“Nghi án” tranh Bùi Xuân Phái 2,3 tỉ đồng là giả
Việc bức tranh Phố cổ Hà Nội của Bùi Xuân Phái được đấu giá 102.000 USD trong một buổi gây quỹ từ thiện hôm 22-10 bị “tố” là tranh giả khiến dư luận thêm một phen sững sờ.
“Nghi án” tranh Bùi Xuân Phái 2,3 tỉ đồng là giả
Việc bức tranh Phố cổ Hà Nội của Bùi Xuân Phái được đấu giá 102.000 USD trong một buổi gây quỹ từ thiện hôm 22-10 bị “tố” là tranh giả khiến dư luận thêm một phen sững sờ.
Bức tranh Phố cổ Hà Nội của Bùi Xuân Phái được đấu giá |
Được giới thiệu là “kiệt tác” của Bùi Xuân Phái, bức tranh Phố cổ Hà Nội khổ 55x72cm bán được 102.000 USD (gần 2,3 tỉ đồng), cao nhất buổi đấu giá tranh từ thiện diễn ra đêm 22-10 tại GEM Center (TP.HCM).
Tuy nhiên, họa sĩ Bùi Thanh Phương – con trai của danh hoạ Bùi Xuân Phái – lên tiếng “tố” đó không phải là tranh của cha ông.
Hoạ sĩ Bùi Thanh Phương cho hay cha ông chưa từng vẽ bức tranh nào như thế và khẳng định bức tranh không phải tranh nhái mà hoàn toàn là một bức được người khác vẽ giả tranh của cha ông.
Không thấy Phái trong tranh Bùi Xuân Phái
Khi được hỏi có khả năng đó là một bức tranh của Bùi Xuân Phái thuộc một nhà sưu tập khác mà ông chưa từng biết hay không, hoạ sĩ Bùi Thanh Phương khẳng định:
“Thật ra giới sưu tập trong nước hiện nay cỡ từ năm đến sáu người thôi. Ai giữ bức tranh nổi tiếng của danh họa nào, tất thảy đều được ghi vào trong trí nhớ. Cho nên tôi khẳng định là không có sự “xuất hiện bất ngờ” nào cho một bức tranh của cha tôi như vậy!”.
Chúng tôi liên hệ với ông Bùi Quốc Chí, chủ gallery Đức Minh, ông khẳng định một lần nữa rằng chính ông sở hữu bức tranh, đúng như thông tin đưa ra trước buổi đấu giá.
Khi đặt vấn đề về dư luận cho rằng đó là bức tranh Bùi Xuân Phái giả, ông Chí chỉ trả lời ngắn gọn:
“Tôi tôn trọng những ý kiến được đưa ra xung quanh bức tranh. Nhưng tôi khẳng định một điều rằng đó là bức tranh thật, tôi chịu trách nhiệm hoàn toàn với ban tổ chức buổi đấu giá về điều đó!”.
Trong khi người nhà và người sở hữu tranh Bùi Xuân Phái còn tranh cãi về nguồn gốc bức tranh, thì các họa sĩ cũng “vào cuộc” phân tích với đầy nỗi nghi ngờ.
Họa sĩ Nguyễn Thanh Bình bày tỏ quan điểm trên trang cá nhân:
“Không cần anh Bùi Thanh Phương lên tiếng, những ai trong nghề lâu năm đều thấy nó là giả. Dễ thấy nhất là các nét contour (đường viền quanh hình) của Phái không bao giờ đều đặn, thẳng thớm như thế. Người nhái bức tranh này hoàn toàn không hiểu tình cảm và bút pháp của Phái khi vẽ những mái nhà “xiêu vẹo”.
Cái xiêu vẹo, lô xô của Phái là ngẫu hứng có chủ ý, bằng tay nghề điêu luyện, đường contour của bác dày dặn và tình cảm. Nét vẽ tình cảm không “tô”, không “kẻ”… Nó “đi” một cách tự nhiên, “luyến láy” tự nhiên nhưng có chủ đích.
Hơn nữa, “…mái ngói thâm nâu…” của phố cổ Hà Nội in sâu trong tâm hồn người Hà Nội, nó là màu thời gian đi theo người nghệ sĩ, vì vậy nó không phải là màu nâu đỏ (như trong bức tranh).
Người nhái bức tranh này chẳng những không có tình cảm gì với Hà Nội mà còn không hiểu gì về bút pháp của nghệ sĩ”!
Ý kiến của họa sĩ Nguyễn Thanh Bình nhận được nhiều sự chia sẻ của giới chuyên môn, khi cảm giác chung của họ là không “tìm thấy” Phái trong bức tranh được giới thiệu là của Bùi Xuân Phái này.
Và bởi lẽ, từ trước đến nay không tên tuổi hoạ sĩ nào bị mượn cho những bức tranh giả, tranh nhái nhiều hơn họa sĩ Bùi Xuân Phái. Thậm chí, trong giới còn truyền nhau câu nói vui là: “Khi chết, ông Phái còn “vẽ” nhiều hơn lúc ông sống!”.
Cẩn trọng thẩm định tranh trước khi đấu giá
Thẩm định để đấu giá tranh của một danh hoạ như Bùi Xuân Phái cần phải làm hết sức cẩn trọng. Nhà báo Nguyễn Trọng Chức – trưởng ban lý luận phê bình Hội Mỹ thuật TP.HCM – chia sẻ:
“Bất cứ cuộc đấu giá tranh nào, nếu hoạ sĩ không còn sống, hoặc hơn nữa là tranh “có vấn đề” như hoạ sĩ Bùi Xuân Phái… thì việc xét duyệt tranh phải hết sức cẩn trọng.
Nếu chưa lập được hội đồng chuyên môn thẩm định vẫn có thể mời đội ngũ tư vấn như người nhà của hoạ sĩ quá cố, các hoạ sĩ am hiểu.
Ai cũng biết tranh Bùi Xuân Phái ở nước ngoài bị rớt giá thê thảm vì những xìcăngđan tranh giả, đến nỗi các sàn đấu giá “cạch mặt”, không đụng tới.
Cho nên, tôi cho rằng ở bất cứ cuộc đấu giá nào thì các ban tổ chức phải hết sức cẩn trọng trong khâu thẩm định tranh”.
Thiết nghĩ, với những ồn ào đang xảy ra, đây phải là một kinh nghiệm cho những đợt đấu giá tranh sau này. Với nền mỹ thuật Việt Nam, dư chấn của cuộc triển lãm “bộ sưu tập” tranh giả của các danh họa hồi tháng 6 ở Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM vẫn còn.
Giờ đây, đến lượt một bức tranh của Bùi Xuân Phái được công khai đưa vào một cuộc đấu giá từ thiện tiếp tục bị đặt vào “nghi án” tranh giả.
Không phải bảng hòa sắc của bậc thầy Họa sĩ Đỗ Phấn cho rằng bức tranh Phố cổ Hà Nội được cho là của Bùi Xuân Phái đấu giá thành công mức gần 2,3 tỉ đồng lộ ra những điểm nghi vấn sau: – Về mặt hình hoạ, cấu trúc phố cổ đương nhiên không chỉ là quan sát đơn thuần của một người qua đường. Với ông Phái, người sống và vẽ suốt đời trong những con phố cổ ấy đã thuộc nằm lòng cấu trúc của từng ngôi nhà, mặt phố. Cao hơn một bậc, ông chủ động vẽ nên hình dáng của phố bằng cảm xúc chân thật của mình để tạo ra nét rất riêng biệt. Với hình vẽ trong tranh là một con phố có đường chân tường thẳng đuột chạy ngang tranh. Điều này dù được lấp liếm bằng những nhát trát màu rất Bùi Xuân Phái nhưng đã lộ ra một quan sát nông cạn hời hợt, chẳng Phái tí nào. Nắm được cấu trúc một ngôi nhà phố cổ sẽ không một ai thể hiện rất mập mờ những mái vẩy (vải hay tôn?) bên dưới mái ngói. Ông Phái lại càng không. Có vẻ như người vẽ giả bức tranh này còn không đọc ra nổi những mái vẩy do ông Phái vẽ. Họ vẫn tưởng đó là trán ngôi nhà cổ. Và vẽ nó liên kết với bức tường đứng bên dưới như vậy. – Về hòa sắc, thoạt trông có vẻ như đây chính là bảng hoà sắc quen thuộc của ông Phái. Nhưng không phải. Màu xám trầm tràn lan không chuyển sắc độ, rất nghèo nàn, không bao giờ là hoà sắc của một bậc thầy. Những vết hoen trên đầu hồi nhà chứng tỏ một tay nghề vụng, rụt rè khi chép lại tranh ông Phái. Phần mái ngói có màu đỏ tươi như vậy cũng không phải quan niệm của ông Phái về màu sắc. |
>> Video: Nhà chuyên môn bày tỏ ý kiến về nạn tranh giả, tranh nhái ở Việt Nam:
Thực hiện: Phòng Truyền hình Tuổi Trẻ