩa bày tỏ sự khó chịu khi có những trang mạng, báo mạng được cấp phép hoạt động nhưng khả năng sử dụng ngôn ngữ không tốt. “Chính những kênh truyền thông như thế làm biến dạng tiếng Việt”, ông nhận xét.
Ở đây có yếu tố con người, nhà báo Ngọc Trân nhắc lại lời đề nghị năm nào, chính là điều ông học được ở báo chí Pháp. “Người Pháp không phải ai cũng viết đúng tiếng Pháp, nhưng thi vào ngành báo mà viết sai tiếng Pháp thì rớt ngay. Việt Nam mình phải vậy thôi, vì công cụ số 1 của một người làm báo là chữ nghĩa, nếu viết không đúng tiếng Việt thì nên đi học nghề khác chứ học báo chí làm gì”, nhà báo Ngọc Trân cho rằng ngôn ngữ quan trọng với nhà báo như vậy.
Hội Ngôn ngữ nên làm Luật ngôn ngữ Khi được hỏi có cần Luật ngôn ngữ trong đời sống không, ông Dương Trung Quốc, nhà sử học – đại biểu Quốc hội, thẳng thắn chia sẻ: “Nhu cầu về một bộ luật ngôn ngữ của nước ta được đề cập từ lâu rồi. Tôi thấy có mấy vấn đề đang đặt ra, một là ta gần như không kiểm soát được ngôn ngữ hiện đại; hai là rất lúng túng khi đối xử di sản ngôn ngữ, cả chữ Hán, chữ Nôm và ngôn ngữ của các dân tộc ít người. Cho nên nhu cầu về Luật ngôn ngữ rất cần thiết. Cách làm thì bắt đầu bằng việc đưa ra một sáng kiến về luật, khởi từ Viện Ngôn ngữ, Hội Ngôn ngữ hay một nhóm các nhà ngôn ngữ, rồi nêu ý kiến với Quốc hội và Quốc hội sẽ đưa thành dự án để tạo điều kiện mà làm. Về quy trình, có thể đặt vấn đề với Quốc hội, có thể gửi ý kiến đề nghị lên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hoặc Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội, ở đó họ sẽ nghiên cứu đưa vào chương trình làm luật. Cá nhân và các tổ chức xã hội nghề nghiệp đều có thể đề xướng. Bản thân tôi rất ủng hộ Hội Ngôn ngữ đứng ra làm việc này”. |
Đọc sách để không thiếu chữ Nhà văn trẻ Đỗ Nhật Phi cho rằng một vấn đề đáng lo trong ngôn ngữ của giới truyền thông và giới trẻ chính là sự “thiếu chữ”. Nhật Phi phân tích cách dùng ngôn ngữ của giới trẻ đang lệch nhiều, chủ yếu do thiếu hiểu biết sâu sát, ít đọc sách. “Với nhiều bạn trẻ, ngôn ngữ chỉ còn là công cụ, theo cách “hiểu được là được”, không còn là một phần của văn hóa. Nhưng tôi thấy việc ngôn ngữ bị đối xử như vậy chính là dấu hiệu của việc văn hóa, tâm thức dân tộc bị lung lay vì ngôn ngữ là thứ phản chiếu dễ thấy nhất của tâm hồn”, nhà văn trẻ lo lắng. Anh phân tích thêm báo điện tử, truyền hình đang có nhiều chỗ sai trong cách dùng từ ngữ. “Tôi thật ngạc nhiên về sự thiếu chữ của các bạn dẫn chương trình, như trong một chương trình ẩm thực do một ca sĩ trẻ dẫn, tôi thấy những gì bạn ấy nói về món ăn chỉ là “mặn, nhạt, đậm đà”!”. Giải pháp Nhật Phi đưa ra là phải cho trẻ em biết được tầm quan trọng và tính nghiêm túc của ngôn từ, đồng thời cung cấp cho các em những chất liệu ngôn ngữ để dùng trong đời sống thông qua đọc sách. |