Các bức ảnh Hà Nội của nguyên Phó đại sứ Anh tại VN chụp cách đây 30 năm, cộng với chú thích như những câu chuyện của nhà sử học Dương Trung Quốc đã trở thành nguồn sử liệu quý về thành phố.
Hà Nội 1980 trong mắt nhà ngoại giao Anh
Các bức ảnh Hà Nội của nguyên Phó đại sứ Anh tại VN chụp cách đây 30 năm, cộng với chú thích như những câu chuyện của nhà sử học Dương Trung Quốc đã trở thành nguồn sử liệu quý về thành phố.
Khi ông John Ramsden được điều tới công tác tại Hà Nội vào năm 1980, trong bản mô tả công việc mà ông nhận được có thông báo nên chuẩn bị tinh thần rằng không thể mua được gì tại Hà Nội, ngoại trừ thực phẩm tươi sống. Ông cũng được nhắc nên mang theo nhu yếu phẩm đủ để dùng trong 3 tháng. Cộng đồng người nước ngoài ở Hà Nội khi đó, theo ông, còn rất nhỏ. Nhưng thư từ của ông viết để tả cuộc sống ở đây vẫn giàu hình ảnh. Ông mô tả từ chiếc chổi mà những lao động được thuê tự làm để quét vôi cho sứ quán. Rồi cuối ngày, khi hai cô thợ quét vôi thay đồ trở về thì trông họ xinh đẹp trong bộ áo cánh trắng, nón lá và mái tóc đen dài ngang vai ra sao. “Rõ ràng là tôi đã phải lòng thành phố này rồi”, ông John nhớ lại thời điểm đầu tiên đó.
Ông John Ramsden ở VN 3 năm trên cương vị Phó đại sứ. Quãng thời gian đó, do công việc, ông qua lại Thái Lan 3 tháng một lần. Đôi khi ông rất mong tới hạn 3 tháng đó vì ở Hà Nội lúc đó vô cùng thiếu thốn. Đặc biệt là đối với những tấm ảnh chụp về thành phố quyến rũ này, ông chỉ có thể tráng phim và rửa ảnh ở Bangkok, Thái Lan.
“Cách chụp của ông John không giống với những người đã chụp VN thời điểm đó. Cách ông ấy chụp gần với ảnh báo chí”, nhà nhiếp ảnh Hữu Bảo – một người Hà Nội gốc chia sẻ. Giờ đây, từ 1.700 bức ảnh thời đó, cuốn sách gồm 110 bức ảnh của John có tên Hà Nội một thời đã ra đời, do NXB Thế giới và Nhã Nam phát hành.
Một hiệu rút lốp ở Hà Nội
Cuốn sử bằng hình ảnh
TS Andrew Hardy, Trưởng đại diện Viện Viễn đông Bác cổ Pháp tại VN, nhận xét: “John Ramsden đã trưng bày bức chân dung của Hà Nội, mảnh đất hóa tâm hồn của ông. Những tấm hình và câu chuyện kể đã vén mở tâm tư một thời, một giai đoạn vừa đáng nhớ vừa khó đề cập trong lịch sử VN”.
Nhà sử học Dương Trung Quốc đánh giá rất cao tính sử liệu của những tấm ảnh ông John chụp. “Nó cho chúng ta thấy lại đời sống cách đây 30 năm. Những người chưa từng sống qua thời đó có thể hình dung được người ta hàn dép bằng nhựa ra sao, hay cổ áo sờn thì lộn lại thế nào. Cả về nghề rút lốp nữa”, ông Quốc nói.
“Có được cái xe đạp đã khó, mua được phụ tùng thay thế càng không dễ. Đôi khi xảy ra nghịch lý: xe đạp của mình có cỡ vành 650 mm lại được cơ quan phân phối cho cỡ lốp 680 mm, nên mới có dịch vụ rút lốp. Cắt ngắn cái đai bằng thép ở mép lốp (tanh) rồi rút ngắn cho vừa với vành. Có cả nghề đắp lốp: tận dụng lốp mòn hay tanh rách, đắp lên những miếng cao su sống rồi cho vào khuôn ép nóng để dùng tiếp”, ông Dương Trung Quốc chú thích trong cuốn sách về nghề rút lốp.
Với bức ảnh rút lốp, John thấy thú vị: “Thực sự, chỉ khi đọc chú thích của anh Quốc tôi mới hiểu đó là gì”. Có một bức ảnh khác tương tự, chụp chiếc thùng phuy lớn ở dưới có gắn vòi robine, đựng nước nóng. Theo ông Quốc, khi ấy ở Hà Nội chất đốt rất thiếu thốn nên có nghề bán nước nóng. Mỗi phố có tổ phục vụ đun nước nóng bán cho người dân. Lợi ích kinh doanh khi đó không nhiều và việc này chủ yếu là để chia sẻ khó khăn với nhau. “Thế hệ cha anh chúng tôi thường có thói quen ghi nhật ký. Có thể nói đây là cuốn nhật ký bằng hình ảnh”, ông Quốc nói.
Theo ông Quốc, cuốn sách ảnh Hà Nội này dường như là cuộc đối thoại bằng ống kính của vị quan chức ngoại giao với thành phố. Khi đó, cơ hội đối thoại giữa người nước ngoài với người trong nước là rất khó khăn. Bạn bè ông Quốc nhiều người vì hiếu khách mà bị khiển trách khi giao tiếp với người nước ngoài. Tuy nhiên, ông John chia sẻ hồi đó dù rất khó khăn về các vật dụng ảnh, song ông không bị ngăn cản khi chụp ảnh vì chỉ chụp ảnh đời thường.
Giờ đây, khi cuốn sách ra đời, Hà Nội đã thay đổi phi thường. “Nước Anh cũng thay đổi nhưng Hà Nội thay đổi gấp 4 lần Anh. Khi xưa tôi ở Hà Nội mỗi người dân chỉ mong có một chiếc xe đạp. Nhưng khi tôi trở lại VN lần đầu cách đây 3 năm thì đã thấy liền một lúc 3 chiếc Rolls Royce”, ông nói.
“Nhưng trên tất cả là cởi mở tự do. Trước đây không ai tiếp xúc với truyền thông và phương Tây thì bây giờ người dân nói tiếng Anh với khách nước ngoài trên đường rất thoải mái”, ông John Ramsden nói.