23/12/2024

Đột ngột hạ đường huyết, 
biến chứng nguy hiểm

Khoảng 3g sáng, chị P.T. (TP.HCM) và người nhà phát hiện mẹ của mình trợn mắt, đứng tròng, không nói được, chân trái có biểu hiện co giật, rơi vào vô thức, gần chuyển sang trạng thái hôn mê.

 

Đột ngột hạ đường huyết, 
biến chứng nguy hiểm

Khoảng 3g sáng, chị P.T. (TP.HCM) và người nhà phát hiện mẹ của mình trợn mắt, đứng tròng, không nói được, chân trái có biểu hiện co giật, rơi vào vô thức, gần chuyển sang trạng thái hôn mê. 

 

 

 

Đột ngột hạ đường huyết, 
biến chứng nguy hiểm
Thai phụ bị bệnh tiểu đường được thăm khám tại Bệnh viện Hùng Vương – Ảnh: Hữu Khoa

Gia đình chị T. gọi cấp cứu, cứ nghĩ bà bị tai biến vì bà có tiền sử huyết áp cao và tim mạch…

Khi bác sĩ đến cấp cứu, phát hiện lượng đường huyết của mẹ chị T. tụt còn 3,3 mmol/l (bình thường là 4,0-7,2mmol/l). Chỉ sau 3 phút được truyền đường glucose, mẹ chị T. gần như bình thường trở lại.

Đừng tưởng tai biến cao huyết áp

Mẹ chị T. kể: “Lúc ấy tôi vẫn nghe được mọi người gọi nhưng không nhìn thấy gì và không thể cử động. Cảm giác khó chịu như đang bị nhốt vào một hộp tối”. Theo chị T., mẹ chị bị đái tháo đường hơn 20 năm.

Trước nay, nhờ đều đặn uống thuốc nên lượng đường trong cơ thể bà luôn ở mức ổn định. Tuy nhiên, trước ngày xảy ra việc, bà có thử máu. Do phải rút một lượng máu cộng với việc thể trạng mệt mỏi, ăn ít hơn thường ngày, tác dụng của thuốc uống thường ngày khiến lượng đường giảm xuống nhiều.

Bà N.T.H., 67 tuổi, bị bệnh đái tháo đường. Người nhà nghe bà nói bị mệt nên không ăn sáng, đến trưa người nhà lên phòng gọi thấy bà nằm yên, mắt mở vô hồn, hỏi không trả lời, không tiếp xúc được. Khi xe cấp cứu 115 đến, nhân viên y tế đo đường huyết giảm còn 33 mg/dl. Sau khi truyền đường glucose ưu trương thì chỉ vài phút sau bà tỉnh táo.

Một trường hợp khác, anh V.X. (ngụ Vĩnh Long) cho biết cha anh bỗng dưng than mệt mỏi và xuống sức rất nhanh. Gia đình anh X. hốt hoảng gọi cấp cứu, tìm máy đo huyết áp để xem ông có phải bị tăng huyết áp không. Tuy nhiên, khi đang loay hoay đo thì chị hàng xóm sang mách “nên cho ông uống chút nước ngọt vì có thể đang bị tụt đường”. “Uống xong ông tỉnh hẳn, như là thuốc tiên vậy. Gia đình cứ nghĩ ông bị cao huyết áp hay một bệnh gì đó” – anh X. cho hay.

TS. BS Lê Quang Toàn – trưởng khoa đái tháo đường Bệnh viện Nội tiết trung ương – cho biết các triệu chứng của hạ đường huyết thường bị nhầm lẫn với các bệnh liên quan đến huyết áp, tai biến mạch máu não, thiếu máu não nên người bệnh không được kịp thời cấp cứu làm tình trạng hạ đường huyết nặng hơn.

Có thể chết não

Dù không cấp bách như tai biến nhưng nếu không được kịp thời bổ sung đường, người bị hạ đường huyết có thể bị tổn thương não không phục hồi, sống đời sống thực vật. Đường glucose là nguồn năng lượng chính cho cơ thể hoạt động, não cần glucose tương tự như cần oxy. Hạ đường huyết ít gặp ở những người bình thường nhưng phổ biến ở những người đái tháo đường.

Theo ThS.BS Lâm Văn Hoàng – trưởng khoa nội tiết Bệnh viện Chợ Rẫy, hạ đường huyết trên người đái tháo đường khác với hạ đường huyết ở những người có các bệnh lý khác. Với người mắc đái tháo đường, họ phải điều trị kiểm soát đường bằng cách dùng thuốc uống hoặc tiêm insulin để giúp kiểm soát đường trong máu, do đó nguy cơ hạ đường huyết rất cao.

Thường hạ đường huyết xảy ra sau các yếu tố như: người bệnh chán ăn, ăn trễ bữa, bỏ bữa, người bệnh tự điều chỉnh liều lượng thuốc uống hay tiêm insulin, vận động thể lực nhiều hơn bình thường. Đặc biệt, người đái tháo đường có kèm bệnh lý biến chứng như suy thận, tổn thương gan, viêm gan, xơ gan hoặc một số bệnh lý kèm theo nặng dễ hạ đường huyết hơn bình thường.

Triệu chứng hạ đường huyết thường dễ phát hiện, tuy nhiên với người bệnh lớn tuổi và người có triệu chứng hạ đường huyết nhiều lần thì thường có triệu chứng mơ hồ dễ bị bỏ qua.

Khi đường huyết dưới 70 mg/dl (3,9 mmol/l) thì được coi là hạ đường huyết nhẹ. Triệu chứng: bủn rủn, vã mồ hôi, chóng mặt, tim đập nhanh… Khi nồng độ đường trong máu dưới 40mg/dl (2,2 mmol/l) là tình trạng hạ đường huyết nặng kèm theo các triệu chứng như tri giác lờ mờ, hôn mê…

Tình trạng hạ đường huyết thường xuyên hoặc thời gian kéo dài có thể ảnh hưởng nhiều đến hoạt động tế bào não như giảm trí nhớ, lú lẫn. Trường hợp nặng hơn khi hạ đường huyết kéo dài hơn 5 giờ thường rơi vào tình trạng mất não không hồi phục, việc điều trị hỗ trợ sau thời gian này chỉ mang lại đời sống thực vật cho người bệnh.

Bên cạnh đó, tình trạng hạ đường huyết sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra các biến cố về tim mạch như loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim, đây là những nguyên nhân gây tử vong cho người bị đái tháo đường.

Bổ sung đường càng sớm càng tốt

Theo TS.BS Lê Quang Toàn, tình trạng hôn mê do bị hạ đường huyết thường diễn ra êm dịu, không vật vã, không có “giờ vàng cấp cứu” như tai biến mạch máu não, tuy vậy việc bổ sung lượng đường càng sớm càng tốt là điều nên làm để tránh tình trạng chết tế bào não.

ThS.BS Lâm Văn Hoàng cho biết hạ đường huyết là biến cố rất nguy hiểm đối với người bệnh đái tháo đường. Gần như 50% người đái tháo đường có khả năng hạ đường huyết trong quá trình điều trị. Theo nhiều nghiên cứu, trung bình người bệnh đái tháo đường điều trị có ít nhất một lần ghi nhận triệu chứng hạ đường huyết trong năm.

Do đó, người bệnh cần tìm hiểu các triệu chứng và cách xử lý hạ đường huyết. Nếu tình trạng hạ đường huyết được phát hiện sớm, khi bệnh nhân còn nhận thức, còn nuốt được thì việc bổ sung ngay lượng đường cho cơ thể là cần thiết.

Xử trí cơn hạ đường huyết

– Cơn nhẹ: dùng ngay 3-4 viên đường, nửa ly nước ép trái cây hay nước ngọt, 1 ly sữa, 5-6 viên kẹo, 1 thìa mật ong. Kế tiếp là kiểm tra lại đường huyết sau 15 phút, nếu đường huyết vẫn còn thấp, nên ăn thêm một suất nữa. Các bước này cần được lặp lại cho đến khi đường huyết > 70 mg/dl.

– Cơn nặng: người bệnh mê man không tự chăm sóc được. Không cho vào miệng người bệnh bất cứ thứ gì dù chỉ là nước để tránh nghẽn đường thở, gọi ngay cấp cứu 115 hoặc nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để truyền đường.

Các triệu chứng 
hạ đường huyết

Trong giai đoạn đầu đường trong máu thấp, có thể gặp: đổ nhiều mồ hôi, run, cảm giác đói, lo lắng. Nếu không được điều trị, các triệu chứng có thể trở nên nghiêm trọng hơn, bao gồm: khó đi lại, yếu sức, khó nhìn thấy rõ ràng, thay đổi tính cách và hành vi, lú lẫn, hôn mê hoặc co giật.

BS NGUYỄN THANH HẢI , – MANH KHANG