Làm truyện tranh khó trăm bề
Sau nhiều năm hội nhập về xuất bản, giữa những người sáng tác truyện tranh trong nước và những cơ quan xuất bản vẫn chưa gặp được nhau.
Làm truyện tranh khó trăm bề
Sau nhiều năm hội nhập về xuất bản, giữa những người sáng tác truyện tranh trong nước và những cơ quan xuất bản vẫn chưa gặp được nhau.
Một trang truyện Mèo Mốc tập 3 (trái) và một trang bản thảo của Truyện cực ngắn – hai trong những tác phẩm được cộng đồng sáng tác/đọc truyện tranh nhắc đến gần đây như những dẫn chứng về cái khó của làm truyện tranh – Ảnh: L.ĐIỀN |
Sự kiện tập 3 truyện tranh của Mèo Mốc (Đặng Quang Dũng) - Mèo Mốc: Hành trình tới Singapore - vừa bị chính NXB Dân Trí thu hồi sau khi phát hành cả tháng làm dấy lên những lo ngại trong giới sáng tác truyện tranh.
Bằng chứng là vào thời điểm truyện bị thu hồi, những người đã đọc qua tác phẩm này khi được hỏi đều bày tỏ ngạc nhiên rằng “không đáng bị thu hồi”, vì thật ra chỉ là câu chuyện dí dỏm có chút hời hợt của độ tuổi teen.
Theo tác giả, trang 15 với hoạt cảnh Mốc trong nhà vệ sinh và trang 68 Mốc nói từ “ị” cũng được cho là phản cảm. Chúng tôi có hỏi qua điện thoại với giám đốc NXB Dân Trí thì câu trả lời là nội dung cần phải chỉnh sửa rồi mới được phát hành trở lại.
Không thể cứ nhìn mãi vào truyện tranh như là một sản phẩm dành cho trẻ con được |
DƯƠNG THANH HOÀI |
Húc đầu vào chỗ khó
Kể từ khi Công ty Phan Thị cho ra đời bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt kèm hàng loạt hoạt động khơi dậy tinh thần sáng tác truyện tranh Việt, những bạn trẻ đam mê lĩnh vực này tìm được nguồn động viên đầy cảm hứng để theo đuổi.
Cùng với sự phát triển của mạng Internet, các cộng đồng sáng tác, chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm về truyện tranh trên mạng dần hình thành. Từ đó ra đời một số dự án kêu gọi nhau chung tay sản xuất truyện tranh, điển hình là cộng đồng truyện tranh Việt Nam Comicola với chương trình sáng tác/sản xuất truyện tranh Long Thần Tướng.
Tuy nhiên, họa sĩ Khánh Dương – một trong những thành viên sáng lập Comicola – mới đây cũng bức xúc chia sẻ trên trang mạng cá nhân thông tin về hành trình gian nan để được xuất bản truyện tranh Long Thần Tướng.Khánh Dương trưng ra cụ thể ba khung hình trong Long Thần Tướng tập 1 để mọi người thấy “lưỡi kéo xét duyệt” truyện tranh ở ta hiện như thế nào.
Gian nan, nhưng nhiều tác phẩm vẫn còn may mắn hơn cuốn truyện tranhTruyện cực ngắn (Truyện trên trời) của họa sĩ Đào Quang Huy. Hơn một năm gõ cửa khắp nơi xin giấy phép và tác giả cũng mất sáu tháng để chỉnh lại những chi tiết trong truyện cho “vừa ý” các NXB, nhưng đến giờ truyện vẫn chưa tìm được cách nào để có thể ra mắt.
Dự án gây quỹ xuất bản cuốn truyện tranh này đã nhận được sự ủng hộ từ hơn 700 người – những độc giả đã đọc qua một nửa nội dung sách trên mạng, nhưng họa sĩ đang phải hoàn lại tiền bởi việc “chạy vạy” xin giấy phép xuất bản không thành.
Những lý do được các NXB từ chối cấp phép đưa ra hầu như đều giống nhau rằng nội dung truyện không phù hợp với thiếu nhi, “xuyên tạc”, “bóp méo” truyện cổ tích…
Chia sẻ với PV Tuổi Trẻ, họa sĩ Đào Quang Huy cho biết: “Tôi thấy kiểm duyệt xuất bản ở VN còn quá mù mờ, không có hạng mục quy định cụ thể và quyết định “sinh – sát” đầy cảm tính. Có phải đề tài “cổ tích” (nói chung) là gần nghĩa với “nhạy cảm”?…”.
Nói một cách không ngoa, trong tình hình xuất bản hiện nay những ai dấn thân vào lĩnh vực sáng tác/sản xuất truyện tranh cũng như húc đầu vào chỗ khó.
Ông Dương Thanh Hoài, phó giám đốc Công ty Nhã Nam, cho biết Nhã Nam hiện có đến mấy dự án truyện tranh, nhưng đang không triển khai được do lẽ chưa tìm thấy sự chia sẻ từ các NXB.
Cần có bảng giới hạn độ tuổi truyện tranh
Nguyên nhân của tình trạng khắt khe với truyện tranh như vậy, theo giới xuất bản, là bởi cái nhìn của những người biên tập và cấp phép xuất bản sách ở nước ta vẫn chưa thay đổi mấy. Trong khi truyện tranh hiện nay đã phát triển phục vụ cho cả người lớn, thì nhiều người vẫn còn giữ lối nghĩ truyện tranh là dành cho trẻ em.
Ông Dương Thanh Hoài cho biết phản xạ lâu nay của giới cấp phép xuất bản đối với truyện tranh vẫn là dè chừng các yếu tố thuần phong mỹ tục quy định tại Luật xuất bản. Trong khi như thế nào là “nóng”, là vi phạm thuần phong mỹ tục đến nay vẫn chưa được định lượng chính thức từ các cơ quan pháp lý về xuất bản.
Biên kịch Khánh Dương cũng cho rằng trong vụ việc Truyện cực ngắn chưa xin được giấy phép xuất bản là do biên tập viên không hiểu được sự hài hước của tác giả. Đồng thời, một nguyên nhân khác dẫn đến những câu chuyện trên là do ở VN đang tồn tại quan điểm “truyện tranh cho trẻ con”.
Khánh Dương đề xuất khẩn thiết: “Trước mắt, Cục Xuất bản, in và phát hành nên có một buổi trao đổi với đại diện những đơn vị làm truyện tranh ở VN, để đi đến việc “giải phóng” cho truyện tranh của người Việt bằng việc đưa ra bảng giới hạn độ tuổi”.
Bạn đọc Thanh Tùng (26 tuổi) cũng đồng tình rằng nếu chỉ quan niệm truyện tranh dành cho trẻ con thì thật là sai lầm. “Khác với truyện cổ tích, thế giới trong truyện tranh cần được hoạt hoá, được vẽ rộng mở nhưng có yếu tố hài hước, kết cấu chặt chẽ, nội dung phong phú và không dễ đoán mới tạo nên sức hút. Đọc truyện tranh cũng là để giải trí, có thêm yếu tố hài hước mới thật sự được giải trí”.
Độc giả Thư Đỗ (23 tuổi) cho biết dù đã đi làm nhưng phòng của chị vẫn đầy ắp tủ truyện tranh: “Truyện tranh VN hiện giờ vẫn còn quanh quẩn ở bước khởi đầu, các tình tiết còn khá đơn giản. Nhưng nếu để các họa sĩ tự do sáng tạo, khai phá nhiều khía cạnh thì không biết chừng có thể ngang tầm khu vực”.
Bên trọng bên khinh? Dù “truyện nội” còn nhiều gian nan, nhìn vào thị trường truyện tranh ngoại nhập tại nước ta hiện nay thì những nét vẽ phóng khoáng, các lớp cảnh “thoáng” của truyện tranh độ tuổi 16+, 18+ đều được cấp phép dịch và phát hành trong nước. Ông Nguyễn Thành Nam, phó giám đốc NXB Trẻ phụ trách mảng truyện tranh, cho biết những truyện tranh mua bản quyền từ nước ngoài thì không thể tùy tiện cắt bỏ nội dung hoặc tranh vẽ, nên NXB Trẻ chọn giải pháp “đóng mác” quy định độ tuổi cho từng dòng truyện. Theo đó, truyện tranh có ba độ tuổi: thiếu nhi, thiếu niên, trưởng thành. “Đóng mác tuổi cho truyện tranh đang là một giải pháp để đưa các bộ truyện tranh dành cho người lớn ra thị trường. Chẳng hạn vừa rồi NXB Trẻ có nhập một bộ truyện của Nhật và đóng mác 16+ nhưng sau đó Cục Xuất bản nhắc nhở, yêu cầu đóng mác 18+ thì mới được phát hành” – ông Nam cho biết. Họa sĩ Vũ Đình Giang, phụ trách mảng truyện tranh của NXB Kim Đồng tại phía Nam, cho biết dòng truyện tranh kiếm hiệp các nước khi nhập về VN để dịch và xuất bản cũng phải đóng mác tuổi vì nội dung có nhiều nét vẽ thiên về bạo lực. Chia sẻ với tình trạng “bên trọng bên khinh” giữa truyện tranh trong nước và truyện tranh ngoại nhập, ông Giang cho rằng hiện nay các khó khăn thường phát sinh ở khâu biên tập của các NXB, “chứ cách nhìn của Cục Xuất bản đã ít nhiều thông thoáng so với trước kia”. |