TP.HCM lo bị cắt 80.000 tỉ đồng
Các cơ quan chức năng và chuyên gia kinh tế lo lắng TP.HCM sẽ không còn đủ nguồn để tái đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng đang rất bức thiết.
TP.HCM lo bị cắt 80.000 tỉ đồng
Các cơ quan chức năng và chuyên gia kinh tế lo lắng TP.HCM sẽ không còn đủ nguồn để tái đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng đang rất bức thiết.
Nhiều dự án chống ngập, hạ tầng của TP.HCM có thể bị ảnh hưởng nếu TP bị cắt giảm ngân sách. Trong ảnh: nước mưa đẩy tung nắp cống trên đường Võ Văn Ngân, Q.Thủ Đức, TP.HCM -Ảnh: Q.ĐỊNH |
Một quan chức ngành tài chính khẳng định: nếu ngân sách được giữ lại tiếp tục giảm thì đầu tư của TP.HCM sẽ bị ảnh hưởng trước hết đối với các công trình chống ngập nước và giảm ùn tắc giao thông.
Theo tính toán, 1% ngân sách TP.HCM những năm gần đây khoảng 17.000 tỉ đồng. Nếu giảm 5% thì TP.HCM sẽ mất khoảng 80.000 tỉ đồng.
Công trình hạ tầng dang dở
Trước thông tin có phương án giảm tỉ lệ thu ngân sách TP.HCM được giữ lại từ 23% còn 18%, ông Bùi Xuân Cường, giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM, khẳng định hiện trên địa bàn TP có một số điểm “nóng” ùn tắc giao thông như khu vực Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái, ảnh hưởng rất lớn đến lưu thông hàng hóa.
Có đầu tư hạ tầng mới giải tỏa được ùn tắc giao thông ở những khu vực này, tạo nguồn thu ngân sách cho trung ương và TP.
Nếu cắt giảm thì đầu tư công theo kế hoạch 5 năm sẽ bị ảnh hưởng, phá vỡ dự kiến ngân sách, ảnh hưởng đến nguồn thu lâu dài của TP và cả trung ương.
“Với 23% nguồn thu được giữ lại mà nguồn vốn ngân sách mới đáp ứng 30% so với nhu cầu phát triển mạng lưới giao thông theo quy hoạch. Nếu giảm tiếp sẽ rất khó khăn” – ông Cường nói.
Theo một quan chức ngành tài chính TP.HCM, chống ngập và giảm ùn tắc giao thông là hai vấn đề ảnh hưởng sát sườn đến đời sống của người dân, hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp và sức cạnh tranh của TP.
Đặc biệt, ùn tắc và ngập nước đã ảnh hưởng đến sân bay Tân Sơn Nhất – cửa ngõ giao thương quốc tế lớn của miền Nam.
Vị này phân tích: các công trình giảm ùn tắc giao thông và chống ngập đòi hỏi sự đồng bộ. TP.HCM đã cắt giảm chi tiêu thường xuyên hết mức, nên khi ngân sách giảm thêm thì TP buộc phải giảm đầu tư các công trình.
Anh Trần Ngọc Thiện – 28 tuổi, công dân TP.HCM – thẳng thắn nhận thấy “không công bằng cho TP”.
Theo anh Thiện, khi nghe chủ trương cắt giảm ngân sách cho TP, anh đã hình dung ra tương lai đầy khó khăn đối với TP.
Vẫn biết TP.HCM có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển, nhưng TP đã cố gắng hoàn thành mọi chỉ tiêu phát triển và nộp ngân sách.
Anh Thiện lo nếu bây giờ số tiền để lại cho TP ít quá, không đủ chi cho đầu tư phát triển không chỉ gây khó khăn cho TP mà còn dẫn đến khó khăn chung của cả nước. Do đó anh Thiện mong trung ương sẽ xem xét lại điều này.
Chuyên gia kinh tế – TS Đinh Thế Hiển nêu TP.HCM đang rất cần nguồn ngân sách để chủ động đầu tư các công trình hạ tầng kết nối.
Ông Hiển ví dụ đang rất cần kết nối giữa quận 2, quận 9 qua Nhơn Trạch đi Vũng Tàu, chỉ vài năm nữa có thể xong.
Nhưng nếu bây giờ siết ngân sách thì TP phải ngưng lại, vuột cơ hội thu hút đầu tư và không nâng được hiệu quả sử dụng nguồn vốn.
Mất sức cạnh tranh
Chủ tịch UBND một quận của TP.HCM cho rằng nếu trung ương thu ngân sách của TP quá lớn, tức đã thu vào quỹ tái đầu tư địa phương.
Dẫn chứng chuyện đầu tư đường sắt đô thị: 10km đường sắt tốn khoảng 1 tỉ USD, tức khoảng 22.000 tỉ đồng.
Một năm TP có thể đầu tư 10km đường sắt và 10 năm sẽ đầu tư được 100km đường sắt, giải quyết được căn cơ nạn ùn tắc giao thông.
Tuy nhiên, do khoản giữ lại ít nên TP phải đi vay để đầu tư và tương lai phải trả món nợ khá lớn.
TS Đinh Thế Hiển nêu quan điểm các tỉnh nghèo không nên dựa quá nhiều vào bầu sữa ngân sách, chờ hỗ trợ (nhiều tỉnh nhận hỗ trợ xây dựng những công trình chưa cần thiết như tượng đài, nhà văn hóa cho hết ngân sách đã được phân bổ).
TP.HCM lâu nay được đánh giá có sức thu hút vốn xã hội hoá lớn, nên nhiều người nghĩ cắt ngân sách sẽ thu hút từ các nguồn khác nhiều hơn.
Nhưng việc sử dụng xã hội hóa nguồn vốn tràn lan sẽ dẫn đến mất sức cạnh tranh của TP.HCM. Cạnh tranh ở đây không phải với các tỉnh, TP khác mà với các nước trong khu vực.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM Bùi Xuân Cường cho rằng: TP có nhiều điều kiện để thu hút nguồn vốn xã hội hoá, nhưng đối với các công trình hạ tầng không thể áp dụng phương thức BOT tràn lan.
Cần cho TP.HCM cơ chế riêng
PGS.TS Nguyễn Minh Hòa (Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) nhấn mạnh lẽ ra TP phải được tăng ngân sách thay vì cắt giảm.
Ông Hòa đánh giá việc cắt giảm tỉ lệ ngân sách mà TP.HCM được giữ lại từ 23% xuống 18% là rất lớn và nhóm bị ảnh hưởng đầu tiên sẽ là nhóm an sinh xã hội.
“Tôi cho rằng trung ương nên có tư duy phát triển hơn là tư duy tận thu. Thay vì chỉ cho giữ lại 23% thì phải tăng thêm cho TP.HCM, như cỡ 30%. Bởi TP.HCM là nơi sinh ra tiền cho cả nước thì phải nuôi TP để làm ra được nhiều tiền hơn” – ông Hòa nói.
Theo ông Bùi Xuân Cường, nếu cắt giảm ngân sách của TP thì ngân sách trung ương cần hỗ trợ thêm cho TP những công trình cụ thể.
Hoặc phải đồng ý cho TP cơ chế riêng, đột phá thật sự trong phát triển về hạ tầng giao thông và chống ngập để TP chủ động trong đầu tư các công trình theo danh mục.
Ví dụ như tự quyết định chọn nhà đầu tư, rút ngắn quy trình lựa chọn nhà thầu, tiến độ đầu tư…
Không chỉ riêng TP.HCM, Bình Dương cũng bị cắt giảm tỉ lệ ngân sách được để lại.
Ông Trần Văn Nam – bí thư Tỉnh ủy – kiến nghị rằng những địa phương sử dụng nguồn vốn hiệu quả, có đóng góp ngân sách lớn rất cần cho những cơ chế thí điểm, linh động để thu hút nguồn lực khác (từ doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài…) bù đắp những khó khăn từ việc bố trí nguồn vốn ngân sách.
Ông NGUYỄN THÀNH TÀI (nguyên phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM): Nghịch lý giữa Hà Nội và TP.HCM! Đầu tư cho TP.HCM là đầu tư cho sự phát triển của cả nước, bởi quy mô kinh tế của TP chiếm đến 22% tỉ trọng GDP của cả nước, đóng góp tới 31% ngân sách quốc gia. Do đó nếu có thêm cơ hội về cơ chế chính sách, cần tạo điều kiện cho TP phát triển về mọi mặt, trong đó có việc giữ ổn định mức điều tiết 23% hiện nay trong ít nhất là 5 năm. Điều này cũng giúp phần điều tiết chung về ngân sách quốc gia sẽ ngày càng lớn hơn. Ngân sách năm 2016 của TP dự kiến thu được trên 300.000 tỉ đồng, phần để lại 23% đã không đủ đáp ứng cho nhu cầu chi tiêu, nhất là chi đầu tư phát triển. Thử xem con số chi đầu tư toàn xã hội trong 9 tháng đầu năm 2016 của TP hơn 215.000 tỉ đồng thì phần ngân sách nhà nước chỉ có gần 13.000 tỉ đồng, quá nhỏ! Do vậy nếu năm 2017 giao chỉ tiêu thu xấp xỉ 367.000 tỉ đồng mà điều tiết còn 18% thì chỉ đủ tiền chi cho tiêu dùng. Thực tế TP.HCM thu càng nhiều thì phần để lại càng ít, trong lúc Hà Nội mức điều tiết tới 42%. Đó là nghịch lý! |
Thảo luận về vấn đề ngân sách ngày 22-10, nhiều đại biểu của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM bày tỏ lo lắng khi tỉ lệ ngân sách TP.HCM được giữ lại sẽ giảm từ 23% xuống 18% (không phải 17% như Tuổi Trẻđã đưa ngày 23-10) trong giai đoạn 2017 – 2020. |