Nhiều khu dân cư bị lũ cô lập
Hôm qua (4.11), mưa lũ vẫn diễn ra nghiêm trọng tại các tỉnh miền Trung, hàng ngàn nhà cửa còn chìm trong nước, sạt lở xảy ra ở nhiều nơi…
Nhiều khu dân cư bị lũ cô lập
Hôm qua (4.11), mưa lũ vẫn diễn ra nghiêm trọng tại các tỉnh miền Trung, hàng ngàn nhà cửa còn chìm trong nước, sạt lở xảy ra ở nhiều nơi…
Đến chiều tối qua, nhiều tuyến đường, khu vực dân cư thuộc các xã Vĩnh Ngọc, Vĩnh Phương, Vĩnh Thái, Vĩnh Trung thuộc phía tây bắc TP.Nha Trang (Khánh Hoà) vẫn bị chia cắt do ngập nặng; có khu vực nước ngập từ 1 – 1,5 m, nhiều hộ dân phải di dời. Mưa lớn khiến nhiều đoạn thuộc tuyến đường 23 Tháng 10 (nối TP.Nha Trang ra QL1 về phía nam) ngập sâu, trong đó đoạn qua xã Vĩnh Trung ngập sâu khoảng 0,6 m. Lực lượng chức năng phải tổ chức chốt chặn, ngăn không cho các phương tiện qua lại những khu vực nguy hiểm. Sở GD-ĐT tỉnh cũng phát văn bản yêu cầu các đơn vị trực thuộc thường xuyên theo dõi thông tin, phối hợp với địa phương và các đơn vị liên quan chủ động đối phó với mưa lũ; các trường học bị cô lập chủ động cho học sinh nghỉ học hoặc có kế hoạch sơ tán học sinh. Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hoà, mực nước trên sông Cái trong ngày 4.11 trên mức báo động 2. Mưa lớn đã khiến 1 tàu cá bị chìm, 1 tàu mắc cạn và 1 tàu bị đứt dây neo trôi dạt trên biển.
Lãnh đạo Công an H.Khánh Vĩnh cho biết tuyến đường Nha Trang – Đà Lạt đến chiều qua vẫn chưa thể lưu thông. Lực lượng chức năng vẫn đang giải toả ách tắc tại các điểm sạt lở nặng xảy ra sáng 3.11, tuy nhiên trời mưa lớn nên gặp nhiều khó khăn, trong khi đó tuyến đường này tiếp tục xuất hiện một số điểm sạt lở khác.
Tại Bình Định, nước lũ rút chậm nên nhiều tuyến đường ở các phường Nhơn Bình, Nhơn Phú (TP.Quy Nhơn) và H.Tuy Phước vẫn còn ngập, giao thông bị ách tắc, nhiều khu dân cư vẫn bị cô lập. Sáng cùng ngày, bờ đê bờ sông Hà Thanh, đoạn qua thôn Luật Lễ (TT.Diêu Trì, H.Tuy Phước) bất ngờ sạt lở. Theo ông Huỳnh Nam, Chủ tịch UBND TT.Diêu Trì, đoạn đê bị sạt lở có 20 hộ dân đang sinh sống, trong đó có 5 hộ nằm trong vùng nguy hiểm phải di dời khẩn cấp. Chính quyền đã huy động gần 50 người giúp các hộ dân di dời tài sản đến nơi an toàn, khắc phục đoạn đê bị sạt lở. Tính đến chiều qua, trên địa bàn Bình Định có 1 người chết do mưa lũ là em Huỳnh Quốc Đạt (7 tuổi, ở xã Cát Minh, H.Phù Cát) bị rơi xuống cống trên đường đi học về. Theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh có 34 nhà sập, vùi lấp, 34 nhà tốc mái, 1.450 nhà ngập nước và 7 cầu nhỏ bị hư hỏng, 1.614 ha lúa mùa, 628 ha màu bị ngập, 3.500 con gia cầm chết, bị cuốn trôi.
Tại Phú Yên, ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh, cho biết đến 17 giờ chiều qua thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh xả lũ với lưu lượng hơn 1.000 m3/giây và thủy điện Sông Ba Hạ vẫn còn xả lũ với lưu lượng 2.900 m3/giây. Mực nước sông Kỳ Lộ và sông Ba vẫn trên mức báo động 3. Ông Đặng Ngọc Anh, Chủ tịch UBND H.Đồng Xuân, cho hay toàn huyện có 3 nhà sập, 2 xã bị chia cắt là Xuân Sơn Bắc và Phú Mỡ.
Trong khi đó, ông Phan Mười, Phó giám đốc Sở GTVT Kon Tum cho biết đến 11 giờ 30 hôm qua, tất cả các tuyến tỉnh lộ bị sạt lở, lũ chia cắt 3 ngày qua đã được khai thông. Riêng tại tuyến đường Trường Sơn Đông đến chiều qua trời vẫn đổ mưa, sương mù lại dày đặc và có 5 điểm sạt lở lớn tuy đã được khắc phục tạm nhưng giao thông vẫn rất khó khăn.
Tại Quảng Ngãi, trong 2 ngày qua, Sở GTVT tỉnh huy động phương tiện, nhân công khẩn trương xử lý đất, đá sạt lở tại 4 điểm trên QL24C, đoạn qua địa phận huyện miền núi Tây Trà. Đến chiều qua, QL24C cơ bản được thông tuyến, các phương tiện xe máy, xe thô sơ có thể qua lại. Ngoài ra, tuyến đường vào xã Ba Giang, Ba Bích (H.Ba Tơ), xã Trà Thanh (H.Tây Trà) bị sạt lở nhiều điểm cũng đã được khắc phục tạm thời. Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Quảng Ngãi, mưa lũ, biển động mạnh làm 3 ngư dân rơi xuống biển mất tích hiện vẫn chưa tìm thấy, 3 tàu cá bị chìm, 1 người bị thương, 3 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, 17 nhà bán kiên cố và nhiều công trình thuỷ lợi bị hư hỏng, hàng chục héc ta hoa màu, lúa, keo lai bị ngã đổ hư hỏng nặng.
Thêm 3 hồ chứa thuỷ điện xả lũ trong ngày 4.11
Theo thông báo của Tập đoàn điện lực VN (EVN) tối 4.11, tính đến 15 giờ cùng ngày, có 9 hồ chứa thủy điện của các đơn vị thuộc EVN đang xả điều tiết tại khu vực miền Trung, tăng 3 hồ tham gia xả lũ so với ngày 3.11, trong đó có 3 hồ chứa mới tham gia xả lũ gồm: Buôn Tua Srah, Srêpôk 3, Đại Ninh. Tuy nhiên, đến cuối ngày, hồ thuỷ điện Sông Bung 4 đã ngừng xả lũ theo chỉ đạo của tỉnh Quảng Nam. Cụ thể, lưu lượng nước xả của 8 hồ trong ngày hôm qua: Sông Tranh 2 (391 m3/giây), Vĩnh Sơn A (40 m3/giây), Sông Ba Hạ (2.500 m3/giây), An Khê (10 m3/giây), Buôn Tua Srah (189 m3/giây), Srêpôk 3 (178 m3/giây), Đơn Dương (800 m3/giây), Đại Ninh (800 m3/giây). Qua theo dõi, thuỷ điện Sông Ba Hạ đã giảm lưu lượng xả về hạ lưu so với ngày 3.11 (xả đến 7.400 m3/giây theo thông báo của EVN).
Cùng ngày, ông Đinh Ngọc Hùng, Chủ tịch UBND H.Đơn Dương (Lâm Đồng), cho biết do thuỷ điện Đa Nhim xả lũ với lưu lượng 800 m3/giây từ trưa cùng ngày nên khoảng 2.000 ha đất canh tác dọc bờ sông Đa Nhim chìm trong nước, trong đó khoảng 40% diện tích rau màu các loại. Đây là lần xả lũ lớn nhất của thuỷ điện Đa Nhim trong 10 năm qua, nên diện tích bị ngập cũng lớn nhất. Tuy nhiên, thuỷ điện xả lũ đúng quy trình, thông báo đầy đủ, nên địa phương và nhân dân chủ động ứng phó kịp thời.
|
Thanh Niên