27/12/2024

Học nội trú để giảm ngồi nhầm lớp

Quy hoạch lại mạng lưới trường lớp, đưa học sinh ở các điểm lẻ về học nội trú tại điểm trường chính để nâng cao chất lượng dạy học, là một trong những nhiệm vụ ngành GD-ĐT thực hiện trong thời gian tới.

 

Học nội trú để giảm ngồi nhầm lớp

Quy hoạch lại mạng lưới trường lớp, đưa học sinh ở các điểm lẻ về học nội trú tại điểm trường chính để nâng cao chất lượng dạy học, là một trong những nhiệm vụ ngành GD-ĐT thực hiện trong thời gian tới.




 

 

Giờ đọc sách của học sinh một trường tiểu học H.Bát Xát, tỉnh Lào CaiẢNH: TUỆ NGUYỄN

 

Trong hai ngày 16 – 17.10, ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, đã đến một số trường, điểm trường khó khăn nhất của Lào Cai đồng thời chủ trì một hội thảo với lãnh đạo sở GD-ĐT các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Yên Bái… để tìm hiểu tình hình thực tế về việc thực hiện quy hoạch mạng lưới trường lớp của một tỉnh miền núi có quá nhiều điểm lẻ, từ đó có chỉ đạo và ban hành chính sách sát với thực tiễn và có tính khả thi cao.
Ở xa trường tới 15 km
Theo đề án Quy hoạch mạng lưới trường, lớp học của UBND tỉnh Lào Cai, mục tiêu của việc chuyển học sinh (HS) từ điểm lẻ về điểm chính nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập của mạng lưới trường, lớp trong giai đoạn vừa qua, đặc biệt là trong điều kiện của một tỉnh miền núi vùng cao, mạng lưới còn phân tán, nhiều điểm trường lẻ. Hiện toàn tỉnh có 1.486 điểm trường lẻ; số lớp ở điểm trường lẻ chiếm 53,4% nhưng số HS ở điểm trường lẻ chỉ chiếm 38,7%. Nhiều trường có quy mô nhỏ, manh mún, đầu tư dàn trải, khó tập trung nguồn lực để chuẩn hoá, hiện đại h trường, lớp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, cho biết đã đầu tư hơn 600 tỉ đồng để sắp xếp lại quy mô trường lớp, trong đó dành 240 tỉ để làm nhà ở cho HS, giáo viên (GV). Theo ông Lê Đức Minh, Chủ tịch UBND xã Ba Treo, H.Bát Xát, Lào Cai, hiện có những HS tiểu học nhà ở xa điểm trường chính tới 15 km nhưng gia đình vẫn đồng thuận cho con về học nội trú tại trường sau khi thấy con học hành tiến bộ hơn, lại được trường lo việc ăn ở, học tập hoàn toàn miễn phí.
Chủ tịch UBND H.Bát Xát cũng cho biết có những thôn bản chỉ có 3, 4 HS lớp 4, 5 sau khi dồn về điểm chính thì chất lượng giáo dục được nâng lên rõ rệt, khắc phục tình trạng HS ngồi nhầm lớp.
 
 
Nợ chuẩn quốc gia !

Một số địa phương đã đề xuất Bộ cần xem xét lại quy định về trường chuẩn quốc gia riêng với khu vực khó khăn để tăng tính khả thi trong quá trình thực hiện. Ông Hoàng Đức Minh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Lai Châu, nêu thực tế: Lai Châu hiện có 96 trường đạt chuẩn quốc gia nhưng cả 96 trường này đều đang nợ một số tiêu chuẩn về cơ sở vật chất. Lãnh đạo Sở GD-ĐT đã từng phải giải thích với HĐND tỉnh khi có ý kiến cho rằng, các trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia như vậy là “bệnh thành tích” vì chưa đạt yêu cầu. Để đầu tư đủ nhà đa năng hay 5 phòng chức năng… như quy định chung về trường chuẩn quốc gia đối với các trường vùng sâu, vùng xa là điều rất khó thực hiện.

 

Ông Nguyễn Anh Ninh, Giám đốc Sở GD-ĐT Lào Cai, cho rằng ở điểm lẻ HS chịu rất nhiều thiệt thòi, nhất là khi ngày càng đề cao mục tiêu giáo dục toàn diện. HS ở điểm lẻ chủ yếu chỉ học 2 môn tiếng Việt và toán còn các môn như: tin học, ngoại ngữ, mỹ thuật, thể dục… dù có trong chương trình bắt buộc nhưng không có GV dạy, nên hầu như không được học.

Lúc đầu thí điểm thực hiện với HS lớp 4, 5 về các điểm chính trọ học, người dân phản đối vì HS tiểu học còn nhỏ nhưng sau khi thấy con mình được nuôi ăn học tốt hơn hẳn nên người dân đã đồng thuận.
Còn ông Vũ Văn Sử, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Giang, thì cho rằng không chuyển HS về điểm trường chính một cách nóng vội, nơi nào phụ huynh đồng thuận và đảm bảo điều kiện mới thực hiện. “Dứt khoát không làm nếu việc dồn dịch ấy để lại hệ lụy cho HS”, ông Sử khẳng định.
Ông Hoàng Đức Minh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Lai Châu, cho biết tỉnh này thực hiện việc dồn bắt đầu từ năm 2011 đối với HS từ lớp 3 trở lên. Sở GD-ĐT Yên Bái thí điểm từ năm học này với những nơi đủ điều kiện…
Lo ngại không quản lý xuể
Theo ông Vũ Văn Sử, vì chất lượng nên cố gắng đưa HS về học nội trú, nhưng khó khăn để thực hiện lại quá nhiều. Nuôi ăn học tại chỗ cho hàng chục ngàn HS thì phải có lớp, có chỗ ở, bếp ăn, có nhân viên phục vụ… Trong khi đó, không có biên chế cho các vị trí này nên các trường phải cắt cử GV tham gia nấu ăn, quản lý HS ngoài giờ.
Ông Hoàng Đức Minh cho biết thiếu rất nhiều thứ: cơ sở vật chất, nhà ở cho HS, nhà ăn, bếp nấu, nước sạch sinh hoạt… nên có nơi dân đến trường xin cho con được về điểm trường trung tâm từ lớp 1 nhưng chưa thể đáp ứng được.
Ông Luyện Hữu Chung, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Yên Bái, cho rằng hiện nay các trường không có vị trí việc làm cho nhân viên y tế, tổ chức nội trú cho HS, sinh hoạt tại trường 24/24 mà không có nhân viên y tế, không có nhân viên quản sinh… là rất bất cập. “Có trường hơn 900 HS nên nếu không có người chăm sóc sức khoẻ hay quản lý HS là rất đáng lo ngại”, ông Chung nói.
Cô Nguyễn Thị Huệ, GV Trường liên cấp Tòng Sành, H.Bát Xát cho biết GV có thêm nhiều việc ngoài chuyên môn, nhiệm vụ của mình. Ngoài giờ dạy, GV thay phiên nhau trực quản lý HS. Với HS cấp THCS, lứa tuổi mà tâm sinh lý biến đổi mạnh, việc quản lý HS không hề đơn giản, cần phải rất sát sao và phải hiểu được tâm lý của các em để giải quyết các tình huống phát sinh. Cô Huệ cũng đề nghị, về lâu dài, GV ở các trường này cần được hỗ trợ chế độ như ở các trường nội trú.
Tránh tình trạng làm ào ào

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết Lào Cai là tỉnh đầu tiên và Bộ sẽ tiếp tục khảo sát thực tế quy hoạch, sắp xếp lại trường lớp ở các tỉnh miền núi phía bắc nhằm lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của HS, GV và người dân. Bộ sẽ có những chính sách thiết thực hơn đối với giáo dục vùng khó thực tế hơn, gần với điều kiện dạy và học hơn để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các nhà trường. Tuy nhiên, ông Nhạ cũng cho rằng xây dựng hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, trường nào ra trường ấy, có điều kiện thật tốt cho việc dạy học, ăn ở của thầy và trò nhưng tránh tình trạng làm ào ào, mạnh địa phương nào địa phương ấy làm, phá vỡ chủ trương, quy hoạch gây bức xúc trong xã hội như một số địa phương đã làm trong thời gian vừa qua. Ông Nhạ cũng đặc biệt lưu ý, trong quá trình rà soát chuyển dịch HS, các địa phương không tiến hành cơ học, nơi nào dân chưa đồng thuận, điều kiện chưa sẵn sàng thì dứt khoát không làm.


 

Tuệ Nguyễn