25/12/2024

Con trẻ đánh nhau, 
không phải chuyện trẻ con

Lâu nay, khi các vụ bạo lực học đường xảy ra, người ta thường nghĩ đến các em học sinh từ cấp 2 trở lên mà ít ai nghĩ rằng bạo lực học đường vẫn có thể xảy ra ngay ở cấp tiểu học.

 

Con trẻ đánh nhau, 
không phải chuyện trẻ con

Lâu nay, khi các vụ bạo lực học đường xảy ra, người ta thường nghĩ đến các em học sinh từ cấp 2 trở lên mà ít ai nghĩ rằng bạo lực học đường vẫn có thể xảy ra ngay ở cấp tiểu học. 

 

 

 

aĐiều trên vô tình dẫn đến những hậu quả khó lường.

Vậy có sự khác biệt gì về các câu chuyện bạo lực ở học sinh tiểu học với học sinh cấp học lớn hơn? Liệu chúng ta có cần can thiệp sớm để ngăn ngừa tình trạng này không, hay cứ để trẻ con tự giải quyết mâu thuẫn của chúng một cách bản năng?

Đây là vấn đề hầu hết các bậc phụ huynh và thầy cô quan tâm, nhưng không phải ai cũng tìm được câu trả lời. Dưới góc độ tâm lý, xin đề cập một số khía cạnh về cả nguyên nhân cũng như đề xuất các biện pháp nhằm ngăn chặn bạo lực học đường ngay từ học sinh tiểu học.

Bạo lực có thể khởi nguồn từ gia đình

Học sinh cấp 1 với lứa tuổi từ 6-10 tuổi. Ở tuổi này các bé được tham gia vào các mối quan hệ với thầy cô và bạn bè. Các bé cũng hình thành những tính cách cá nhân, trong đó có một số bé lớn hơn dễ mắc phải tâm lý đại ca, có bé thích bắt nạt những bạn học khác.

Nhất là từ 9-10 tuổi, các bé hình thành những nhóm bạn không chính thức, có tâm lý kéo bè, kéo cánh (theo cảm tính) nên khi nảy sinh các sự việc dễ có tâm lý lây lan, thậm chí còn có nhiều dấu hiệu phản ứng tập thể như đánh hội đồng, chia rẽ nhóm bạn…

Đặc biệt, một số học sinh còn được cha mẹ trang bị cho điện thoại di động nên các em cũng coi đó là công cụ quay phim, chụp ảnh, thậm chí còn có thể tung lên mạng.

Chia sẻ về điều này, TS giáo dục Nguyễn Minh Thức (ĐH Nguyễn Huệ) cho rằng: “Tuổi tiểu học mà sớm có hành vi bạo lực thì lớn lên dễ có khuynh hướng bạo lực nếu không được kịp thời ngăn chặn, điều chỉnh”.

TS Thức nhấn mạnh: “Các em hay có hành vi bạo lực ngay từ tiểu học thì cần xem xét nguyên nhân sâu xa từ gia đình. Có thể chính cha mẹ các em thường xuyên có hành vi bạo lực hoặc các em hay bị người lớn đánh đập”.

Kịp thời ngăn chặn

Những trận đánh nhau của con trẻ không thể xem nhẹ đó là trò của trẻ con. Bởi mầm mống ở tuổi nhỏ có thể để lại hậu hoạ lớn. Do đó, những người làm cha làm mẹ và các bậc thầy cô nên dồn tâm sức giải quyết vấn đề đến nơi đến chốn.

Đóng vai trò quan trọng là các bậc thầy cô bởi nhà trường là nơi con trẻ dễ liên kết tạo bè nhóm với nhau. Do đó, thầy cô cần giúp trẻ hiểu hành vi bạo lực nói chung cũng như đánh hội đồng nói riêng là hành vi vi phạm đạo đức, vi phạm quy định của nhà trường, có thể ảnh hưởng đến bản thân học sinh sau này và những người xung quanh.

Nếu không may xảy ra chấn thương, trẻ bị đánh phải nhập viện và trẻ đánh bạn bị kỷ luật. Một giải pháp để ngăn chặn nguy cơ đại ca học đường chính là việc nhà trường cần thường xuyên tổ chức các hoạt động lành mạnh, các hoạt động hướng đến hình thành những kỹ năng sống cho các em như: kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng kiềm chế cảm xúc cho trẻ, kỹ năng hòa đồng, kỹ năng hợp tác tập thể, kỹ năng phòng vệ…

Cần phân tích cho các bé hiểu: khi bạn bị nạn thì phải giúp đỡ, chẳng hạn khi bạn đánh nhau cần can ngăn kịp thời hoặc báo giáo viên để giải quyết. Việc tham gia đánh hội đồng là không được làm.

Quan trọng nữa là ở nhà cha mẹ không nên xung đột trước mặt con. Bởi bạo lực dễ sinh ra bạo lực, cha mẹ có hành vi bạo lực thì con cái sau này cũng dễ có hành vi bạo lực.

Đồng thời, cha mẹ không nên cho con dùng điện thoại đối với lứa tuổi này. Khi ý thức và sự kiểm soát bản thân còn hạn chế, việc dùng điện thoại không có lợi ích, thậm chí có thể gây ra những mối nguy hại.

Có thể nói, ngăn ngừa bạo lực từ tiểu học là việc làm cần thiết. Tạo môi trường lành mạnh và các hoạt động bổ ích ở nhà trường, giáo dục bằng lòng nhân ái, trách nhiệm và sự đối xử khéo léo, khoa học sẽ là biện pháp gốc rễ ngăn ngừa được bạo lực và nguy cơ bạo lực ở con trẻ.

Khi các vụ bạo lực xảy ra cần xác định mức độ cụ thể để có biện pháp ngăn ngừa phù hợp. Một số nhà giáo dục xác định một số mức độ cụ thể sau:

a. Đánh nhau ngẫu nhiên (do nô đùa, xô ngã, phản ứng tự vệ…).

b. Từ chuyện cãi cọ nhất thời, rồi to tiếng, văng tục, chửi bậy dẫn đến đánh nhau.

c. Đánh nhau do chế giễu, trêu chọc khiến bạn nổi khùng dẫn đến ẩu đả.

d. Hành vi đánh nhau để tìm cách làm hại bạn một cách có mục đích, có tổ chức (ghi hình đe dọa, tống tiền, rình rập trả thù…).

đ. Đánh bạn như một sự khoái cảm với những lý do lãng xẹt.

e. Hành hạ theo kiểu nhục hình.

Trong các mức độ trên thì nhóm a, b, c giáo viên chỉ cần nhắc nhở, phê bình khéo léo là có thể ngăn ngừa hiệu quả. Còn đối với nhóm d, đ, e nhất định phải giúp cho học sinh biết nhận lỗi một cách tự giác, biết xin lỗi và biết chuộc lỗi đối với người khác.

THS NGUYỄN VĂN CÔNG