Để hài không còn nhảm
Bội thực danh hài, hài quá dễ dãi; hài nhảm, nhạt, kịch bản đi vào lối mòn… là những nguyên nhân khiến khán giả thờ ơ khi xem gần 20 chương trình game show hài, cuộc thi hài hiện nay.
Để hài không còn nhảm
Bội thực danh hài, hài quá dễ dãi; hài nhảm, nhạt, kịch bản đi vào lối mòn… là những nguyên nhân khiến khán giả thờ ơ khi xem gần 20 chương trình game show hài, cuộc thi hài hiện nay.
Hài ngoại – danh hài vẫn khó “cứu” được hài
Nếu như trước đây, một số nhà sản xuất chuộng các phiên bản game show hài mua từ nước ngoài để làm mới hài thì gần đây họ đã bớt thiết tha. Việc sử dụng game show hài bản quyền nước ngoài không phải lúc nào cũng thành công vì đôi khi chưa phù hợp văn hoá cười của người Việt. Một trong những cách mà các chương trình sử dụng để thu hút khán giả là mời người chơi, giám khảo gồm những cây hài nổi tiếng giờ cũng đã khá cũ. Những tên tuổi như Hoài Linh, Chí Tài, Vân Sơn, Việt Hương, Trấn Thành, Trường Giang, Thúy Nga, Kiều Oanh… đến nay đã làm nên nhiều thương hiệu cho các game show hài. Song, sự xuất hiện quá nhiều của họ khó thể vực nổi làng hài đang dần “kiệt sức”.
Một số game show hài không có kịch bản sẵn mà để người chơi “muốn làm gì thì làm”. Nghệ sĩ Minh Nhí nhận định: “Bây giờ nhiều diễn viên hài chẳng cần tập luyện, chẳng cần kịch bản, họ cứ đến sân khấu hay trường quay rồi nắm ý sơ sơ, diễn sao thì diễn, quá dễ dãi”.
Bác Nguyễn Văn Năm (60 tuổi, ở Q.Tân Bình, TP.HCM) đưa ý kiến: “Tôi theo dõi hầu như tất cả các chương trình, game show hài. Sở dĩ đến nay khán giả ngán, chán vì chẳng có gì mới để xem, để cười và ngẫm. Mở ti vi ra thấy cái cách chọc cười rất vô tư, thích gì nói đó, bạ đâu diễn đó, dễ dãi quá làm tôi không thể cười được. Dù là cười… miễn phí nhưng cũng phải làm sao cho ý nghĩa và gắn với cuộc sống”.
|
Đưa cải lương vào chương trình hài
Sau các chương trình Làng hài mở hội, Danh hài đất Việt, Diêm vương xử án, Thách thức danh hài, Đấu trường tiếu lâm, Cười xuyên Việt… khán giả làm quen hàng loạt gương mặt mới như: Huỳnh Tiến Khoa, Dương Thanh Vàng, Minh Dự, La Thành, Huỳnh Lập, Thái Duy, Lê Thị Dần… Trong số họ có người không chỉ đóng vai trò diễn viên mà còn làm nên những kịch bản khá lạ từ chính những chất liệu gần gũi trong cuộc sống thường nhật. Một số nghệ sĩ cải lương như: NSƯT Quỳnh Hương, NSƯT Mỹ Hằng, Thuý Loan, Điền Trung, Lê Thanh Thảo, Minh Trường, Nhã Thy, Tô Thiên Kiều… hay các ca sĩ Phương Thanh, Ngô Kiến Huy, Thanh Duy, Hari Won, Hòa Minzy, Mai Quốc Việt… hiện cũng lấn sân sang hài và được xem là nhân tố mới giúp hài có thêm khán giả.
Mới đây khi xem Làng hài mở hội với các đội Đom Đóm, Tỷ Muội, Dí Dỏm… khán giả đã cảm nhận những câu chuyện hài ý nhị, khá mới mẻ về tình cảm gia đình. Hay tiểu phẩm Xóm nghèo thất thủ, đội Xém Cười (vừa đoạt quán quân Làng hài mở hội) đã lột tả cuộc sống mưu sinh nhiều bi hài của người lao động nhập cư bằng ý tưởng dàn dựng khá táo bạo. Diễn viên – đạo diễn Huỳnh Tiến Khoa (đội trưởng Xém Cười) bộc bạch: “Có đến 12 đêm thi ở mỗi bảng nên từng đội chơi phải cho ra đời 12 tiểu phẩm không trùng màu với nhau. Mỗi đội phải mang màu sắc riêng và nâng cấp mảng miếng hài. “Thương hiệu” của Xém Cười là “hài đường phố” nên trong các kịch bản của đội đều hướng đến mục đích cô đọng, phơi bày được mặt tích cực, tinh thần lạc quan, sẻ chia của những người lao động”.
Hai đội Ngũ Sắc, Đồng Dao lần đầu tiên mang cải lương vào game show Làng hài mở hội, sau đó sẽ mang cải lương hài diễn ở các sân khấu. Mục đích của họ không gì khác là làm mới tiếng cười từ những chất liệu tưởng chừng đã cũ. Nghệ sĩ Tô Thiên Kiều (trưởng nhóm Ngũ Sắc) giải thích: “Nhóm mang cải lương thi chung với các nhóm hài trẻ ban đầu sợ không ổn nhưng rồi chúng tôi quyết tâm thử một lần tiếp cận để xem khán giả giờ thích gì, nhất là giới trẻ. Từng có thời gian người ta lên án việc lấy cải lương đi làm hài nhảm, bôi bẩn cải lương. Giờ mình là dân cải lương chuyên nghiệp đi làm hài thì phải làm cho thật ổn, không được mắc những lỗi đó. Lúc sanh tiền, cậu Năm (NSND Thanh Tòng) có nguyện vọng rất lớn là đào tạo lớp kế thừa cho nghệ thuật cải lương tuồng cổ. Từ ngày đầu tiên tham gia game show Làng hài mở hội, chúng tôi đã lập ra gánh hát Ba Bèo theo kịch bản, tập hợp các anh chị em nghệ sĩ cải lương diễn hài thì khi kết thúc, nơi này cũng phải sinh ra một lớp kế thừa. Kịch bản này được làm với mục đích là để cậu Năm vui lòng. Tiết mục như lời tri ân, lời hứa của chúng tôi đối với hương hồn NSND Thanh Tòng rằng sẽ cố gắng để bộ môn nghệ thuật này được mãi mãi lưu truyền”.
Hài trong cải lương vốn đã có từ rất lâu và là yếu tố cần thiết trong một vở cải lương. Các lớp diễn hài, mùi, độc, lẳng từ xưa vốn kết hợp hài hòa trong mỗi vở cải lương. “Phần lớn những quái kiệt, danh hài nổi danh từ trước như Bảo Quốc, Tư Rọm, Trần Văn Trạch, Ba Vân, Văn Chung… đều xuất thân từ cải lương. Tôi nghĩ dù ở sân khấu nào thì cải lương nên đến gần bạn trẻ hơn nữa qua các chương trình hài. Ngũ Sắc ấp ủ dự tính tìm một sân khấu diễn định kỳ hằng tháng, phát triển các tiểu phẩm cải lương hài để đi đường dài hơn, đậm chất cải lương hơn”, Tô Thiên Kiều cho biết.
Chính vì sự tìm tòi, sáng tạo trong khâu sản xuất, kịch bản, cũng như phát hiện nhiều nhân tố mới, các chương trình hài thuần Việt đang kỳ vọng khán giả bớt đi sự nhàm chán mỗi khi đến với các sô hài.
Ông Nguyễn Thanh Phú (Giám đốc Jet Studio, đơn vị sản xuất các chương trình hài như Làng hài mở hội, Tiếu lâm tứ trụ…) đúc kết cách làm hài hiện nay: “Bên cạnh các nghệ sĩ tên tuổi được yêu thích thì việc giới thiệu những gương mặt mới cũng là cách “cân bằng” một game show mới. Dù là gương mặt nghệ sĩ cũ hay mới, có tên tuổi hay triển vọng, điều mà chúng tôi mong muốn vẫn là mang đến những món ăn tinh thần bổ ích, vui vẻ, hài hước, chứa đựng tình cảm gia đình, tình người”.
Trí Nam